ĐT Thụy Sỹ: Đa sắc tộc, rồi... sao nữa

Kinh Thi Kinh Thi
11:34 ngày 02-07-2021
Trên nguyên tắc, tập hợp các cầu thủ thuộc những nguồn gốc khác nhau là một đặc điểm nào đó – mà không nhất thiết là ưu hay khuyết điểm về mặt chuyên môn bóng đá. Đặc điểm này chưa chắc sẽ làm cho một đội bóng mạnh lên hay yếu đi. Vấn đề ở đây: đặc điểm “đa sắc tộc” có liên quan gì đến thành công của ĐT Thụy Sỹ tại EURO này?

Một trong những câu chuyện kỳ lạ nhất trong lịch sử bóng đá Đức: theo đề nghị của nữ thủ tướng Angela Merkel, tổng thống Đức Christian Wulff đã trao cho HLV Joachim Loew và ĐT Đức những chiếc huân chương cao quý nhất mà công dân Đức có thể sở hữu, sau kỳ World Cup 2010. Đấy là giải đấu mà đội tuyển Đức được xếp thứ 3 chung cuộc.

Bất cứ ai biết xem bóng đá đều biết: dù không đến nỗi thất bại, đứng thứ 3 World Cup chẳng bao giờ là một thành công đối với đội tuyển từng 3 lần vô địch World Cup, 3 lần vô địch EURO, 6 lần về nhì ở hai giải đấu lớn (chỉ tính đến thời điểm 2010). Quá ư là “chính trị”, khi bà Merkel cố gán bằng được cái thành tích “đệ tam anh hào” kia với đặc điểm của Mannschaft tại World Cup 2010: đấy là một Mannschaft “phản ánh thật chuẩn xác xã hội Đức”. Mannschaft khi ấy gồm những cầu thủ gốc Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, TBN, Brazil, Ghana, Tunisia…, điều mà bà Merkel cho là hay ho nhất, đáng tự hào nhất. Dân ghiền bóng đá trung lập thì cười thầm: nguồn gốc tứ xứ như thế, chả trách Mannschaft phải vui mừng với vị trí số 3 World Cup!

Cầu thủ Đức là những cỗ máy chơi bóng, có kỷ luật tuyệt vời, luôn chiến đấu đến phút cuối cùng… Đấy là ưu điểm thấy rõ của bóng đá Đức nhiều thập kỷ trước (nhưng giờ đã mất). Cũng như cầu thủ Pháp hào hoa phong nhã; cầu thủ Italia phòng thủ tuyệt vời… Đấy là những trường phái bóng đá nổi tiếng nhất thế giới, mà ưu điểm của họ không đến từ sự ngẫu nhiên. Cựu HLV Cesare Maldini của đội tuyển Italia nói: “Người Ý chúng tôi thận trọng trong mọi lĩnh vực. Khi nói, chúng tôi phải nghĩ kỹ, nói ít, để không nói sai, chứ không cần nói hay. Chúng tôi chơi bóng trước tiên là để không thua”. Từ đó mới nẩy nòi khả năng phòng thủ như lẽ sống của Calcio.

Các cầu thủ Thụy Sỹ vẫn đang  đoàn kết để tiến sâu vào giải

Ngược lại, các nền bóng đá nhỏ như Thụy Sỹ làm gì có ưu điểm, sở trường, để hình thành nên một trường phái! Họ phải vay mượn. Thế nên, với các đội bóng nhỏ thì mượn được mỗi nơi một tí, đâm ra lại hay. Có đến 19 nguồn gốc khác nhau, giữa 26 tuyển thủ Thụy Sỹ tại EURO này, thành ra… cái gì cũng có. Nhìn Xherdan Shaqiri, Granit Xhaka và đồng đội chơi bóng, giới hâm mộ trung niên thấy ngay khác biệt: kỹ thuật, chiến thuật, tốc độ, cái gì cũng hay hơn so với đội Thụy Sỹ hồi mới tập tễnh chơi bóng trong kỷ nguyên hiện đại (World Cup 1994, EURO 1996…).

“Nhờ” các nguồn gốc khác nhau mà ĐT Thụy Sỹ bây giờ cải thiện được rất nhiều phẩm chất chuyên môn. Tất nhiên, được chỗ này thì lại mất chỗ khác. Tinh thần đoàn kết, quyết chiến đấu vì nhau, không bao giờ được xem là điểm mạnh của đội Thụy Sỹ.

Tội nghiệp cho các cây bút “salon”, đã ngớ ngẩn khen cái đội bóng đa sắc tộc, có nguồn gốc tứ xứ kia là “đoàn kết, nên thành công”. Ơ hay, đã là “tứ xứ” thì phải đi ngược với tinh thần đoàn kết, xem nhẹ màu cờ sắc áo chứ! “Cha chung không ai khóc” cơ mà! Trên thực tế, đội tuyển Thụy Sỹ dĩ nhiên luôn đồng lòng với nhau (đội bóng nào chẳng thế). Nhưng, hãy nghe này: HLV Vladimir Petkovic (cũng là dân nhập cư) đã nhiều lần năn nỉ, kêu gọi báo chí Thụy Sỹ “tha” cho thầy trò ông, đừng bàn về nguồn gốc của họ nữa.

Người ta luôn “chửi” các cầu thủ Thụy Sỹ rằng không cố gắng hết sức vì đấy không phải là đội tuyển quê hương của họ. Còn HLV Petkovic cố khẳng định: “Chúng tôi đều đã là người Thụy Sỹ và luôn cùng nhau cố gắng khi đứng trong đội tuyển Thụy Sỹ. Xin đừng mắng chúng tôi nữa”. Tuy là tập thể đa sắc tộc, nhưng các tuyển thủ Thụy Sỹ đã không đến nỗi vô trách nhiệm với nhau. Họ đã tỏ ra là một đội bóng gắn bó.

Thế là quá tốt rồi. Gặp HLV Petkovic mà lại hỏi về cái đặc điểm “đa sắc tộc” của đội Thụy Sỹ, thì dễ bị hiểu nhầm là “hỏi đểu”, coi chừng ông ta đánh chạy không kịp đấy!

Gắn bó, và hơn thế nữa!

Haris Seferovic, Granit Xhaka, Ricardo Rodriguez… đã gắn bó và hiểu rõ nhau hơn chục năm qua. Có lẽ đây mới là vốn quý rất đáng nói về đội tuyển Thụy Sỹ, thay vì cái gọi là sự đoàn kết chung chung của một đội bóng đa sắc tộc. Hồi năm 2009, các hảo thủ vừa nêu đã cùng nhau đăng quang ở giải U17 FIFA World Cup. Không chỉ gắn bó và hiểu rõ về nhau, họ còn có một sự đồng đều nhất định về tài năng nữa.

Cầu thủ Galicia tại EURO 2020

Xứ sở Galicia (TBN) không có đại diện nào được gọi vào hàng ngũ La Roja tại EURO năm nay. Tuy nhiên, vẫn có cầu thủ gốc Galicia tại EURO 2020. Trớ trêu thay, họ đang chống lại đội tuyển TBN ở vòng tứ kết. Đấy là các tuyển thủ Thụy Sỹ Ricardo Rodriguez và Loris Benito. Nhìn vào cái họ là đủ biết hai cầu thủ này có gốc gác “TBN hơn Thụy Sỹ” rồi. Số cầu thủ gốc Galicia trong đội tuyển Thụy Sỹ còn nhiều hơn trong đội tuyển TBN.

Trong tổng số 1440 CLB đăng ký hoạt động với LĐBĐ Thụy Sỹ, chỉ có 64 CLB là không có cầu thủ có nguồn gốc là di dân. Trong khoảng 283.000 cầu thủ được cấp thẻ ở Thụy Sỹ hiện nay, có hơn 50% có nguồn gốc là di dân.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x