Lynn Williams (ĐT nữ Mỹ): Người hùng bất đắc dĩ và thành quả của sự kiên nhẫn

Vịnh San
07:38 ngày 02-08-2021
Lẽ ra Lynn Williams không có mặt ở Olympic Tokyo 2020. Nhưng cô đã ở Thế vận hội được tổ chức tại Nhật Bản. Và bây giờ Williams trở thành người hùng của nước Mỹ. Đó không phải nhờ may mắn. Chắc chắn thế.
Lynn Williams (ĐT nữ Mỹ): Người hùng bất đắc sĩ và thành quả của sự kiên nhẫn

Lynn Williams ngồi ngoài trong trận mở màn Olympic 2020 gặp Thụy Điển. Cô lại tiếp tục ngồi ngoài trong trận đấu với New Zealand. Phải đợi đến trận cuối vòng bảng gặp Australia, tới phút 74, Williams mới được tận hưởng cảm giác chơi cho ĐT nữ Mỹ ở một giải đấu lớn.

Nổi lên từ bóng đá Đại học và lập rất nhiều kỷ lục khi còn là sinh viên, sau đó bắt đầu chơi chuyên nghiệp từ năm 2015, tiếp tục gây ấn tượng để được gọi vào ĐTQG Mỹ năm 2016, nhưng Williams lại rất lận đận. Cô luôn được gọi vào danh sách sơ bộ trước khi bị loại khỏi đội hình dự Giải vô địch nữ CONCACAF 2018, World Cup 2019. 

Tháng 6/2021, Williams lại được triệu tập lên tuyển để chuẩn bị cho Olympic 2020 và bị loại thêm lần nữa. May mắn thay, IOC và FIFA thống nhất điều chỉnh luật, tăng số cầu thủ mỗi đội lên 22, với 18 trong số đó được đăng ký cho các trận đấu. Vì vậy, HLV Vlatko Andonovski đã điền tên Williams vào danh sách tới Tokyo.

Đó là lý do Williams không cảm thấy quá buồn khi không góp mặt trong đội hình chính của ĐT nữ Mỹ ở Thế vận hội năm nay. “Tôi rất buồn khi phải vắng mặt ở World Cup 2019 và thất vọng thêm lần nữa khi bị loại khỏi Olympic. Vậy nên xuất hiện ở đây thôi tôi đã cảm thấy vinh dự và may mắn”, Williams nói. 

Tuy nhiên, sự kiên trì tiếp tục mang đến phần thưởng cho tiền đạo 28 tuổi này. Trận tứ kết với Hà Lan, HLV Andonovski bất ngờ đưa cô vào đội hình xuất phát. “Tôi sốc quá. Ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là, ôi trời, mình sẽ được chơi nhiều hơn”, cô nói sau trận đấu. 

HLV Andonovski đã không phải hối tiếc vì quyết định gây ngạc nhiên này. Williams là người kiến tạo để Sam Mewis ghi bàn gỡ hòa 1-1. Chỉ 3 phút sau, chính cô đưa ĐT nữ Mỹ vươn lên dẫn trước. Những người Hà Lan đã không bỏ cuộc. Họ có bàn cân bằng tỷ số phút 54, dẫn hai đội tới loạt luân lưu mà ở đó, Mỹ là đội chiến thắng. 

Williams (giữa) cùng đồng đội ăn mừng chiến thắng trước Hà Lan ở tứ kết môn bóng đá nữ

Williams lớn lên trong trang trại trồng hồ đào (còn gọi là cây óc chó) ở Clovis, California. Cha mẹ cô không định trở thành những người trồng hồ đào. Họ có công việc tốt trên thành phố, cho đến khi Williams 3 tuổi, chú Curtis của cô bị liệt sau pha va chạm trên sân bóng bầu dục. Gia đình cô dọn về vùng nông thôn để tiện bề chăm sóc chú. Họ vẫn ở đây khi chú Curtis qua đời. Sau này trở thành cầu thủ, Williams đã xăm lên cổ tay số 25, số áo mà chú Curtis từng mang khi thi đấu. Theo Williams, ngoài sự tôn vinh dành cho người chú, con số ấy còn là sự nhắc nhở cô mỗi lúc mệt mỏi hay chán nản, rằng chỉ cần còn thi đấu đã là một đặc ân.

Ngoài ra, sống bên cạnh những cành hồ đào trĩu quả, Williams hiểu được giá trị của sự chăm chỉ và giá trị của lao động. Bất cứ khi nào cô cần mua quần áo mới, sách vở hay thậm chí là chút tiền tiêu vặt, bố mẹ cô sẽ chỉ ra những cây hồ đào: hãy đến và chăm sóc chúng. Williams sẽ phải ra đó, dành hàng tiếng đồng hồ để chăm bón hoặc thu hoạch quả bằng tay. 

“Không có gì tự nhiên đến mà không phải làm việc. Đây chính là ý niệm hình thành trong đầu tôi từ khi còn bé. Và thậm chí, ngay cả khi bạn rất chăm chỉ, chưa chắc đã thành công. Đó là bạn phải lựa chọn, tiếp tục chăm chỉ hay sụp đổ. Hay giống như người ta nói, cần lùi một bước để tiến vài bước. Vậy nên tôi thường chọn cách đầu tiên, kiên trì theo đuổi những gì tôi muốn”, Williams nói với tờ The Athletic. 

Dựa trên quan điểm đó, Williams không để gục ngã trước khó khăn. Trở lại năm 2019 khi bị loại khỏi danh sách tham dự World Cup, cô nói rằng “trái tim như tan nát”. Nhưng rất nhanh chóng, Williams tự nhủ phải quay trở lại sân, tập luyện nhiều hơn nữa và thi đấu tốt hơn nữa. “Tôi phải yêu hành trình mình đang đi”, cô tâm sự. 

Đi mãi rồi Williams cũng tới được cái đích mơ ước. Với màn trình diễn ấn tượng trong trận đấu với Hà Lan, bao gồm khả năng pressing không ngừng, tư duy nhạy bén và tầm nhìn sắc sảo, cô chắc chắn là nhân tố quan trọng của Mỹ ở trận bán kết. Như đồng đội Jessica McDonald ở CLB North Carolina Courage của Williams nói: “Cô ấy ngày một tốt hơn để cuối cùng, tất cả phải nhận ra Williams thực sự là ai”.

Vì sao Williams nên đá chính? 
Cho đến nay, Williams đã ghi 12 bàn cho ĐT nữ Mỹ. 11 trận mà cô ghi bàn, Mỹ toàn thắng. Đáng lưu ý là 10/12 bàn được thực hiện trong hiệp 2 và 50% diễn ra trong khoảng từ phút 60-75. Ngoài ra, chỉ 4 bàn được Williams ghi từ ghế dự bị. Còn lại, cô đều lập công nếu đá chính từ đầu, bao gồm bàn thắng vào lưới Hà Lan mới đây.

Trước khi là ngôi sao Đại học, Wiliams luôn bị từ chối

Williams tự biết luôn bị coi thường khi tuổi còn trẻ. Cô không được cấp học bổng Đại học vì không lọt vào đội trẻ quốc gia, đồng thời cũng không được các trường chào đón. Cuối cùng, duy nhất Đại học Pepperdine đề nghị Williams nhập trường. Vừa đi học vừa đi làm bán thời gian, Williams vẫn trở thành ngôi sao khi chơi mọi trận đấu của trường, giành 4 danh hiệu tầm quốc gia và 2 lần được vinh danh là Cầu thủ hay nhất của giải Đại học.  

“Khả năng của Lynn không có gì phải bàn cãi. Cô ấy rất giỏi khi được xếp đá tiền đạo cánh, sau đó đột phá từ biên và xuyên phá hàng thủ đối phương. Lynn cũng đặc biệt hữu dụng lúc mất bóng, khi cô ấy không ngừng gây áp lực lên đối thủ”, HLV Andonovski nói.

 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x