Bóng Đá Plus trên MXH

M.U 8-2 Arsenal (28/8/2011): Trận đại thắng phơi bày nhiều vấn đề
11:25 ngày 31/05/2020
Trận đấu này được lựa chọn để mở đầu cho chuyên mục “Trận cầu kinh điển” của Tạp chí Bóng đá không hẳn là vì lý do chuyên môn. Mà chủ yếu là vì tính bất ngờ của kết quả. Và còn vì đây là trận đấu hiếm hoi mà cả đội thắng lẫn đội thua đều phơi bày nhiều “vấn đề”.

    Đương nhiên một đội để thua tới 2-8 như Arsenal phải có nhiều vấn đề. Vấn đề trực tiếp nhất, vẫn được một số CĐV đem ra làm nguyên nhân bao biện cho thất bại, là đội hình tới Old Trafford của họ thủng lỗ chỗ vì chấn thương và treo giò. Bacary Sagna, Thomas Vermaelen, Gervinho và Alex Song đều không thể góp mặt. Tuy nhiên, đấy chỉ là bề nổi. Ẩn sau sự thiếu hụt lực lượng của Arsena là một vấn đề nghiêm trọng hơn, liên quan tới khả năng quản trị của HLV Arsene Wenger và ban lãnh đạo đội bóng.

    Mùa Hè năm 2011 chứng kiến một loạt trụ cột rời bỏ sân Emirates. Gael Clichy sớm chuyển sang Man City, trước khi Samir Nasri theo bước. Nhưng mất mát đáng kể nhất là đội trưởng Cesc Fabregas trở lại Barcelona. Đây đều là những tổn thất đã có thể nhìn thấy trước (Fabregas thậm chí đã yêu cầu được tới Barcelona từ một năm về trước, trong khi Nasri đã rậm rịch ý định tới Man City từ sớm). Nhưng Arsenal hầu như không có động thái nào cho thấy họ nghiêm túc muốn lấp vào những khoảng trống lớn này.

    Hậu quả là Arsenal hành quân đến Old Trafford trong một trạng thái rất tệ. Họ thua 1, hòa 1 trong 2 trận trước đó, và mỗi trận đều bị mất một người vì thẻ đỏ. Man United, trong khi đó, đã có một khởi đầu ấn tượng với hai chiến thắng liên tiếp. Nhưng ở phía bên kia của thành phố, gã hàng xóm ồn ào Man City cũng đang có một khởi đầu hết sức ồn ào. Trước khi Man United tiếp đón Arsenal, thầy trò Roberto Mancini đã vùi dập Tottenham với tỉ số 5-2. Ferguson và học trò biết rằng họ cần phải có câu trả lời.

    Dù chiến thắng đại kình địch Arsenal với tỷ số không tưởng, M.U vẫn bộc lộ những điểm yếu trong hàng thủ

    Nếu nhìn vào tỉ số của trận đấu, chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng United đã có một trận đấu dễ dàng từ đầu tới cuối. Thực ra không hẳn. Đúng là họ sớm mở tỉ số từ cú đánh đầu của Welbeck, nhưng khởi đầu của đội chủ nhà cũng lắm nhọc nhằn, khi chính Welbeck phải rời sân không lâu sau đó vì chấn thương, và Arsenal có cơ hội gỡ hòa khi Evans phạm lỗi với Walcott trong vòng cấm. Tuy nhiên, trên chấm 11m, Van Persie, đội trưởng mới của Arsenal, đã không thắng được De Gea, thủ môn trẻ đang gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với bóng đá Anh.

    Đó chính là bước ngoặt của trận đấu. United sau đó ghi thêm 2 bàn do công từ những pha dứt điểm ấn tượng của Ashley Young và Wayne Rooney. Watcott gỡ lại cho Arsenal một bàn trước khi hiệp 1 khép lại, nhưng nỗ lực của anh không thể giúp đảo chiều dòng chảy. United tiếp tục tấn công như nước vỗ bờ trong hiệp 2, và tới phút 70 họ đã có thêm 3 bàn thắng nữa do công của Rooney, Nani và Park. Van Persie sửa sai với bàn thắng ở phút 74, nhưng một lần nữa đây nỗ lực đơn lẻ này chẳng thấm vào đâu. Lại là Rooney (penalty) và Young nổ súng, khép lại đêm kinh hoàng của các Pháo thủ bằng tỉ số khó tin 8-2.

    Thất bại này đã vạch rõ những vấn đề trong quản trị của HLV Arsene Wenger, cho thấy ông đã bị bỏ lại trong cuộc đua với những thế lực mới nổi giàu tiền giàu bạc, ví dụ Man City. Tuy nhiên, về phần Man United, chiến thắng hủy diệt đối thủ truyền kiếp với họ hại nhiều hơn lợi. Sir Alex càng có cơ sở để tin tưởng vào lực lượng mà ông đang sở hữu. Chỉ khổ những người kế nhiệm ông như Moyes, Van Gaal hay Mourinho. Làm sao có thể thống trị bóng đá Anh với những Smalling, Evans, Cleverley, Anderson…!

    Arsenal buộc phải mua sắm điên loạn

    HLV Arsene Wenger từng tuyên bố ông “hài lòng” với những gì ông đang có trong tay. Nhưng thất bại thảm hại trước United khiến ông phải thay đổi góc nhìn. Trong 48 giờ trước khi kỳ chuyển nhượng Hè 2011 khép lại, Arsenal đã đưa về thêm 5 cầu thủ, gồm Park Chu-young, André Santos, Per Mertesacker, Mikel Arteta và Yossi Benayoun. Trong số này, chỉ có Per Mertesacker và Arteta là thành công.

    Bị tống cổ vì… cười

    Một trong những hành động đầu tiên của HLV Wenger sau thảm bại ở Old Trafford là đuổi cổ hậu vệ Armand Traore. Cầu thủ người Pháp gốc Senegal bị bắt gặp khi đang khúc khích cười trong lúc rời sân sau trận đấu. Anh còn nói rằng, mình lẽ ra không nên có mặt ở trận đấu với Man United. 24 giờ sau, anh bị đẩy sang QPR, dù trước đó đã được nhắm làm người thay thế cho Gael Clichy.

    23,1. Vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Arsenal sở dĩ thua đậm Man United là vì đội hình của họ quá thiếu kinh nghiệm. Đúng là 11 cầu thủ Arsenal ra sân ở Old Trafford có tuổi đời trung bình chỉ 23,6. Tuy nhiên, tuổi trung bình của đội hình xuất phát của United còn thấp hơn, chỉ 23,1.

    XEM THÊM

    Những trận đấu đáng xem nhất ở phần còn lại của Premier League 2019/20

    Những cột mốc mà fan Ngoại hạng Anh đặc biệt quan tâm cho phần còn lại của mùa 2019/20

    Liverpool cần gì và lúc nào vô địch khi Premier League trở lại?

    Tùng Lâm • 11:25 ngày 31/05/2020

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay