10 năm trở lại đây, dù tiền không thiếu nhưng MU không có được khả năng chuyển nhượng nhanh nhẹn và đặc sắc như Bayern Munich, Real Madrid, Chelsea hay kể cả Liverpool, Manchester City. Câu chuyện nằm ở đội ngũ tuyển dụng MU.
Vào những năm dưới triều đại của Alex Ferguson, Manchester United có được những thành công to lớn. Tuy nhiên, cái bóng của Ferguson đã che mờ đi hai vấn đề nghiêm trọng ít thấy được của đội bóng này. Đầu tiên là sự phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng đào tạo và “chấm người” của Sir Alex. Nếu ai có trí nhớ tốt hẳn không quên bản hợp đồng thảm họa Bebe, khi mà Ferguson thậm chí còn chưa xem cầu thủ này thi đấu bất kỳ trận nào. Phó mặc hết cho Ferguson, MU đã tạo ra một hệ thống tuyển trạch viên “vô dụng”.
Vấn đề thứ hai, nghiêm trọng hơn rất nhiều, nhưng dễ dàng được tha thứ bằng một câu nhận xét đó là “MU xưa nay không có duyên với các bom tấn.” Thực tế là những bản hợp đồng thành công nhất của MU trong triều đại Ferguson đến từ các cầu thủ ít được để ý, mới nằm trong dạng tiềm năng như Ronaldo, Van Nisterlrooy, Wayne Rooney, Michael Carrick….Còn ở cái tầm siêu sao như Veron thì lại thất bại. MU đổ lỗi là “cái duyên”, mà không nghĩ rằng đội ngũ tuyển dụng của họ có vấn đề. Cuối cùng khi Ferguson nghỉ hưu đã chứng kiến một MU thảm họa trên thị trường chuyển nhượng.
Một năm về trước, khi MU bất ngờ chia tay hai tuyển trạch viên gạo cội của đội bóng là Jim Lawlor và Marcel Bout, và sau đó là Matt Judge - trưởng đoàn đàm phán chuyển nhượng của Man United, thì người hâm mộ mới sửng sốt phát hiện ra sự thật là chính các tuyển trạch viên (scout) của Manchester United mới là vấn đề của tất cả nguyên do.
Các tuyển trạch viên của Manchester United được biết là “nhiều nhưng không tinh”, dù được tổ chức trên phạm vi toàn cầu, mỗi năm 2 lần có mặt tại trại tập huấn Carrington để báo cáo tình hình. Nhưng kết quả báo cáo về là rất nghèo nàn, nuôi “tốn cơm tốn gạo”. Nhà Glazer trong nỗ lực cải thiện đã cắt hết cái “ung nhọt” đó, nhờ vậy họ có được những Casemiro, Christian Eriksen và Lisandro Martinez khá chất lượng hè vừa qua. Nhưng rồi, khi mọi thứ tưởng như êm thì thượng tầng MU lại nảy sinh vấn đề.
Việc gia đình Glazer tiếp tục ờm ỡ trước lời hỏi mua của Hoàng thân Qatar, Sheikh Jassim Bin Hamad Al Thani, cũng như từ một số nhà đầu tư khác đã khiến cho nửa đỏ thành Manchester mất phương hướng chuyển nhượng. Mua hay không mua? Mua thì ai trả tiền? Và dòng tiền sẽ đi từ đâu, kết thúc ở đâu? Đó đều là những câu hỏi không có lời đáp vào lúc này.
Ngay cả HLV Erik Ten Hag cũng bất lực trước ngân quỹ chuyển nhượng của MU trong hè 2023. Chiến lược gia người Hà Lan không rõ về quỹ cấp cho mình là bao nhiêu, và phải gây tác động đến ai khi mà quá trình chuyển giao hầu như không có chuyển biến nào mới mẻ.
MU đúng là đội bóng bạc phận trên thị trường chuyển nhượng.