EURO 2020: Linh hồn của bóng đá

Phạm An
08:53 ngày 13-07-2021
Tờ The Atheltic đã thực hiện hóa một ý tưởng độc đáo sau khi Anh thua Ý trên chấm luân lưu trong trận chung kết EURO 2020: họ đi hỏi 55 người về việc Anh vào chung kết một giải đấu lớn sau 55 năm có ý nghĩa như thế nào? Hãy thử lắng nghe chúng.

Chữa lành nỗi đau

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại thích xem bóng đá. Ngày 11/7/2018, khi Anh thua Croatia ở World Cup, tôi mất đi cổ động viên lớn nhất của đời mình, bố tôi Julian. Tự tử là tên sát nhân gớm ghiếc nhất với bất kỳ ai ở tuổi U45, và thật kỳ quặc với sự thật thảm khốc rằng đó là người mà bạn yêu” - Holly Percival, một nữ CĐV, chia sẻ.

“Cảm giác đau buồn ngập tràn tâm trí tôi mỗi lần đội Anh thi đấu giờ đã lắng xuống. Thay vào đó là những ký ức về chuyến đi Wembley với chú và anh trai tôi, đồng thời hát vang về chuyện Harry Maguire kiêu hãnh như thế nào. “Anh vào chung kết?! Thật không thể tin được! Tôi có thể nghe thấy tiếng cha tôi nói với giọng Brummie đặc sệt với nụ cười toe toét: Bóng đá về nhà” - cô kết luận.

Nader Mozakka, một công dân tị nạn chính trị ở Anh, thì vẫn còn nhớ rõ trận chung kết của Tam sư vào năm 1966: “Khi ấy tôi là một câu bé sống ở Iran. Tôi nhớ là cả gia đình đã quây quần quanh một cái đài bán dẫn để nghe trận chung kết”. 

“Vợ tôi và tôi đã trốn sang Anh vào những năm 1980. Đất nước này đã cho tôi rất nhiều. Nó cho tôi một mái ấm. Tôi coi mình như một người Anh gốc Ba Tư. ĐT Anh là đội bóng của tôi. Vợ tôi đã bị giết trong vụ khủng bố 7/7 (London bị đánh bom liều chết vào ngày 7/7/2005, khiến 52 thường dân thiệt mạng và 700 người khác bị thương). Cô ấy luôn hỏi tôi rằng, anh yêu em hay yêu bóng đá? Tôi sẽ trêu lại cô ấy và bảo: hỏi hay quá đấy”, Mozakka nói.

Gary Devonport, một cựu quân nhân và hiện quản lý trạm cứu hỏa, phòng cháy và cứu hộ Nam Yorkshire, cũng tìm thấy một liều thuốc chữa lành nỗi đau: “Mọi người đều cần lối thoát cho cuộc sống của họ, nhưng trong một số công việc nhất định, bạn có thể cần hơn những người khác. Trong chiến dịch ở Iraq, tôi đã mất đồng đội vì những vụ đánh bom tự sát. Là lính cứu hỏa, tôi đã nhìn thấy những thứ mà bạn không hề muốn thấy”.

Các tuyển thủ Anh buồn bã sau thất bại trước Italia ở chung kết EURO 2020

“Bóng đá luôn là một cách tốt để thoát khỏi mặt tối của công việc. Khi tôi đóng quân ở Đức, chúng tôi thích ngồi ven đường để xem Vfl Osnabruck (một CLB địa phương) để giải khuây. Vào tối thứ Tư, tôi trực đến tận 6 giờ tối, nhưng khi điện thoại tắt, tôi cùng con trai vào phòng khách, cả hai đều mặc áo đấu tuyển Anh có tên Kalvin Phillips”.

Hơn cả huy chương

Còn rất nhiều tâm sự kiểu thế. Cựu phó hiệu trưởng ở trường tiểu học của Luke Shaw nhớ lại rằng đấy là cậu bé quan tâm đến các đồng đội như thế nào. Phu nhân của Sir Bobby Robson thì khen Gareth Southgate và nói về cảm giác “một đất nước như hòa làm một”. Không ai nghĩ nhiều về cơ hội của đội bóng vào đêm chung kết. Họ nghĩ về những gì đã qua, về những nỗi đau cần chữa lành, những ký ức rõ nét nhất, và những gì mình thuộc về.

Anh đã thua trận, trong những ồn ào và chỉ trích, về sai lầm của HLV Gareth Southgate và về cả việc các cầu thủ đã tháo huy chương quá sớm. Nhưng có điều gì đó vẫn đọng lại: Sau khi loạt luân lưu kết thúc, Southgate đã ngồi lại và nói chuyện với các cầu thủ, có lẽ là về những gì họ đã trải qua. Sau đó, Southgate nhận trách nhiệm về thất bại của ĐT Anh, một cách thẳng thắn.

Thật may mắn là ông đã không im lặng. Một trận bóng đôi khi chỉ là cái cớ, để mọi người nghĩ lại về những gì mình đã trải qua. Nếu Southgate không nói chuyện với từng người, đây có thể trở thành một trận thua tầm thường, trong một ký ức mà mọi thứ đều bị tầm thường hóa trong các ấn tượng về chiếc cúp và huy chương, thứ mà họ có thể tháo bỏ dễ dàng sau khi đi qua bục danh dự.

Nhưng nếu đọc lại những dòng cảm nhận của các CĐV Anh về trận chung kết, họ sẽ cảm thấy rằng có rất nhiều điều không thể tháo xuống dễ dàng như tấm huy chương. Trên hết, các cầu thủ biết rằng những gì xảy ra sẽ luôn có ý nghĩa, đối với bất kỳ một ai đó cần những điểm tựa để sống và hy vọng. Đấy không phải là nhận xét sáo rỗng: có những nỗi đau là thật và bóng đá có thể xoa dịu chúng.

Các cầu thủ Anh cũng đã đau đớn, nhưng một ngày nào đó, khi tất cả qua đi, họ có thể nhớ lại buổi nói chuyện, như một phương thuốc chữa lành. Như bất kỳ ai rồi sẽ nhớ lại ký ức của một trận bóng như thế này, để tự chữa lành cho chính họ. Nhưng trước hết, chúng ta cần tương tác với nhau, dù thất bại có nặng nề đến thế nào. 

HLV Southgate có thể đã sai lầm về chiến thuật, nhưng ông vẫn đúng, về trái tim. Mà rốt cục, đấy mới là linh hồn thật sự của bóng đá.

GUY RITCHIE:
“Những khoảnh khắc này thật kỳ diệu”

Đạo diễn lừng danh Guy Ritchie cũng đã được hỏi trong cuộc khảo sát về ý nghĩa trận chung kết ở Wembley, và ông rất xúc động: “Tại Wembley ở trận gặp Đan Mạch, thị trưởng London Sadiq Khan ngồi bên phải tôi, còn Thủ tướng Boris Johnson ngồi bên trái, tất cả ở đây chỉ để xem Anh chiến thắng”.

“Những khoảnh khắc này thật kỳ diệu. Chúng ta biết rằng cảm giác đó chỉ là phù du, chúng ta biết chúng có thể chỉ là tạm thời, nhưng nó lóe lên và mọi người cảm thấy được hòa giải trong một niềm vui chung, dù cũng rất nghiêm túc, với mục tiêu giành chiến thắng một giải đấu. Tôi theo đuổi cảm giác về một đất nước như hòa làm một. Thật hiếm khi chúng ta được trải nghiệm nó. Có một triệu lý do để cảm thấy đất nước chia rẽ, nhưng khi bạn được trải qua khung cảnh này (khi đất nước như làm một) trong một khoảnh khắc, chúng ta phải nắm lấy và tận hưởng nó”.

 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x