Trước vòng knock-out EURO 2020: Làm thế nào để thắng khi đấu súng?

VCK EURO 2020 chuẩn bị bước vào vòng knock-out hứa hẹn sẽ rất căng thẳng và kịch tính. Nhiều khả năng các đội sẽ phải phân định thắng thua bằng loạt đá luân lưu. Vậy các cầu thủ cần phải chuẩn bị tâm lý như thế nào?

Đi bộ, thả lỏng cơ thể, hít thở và ghi bàn. Nghe có vẻ đơn giản phải không? Nhưng khi EURO 2020 chuẩn bị bước vào vòng đấu loại trực tiếp và với sự nguy hiểm của loạt sút luân lưu, bạn có thể chắc chắn rằng ít nhất một cầu thủ sẽ quên các nguyên tắc cơ bản của việc ghi bàn bằng một cú sút phạt từ cự ly 11 mét và khiến đội của anh ta loại.

Áp lực sẽ rất lớn khi bạn đi bộ từ vòng tròn trung tâm đến chấm phạt đền, có thể hướng tới một nhóm những CĐV đối lập cùng ánh mắt thù địch và một thủ môn oai phong. Và sau đó nghĩ về hệ quả của thất bại có thể gây ra sự thất vọng của hàng triệu người. Điều rõ ràng là nhiệm vụ này trở thành một thách thức hoàn toàn khác. Và sau đó bạn sút hỏng.

"Tôi đã có vài thập kỷ suy nghĩ kỹ về điều đó", HLV Gareth Southgate của ĐT Anh nói khi được yêu cầu nhắc lại pha sút luân lưu của ông trước ĐT Đức trong trận bán kết EURO 1996. Pha sút hỏng của ông đã chấm dứt hy vọng lọt vào trận chung kết của một quốc gia.

Southgate là tội đồ của ĐT Anh khi sút hỏng phạt đền ở EURO 1996

Roberto Baggio đã trải qua sự đau đớn tột cùng khi quả phạt đền của ông trong loạt sút luân lưu cuối cùng của World Cup 1994 giữa Italia và Brazil bay vọt xà ngang và mang về chiến thắng cho người Brazil. "Nỗi đau không bao giờ giảm đi và tôi không nghĩ nó sẽ biến mất, Baggio nói vào năm 2017. 

Cho dù loạt đá luân lưu diễn ra như thế nào hoặc có bao nhiêu quả phạt đền thành công, luôn có một cầu thủ còn bỡ ngỡ cần được đồng đội an ủi khi kết thúc trận đấu. Và đó không bao giờ là thủ môn. Thủ môn thực sự không phải chịu nhiều áp lực, trừ khi anh ta là người đảm nhận một trong các quả phạt đền.

Nhà tâm lý học Tom Young nói với ESPN: "Từ quan điểm của một thủ môn, các quả phạt đền mang lại ít trạng thái đe dọa hơn, nhiều thách thức hơn và cơ hội trở thành một anh hùng".

Eric Steele, trước đây là huấn luyện viên thủ môn của United, đồng ý với Young và nói rằng luật thay đổi, chẳng hạn như các thủ môn phải đặt một chân trên vạch vôi với VAR theo dõi chặt chẽ, đã nghiêng hẳn về tỷ lệ phạt đền có lợi cho người thực hiện. 

Steele nói với ESPN: "Đó từng là một cuộc đấu tay đôi 50-50. Nhưng tôi nghĩ bây giờ nó đã lên đến 70-30".

Cho đến nay tại EURO 2020, đã có 14 quả phạt đền được thực hiện và 12 quả trong số đó đi trúng đích, với 8 bàn thắng được ghi và 4 lần cứu thua. Ở 2 lần còn lại, Gareth Bale sút lên trời trong trận Xứ Wales gặp Thổ Nhĩ Kỳ và Gerard Moreno sút trúng cột dọc ở trận Tây Ban Nha đấu với Ba Lan. 

Bale là 1 trong 2 người sút phạt đền đi chệch khung thành tại EURO 2020

4 pha cứu thua từ 12 quả phạt trực tiếp cho thấy sự thống trị của các thủ môn. Tại World Cup 2018, 29 quả phạt đền được thực hiện và 22 quả thành công.

Steele nói: "Bây giờ có những cầu thủ như Bruno Fernandes và Marcus Rashford, những người chỉ đi tới và nhìn vào thủ môn trước khi sút bóng, đó là cách họ tự tin. Miễn là bạn tung ra cú dứt điểm với tốc độ và sức mạnh, bạn sẽ ghi bàn".

Nhưng luôn có một Southgate hay Baggio ở mọi giải đấu lớn. Vì vậy việc ghi bàn trên chấm phạt đền không đơn giản như những con số thống kê đưa ra, mặc dù họ đã dành rất nhiều thời gian trên sân tập để chuẩn bị cho những quả phạt đền thành công.

Các loạt sút luân lưu không còn may rủi nữa, với việc cầu thủ không được mong đợi chỉ đơn giản là "chọn một góc sút và đừng đổi ý", như câu thần chú thường có trước khi các bài phân tích chuyên sâu và tâm lý học xuất hiện. 

Cả người thực hiện quả phạt đền và thủ môn đều được cung cấp mọi thông tin có thể để giúp họ giành chiến thắng trong cuộc đọ sức với đối thủ. Nhưng các cầu thủ bóng đá không phải là máy tính, vì vậy vẫn luôn có lỗi xảy ra.

Steele nói: "Năm 2008, Manchester United đã sử dụng cùng một công ty của Đức với Chelsea để lấy dữ liệu về các quả phạt đền. Họ đã có hơn 16.000 quả phạt đền trên cơ sở dữ liệu của mình và chúng tôi đã trả tiền để có tất cả thông tin".

Anelka làm sai thỉ thị và bị Van der Sar cản phá ở loạt luân lưu giữa MU và Chelsea tại chung kết Champions League 2008

"Vì vậy, trong trận chung kết Champions League 2008, mọi quả phạt đền của Chelsea trong loạt đá luân lưu đều đến bên trái của Edwin van der Sar cho đến lượt sút của Nicolas Anelka. Chelsea quyết định rằng Edwin có điểm yếu bên cánh trái và mọi quả phạt đều nên đá về hướng đó. Nhưng Anelka đã đá theo hướng khác. Edwin bắt được và trở thành người hùng. Anelka trở thành tội đồ của Chelsea vì không làm đúng chỉ thị".

Đôi khi, cả thủ môn và người thực hiện đều biết quả phạt đền sẽ đi đến đâu, ngay cả trước khi quả bóng được sút đi. Vì vậy nó trở thành một trận chiến của ý chí.

Đội trưởng ĐT Anh, Harry Kane, người đã ghi 44 trong số 51 quả phạt đền trong sự nghiệp, đã không thất bại lần nào kể từ khi Arijanet Muric của Kosovo cứu thua ở vòng loại EURO 2020 vào tháng 9/2019. 

Tiền đạo của Tottenham Hotspur gần như chắc chắn là người đầu tiên trong danh sách của Southgate nếu ĐT Anh bước vào loạt luân lưu trong những tuần tới. Trong một cuộc phỏng vấn với The Times, anh thừa nhận rằng thói quen sút phạt của mình là một bí mật.

"Cách đá phạt đền của tôi không có gì đặc biệt cả" Kane nói. "Với công nghệ hiện nay, các thủ môn biết rằng một số cầu thủ có thể chạy theo cách khác nếu họ đưa nó sang bên phải so với việc đưa nó sang bên trái. Vì vậy, tôi cố gắng loại bỏ điều đó khỏi đầu mình. Nếu họ đoán đúng, tôi vẫn tự tin vì hy vọng sức mạnh và độ chính xác sẽ khiến thủ môn không thể cản phá".

Kane là một trong những cầu thủ có tâm lý vững vàng nhất của ĐT Anh khi đá phạt đền

"Tôi cảm thấy mình luôn là người kiểm soát. Tôi có thể đá vào bên trái, bên phải hoặc vào chính giữa. Tôi có thói quen giống nhau mỗi khi thực hiện một quả phạt đền. Dù đá vào góc nào thì vẫn vậy. Nó ngăn cản các thủ môn nghiên cứu tôi vì không có gì để nghiên cứu cả".

Cách tiếp cận của Kane cho thấy tâm lý khi thực hiện các quả phạt đền cũng quan trọng như kỹ thuật. Và nhà tâm lý học Young, tác giả cuốn sách "The Making of a Leader", nói rằng tất cả các cầu thủ đều có thể thành công khi tuân theo một số nguyên tắc cơ bản.

Young nói với ESPN: "Tôi nhớ một huấn luyện viên nói rằng không có ích lợi khi tập đá phạt đền vì khi bước vào trận đấu, áp lực hoàn toàn khác. Tôi yêu cầu các cầu thủ tập đi bộ trước khi sút và xem đó là một yếu tố khác trong thói quen của họ. Những cầu thủ giỏi nhất sử dụng 'đi bộ' để có lợi cho họ, nắm bắt thời điểm quan trọng và xây dựng nó thành thói quen của họ. Hãy chú ý đến bước đi của các cầu thủ và bạn sẽ thấy một số cách tiếp cận khác nhau".

Trước World Cup 2018, ĐT Anh đã thua 6 trong 7 loạt sút luân lưu. Nhiều người cho rằng họ sẽ không có cơ hội chiến thắng ở vòng loại trực tiếp nếu phải đá luân lưu. Và ở lượt thứ hai, họ đánh bại Colombia với tỷ số 5-4 trên chấm luân lưu ở Moscow.

Young nói: "Vào năm 2018, ĐT Anh có một nhà tâm lý học trong đội ngũ nhân viên hậu trường và tôi nghĩ họ đã cải thiện được khả năng đá phạt đền. Mỗi cầu thủ dường như có một thói quen nhất quán dành riêng cho họ".

ĐT Anh giành chiến thắng trước Colombia ở loạt luân lưu tại World Cup 2018 nhờ có 1 chuyên gia tâm lý trong đội

Nhà tâm lý học Geir Jordet đã kiểm tra tất cả các quả phạt đền từng được thực hiện ở EURO, World Cup và Champions League. Một trong những phát hiện là những cầu thủ quay lưng lại với thủ môn khi chuẩn bị thực hiện quả đá phạt đền có nhiều khả năng bị trượt hơn. Ngoài ra, một cầu thủ phản ứng với tiếng còi của trọng tài càng nhanh, thì khả năng họ sẽ không ghi bàn càng cao.

Jamie Carragher đã tình nguyện đá phạt đền cho ĐT Anh trong trận đấu với Bồ Đào Nha ở tứ kết World Cup 2006. Hậu vệ của Liverpool đã ghi 2 bàn trong 2 lần đá luân lưu trước đó cho câu lạc bộ Liverpool. Sau khi gây ấn tượng trong các buổi tập, anh đã được chọn và sút trượt.

Carragher nói với ESPN: "Tôi được đưa vào sân ở phút 118 chỉ để thực hiện một quả phạt đền. Tôi không nghĩ rằng mình thậm chí đã chạm vào bóng trước khi thực hiện cú đá của mình".

"Tôi thực sự đã sút thành công nhưng tôi không đợi trọng tài thổi còi, vì vậy tôi phải thực hiện lại. Nó khiến tôi suy nghĩ và tôi bắt đầu lo lắng về việc thủ môn biết tôi sẽ đặt bóng ở đâu. Vì vậy, tôi đã sút theo hướng khác với quả phạt đền thứ hai và thất bại".

Trong thời gian ở United, Steele đã chuẩn bị cho thủ môn Ben Foster trong loạt sút luân lưu với Tottenham ở trận chung kết League Cup 2009 bằng cách cho anh ta xem đoạn phim về các quả phạt đền trước đó của Spurs trên iPod. Pha cản phá của Foster từ quả phạt đền của Jamie O'Hara là đủ để giành cúp cho Man United.

Steele nói: "Mọi người đã cố gắng khẳng định rằng chúng tôi đã gian lận. Nhưng thực ra điều này phụ thuộc vào sự lựa chọn cá nhân. Bạn có thể có tất cả thông tin trên thế giới".

Đá luân lưu tương đương với trò chơi roulette của Nga ở chỗ, cuối cùng, sẽ có sai lầm và ai đó phải đá hỏng. Tuy nhiên, các thủ môn biết rằng thủ thuật của riêng họ có thể ảnh hưởng đến việc một cầu thủ sút ra ngoài hoặc dứt điểm không khó để họ có thể cản phá. 

Bruce Grobbelaar nổi tiếng với phương pháp "chân mì sợi" khi cản phá penalty

Bruce Grobbelaar nổi tiếng đã sử dụng phương pháp tạo xao nhãng gọi là "chân mì sợi" (spaghetti legs) trong loạt đá luân lưu cuối cùng của Cúp C1 châu Âu năm 1984 giữa Liverpool với AS Roma. Ông giả vờ yếu ở đầu gối trước khi các cú sút được thực hiện. Liverpool đã giành chiến thắng sau những pha bỏ lỡ của Bruno Conti và Francesco Graziani.

Nhưng những chiến thuật như vậy không phải lúc nào cũng hiệu quả. Joe Hart của Anh đã cố gắng đánh lạc hướng các cầu thủ Italia trong loạt đá luân lưu ở tứ kết EURO 2012 bằng cách tạo ra tiếng động lớn. Andrea Pirlo không bị ảnh hưởng bởi những trò hề của Hart và thậm chí đã ghi bàn bằng một cú đá theo kiểu "Panenka" để giúp đưa Italia giành chiến thắng.

"Khi tôi còn làm việc với Peter Schmeichel, anh ấy nói rằng đó là một chặng đường dài đối với người thực hiện quả phạt đền". Steele nói. "Vì vậy, anh ấy không bao giờ hành động cho đến khi họ xâm nhập vòng cấm, và sau đó anh ấy sẽ tập trung và thể hiện tầm vóc của mình".

Young cũng nhìn thấy những khu vực quan trọng mà các thủ môn luôn cố gắng đánh lạc hướng đối thủ trong những khoảnh khắc trước khi bóng được sút đi. Young cho biết: "Trong nghiên cứu của Jordet, họ phát hiện ra rằng thủ môn khiến người đá phạt chờ đợi càng lâu thì khả năng sút trượt càng cao".

Chiến thắng trong loạt luân lưu của Anh trước Colombia năm 2018 đã chứng minh rằng ngay cả những đội có thành tích tệ nhất cũng có thể vượt qua lịch sử của họ. Một năm sau, đội tuyển Anh giành chiến thắng trong loạt luân lưu khác khi đánh bại Thụy Sĩ trong trận play-off tranh hạng Ba UEFA Nations League.

Tuy nhiên, một số đội giỏi hơn những đội khác. Đức đã thắng 6 loạt luân lưu trong quá khứ và chưa thua một trận nào kể từ năm 1976. Lần cuối cùng họ để thua là khi Antonin Panenka ấn định chiến thắng 7-5 cho Tiệp Khắc trong trận chung kết EURO.

Và Carragher, người 2 lần giành chiến thắng trong loạt luân lưu với Liverpool, thừa nhận rằng anh cảm thấy cảm giác bất khả chiến bại trong màu áo câu lạc bộ mà anh chưa từng trải qua với tuyển Anh bằng những quả phạt đền.

Carragher luôn thành công khi đá phạt đền ở CLB Liverpool nhưng lại thất bại khi khoác áo ĐT Anh

"Tôi chưa bao giờ thua một trận nào với Liverpool khi đá luân lưu và luôn có niềm tin rằng chúng tôi sẽ thắng", Carragher nói. "Với ĐT Anh thì khác. Bạn cảm thấy rằng mình sẽ thua trước khi bắt đầu.

 Có lẽ đó hoàn toàn là tâm lý, bởi vì với Liverpool, chúng tôi biết rằng chúng tôi đã có lịch sử chiến thắng trong các loạt luân lưu. Chúng tôi chưa bao giờ có điều đó với đội tuyển Anh".

Khi các cầu thủ của 16 đội còn lại tại EURO 2020 bắt đầu tăng cường luyện tập sút phạt đền, Young có một thông điệp giúp họ: "Đừng xóa bỏ nỗi sợ hãi".

Ông nói: "Tôi nghĩ một trong những quan niệm sai lầm kéo dài về tâm lý học vẫn là suy nghĩ tích cực. Bạn phải thừa nhận những suy nghĩ và cảm xúc vô ích mà bạn đang gặp phải, thay vì cố gắng đẩy chúng ra xa".

"Các dây thần kinh là một cách để nhận biết chúng ta đã sẵn sàng để thực hiện. Tôi yêu cầu một cầu thủ tập trung vào việc duy trì tư duy hợp lý, tập trung vào những gì họ có thể kiểm soát (thói quen, tốc độ, kế hoạch) và có khả năng sử dụng kỹ thuật thở hoặc tiếp đất để duy trì trong thời điểm hiện tại".

"Chìa khóa ở đây là họ sẽ thực hành tất cả các yếu tố này trong một khoảng thời gian. Nếu họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân theo thói quen của họ, họ sẽ làm tất cả những gì họ có thể làm. Bạn không thể đảm bảo kết quả đúng, nhưng bạn đã cho mình cơ hội tốt hơn".

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x