Ed Woodward một thân công-tội tại Man United

KHÔI NGUYÊN
20:52 ngày 30-04-2021
Ed Woodward, người đã tuyên bố sẽ rút lui khỏi ghế quyền lực tại đế chế Man United, vốn là chủ nhân của một kế hoạch tài chính hung hiểm, táo bạo, liều lĩnh, chưa từng có giúp gia tộc Glazer thâu tóm Quỷ Đỏ một cách ngoạn mục.  

Ông ta được tưởng thưởng bằng vị trí tổng quản “chỉ sau 1 đêm”, trở thành nhân vật quyền lực nhất Old Trafford gần 9 năm qua. Tuy nhiên, sau màn đảo chính Super League bất thành, Ed Woodward đã tuyên bố ra đi vào cuối năm 2021, như một màn “Lê Lai cứu chúa” bắt buộc.  

Trung với chủ, chuốc mọi thù oán với hầu hết giới CĐV của Man United, trở thành nhân vật bị căm ghét thứ nhì tại Old Trafford sau cố tài phiệt Malcolm Glazer, vậy nhưng, Ed Woodward cũng có công lớn trong việc biến Man United thành đế chế thương mại khổng lồ cấp độ toàn cầu.  

HẠN 49 TUỔI CỦA ED WOODWARD

Văn phòng của CLB Man United ở Mayfair là nơi phó chủ tịch điều hành Ed Woodward ngự trị. Tại đây có một bảng danh dự bằng gỗ sồi ghi chi tiết về từng danh hiệu mà CLB đã đạt được. Các vụ đàm phán thường diễn ra quanh chiếc bàn gỗ ở giữa căn phòng được bài trí thực sự gây ấn tượng với các đối tác thương mại.  

Woodward năm nay 49 tuổi, trải qua 9 năm cống hiến cho CLB Man United trong sự tức giận, căm phẫn của các CĐV Quỷ Đỏ. Đó là quãng thời gian bi đát về mặt thành tích của CLB sau thời HLV Alex Ferguson, người đã đem về 38 danh hiệu, trong đó có 13 chức vô địch Premier League trong vòng 27 năm.  

Trước đó, những sự công kích của CĐV thường nhằm vào gia đình nhà Glazer, bao gồm cả Ed Woodward - viên quản gia của chủ Mỹ trong việc bóc lột Man United. Woodward cũng là người giám sát các hoạt động tài chính của CLB và được hưởng lương khoảng 4 triệu bảng một năm.  

Người chịu trách nhiệm về kết quả trên sân bóng là Solskjaer, nhưng Woodward, với tư cách là PCT điều hành đương nhiên phải “đứng mũi chịu sào" về tình trạng bết bát của CLB. Đã khá lâu Man United mới có một mùa giải mà họ ở trong vai trò người chinh phục danh hiệu, và trong suốt quãng thời gian tăm tối đó, Ed Woodward luôn có mặt.  

Hạn 49 tuổi khiến Ed Woodward phải tuyên bố ra đi vào cuối năm 2021

Trò chuyện với những người đã cùng làm việc, đàm phán, các đối tác giao dịch của Ed trong nhiệm kỳ của ông tại CLB, ta có thể hình dung ra một Man United hiện đại và ghép lại bức tranh về một người đàn ông được ca ngợi là “thông minh, lịch thiệp” nhưng vẫn chưa giúp đội bóng vượt qua giai đoạn sa sút kéo dài.  

Vậy làm thế nào để Woodward vươn tới vị trí có tầm ảnh hưởng lớn đến vậy? Gần như chỉ sau một đêm, ông đã trở thành người quyền lực nhất tại một tổ chức đã được cai quản bởi người đàn ông đến từ Govan trong gần 3 thập kỷ. Sir Alex Ferguson đã gắn bó cả cuộc đời với các trận đấu, cả trên tư cách cầu thủ lẫn HLV, còn Ed Woodward lại đi một con đường rất khác biệt.  

Sinh ra ở Chelmsford, từ năm 1983-1989, Ed giành được học bổng và học tại Brentwood, một trường học phí 20.000 bảng một năm ở vùng ngoại ô giàu có của Essex. Cựu HLV Frank Lampard của Chelsea cũng từng học tại đây cùng thời điểm đó.  

Thậm chí, em trai của Woodward từng chơi bóng cùng Lampard ở đội bóng của trường nhưng có lẽ lần đầu tiên Ed gặp Lampard là sau chiến thắng 4-0 của MU trước Chelsea tại Old Trafford vào tháng 8/2019, khi Lampard vừa được bổ nhiệm làm HLV The Blues ở mùa đó.  

Những người tình cờ nghe được cuộc trò chuyện cho biết Woodward đã tiết lộ rằng đội bóng ông yêu thích thời thơ ấu chính là Derby County - CLB mà Lampard dẫn dắt rất thành công trước khi trở lại Chelsea. Cũng có thông tin cho rằng Woodward từng là một fan của Liverpool, dù ông luôn phủ nhận điều này.  

Ed Woodward đã tạo nên một kế hoạch giúp nhà Glazers xâm chiếm Man United thành công

Ông nội của Woodward là công nhân nhà máy bông sợi, trong khi cha của ông làm việc tại Ford. Một người bạn học của Ed ở Brentwood mô tả Woodward là một “VĐV bơi lội cừ khôi”, “yêu tất cả các môn thể thao, cả bóng bầu dục lẫn bóng đá” và luôn “chân thành, hướng về gia đình và tạo ra những sự kết nối bạn bè".  

Người này cũng cảm thấy Woodward “dí dỏm, sắc sảo, rất chăm chỉ, kiên cường, ưa thích sự cạnh tranh". Ông cũng tiết lộ thêm: “Ed luôn coi trọng quyền riêng tư, vì vậy tôi không hề ngạc nhiên khi anh ấy hiếm khi xuất hiện trước báo chí hoặc trả lời phỏng vấn”.  

Từng có khả năng bơi lội xuất sắc, đủ khả năng thi đấu cho hạt, nhưng một chấn thương viêm khớp năm 11 tuổi đã khiến ông phải từ bỏ đường bơi. Woodward học chuyên ngành vật lý tại Đại học Bristol, trước khi tham gia chương trình sau đại học tại Pricewaterhouse Coopers và sau đó gia nhập đội M&A của đế chế tài chính JP Morgan vào năm 1999.  

Cũng nhờ công việc này, ông đã gặp gia đình Glazer và chiếm được lòng tin của họ thông qua thương vụ mua lại Man United trị giá 790 triệu bảng vào năm 2005. Các nguồn tin thân cận cho biết, hàng loạt ngân hàng cảm thấy rủi ro và từ chối những tiếp cận ban đầu của nhà Glazer. Tuy nhiên JP Morgan và Woodward đã đề ra những kế hoạch mạo hiểm và thực hiện chúng thành công.  

Hàng nghìn CĐV đã phản đối thương vụ "mua CLB bằng tiền đi vay và gán khoản vay thành khoản nợ của CLB". Vào năm 2004, giám đốc David Gill của Man United đã nói rằng "nợ nần là con đường dẫn đến sự hủy hoại". Tất cả đều mong rằng vị đương kim giám đốc điều hành của Man United sẽ thay đổi lập trường.

Ở tuổi 34, Ed nhanh chóng được bổ nhiệm làm chánh văn phòng của Malcolm Glazer và vào năm 2007, ông phụ trách các hoạt động thương mại của Man United, giúp CLB tăng doanh thu từ 48,7 triệu bảng vào năm 2005 lên 117,6 triệu bảng vào năm 2012.  

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sự bùng nổ thương mại của Man United đã diễn ra từ trước khi nhà Glazer đến. GĐĐH của Man City là Ferran Soriano đã thống kê rằng doanh thu của Man United từ 62 triệu euro trong mùa giải 1995/96 đã vọt lên 251 triệu euro vào mùa giải 2002/03. Trong cùng thời gian đó, mức tăng trưởng của Barcelona chỉ tăng từ 58 triệu euro lên 123 triệu euro. Do đó, đà tăng trưởng của Man United được hình thành vững chắc và theo một lộ trình rõ ràng.  

Chính vì thế, Ed nhanh chóng được coi là kẻ thân tín và được nhà Glazer giao cai quản Quỷ Đỏ - Ảnh: Bleacher Report

TAY TỔNG QUẢN TRUNG THÀNH VÀ GIỎI GIANG

Trong 16 năm làm việc tại Old Trafford, Ed Woodward không mấy khi phát biểu trên các phương tiện truyền thông. Nhưng cứ 3 tháng một lần, ông phải trả lời những câu hỏi của một nhóm những người luôn giám sát các hoạt động của Man United: Các cổ đông lớn nhất của CLB. Đại hội hàng quý gần như là thời điểm duy nhất mà những phát ngôn của Ed được trích dẫn, bên cạnh các thông cáo báo chí CLB liên quan tới việc sa thải, ký hợp đồng hoặc tài trợ.  

Năm 2018, khi một nhà đầu tư lo lắng về kết quả trên sân, Woodward nói rằng chẳng cần phải quá bận tâm bởi “hiệu suất thi đấu không thực sự tác động đáng kể đến những gì chúng tôi làm về mặt thương mại". Ed chỉ nói như vậy và nhà đầu tư kia chẳng hỏi thêm gì nữa, cuộc trò chuyện chuyển sang việc Man United có bao nhiêu người theo dõi trên Facebook.  

Cách trả lời đơn giản, thẳng thắn của Ed khắc hoạ đầy đủ cách làm việc của ông trong nhiệm kỳ tại Old Trafford. Tuy nhiên, quan điểm này cũng nhận về không ít những sự chỉ trích từ các chuyên gia cũng như CĐV của Man United.  

Vào tháng 9/2018, CĐV đã nổi cơn thịnh nộ khi Man United thua đến 2 trong 3 trận đầu mùa. Họ đã thuê hẳn một chiếc máy bay giăng biểu ngữ "Ed Woodward là kẻ thất bại" lượn vòng trên sân tập Turf Moor. Tuy vậy, chiến hữu của Ed đều khẳng định rằng “tham vọng lớn nhất" của ông ta là chứng kiến Man United vô địch Premier League một lần nữa.  

Quý tư năm 2019, Man United đã công bố doanh thu kỷ lục 627 triệu bảng, lượng vé mùa đã được bán hết và danh sách các nhà tài trợ chính trên toàn cầu đã lên tới hơn 70 đối tác. Nhưng rồi, kể từ khi trở thành CEO của Man United vào năm 2013, Ed tuyên bố bóng đá là điều duy nhất ông quan tâm.  

Là một kế toán viên, chuyên môn của Ed về bóng đá rất yếu, nên ông quyết học từ thương vụ gia hạn hợp đồng với Rooney

Ở những tuần đầu tiên Woodward lên nắm quyền, sự kiên định và quyết tâm của ông đã gây ấn tượng với nhiều người, đặc biệt là về vấn đề liên quan tới Wayne Rooney. Chelsea đã có những động thái tiếp cận Wayne Rooney, trong khi mối quan hệ của cầu thủ này với người của Man United khá căng thẳng. Chelsea đã ra giá 25 triệu bảng, Rooney cùng người đại diện Paul Streford đã đến gặp Ed để yêu cầu được ra đi.  

Nhưng Ed đã nói với họ rằng Rooney sẽ không đi đâu cả. Ông coi việc bán cầu thủ 27 tuổi có khả năng ghi 20 bàn mỗi mùa cho đối thủ trực tiếp là dấu hiệu của sự yếu kém không thể dung thứ, đặc biệt là vào thời điểm Sir Alex Ferguson vừa nghỉ hưu.  

Woodward nói về Rooney và Stretford: “Tôi không muốn trở thành bạn của họ. Wayne rất yêu bóng đá, cậu ấy sẽ không hờn dỗi và sẽ quay trở lại sân cỏ để cống hiến hết mình.” Đúng như dự đoán, Rooney ở lại và chơi thêm 4 mùa giải nữa, phá kỷ lục ghi bàn của Sir Bobby Charlton.  

GIỎI KIẾM TIỀN KHÔNG CÓ NGHĨA GIỎI LÀM BÓNG ĐÁ

Mặc dù vậy, có nhiều ý kiến xoay quanh việc Woodward đã không mấy nỗ lực để có một mối quan hệ chuyên nghiệp thuần tuý với các cầu thủ. Sau khi đội bóng của Louis van Gaal đánh bại Everton trong trận bán kết FA Cup vào năm 2016, Woodward, người đã xem trận đấu trong lúc nghỉ dưỡng tại Dubai, đã gửi cho Rooney một tin nhắn: “Chào Wazza, trận đấu tuyệt đấy". Rooney đã chơi tốt trong vai trò tiền vệ nhưng anh ấy không hề ấn tượng với lời úy lạo khách sáo của ngài PCT điều hành câu lạc bộ.  

Có nhiều câu chuyện kể về cách hành xử với cầu thủ của Ed, và chúng khá mâu thuẫn với nhau. Một cầu thủ đã rời CLB trong những năm gần đây sau khi hết hạn hợp đồng chỉ nhận được một thông báo ngắn gọn trên trang chủ câu lạc bộ, thay vì bất kỳ tiếp xúc cá nhân nào. Trong khi đó, một cựu cầu thủ MU sau khi bị chấn thương nặng đã nhận được tin nhắn hỏi thăm của Woodward kèm lời chúc sớm bình phục.  

Xoay quanh chủ đề này, một số người nghi ngờ rằng Woodward quá yêu thích sự hấp dẫn của môn thể thao vua nên không bao giờ thực sự từ bỏ việc tham gia vào các vụ chuyển nhượng.  

“Chuyên môn bóng đá, sự thấu hiểu các cầu thủ và đàm phán các thương vụ không phải là thế mạnh của Woodward. Theo quan điểm của tôi, Woodward - hay Matt Judge (trưởng bộ phận tài chính doanh nghiệp, trưởng đoàn đàm phán của CLB) có thể ký được thỏa thuận với Chevrolet và thành tựu đó là bình thường.  

Nhưng tham vọng của họ là mong nhận được những lời tán dương khi đem về những cầu thủ lớn. Đó là lý do họ mắc sai lầm và vẫn đang phải chịu trách nhiệm cho việc đó”, một tiếng nói có uy tín tại Man United nhận xét.  

Phải chăng Woodward vẫn luôn khao khát việc mình là tâm điểm của sự chú ý, dù ít khi thể hiện điều này với công chúng. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Ed nói rằng ông đã “lạnh sống lưng" khi cái tên Bastian Schweinsteiger xuất hiện trong đội hình của Man United.  

Tuy nhiên, bóng đá không phải lĩnh vực mà Ed rành như kinh tế nên Man United bắt đầu suy  thoái, còn Moyes ôm hận ra đi sau 1 mùa giải

Còn khi Fellaini ký hợp đồng với Man United vào tháng 9/2013, đội chủ sân Old Trafford đã phải trả nhiều hơn 4 triệu bảng so với điều khoản mua lại. Các nguồn tin cho biết David Moyes cảm thấy Everton sẽ bán cầu thủ người Bỉ với mức giá thấp hơn.  

Không ai rõ Ed đã đàm phán thế nào trong các thương vụ này, nhưng khi Juan Mata đến với Old Trafford 1 năm sau đó với cái giá 37,1 triệu bảng, ông ta đã ăn mừng bằng cách “nhảy múa quanh đống lửa" tại trang trại nghỉ dưỡng ở Cheshire.  

Tuy nhiên, chỉ 2 bản hợp đồng ở hai kỳ chuyển nhượng liên tiếp thì không đáng được ngợi khen chút nào và Moyes đã phải chịu trận. Khi những mục tiêu như Thiago Alcantara, Cesc Fabregas, Toni Kroos và Gareth Bale vẫn mãi chỉ là những lời đồn thổi, NHM đã tự hỏi liệu CLB có thật sự theo đuổi các danh thủ này không.  

Việc không có bất kỳ cầu thủ xuất sắc nào gia nhập Man United khiến HLV David Moyes đã phải thốt lên: “Tôi không biết người đàn ông này là thiên tài hay một gã hề nữa". Người mà Moyes nói đến chính là Ed Woodward.  

Không còn ma thuật và uy quyền của Sir Alex, hệ thống chuyển nhượng của MU thất bại như lẽ đương nhiên. Ed đã cố gắng sửa sai bằng cách cho phép đội ngũ chuyển nhượng theo đuổi nhiều cầu thủ trước khi xác định mục tiêu chính. Đôi khi, các điều khoản cá nhân với một cầu thủ được thống nhất trước kèm hợp đồng soạn sẵn chỉ để “giảm nhiệt” sức ép và Man United sẽ tiếp cận mục tiêu khác.  

Sau đó, Ed sẽ gọi điện để giải thích và xoa dịu tình hình một cách lịch sự. Các cuộc thảo luận thường bắt đầu bằng việc Judge gọi các tay cò có liên quan từ một số không xác định, trước khi tiến hành tiếp công việc qua email. Ed hiếm khi tham gia từ cấp độ đó.  

Cá nhân Ed đã tham gia vào vụ chuyển nhượng của Harry Maguire bởi có mối quan hệ tốt với GĐĐH của Leicester là Susan Whelan, nhưng cuộc đàm phán đã kéo dài rất lâu và thử thách lòng kiên nhẫn của các bên liên quan. Các cuộc gặp gỡ không có nhiều tiến triển, mọi việc bế tắc cho đến khi Ed quyết định bấm nút duyệt chi 80 triệu bảng chỉ một tuần trước khi kỳ chuyển nhượng mùa hè khép lại.  

Những chiến lược gia cộm cán như Louis van Gaal hay Jose Mourinho đều bị Ed đạp thẳng cẳng khi không làm được việc

Trước đó, Solskjaer đã mong muốn sớm có một trung vệ ngay khi giai đoạn tập luyện bắt đầu. Tuy nhiên, Ed lại ưu tiên mua Aaron Wan-Bisaka, những cuộc đàm phán mệt mỏi với Crystal Palace bắt đầu và nút thắt chỉ được mở khi MU chấp nhận chi 50 triệu bảng vào cuối tháng Sáu.  

Kỳ chuyển nhượng năm đó khép lại với việc Man United trình làng 3 bản hợp đồng và NHM vẫn rất lo lắng, lần này là về số lượng cầu thủ chứ không phải chất lượng. Maguire, Wan-Bissaka và Daniel James gây ấn tượng khá tốt, nhưng Romelu Lukaku, Alexis Sanchez, Ander Herrera, Chris Smalling, Matteo Darmian và Marouane Fellaini đã ra đi.  

Việc đi hay ở của Lukaku cũng đã kéo theo những hệ luỵ không nhỏ. Solskjaer muốn bán thật nhanh tiền đạo người Bỉ để có thể xây dựng một hàng công mới và biết có bao nhiêu ngân sách cho cái tên thay thế. Thậm chí trong bữa tối của Hiệp hội HLV Premier League vào tháng 5, Solskjaer còn báo cho các đồng nghiệp rằng Lukaku đang trên đường ra đi.  

Lukaku cảm thấy bối rối trong suốt mùa hè, không biết rằng liệu mình có phải rời đi hay không. Phải đến tuần thứ 3 của tháng 7, Inter Milan mới ra giá 60 triệu euro (khoảng 54 triệu bảng). Không có gì đáng ngạc nhiên khi MU từ chối. Sau đó, vào ngày 8/8, hạn chót kỳ chuyển nhượng tại Premier League, Man United chấp nhận cái giá 80 triệu euro (72 triệu bảng) của Inter.  

Trong hai tuần trước đó, Ed đã thảo luận với Juventus về Paulo Dybala và Mario Mandzukic để biến Juventus thành đối thủ của Inter nhằm tăng giá bán Lukaku. Tuy nhiên, nếu nhanh hơn nữa, Man United đã có thể sở hữu Mandzukic. Solskjaer đã đề cập tới tiền đạo người Serbia: “Cuối cùng, chúng tôi đã không có được cậu ấy".  

Không cần bàn cãi về vai trò của Sir Alex Ferguson trong quyết định bổ nhiệm Solskjaer và Mike Phelan sau khi Mourinho bị sa thải. Trong những tuần cuối cùng của triều đại Mourinho, Ed ngày càng trở nên căng thẳng và những cuộc trò chuyện gay gắt qua điện thoại là minh chứng rõ ràng nhất.  

Một nguồn tin cho biết ý tưởng chấm dứt việc sa thải HLV giữa mùa, đưa cựu cầu thủ người Na Uy về ngồi ghế nóng, còn Phelan làm trợ lý là ý tưởng của Ferguson. Tất nhiên đây không phải là lần đầu tiên Sir Alex tham gia vào việc lựa chọn một HLV mới.  

Chỉ đến khi Sir Alex cho ý kiến chỉ đạo thì Ed mới thôi sa thải HLV vô tội vạ

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN THÂN HỮU ĐẬM NÉT

Trước đây, Ferguson đã tư vấn Man United lựa chọn Moyes với tư cách là người kế nhiệm ông nhưng kế hoạch này đã không thành công. Ferguson cho rằng mọi thứ sẽ ổn định nếu đội ngũ huấn luyện của ông gồm Phelan, Rene Meulensteen và Eric Steele ở lại thêm ít nhất một mùa giải nữa.  

Tuy vậy, khi đã lên nắm quyền, Moyes quyết định đi theo con đường riêng, và với quyền lực tối thượng của Ed, bộ ba trợ lý kia đã phải ra đi, mang theo cả những kinh nghiệm chinh phục danh hiệu của họ. Người ta nói rằng từ thời điểm đó, mâu thuẫn đã nảy sinh giữa Ed Woodward và Ferguson, thậm chí họ không trò chuyện khi gặp nhau tại văn phòng ở Old Trafford.  

Moyes bật bãi khỏi Man United chỉ sau 10 tháng, và kể từ đó, các HLV tiếp theo của Man United đều có những sự bất bình với Ed. Van Gaal cho biết ông cảm thấy “bị phản bội" khi bị sa thải đột ngột vào ngày ông vừa giành FA Cup, tương tự như Moyes.  

Tin tức đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông trước khi ông được CLB thông báo. Nhà cầm quân người Hà Lan cũng nêu lên những đặc điểm nổi bật về chuyện chuyển nhượng của Man United: “Không phải lúc nào tôi cũng có được những cầu thủ mình muốn. Bạn luôn phải phụ thuộc vào Woodward và Judge”.  

Mourinho cũng gần như đồng quan điểm với Val Gaal. Mùa hè năm 2018, Mourinho được ký hợp đồng gia hạn vào tháng Giêng. Vài tháng sau đó, ông yêu cầu CLB đem về thêm một trung vệ và bị từ chối. Mourinho cho rằng Man United quá thiếu linh hoạt và bầu không khí ngày càng ngột ngạt.  

Cuối cùng, Mourinho nhận được Diogo Dalot, Lee Grant và Fred. Có những thông tin cho rằng Mourinho chỉ mua tiền vệ người Brazil, người có giá 52 triệu bảng, vì không có lựa chọn nào khác. Trong khi đó, Man United khẳng định Mourinho muốn có Fred.  

Solskjaer và Phelan thì có sự hoà hợp nhiều hơn, cả hai đều có vai trò tích cực trong việc quyết định các mục tiêu chuyển nhượng. Trưởng nhóm trinh sát Jim Lawlor và Mick Court, những người từng phục vụ Ferguson, cũng đóng góp với sự hỗ trợ của một nhóm chuyên gia phân tích. John Murtough, giám đốc phát triển đào tạo trẻ và Marcel Bout, trưởng bộ phận tuyển trạch toàn cầu cũng tham gia vào quá trình.  

Ed đã giám sát, sắp xếp lại một cách hợp lý hệ thống tuyển trạch của Man United. Cũng như Wyscout và các công cụ thu thập thông tin điển hình, Man United sử dụng cơ sở dữ liệu đặt trước để tạo ra 800 cầu thủ cho mỗi vị trí trước khi thu hẹp phạm vi lại bằng việc quan sát trực tiếp.  

BLĐ hoặc bộ phận tuyển dụng có quyền phủ quyết, mặc dù vế thứ hai hiếm khi xảy ra. Nếu nó xảy ra thật, Ed là người thông báo cho HLV trưởng, như trường hợp của Mourinho đối với Jerome Boateng và Toby Alderweireld vào mùa hè năm ngoái.  

“Không dễ để tiếp cận Ed bởi ông ta đã giao rất nhiều việc cho Murtough và Judge,” một tay môi giới cầu thủ hàng đầu cho biết. “Thực sự thì Judge giống như một quyền giám đốc điều hành. Nhưng thằng cha ấy thì biết gì về bóng đá cơ chứ?”.  

Ed và Richard Arnold, người đang nắm chức giám đốc điều hành nhóm là đôi bạn thân từ thuở là sát thủ kinh tế cho JP Morgan

Câu hỏi về sự am hiểu của các lãnh đạo Man United về ngành công nghiệp bóng đá đã được đặt ra từ lâu. Ed Woodward, Judge và Richard Arnold, giám đốc điều hành nhóm, đều là sinh viên chưa tốt nghiệp tại Đại học Bristol vào đầu những năm 1990 trước khi tiếp tục làm việc cho JP Morgan hoặc Pricewaterhouse Coopers, rồi sau đó họ thẳng tiến đến Man United. Điều này dẫn đến những cáo buộc về chủ nghĩa thân hữu mà Man United luôn mạnh mẽ bác bỏ.  

Judge và Arnold là bạn học ở trường đại học, còn Judge không quen Ed cho đến khi họ có quãng thời gian làm việc tại PwC và JP Morgan. Ed đã bổ nhiệm một chức vụ cho Judge ở Man United năm 2012 và sau đó thăng chức cho ông để hỗ trợ các cuộc đàm phán chuyển nhượng vào đầu năm 2016.  

Arnold, giám đốc điều hành nhóm của Man United kể từ tháng 3 năm 2013, là người thân cận với Ed. Cả hai đều là sinh viên chưa tốt nghiệp của Bristol, họ đã không gặp nhau cho đến khi cùng làm việc ở PwC vào năm 1993 và cùng rời đi vào năm 1999.  

Chịu trách nhiệm chính cho sự phát triển thương mại khổng lồ của United thông qua các hợp đồng tài trợ phù hợp trên toàn cầu nhưng rugby mới là lĩnh vực thế mạnh của Arnold. “Đó là lý do ông ta xây dựng đội bóng theo cách như vậy. Về mặt thương mại, ông ta khiến người ta phải kinh ngạc, nhưng Arnold hoàn toàn không phải là con người của bóng đá”, một nguồn tin cho biết.  

Ed Woodward chắc chắn sẽ nhấn mạnh rằng đội ngũ cộng sự của ông là những người phù hợp nhất cho Man United. Arnold đã tung ra một ứng dụng Man United bằng tiếng Trung Quốc và thực hiện hàng loạt các biện pháp để thúc đẩy tiềm năng thương mại của CLB. Woodward cũng có thể lấy sự thành công trong lĩnh vực tài chính của Judge để nói rằng công việc tại Old Trafford vẫn đang suôn sẻ.  

Tuy vậy, đã có một sự cố xảy ra cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa làm bóng đá và kinh tế. Judge đã tổ chức một buổi gặp mặt với người đại diện của Edison Cavani, mọi việc thuận lợi cho đến khi anh trai của cầu thủ này xuất hiện và đưa ra các yêu cầu khác. Judge không quen với những biến cố đường đột như vậy và giờ đây, ông thường yêu cầu làm việc về các hợp đồng tiềm năng qua email.  

Bên cạnh đó còn có Matt Judge, cũng là một chuyên gia kinh tế được Ed đưa vào làm bóng đá

MÀN TUẪN TIẾT SAU CUỐI

Giám đốc tài chính của Man United, Cliff Baty, được bổ nhiệm vào tháng 10/2015, là một người yêu bóng đá thực thụ, một fan cuồng nhiệt của Newcastle United, nhưng Woodward lại cho rằng lợi ích sẽ tăng lên với khối lãnh đạo cấp cao nếu tìm được một người đứng đầu “phụ trách về bóng đá". Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm này đã diễn ra hơn một năm mà không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc bổ nhiệm sẽ diễn ra.  

Ed đã nói chuyện với rất nhiều người, trong đó có Rio Ferdinand, Patrice Evra và Darren Fletcher về vai trò giám đốc bóng đá này nhưng các cuộc thảo luận đó chỉ trên bàn làm việc. Ed có quan hệ tốt với Rio Ferdinand, và hai người thường cùng nhau uống trà. Patrick Evra đang học ở Carrington để lấy bằng HLV và Fletcher hiện đang làm trợ lý HLV đội một Manchester United.  

Ý tưởng về một ủy ban gồm các cựu cầu thủ để tư vấn về các mục tiêu chuyển nhượng đã được đề xuất nhưng nhanh chóng bị gạt đi. Nhiều người tin rằng các cựu cầu thủ chỉ là những phương tiện thu thập thông tin chứ không có hy vọng gì về những sự bổ nhiệm cho vai trò lớn hơn.  

Trong khi đó, truyền thông cũng nghi ngờ rằng các lập luận công khai, mạnh mẽ của Gary Neuville rằng vị trí đó yêu cầu một cá nhân có trình độ chuyên môn cụ thể đã khiến Woodward từ bỏ ý định trao ấn kiếm cho một trong những "cận vệ già của Quỷ Đỏ".  

Còn Phelan cũng đã thảo luận về việc trở một thành giám đốc kỹ thuật nhưng Solskjaer vẫn muốn làm việc cùng ông trong các trận đấu, vì vậy ông vẫn là trợ lý HLV trưởng.  

Mỗi khi có các ứng cử viên nổi lên, người ta lại có cảm giác rằng Man United không thực hiện ý định nghiêm túc cho sự thay đổi đáng kể. Vai trò này này có lẽ mang tính truyền tải thông điệp hơn là đưa ra quyết định trọng đại nào đó. Chính vì vậy, có cảm giác rằng Man United không mấy hào hứng thực hiện một cuộc cách mạng để tạo ra sự thay đổi cho bộ máy đã lạc hậu.  

Dù sao đi nữa, một giám đốc thể thao hay giám đốc kỹ thuật nên là người định hướng tầm nhìn của CLB để đưa ra các quyết định một cách thấu đáo. Các HLV đến rồi đi, nhưng chiến lược của CLB vẫn luôn duy trì và tiếp nối. Bởi vai trò của giám đốc kỹ thuật luôn được mô tả là cách tốt nhất để giữ gìn lợi ích của CLB trong trung và dài hạn.  

Sau khi Ferguson nghỉ hưu, Man United đã thay đổi chóng mặt, đội bóng trở nên thiếu ổn định bởi mỗi HLV mới đến lại cố gắng truyển tải cách làm của riêng mình. Đặc biệt, dưới thời Mourinho, việc ký hợp đồng với Sanchez với mức lương khổng lồ 560.000 bảng vẫn còn tạo ra những hiệu ứng tiêu cực đến tận bây giờ.  

Ed Woodward khi ấy bắt buộc phải đem về cầu thủ lớn để Mourinho có thể đua danh hiệu, nhưng cách làm ấy phản tác dụng, chủ yếu là do hai vấn đề phát sinh. Nếu trước đó họ có “người đứng đầu bộ phận bóng đá", chuyện như vậy đã không xảy ra.  

Đầu tiên, những cầu thủ khác cảm thấy sự bất công khi so sánh mức lương mình nhận được. Sự chênh lệch thu nhập quá lớn như vậy gây ra vấn đề cho HLV và phần còn lại của đội. Tại Man United, Ander Herrera đã ra đi vào mùa hè 2019 sau khi CLB trì hoãn gia hạn hợp đồng. Solskjaer đã rất muốn giữ lại tiền về người Tây Ban Nha song bất thành.  

David de Gea cũng thường nói đến Sanchez trong những lần đàm phán hợp đồng của mình, ngay cả khi thủ thành người Tây Ban Nha muốn cống hiến hết mình để đáp lại sự tin tưởng và ủng hộ của Solskjaer, bất chấp phong độ tồi tệ của anh trên sân cỏ.  

De Gea đã nói với bạn bè về sự lo ngại của anh xoay quanh định hướng của CLB và sợ rằng những bản hợp đồng tạp nham trên thị trường chuyển nhượng sẽ không cung cấp cho HLV trưởng những vũ khí cần thiết để thành công.  

Sau nhiều năm làm việc trong thế giới tài chính, Woodward đã phải học hỏi rất nhiều khi đến với bóng đá. Ông có khá ít kinh nghiệm về những người đại diện, các cuộc họp ở Premier League và hoạt động chính trị của UEFA.

Và đến đây thì có một câu chuyện khá buồn cười. Khi Everton muốn mua Tom Cleverley, HLV Roberto Martinez nói với hội đồng quản trị rằng hãy đưa ra lời để nghị không quá 5,5 triệu bảng bởi hợp đồng của tiền vệ này sẽ hết hạn vào cuối mùa giải. Ed từ chối ngay lập tức bởi cảm thấy lời đề nghị này giống như một trò đùa.  

Và rồi Aston Villa, đội đã đàm phán với Man United trước Everton, có được Tom theo dạng cho mượn ngay trước khi thị trường chuyển nhượng khép lại. United phải trả phần lớn tiền lương của cầu thủ này, còn Everton sau đó chẳng tốn xu nào để sở hữu Tom Cleverley bởi hợp đồng của anh với Man United đã hết hiệu lực.  

Một nguồn tin cho biết: "Những người quen Ed Woodward đều không ghét ông ấy. Tất cả đều ấn tượng với việc Ed luôn nỗ lực học hỏi trong công việc ”. Các đồng nghiệp thì nói rằng Ed Woodward là một nhà lãnh đạo “có sức hút và lịch thiệp, hài hước, ấm áp”.  

Ông cũng được biết tới là một người giỏi giao tiếp, luôn thể hiện sự quan tâm chân thành đến những thành viên trong đội ngũ của mình, đặc biệt là khi tâm trạng phấn chấn bởi được nhâm nhi loại cà phê espresso yêu thích. Đôi khi ông ăn mặc giản dị với quần jean, áo sơ mi không cài khuy cổ hoặc áo thun.  

Tuy nhiên, một nhân vật từng trải qua các cuộc đàm phán căng thẳng với Ed thì lại nghĩ khác: “Ed Woodward là kẻ kiêu ngạo. Nếu bạn nói điều gì khiến ông ta tức giận, ông ta sẽ hét lên 'Anh biết tôi là ai không?'. Thực sự, tôi không thấy ấn tượng với những gì Ed đã làm, ông ta chỉ luôn huyễn hoặc bản thân mà thôi.”  

Việc Ed Woodward chấp nhận "tuẫn tiết" vì chủ đang được xem như một đại công 2 mặt bởi nó có thể cứu được nhà Glazer hoặc nhấn chìm đế chế Glazer tại Man United

Nhiều ý kiến cho rằng David Gill sẽ làm tốt hơn Ed Woodward sau khi Sir Alex nghỉ hưu. Giống như Ed, bóng đá không phải là nền tảng của Gill bởi ông gia nhập CLB này từ công ty First Choice Holiday năm 1997. Theo thời gian, ông đã bồi đắp kiến thức và xây dựng uy tín của mình một cách chậm rãi.  

Gill cũng đã rất may mắn khi được làm việc với một trong những nhà quản lý tài năng và được kính trọng nhất thế giới như Ferguson. Gill không cần sa thải hay bổ nhiệm một HLV hay xây dựng tầm nhìn cho CLB. Ông luôn nhận được sự tôn trọng của Man United và từ các CLB khác. Khi Ferguson không khoái làm việc với Daniel Levy, Gill đã đứng ra để chịu trách nhiệm đàm phán với Spurs về Dimitar Berbatov.  

Dù vậy, người duy nhất mà gia đình Glazer đặt niềm tin ở Man United lại là Ed Woodward. Kết quả trên sân cỏ có thể chưa được như mong muốn (hoặc nhà Glazer cũng không quá quan tâm), nhưng doanh thu của CLB vẫn đang tiếp tục tăng đều theo từng năm, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.  

Cho đến khi cuộc binh biến "Super League" thất bại, buộc Ed Woodward phải tuyên bố từ chức vào cuối năm nay, như một cách ông ta thể hiện sự bất mãn với chỉ đạo phải tham gia Super League của Joel Glazer, nhưng cũng là màn "tuẫn tiết" để giữ cho nhà Glazer khỏi liên can đến scandal này. Mặc dù, có thể chính nhà Glazer mới là “trùm cuối” của toàn bộ cuộc đảo chính.                       

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
33
+48
76
3
34
+41
74
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
33
-2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x