Sau chiến thắng trước M'Gladbach tại Champions League, Man City kéo dài mạch chiến thắng lên 19 trận. Ngay lập tức, Pep cao hứng: "Thời của chúng tôi đang đến. Trong 30-40 năm trước, chúng tôi không thể cạnh tranh với những đội bóng lớn. Khi MU vô địch nghĩa là họ chi tiêu nhiều tiền hơn những đội bóng khác, điều tương tự với Barca và Real.
Tôi không nghĩ chúng tôi khác những đội bóng lớn đó khi bỏ tiền đầu tư. Vậy nhưng chúng tôi vẫn luôn bị chỉ trích. Dẫu vậy, đây là điều City phải chấp nhận và chúng tôi sẽ làm tốt nhất việc của mình".
Năm năm ở sân Etihad, Pep khiến đội bóng chủ quản phải bỏ ra 550 triệu bảng. Đây rõ ràng là một con số làm người khác phải ghen tỵ. Nhưng đổi lại, ông giúp City mang về 8 danh hiệu, trong đó có 2 lần vô địch Premier League, và chuẩn bị có cái thứ 3.
Trong cùng thời gian, MU cũng đâu chịu kém cạnh khi vứt vào TTCN 500 triệu bảng. Chỉ hơn nhau 50 triệu bảng nhưng hiệu quả lại một trời một vực. MU chỉ giành được 3 danh hiệu trong 5 năm qua, trong đó không có Premier League. Thành tích cao nhất tại giải quốc nội của MU đến vào mùa 2017/18 - họ đứng thứ 2, kém đội vô địch Man City 18 điểm.
Bản hợp đồng đắt nhất của Pep là Ruben Dias trong mùa hè 2020 với giá 61 triệu bảng. MU thì đã có tới 3 cầu thủ cao hơn mức giá đó là Romelu Lukaku, Harry Maguire và Paul Pogba. Không nặng về tiền chuyển nhượng nhưng đãi ngộ của Alexis Sanchez thì giữ kỷ lục tại nước Anh: 500.000 bảng/tuần.
Nhưng ngoài Maguire đang chơi ổn định chứ chưa thật sự xuất sắc, toàn bộ những cái tên kể trên đều có thể dùng từ thất vọng. Họ đều là người có tài nhưng không hiểu sao không tỏa sáng ở MU. Điều này có lẽ phải đi hỏi những người đã mang họ về Old Trafford.
Đến thời Solskjaer, việc mua sắm của Quỷ đỏ hiệu quả hơn. Nổi bật trong đó là bản hợp đồng xuất sắc nhất thời hậu Sir Alex: Bruno Fernandes. Bỏ ra 500 triệu bảng mới tìm được một người thực sự ưng ý, từ chuyên môn tới ý chí, chắc chắn là một cái giá rất chát với MU.
Cũng may là những Maguire, Aaron Wan-Bissaka, Daniel James, Edison Cavani, Odion Ighalo, Alex Telles, Amad Diallo... đều đã và đang thể hiện được nét tích cực.
Dẫu vậy, bóng ma chuyển nhượng vẫn còn đó, trú ngụ dưới trường hợp của Van de Beek. Bỏ 40 triệu bảng cho một cầu thủ mới ra sân 13 lần, phần lớn là từ băng ghế dự bị ở Premier League, MU có lẽ là đội chơi sang nhất nước Anh.
Solskjaer có thể bao biện rằng đội hình của ông đang hoàn thiện và chưa có chỗ cho Van de Beek. Nhưng ai cũng hiểu rằng chẳng có HLV nào lại không dùng một cầu thủ xuất sắc, nhất là trong một mùa giải có lịch thi đấu dày như thế này, trừ khi anh ta có vấn đề.
Vào lúc này, đòi hỏi MU và Solskjaer phải đạt được thành công như Man City của Pep, chiếu theo số tiền mà họ bảo TTCN, là một nhiệm vụ quá sức. Chí ít, đồng tiền bỏ ra đang thu về thành quả tích cực, như vậy là tạm được rồi.