Một ổ đại dịch khác ngăn cản Premier League kết thúc  

Kỳ Lâm
22:30 ngày 02-04-2020
Để kết thúc được mùa giải Premier League 2019/20 êm đẹp sẽ phải gặp phải rất nhiều chướng ngại vật như dịch bệnh, lịch thi đấu, quyền lợi của các CLB… Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của ý định này lại là… hợp đồng của các cầu thủ, bởi nếu xử lý không khéo, đây sẽ là “ổ đại dịch khiếu kiện và tranh chấp pháp lý”.

Một số luật sư thể thao hàng đầu đã đặt ra những nghi vấn nghiêm trọng về hệ lụy của việc kéo dài mùa giải qua ngày 30/6 tới. Các luật sư cho rằng đó đơn giản là một điều không thực tế trong khi những ý kiến khác khẳng định tình huống này sẽ là một cơn ác mộng tuyệt đối.

Tất nhiên, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19  gây ra lớn hơn bóng đá hay bất kỳ môn thể thao nào khác, nhưng điều đó không có nghĩa là nền thể thao chuyên nghiệp không phải đối phó với những thách thức lớn lao và chưa từng có.

Một trong những vấn đề phức tạp nhất là làm thế nào để kết thúc mùa giải hiện tại ở châu Âu trước ngày 30/6, thời điểm mà nhiều hợp đồng của cầu thủ với CLB sẽ hết hạn. Đây là một mốc thời gian khó khăn để có thể đạt được việc kết thúc một mùa giải và bắt đầu một mùa giải khác.

Nhưng đó là thách thức dành cho quan chức bóng đá, BTC giải, lãnh đạo CLB và cầu thủ khi họ cố gắng tìm cách bảo vệ tính toàn vẹn của các giải đấu của mình, cũng như đáp ứng điều khoản cảu các hợp đồng thương mại và phát sóng khác nhau, giả sử điều này được chính phủ cho phép.

“Nếu mùa giải sẽ kéo dài quá mốc 30/6, các CLB sẽ muốn gia hạn một số hợp đồng vừa hết hạn, nhưng họ không muốn ký tiếp các hợp đồng mới có thời hạn ba năm mà chỉ là những hợp đồng vài tháng hoặc 1 năm”, Nick De Marco QC, một luật sư của hãng luật Blackstone Chambers nhận định.

“Tuy nhiên, điều này lại thể hiện một vấn đề trầm kha với cầu thủ. Nếu họ bị chấn thương trong thời gian thực hiện một BHĐ ngắn hạn, họ sẽ đứng trước nguy cơ mất việc và thất nghiệp mà không có đảm bảo. Bây giờ, hợp lý nhất là các bên phải đàm phán lại khúc mắc này”, De Marco nói tiếp.

Dan Lowen, một chuyên gia đàm phán hợp đồng thể thao tại công ty luật Level có trụ sở tại London, hoàn toàn đồng ý với De Marco. “Một số cầu thủ đáo hạn hợp đồng có thể vui mừng khi được CLB đồng ý trả thêm tiền trong vài tuần hoặc vài tháng nhưng họ sẽ từ chối chấp nhận bất cứ sự gia hạn ngắn hạn nào vì họ không muốn gây nguy hiểm cho BHĐ dài hạn hoặc tốt hơn với một CLB mới”.

Một nhóm làm việc được thành lập bởi FIFA để xem xét các vấn đề gây khó khăn bởi đại dịch gây ra vừa đã gửi một báo cáo cho các bên liên quan tới bóng đá. Trong báo cáo này, FIFA cho biết, 3 vấn đề cốt lõi phải giải quyết là các hợp đồng hết hạn, thời gian thích hợp cho kỳ chuyển nhượng mùa Hè (dự kiến mở vào ngày 1/7 tới) và các cam kết không còn thể được thực hiện do sự bùng phát COVID-19.

Khái niệm về sự thất vọng tồn tại trong các hệ thống luật phổ biến, như luật của nước Anh và các hệ thống luật dân sự, chẳng hạn như của Thụy Sĩ, nơi FIFA đóng trụ sở. Nói một cách đơn giản, các hợp đồng sẽ bị gác nếu xuất hiện một sự kiện không lường trước làm cho hợp đồng không thể thực hiện được.

Điều này đặc biệt quan trọng khi các CLB không thể cung cấp cho HLV, cầu thủ và nhân viên phục vụ công việc để làm và bị khó khăn trong chuyện trả lương. Do đó, các CLB đã thuyết phục các đối tượng trên thực hiện cắt giảm lương hoặc bị nợ lương cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường. Các cầu thủ của Barcelona, Bayern Munich và Juventus đã chấp nhận cắt giảm.

Nhưng cho đến nay, chỉ có một số ít các đội bóng ở Anh đồng ý làm điều tương tự, mặc dù Newcastle, Norwich, Bournemouth và Tottenham đã trở thành những CLB Premier League đầu tiên được hưởng kế hoạch trợ giúp của được chính phủ, trong đó có cho phép nghỉ việc những nhân viên đang không có việc làm.  

Điều này có nghĩa là những nhân viên này sẽ được nhận 80% tiền lương cơ bản, và tối đa là 2.500 bảng mỗi tháng. Nguồn tiền này lấy từ ngân sách xã hội và nó đã gây tranh cãi cho các công ty có nhân viên là những triệu phú.  

FIFA chỉ có thể cung cấp hướng dẫn chung về những vấn đề này và đề xuất của họ là các CLB và nhân viên (cầu thủ và HLV) được khuyến khích làm việc cùng nhau để thống nhất về việc trì hoãn lương và/hoặc giảm lương theo một mức hợp lý cho bất kỳ giai đoạn nào trong thời gian nghỉ thi đấu.

BTC các giải bóng đá Anh (EFL), BTC Premier League và Hiệp hội cầu thủ Chuyên nghiệp (PFA) đã họp vào thứ Tư vừa qua để cố gắng đạt được một số thống nhất và hy vọng các cầu thủ gốc Anh sẽ đồng ý giảm lương hoặc bị chậm lương.

Đó chắc chắn là niềm hy vọng của FIFPro - Công đoàn của cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp toàn cầu - mà TTK Jonas Baer-Hoffmann vừa nói với các phóng viên vào hôm thứ Ba tuần này rằng ông hy vọng các vấn đề khác nhau có liên quan đến hợp đồng khác có thể được giải quyết thoả đáng cho cả 2 bên.

Nhưng ông cũng nêu một số ví dụ về “duy ý chí” sai lầm, cụ thể là tại MSK Zilina - CLB từng 7 lần vô địch Slovakia - đã trở thành CLB đầu tiên ở châu Âu bắt đầu các thủ tục thanh lý hợp đồng vào ngày thứ Hai (30/3) vì cuộc khủng hoảng COVID-19, khi 17 cầu thủ đội Một từ chối chấp nhận cắt giảm 80% lương.

Đây rõ ràng là một hành động cực đoan nhưng nó nhấn mạnh mức độ khó có thể tìm thấy điểm chung giữa CLB và người làm thuê hoặc cách vượt qua khủng hoảng thoả đáng.  

Như Lowen chỉ ra, tình hình ở Anh, đặc biệt là tại một số CLB hàng đầu Premier League, còn phức tạp hơn bởi thực tế là nhiều hợp đồng của các cầu thủ hiện “đang bị lệch rất nhiều về các ưu đãi hay tiền thưởng”, cụ thể là mức lương thấp nhưng ưu đãi hay thưởng thì cao.

Khi bình thường, các khoản thanh toán tuỳ thành tích này được coi là “hai bên cùng có lợi”. Nó giúp cầu thủ nỗ lực cống hiến, bởi CLB càng vô địch nhiều thì khoản thưởng càng nhiều, càng cao.

Nếu mùa giải bị hủy, rõ ràng, cầu thủ sẽ không nhận được những phần thưởng này. Vậy trong trường hợp đó, cầu thủ có nên đồng ý cắt giảm hoặc bị nợ/chậm mức lương cơ bản không?

Lúc nào cũng có những mối căng thẳng khó khăn giữa các lĩnh vực pháp lý nói chung và pháp lý trong thể thao toàn cầu nói riêng. Và đại dịch COVID-19 đã làm sáng tỏ điều đó.

FIFA đang ở trong tình trạng khó khăn vì có 211 LĐBĐ thành viên, và mỗi thành viên lại có một vấn đề khó khăn khác nhau, cách tiếp cận với các quy định xung quanh hợp đồng khác nhau và các khung pháp lý để xử lý vấn đề hợp đồng khác nhau.

Một ví dụ điển hình cho vấn đề này là cách một tòa án ở Anh có thể diễn giải một hợp đồng hết hạn vào ngày 30/6 sẽ khác so với một tòa án ở nước nào đó ở châu Âu, bởi nó dựa trên khái niệm “những mục đích mang tính khế ước pháp luật”.

“Tại Anh quốc, tất cả đều dựa trên những gì mà một người khách quan sẽ cân nhắc hợp lý về ý định của hợp đồng”, luật sư De Marco giải thích. “Trong trường hợp này, thực tế khẳng định ngày hợp đồng hết hạn là 30/6.  Sẽ hợp lý hơn khi cho rằng đó là những gì đã được dự định.

Nhưng theo luật dân sự, chúng ta phải nhìn nhiều hơn vào cách giải thích chủ quan của ý định. Vì vậy, nếu chúng ta có bằng chứng rằng khi ký hợp đồng, các bên tham gia có đề nghị thời hạn đáo hạn là ‘cho đến khi kết thúc mùa giải’ thì dễ giải quyết hơn”.

Một số chuyên gia đã đề nghị các quan chức CLB cần xem xét lại các hợp đồng của cầu thủ trong đội vì chúng không chứa các điều khoản “bất khả kháng - force majeure” nhằm bảo vệ chống lại các tình huống không lường trước được như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…

Dan Chapman, trưởng phòng luật Leathes Prior, chuyên ngành pháp lý thể thao, thuộc công ty luật ở East Anglia cho biết: “Điều này cũng giống các hợp đồng thể thao khác. Ví dụ, chặng đua đua xe Công thức 1 đã được lên kế hoạch ở Abu Dhabi nhưng đã bị huỷ bỏ và lên lịch khác vì CODVID-19.  

Và những điều như thế này có ghi trong hợp đồng của tay đua với đội đua, thậm chí còn có tính linh hoạt cao hơn. Mặt khác, các hợp đồng của cầu thủ bóng đá thực sự không quá phức tạp và tôi tự hỏi liệu đây có phải là thứ chúng ta nên xem xét sau khủng hoảng.  

Lấy trường hợp của tiền vệ Jude Bellingham đang thi đấu cho Birmingham ở Championship. Liệu anh ta có sẵn sàng chơi thêm vài trận cho CLB này sau ngày 30/6 nếu anh ta đã hết hợp đồng và đang chuẩn bị đến Borussia Dortmund hoặc Man United hay không?

Tôi không nghĩ rằng việc kéo dài mùa giải thêm nhiều tháng có tính thực tế hoặc có thể có tính thực tế theo quan điểm pháp lý. Tôi không thấy lý do tại sao cầu thủ đồng ý với các hợp đồng ngắn hạn nếu họ biết sẽ phải mất sức nhiều mà không có thời gian phục hồi cho mùa giải kế tiếp. Và nguy cơ chấn thương là rất cao”.  

Tuy nhiên, theo luật sư De Marco, mọi thứ không căng thẳng đến mức các hợp đồng bóng đá có thể hoặc sẽ bị thay đổi do khủng hoảng. “Hợp đồng bóng đá không giống như hầu hết các hợp đồng lao động khác vì một số lý do chính đáng.  

Trước tiên, chúng là sản phẩm của nhiều năm thương lượng mang tính tập thể giữa các CLB, công đoàn cầu thủ và các cơ quan quản lý. Vì vậy, chúng không thể được thay đổi mà không cần tham khảo ý kiến.  

Thứ hai, chúng là những hợp đồng có thời hạn, vì vậy cầu thủ không thể bị dư thừa hoặc bị miễn nhiệm vì không có việc gì cho họ. Và không có điều khoản bất khả kháng trong đó vì tính chất đặc thù cao của nghề. Một cầu thủ của Liverpool không thể đưa ra thông báo cá nhân và đang hoàng gia nhập Arsenal theo cách mà chúng ta nhảy việc.

Điều này là do tính toàn vẹn và sự ổn định của đội bóng, của giải đấu và nó là một hạn chế cơ bản. Do đó, thật công bằng khi cầu thủ nhận lại được một cái gì đó. Điều khoản bất khả kháng có vẻ hợp lý với một số người nhưng hầu hết cầu thủ chỉ nhận được 2 hoặc 3 hợp đồng tốt trong suốt sự nghiệp. Vậy có công bằng không khi những hợp đồng đó có thể bị phá vỡ vì một thứ hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ”.

Còn luật sư Lowen tin rằng, chỉ có một cách có thể ra khỏi “ổ dịch khiếu kiện” là nới lỏng lệnh cấm của FIFA lên các thỏa thuận trước hợp đồng giữa các CLB trong cùng một quốc gia. Theo các quy tắc hiện hành, cầu thủ có thể ký hợp đồng trước với các CLB ở nước ngoài, như Aaron Ramsey đã làm khi anh rời Arsenal đến Juventus.

“Một cách khả thi để xử lý vấn đề này là hãy cho cầu thủ được tự do ký nháy với các CLB trong cùng một lãnh thổ. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến các vấn đề tiềm ẩn ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của giải đấu, vì cầu thủ có thể phải đối mặt với đội bóng mới của mình ở mùa giải sau ngay tại những vòng đấu cuối.  

Như thế, chúng ta sợ rằng họ không dám đá hết mình hay làm ảnh hưởng đến thành tích của CLB mới. Song, về mặt lý thuyết, việc ký hợp đồng trước sẽ mang lại cho cầu thủ một món bảo hiểm trước những rủi ro và tác động của một chấn thương tồi tệ”.  

Daniel Geey, một luật sư thể thao tại Sheridans, cũng đưa một vấn đề đau đầu tiềm năng khác cho các CLB và cầu thủ. “Điều gì xảy ra nếu một cầu thủ hết hạn hợp đồng vào ngày 1/7 nhưng không thể được chiêu mộ hoặc đăng ký bởi một CLB khác cho đến khi mùa giải mới bắt đầu vì thị trường chuyển nhượng đã bị dời?  

Đó là một sự hạn chế trong thương mại. Sau đó, sẽ có những cầu thủ khác chỉ ký hợp đồng gia hạn nếu họ được nhận một khoản tiền bù đắp cho nguy cơ chấn thương. Đó là lý do tại sao tôi có thể tưởng tượng một số CLB sẽ quyết định chỉ thi đấu một đội hình không đủ 25 người.

Cảm giác lạc quan của tôi là các CLB sẽ có đủ cầu thủ để kết thúc mùa giải mà không cần thực hiện nhiều thỏa thuận ngắn hạn, mặc dù điều này rõ ràng sẽ dẫn đến một số câu hỏi về tính toàn vẹn của giải đấu. Watford là một ví dụ khi có Heurelho Gomes và Ben Foster hết hạn hợp đồng. Chúng ta sẽ quan sát xem họ sẽ hành xử thế nào: có hay không ký hợp đồng mới?".

Tuy nhiên, nhiều luật sư khác theo trường phái bi quan cho rằng, cơn ác mộng tuyệt đối sẽ xuất hiện và đó là lý do tại sao họ tin rằng tình hình sẽ đạt đến một điểm bùng phát trong một vài tuần tới và mùa giải không thể kết thúc.

Họ cũng cho rằng, giải đấu nên kết thúc ở thời điểm này, với danh hiệu được trao theo thành tích tương ứng. Sẽ có thăng hạng và không có xuống hạng và điều này sẽ được điều chỉnh ở mùa giải sau.  

Nhưng cho dù có làm theo cách này thì vẫn không thể tránh chuyện kiện tụng tuy nhiên mức độ bùng phát kiện cáo sẽ ít hơn rất nhiều so với việc cứ cố đưa giải về đích. Quan trọng nhất là các giải đấu phải đạt được thương lượng với các nhà đài về bản quyền truyền hình. 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
35
+57
80
2
34
+50
79
3
35
+41
75
4
35
+21
67
5
34
+13
60
6
34
+1
54
7
34
+19
53
8
34
+6
51
9
35
-9
49
10
35
-8
48
11
35
-7
46
12
34
-5
44
13
35
-4
43
14
35
-13
38
15
35
-7
35
16
35
-11
32
17
35
-20
26
18
35
-30
25
19
35
-32
24
20
35
-62
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x