Nhạc sĩ, ca sĩ Hoàng Bách là một trong những thành viên sáng lập và hiện là trụ cột của đội bóng Sai Gon Artist United - nơi quy tụ nhiều diễn viên, ca sĩ trong làng nghệ thuật, tham gia để rèn luyện sức khỏe và đơn giản là để thỏa đam mê với trái bóng tròn.
- Xin chào Hoàng Bách, nhắc đến kỳ đại hội SEA Games, anh có kỉ niệm nào không?
Trên sân, Hoàng Bách có lối chơi điềm đạm, kỹ thuật
- Nhắc tới SEA Games thì với cá nhân Hoàng Bách, kỉ niệm đầu tiên là hồi SEA Games 1995. Lúc đó là lần đầu tiên mình biết tới SEA Games, là thời điểm anh Trần Minh Chiến tung quả volley ghi bàn, giúp Đội tuyển Việt Nam vào chung kết rồi giành huy chương bạc.
Hồi đó cũng là lần đầu tiên Bách sống xa nhà, lên ở kí túc xá Nhạc viện Hà Nội. Các bạn bè rất vui, vì cảm giác cuộc sống tự do. Bách nhớ cái đêm bóng đá SEA Games, mọi người tụ tập với nhau ở hội trường, dí mắt vào cái tivi bé tí, có 14 inch.
Mấy trăm đứa dí mắt vào xem. Không khí náo nhiệt, ồn ào, vui lắm. Và rồi lúc anh Chiến thực hiện quả volley thành bàn đó, cảm giác cả ký túc xá Nhạc viện như muốn sụp luôn rồi ấy. Xung quanh mình cứ rung bần bật hết cả lên.
Đó là cái cảm nhận đầu tiên của Bách về SEA Games, đặc biệt là với riêng môn bóng đá. Ở các kỳ SEA Games sau thì mình theo dõi rất kỹ, sống cùng với từng nhịp đập SEA Games, tờ tin nhanh SEA Games, rồi bản tin SEA Games trên các báo. Tất nhiên thì môn mà Bách quan tâm nhất vẫn là bóng đá.
- Mới đây U22 Việt Nam đã dừng bước ngay từ vòng bảng, sau trận thua cay đắng trước U22 Thái Lan, và điều này đang khiến rất nhiều người hâm mộ thực sự thất vọng, thậm chí là rất tức giận. Anh có cảm xúc và nghĩ gì về kết quả này không? Nhất là khi HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng cũng đã xin từ chức ngay sau trận?
- Chia sẻ về HLV Nguyễn Hữu Thắng, mình biết anh Thắng đang rất buồn. Bách từng chia sẻ nhiều trên truyền thông, không ai muốn thắng trận đấu hơn HLV trưởng, vì sự nghiệp của anh ấy, danh dự của anh ấy, nằm hết ở đó. Dù người hâm mộ buồn một, anh buồn tới mười lận, nhưng bóng đá ở xứ mình nghiệt ngã lắm anh Thắng. Thua trận, người ta sẽ lao vào xâu xé anh, chê cười anh và ai ai cũng sẽ tự cho rằng họ là HLV giỏi hơn anh.
Nói chung thì không thể cấm người ta chỉ trích, nhưng vẫn phải có văn hóa chứ. Và với Bách, HLV Hữu Thắng đã làm tốt công việc của anh ấy. Nhưng cuộc đời mà, bóng đá mà, đôi khi chỉ vì một tình huống hoặc một sai lầm thôi là người ta sẽ rũ sạch tất cả. Người ta nhanh quên lắm, từ Weigang tới Riedl, Miura hay ngay cả Calisto, vẫn luôn bị hắt hủi dù từng được lên tận mây xanh. Bóng đá Việt Nam có gần 100 triệu HLV lận mà.
Cho nên, nếu được nói gì với anh Thắng lúc này, Bách mong anh đừng buồn nữa. Cái chức vụ của anh bổng lộc ít mà chông gai thì nhiều, thành công chẳng mấy ai nhắc đến, thua cuộc là ngay lập tức bão tố đổ hết lên đầu. Quan trọng hơn tất cả, anh Thắng là người hiếm hoi, dũng cảm đứng ra nhận hoàn toàn trách nhiệm, dám từ chức. Vì có thay thế ai cũng vậy, Mourinho hay Ancelotti mà chúng ta vẫn xây nhà từ nóc, vẫn những người không biết cắn rứt lương tâm mà vẫn tại vị suốt thì cũng thế thôi.
Thực sự thì chắc chắn không ai muốn U22 Việt Nam phải chia tay giải đấu với một thất bại như thế này. Nhưng theo cá nhân Hoàng Bách nghĩ, nếu có thay HLV trưởng hay lứa cầu thủ tiếp theo, thì đó không phải là điều tiên quyết để bóng đá Việt Nam có thể cất cánh.
Một mô hình bóng đá tốt cần có một tỉ phú đứng ra làm chủ tịch Liên đoàn bóng đá. Có thực mới vực được đạo, mà người có tiền mới dám quyết, dám nói, dám làm. Hơn nữa, những vị chức sắc ở Liên đoàn bóng đá, phải là người có chuyên môn, hiểu, yêu và có uy tín trong giới bóng đá. Chúng ta cũng cần tách biệt rõ ràng giữa Liên đoàn bóng đá với nhà nước. FIFA cũng đã quy định rất rõ, Liên đoàn bóng đá một nước phải là một tổ chức độc lập với chính phủ.
Sâu rộng hơn, bóng đá Việt Nam cũng cần chú trọng phát triển bóng đá học đường. Như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan, có sự liên kết giữa các trường cấp 3, Cao đẳng, Đại học với các đội bóng chuyên nghiệp. Nhưng dù sao thì vẫn cần nhất là tổ chức lại giải đấu V.League. Bởi bóng đá cấp CLB mà không hấp dẫn, không trung thực thì không có khán giả. Không khán giả đồng nghĩa với không thể tự nuôi được mình và mãi mãi không thể phát triển.
Còn điều nữa theo mình thấy, trưởng đoàn dẫn đội ở các giải đấu nên là nữ, càng đẹp càng tốt, đẹp như Hà Anh hay Phạm Hương,... Lúc đó trưởng đoàn mới có hình ảnh, có các mối quan hệ cũng như đã hiểu về cách hoạt động truyền thông, từ đó họ sẽ chủ động về hình ảnh và xử lý tốt hơn khi gặp phải khủng hoảng truyền thông.
Tất nhiên những điều trên là ý kiến cá nhân của Hoàng Bách thôi, mọi người cùng nhau đóng góp ý kiến. Chứ cứ để tình trạng đau đớn, bẽ bàng quá nhiều lần rồi, người hâm mộ giống như trò đùa của người khác vậy.
- Ngoài bóng đá ra thì anh còn quan tâm đến môn nào khác không?
- Nói chung lúc nhỏ, mình chưa biết nhiều, mình chỉ quan tâm tới huy chương. Máu ăn thua một cách bản năng thì quan tâm nhiều đến số lượng huy chương. Khi càng lớn hơn, hiểu hơn thì Bách quan tâm đến những bộ môn Olympic. Như bơi lội, điền kinh, mình biết hơn nó là những môn cơ bản của thể thao. Thì từ đó mình mới tìm hiểu những môn đó nhiều rồi hâm mộ.
Gia đình Hoàng Bách trong một chuyến đi biển
- Vậy còn kỳ SEA Games 22 năm 2003, được tổ chức tại Việt Nam?
- À, cái kì SEA Games mà Việt Nam đăng cai lại là cái duyên rất lớn của bản thân Bách. Kì đó dù địa điểm chính là Hà Nội, nhưng ở TP.HCM cũng diễn ra nhiều sự kiện. Mình nhớ là buổi lễ chào mừng SEA Games, chính xác là buổi tổng duyệt cho chương trình lớn nhất ở nhà thi đấu Phú Thọ, chính tại đó, Bách đã gặp bà xã của Bách bây giờ.
- Nói kiểu như SEA Games đã để lại rất nhiều dấu tích trong cuộc đời của Bách.
- Lúc đó chương trình huy động tất cả ca sĩ, diễn viên, người mẫu,... Bách là ca sĩ còn vợ là người mẫu, vô tình gặp nhau ở nhà thi đấu Phú Thọ. Nhớ lại cái lúc đó, Bách chỉ nhớ mỗi cái ánh nhìn, trông rất oai, rất lạ. Bách ấn tượng là lúc đó có rất nhiều người mẫu, nhưng mình chỉ chú ý tới duy nhất một người là vợ mình thôi. Thực sự là duy nhất mình cô ấy thôi. Mà lúc đó cô ấy chẳng để ý tới mình đâu.
Lần ấy mình chỉ ấn tượng thôi, rồi sau đó, qua một lần diễn chung nữa thì mình mới xin số điện thoại của cô ấy qua một người quen. Sau đó bắt đầu câu chuyện để mà Bách có một gia đình như bây giờ.
Càng lớn thì Bách hiểu ra đó là sự thích hợp, rất hợp nhau giữa hai cung hoàng đạo. Tại vì về sau mình phát hiện ra là, hầu hết các cô bạn thân chơi với nhau, thấu hiểu nhau của Bách, đều là cùng cung hoàng đạo với vợ Bách hết. Bách là cung Sư tử, còn bà xã là Bạch Dương. Về sau mình mới biết cái đó chứ hồi lúc gặp nhau thì không biết đâu.
- Ca sĩ Hoàng Bách là một trong những người sáng lập, thành viên trụ cột của đội bóng nghệ sĩ Sai Gon Artist United. Vậy nói về bóng đá ngoài đời, của bản thân anh, trên sân cỏ anh là một cầu thủ như thế nào?
- Đá ở trên sân hồi còn trẻ, lúc Bách còn sức bật, còn nhanh nhạy, sức rướn, Bách hay đá vị trí tiền đạo cắm. Hồi ấy nói chung mình thuộc dạng chộp giật cơ hội khá tốt, cũng kiểu kiểu như Inzaghi, người cũng mảnh mai. Mình không phải mẫu có kĩ thuật tốt, chạy tốt, chỉ được cái sút tốt, có cái thính nhạy bàn thắng thôi. Và mình chơi rất quyết tâm.
Hồi ấy trẻ thì còn sức đá được kiểu vậy, còn lớn rồi, cân nặng đã khác, sức rướn cũng không còn nữa, rồi nhất là cái lần chấn thương nặng đứt dây chằng, giờ mình đá phải nhờ vào đầu óc nhiều hơn, đá lùi lại, đá tổ chức cho anh em đá.
Nói chung giờ mình ra sân cũng chỉ khua chân chuyền được quả này quả kia thôi. Anh em cũng biết nền cũng không chuyền bóng khó quá cho mình, không bắt mình đua sức lắm. Cho nên Bách vẫn đá được, vẫn vui được, vẫn đủ một tuần ra 1, 2 trận. Nhưng nói vậy thôi, ngoài sân mình hiền thế, chứ vào sân cũng máu ăn thua lắm.
- Thần tượng bóng đá có ảnh hưởng lớn nhất đến Hoàng Bách là ai?
- Bách nghĩ cầu thủ ảnh hưởng tới Bách nhất là Eric Cantona. Mặc dù mình không thích đội tuyển Pháp đâu, nhưng thực sự mình rất mê Eric Cantona. Bởi ông ấy gây ấn tượng đầu tiên cho mình, về một người hùng với tính cách rất đặc biệt, dáng đứng đặc biệt, dáng chạy đặc biệt. Ngổ ngáo nhưng rất đàn ông.
Rồi cách mà Cantona dám hành xử. Ngay những lỗi lầm của Cantona cũng là những cái mà Bách rất là thích. Mình thích con người đó. Cả cái cách mà Cantona đã để lại tiếc nuối trong người hâm mộ.
Nếu mọi người để ý thì sự nghiệp ca hát của Bách cũng gần giống Cantona vậy. Mình cũng bị ảnh hưởng nhiều từ ông ấy. Như khi Bách đang ở đỉnh cao, Bách thấy đủ rồi và quyết tâm dừng. Nói bị ảnh hưởng cũng được hoặc là có sự tương đồng nào đó về tính cách giữa Bách với Cantona.
Chẳng hạn như giờ Bách đá trên sân, Bách cũng là người mà anh em hay nhìn vào nhất, dù mình không phải là người có chuyên môn tốt nhất, nhưng mình là chỗ tinh thần để anh em dựa vào. Bởi mình thích xốc vác, vực dậy tinh thần anh em, chứ không thích chỉ trích hay la lối trên sân. Đấy là cũng điều mà Bách rất thích ở Cantona, và có lẽ cũng có nét tương đồng với nhau về tính cách.
Cantona cũng là biểu trưng cho một thời đại mà Man Utd vượt lên trên tất cả các đội bóng Anh khác, để trở thành biểu tượng của Premier League, ra châu Âu rồi toàn thế giới. Có thể Cantona không phải là người giỏi nhất, người thành công nhất, nhưng Bách nghĩ, Cantona là người có ảnh hưởng nhiều nhất và biểu tượng lớn với rất nhiều fan hâm mộ Man Utd ở lứa khoảng cuối 7x, đầu 8x như Bách.
- Việc anh thần tượng Cantona và thích là chỗ dựa, bao bọc cho đồng đội trên sân, có giống như khi anh trở về bên gia đình, bên vợ con, không?
- Bách nghĩ thì cũng gần gần như vậy. Bởi nó là một dạng tính cách thôi. Bách cảm thấy hạnh phúc khi bản thân được làm điều đó, chứ không phải mình cố gắng làm để tỏ ra với ai cả. Chính việc đó làm cho mình cảm thấy hạnh phúc là đủ.
Theo như Bách tìm hiểu thì tính cách này thường xuất hiện ở những người thuộc cung hoàng đạo Sư Tử. Trùng hợp là Bách thuộc cung này và thấy rất nhiều bạn bè cùng cung cũng có dạng tính cách như vậy.
Hoàng Bách và gia đình nhỏ của anh
- Ca sĩ Hoàng Bách từng thể hiện ca khúc "Tàn phai giấc mơ", và cũng đã giúp ca khúc trở nên nổi tiếng. Ca khúc nói về một cuộc tình dở dang, đành phải chôn vùi vào dĩ vãng. Với bóng đá của cá nhân anh rồi bóng đá Việt Nam nói chung, có khi nào anh "Tàn phai giấc mơ", một ước mong bị đổ bể chưa?
- Thường xuyên. Bách nghĩ là những ai đã mê bóng đá, ghiền bóng đá như Bách thì luôn thích chiến thắng. Ngoài cái đẹp trong bóng đá là điều đương nhiên ai cũng thích, mọi người còn thích cả chiến thắng nữa.
Nhưng mà giải đấu nào cũng có nhiều ứng cử viên vô địch, và chắc chắn đội mình không thể lúc nào cũng chiến thắng được hết. Từ đội tuyển quốc gia, câu lạc bộ cho đến đội của mình đều thế. Thắng, thua thường xuyên đến.
Cái cúp chỉ có một thôi, mà đội mong muốn giành được nó thì rất nhiều. Bởi thế nên người buồn, người thất vọng sau mỗi giải đấu luôn nhiều hơn là những người hân hoan. Thông thường nó là như vậy, đôi khi mình cảm thấy nghẹn ngào, cảm giác bất lực rồi bất công sau một trận đấu.
Tất cả cảm xúc này dần thành một điều đương nhiên trong bóng đá, rồi cũng chính từ nó, cảm giác sau một thất bại, như một chất kích thích để mọi người yêu bóng đá, yêu thể thao hơn, chứ không phải vì những thành công. Tại vì thành công quá khó đến, quá khó chạm vào. Cũng bởi thế, thành công vẫn là thứ quý giá, và khi chúng ta thành công, cảm giác lúc đó nó lớn lao hơn rất là nhiều.
Bách lấy ví dụ như các CĐV Leicester, trong số họ có lẽ có những người đã chờ cả đời, chờ cả vài kiếp thì mới có được niềm hạnh phúc vô địch Ngoại hạng Anh. Đó là lần đầu tiên và cũng có thể là lần duy nhất vô địch Ngoại hạng của đội bóng mà họ thích.
Tựu chung mà nói, thể thao, bóng đá là như vậy. Mình càng hâm mộ, càng yêu nhiều thì lí trí nó không còn quan trọng nữa. Càng yêu nhiều bất chấp càng thất vọng nhiều, nhưng cái thất vọng đó lại không thể làm cho mình dừng yêu bóng đá lại được.
Chỉ có một cái riêng của cá nhân Bách, một thứ tình yêu dành cho bóng đá của Bách đã quá nhiều lần bị thất vọng, thất vọng nhiều bởi sự dối trá nên Bách đã dừng yêu. Đó là với giải vô địch Việt Nam, V.League. Lý do bởi giải đấu này đi liền với nhiều dối trá, với nhiều bất cập trong điều hành rồi cả những sự lấp liếm.
Nghĩa là giải đấu chỉ để đối phó lẫn nhau từ ngày này qua ngày khác. Thì với một người như Bách, ngay từ nhỏ đã đến sân cổ vũ cho đội bóng quê hương Nam Định, sau này vào TP.HCM là Công An TP rồi Sài Gòn Xuân Thành. Tất nhiên là mình vẫn theo dõi một số đội bóng và không thể thiếu đội bóng Nam Định quê mình. Nhưng càng ngày Bách càng thấy tình yêu của mình nó vô lý quá.
Cho nên mình phải nghĩ lại, mình phải dành tình yêu của mình cho những cái khác xứng đáng hơn. Chứ giờ chưa ra sân đã biết kết quả rồi, cầu thủ cứ ra sân là phang thẳng giò nhau vậy, rồi những người điều hành chỉ tay năm ngón cho vui chứ chả giải quyết được thấu đáo cho cái chung, thì mình thấy cái tình yêu của mình nó vô lý.
Bởi thế nên Bách đã phải tự đặt ra câu hỏi, tại sao mình phải yêu như thế để rồi chính mình bị tổn thương bởi những cái đó để làm gì? Nó không xứng đáng. Bách đã dừng, không đến sân xem V.League nữa từ 1 năm nay rồi.
- Qua những chia sẻ có thể cảm nhận được ca sĩ Hoàng Bách là một người rất đam mê, yêu cuồng nhiệt trái bóng tròn. Vậy đã bao giờ trong giấc mơ, hình ảnh về một Hoàng Bách là cầu thủ chuyên nghiệp xuất hiện không?
- (Cười) À không đâu, từ lâu lắm rồi Bách đã biết mình không có khả năng để làm cầu thủ chuyên nghiệp. Mình chơi với nhiều anh em cầu thủ, rất nhiều lứa, từ những anh Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Văn Sỹ cho đến giờ như Hoàng Thịnh. Anh em quý mến nhau lắm, nên mình cũng tự biết cái khả năng của mình.
Như hồi đi đá bóng với anh Minh Hiếu, anh Như Thuần ngoài Hà Nội, mình trẻ hơn vậy mà còn không bám gót nổi thì làm sao mình đủ khả năng làm cầu thủ. Nói chung là Bách không bị bóng đá trộn lẫn vào trong giấc mơ đâu. Dù thực sự là đam mê bóng đá luôn hiển hiện trong mình và như một phần của cuộc sống.
Có những trận đấu mình đá thua xong, về cả đêm ngủ không được. Hay lâu lâu ghi được một bàn mà nó đẹp quá thì về cả đêm cũng không ngủ được luôn. Nó cứ lâng lâng, cảm xúc hưng phấn suốt cả ngày hôm sau. Rồi những đêm thức xem bóng đá, đội mình thích mà thua tức tưởi là mình tức không ngủ được luôn, nguyên ngày hôm sau không làm được cái gì. Ngược lại mà nếu thắng, cũng lại không ngủ được nhưng ngày hôm sau thức, làm việc nguyên ngày đến tối luôn cũng được. Nghĩa là cái cảm xúc của bóng đá cho mình quá lớn, quá tuyệt vời.
- Đã từng xỏ giày chinh chiến từ Nam chí Bắc, vậy người đồng đội đáng nhớ nhất trên sân của Hoàng Bách là ai?
- Trong phạm vi anh em nghệ sĩ, người đồng đội đáng nhớ nhất mà tôi phải nói đến là Phạm Anh Khoa. Khoa với Bách như lửa với nước trên sân. Khoa nhiều sức mạnh, nhiều tốc độ và quyết đoán lắm, còn Bách thì nhẹ nhàng hơn, chậm rãi hơn.
Bách với Khoa cũng chơi thân với nhau ngoài đời, rồi anh em đá bóng chung cũng cả chục năm nay rồi, nên hai người có sự thấu hiểu nhau rất lớn. Nếu như Bách đá hộ công dưới Khoa thì Khoa ghi được nhiều bàn thắng lắm. Rồi mấy lần Khoa nổi nóng trên sân với bao nhiêu người, thì người duy nhất làm dịu được cái đầu cậu ấy lại cũng là mình thôi.
Gần đây thì đội của Bách có nhiều nhân tố mới. Bách đá giữa sân nữa nên cũng hợp với nhiều anh em. Trong số đó thì đúng là còn một người nữa ăn ý với Bách từ trong sân đến ngoài đời , trên sân khấu luôn. Đó là ca sĩ trẻ Hồ Khánh Long.
Bạn Khánh Long là tiền đạo, cũng nhỏ con thôi nhưng mà đá lắt léo, tốc độ, như kiểu Công Phượng ấy. Bạn Long ăn ý với mình, từ sân cỏ lên đến sân khấu luôn, để rồi hai anh em đoạt được giải nhất Nhạc hội song ca 2017 vừa rồi.
Đó, có Phạm Anh Khoa và Hồ Khánh Long là hai người đồng đội trên sân cỏ hợp ý với Bách nhất.
- Xin cảm ơn ca sĩ Hoàng Bách với những chia sẻ chân tình trên.