Newcastle cũng từng “lột xác" chóng vánh bằng cách vung tiền mua sắm ở giai đoạn đầu sang tên đổi chủ, với túi tiền không đáy của Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF). Họ đầu tư tới gần 300 triệu bảng cho thị trường chuyển nhượng để mang 13 ngôi sao về sân St. James's Park.
Song, đó không phải là con đường lâu dài của họ. Ngay sau giai đoạn ngắn bạo chi, GĐĐH Amanda Staveley của CLB nhấn mạnh, họ muốn tuyển dụng những mục tiêu tiềm năng, những cầu thủ còn không gian phát triển tối đa nhất. Chích chòe không chạy đua theo số lượng mà đề cao chất lượng đội hình.
Nếu như PSG chi tiền vô tội vạ, cứ sao đắt nhất là mua, thậm chí ném tiền qua cửa sổ cho những ngôi sao ở buổi xế chiều của sự nghiệp hoặc mãn hạn hợp đồng, thì Newcastle chi tiêu vừa phải và chọn lối đi bền vững.
Tonali là bản hợp đồng minh chứng cho đường lối của Newcastle. 60 triệu bảng là không nhiều trong bối cảnh giá cầu thủ leo thang một cách bất hợp lý, nhưng Newcastle đã tậu được một trong những tiền vệ hay nhất châu Âu mà vẫn còn tiềm năng phát triển. Chẳng thế mà Goal đã chấm thương vụ này điểm cao nhất tính đến thời điểm hiện tại của phiên chợ Hè 2023.
“Đây là một bản giao kèo hợp lý và cực kỳ khôn ngoan khác của Newcastle. 60 triệu bảng là một mức phí khá lớn với một cầu thủ 23 tuổi như Sandro Tonali. Nhưng, đó lại là một cái giá phù hợp dành cho ngôi sao trẻ người Italia. Anh đóng vai trò then chốt trong hành trình vào bán kết Champions League của Milan. Tonali có cá tính, tài năng và những phẩm chất tuyệt vời để tỏa sáng rực rỡ dưới thời HLV Eddie Howe”, Goal phân tích.
Giống như những Bruno Guimaraes, Sven Botman hay Alexander Isak, Tonali còn rất trẻ - chỉ mới 23 tuổi, và quyết định dành trọn những năm tháng đỉnh cao sự nghiệp của mình ở St. James's Park, nơi sẽ lại được nếm trải bầu không khí tuyệt vời của Champions League lần đầu tiên trong suốt hai thập kỷ qua.
Rõ ràng, đường đi nước bước của Newcastle là trái ngược với PSG. Họ thích Declan Rice nhưng chưa đến lúc chi 100 triệu bảng và trả mức lương tuần lên tới 200.000 bảng cho một cầu thủ. Newcastle muốn phát triển bền vững, không đốt cháy giai đoạn và xây dựng đội hình từng bước một, giống như cách mà giới chủ của Man City đã làm từ cách đây gần 10 năm.
Không phải ngẫu nhiên Newcastle tìm kiếm những cầu thủ tên tuổi nhưng giá cả phải hợp lý và phụ thuộc vào nhu cầu thực sự của đội bóng. “Mục đích cuối cùng là để chúng tôi có được đúng cầu thủ mình cần, đúng nhân vật mình muốn, đúng vị trí HLV cần và phù hợp với phong cách của Newcastle.
Sandro là một sự bổ sung đáng chú ý. Đúng vậy. Nhưng điều quan trọng là những người như Sandro tin vào cách làm của chúng tôi và những gì chúng tôi có thể mang đến cho họ - cơ hội để trở nên vĩ đại cùng đội bóng”, bà Staveley cho biết thêm.
Newcastle muốn trở thành số 1, nhưng theo cách phù hợp, thông minh, bền vững và khác biệt. Cái hay của Chích chòe trên thị trưởng chuyển nhượng chính là sự linh hoạt, cơ động khi theo đuổi các mục tiêu. Họ không “cố sống cố chết” mua một cầu thủ họ thích bằng mọi giá, mà sẽ chuyển sang mục tiêu khác để tránh tốn tiền, tốn công vô ích.
Việc đầu tư mạnh cho phát triển lò đào tạo trẻ cũng được lãnh đạo Newcastle đặc biệt quan tâm. Hai năm gần nhất, giới chủ của Newcastle đã đầu tư khoảng 100 triệu bảng để định hướng, điều hành và phát triển học viện đào tạo trẻ một cách bài bản, có quy mô, lộ trình đúng đắn, với mục tiêu “tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ và giúp CLB có bản sắc riêng”.
“Không ai yêu đội bóng hơn chính những con người trưởng thành từ nơi đây. Chúng tôi muốn có bản sắc riêng thì phải sở hữu đội hình gồm nhiều cầu thủ do chính mình đào tạo ra”, HLV Eddie Howe từng chia sẻ về đường lối phát triển của Chích chòe như vậy.