Nhưng người ta thường chỉ ôn lại những vinh quang trong sự nghiệp thể thao sáng ngời của Comaneci. Không phải ai cũng biết: Comaneci đã tự tử ngay trên đỉnh vinh quang. Trong cuộc đời của tượng đài Olympic bất hủ này, những nỗi đau đớn tột cùng cũng nhiều không kém gì những thành công chói lọi.
13 tuổi đã lừng danh thiên hạ
TDDC là một trong ba môn kinh điển, không thể thiếu ở đấu trường Thế vận hội mùa Hè, với tầm quan trọng sánh ngang các môn điền kinh, bơi lội. Và ở môn thể thao đầy quyến rũ này, Comaneci được tổ chức uy tín Laureus World Sports Awards công nhận vào năm 2000 là “VĐV vĩ đại nhất thế giới trong thế kỷ 20”. Chỉ với một chi tiết ấy là đủ nói lên sự nghiệp thể thao vĩ đại của Nadia Comaneci.
Chưa tròn 9 tuổi, Comaneci đã trở thành VĐV trẻ nhất đoạt HCV ở giải VĐQG Romania. Khi chuẩn bị tròn 10 tuổi, Comaneci đã đại diện cường quốc thể dục Romania tham gia các giải quốc tế. Cô bé thật sự trở thành ngôi sao hàng đầu thế giới khi chiến thắng áp đảo ở giải Vô địch TDDC châu Âu năm 1975 tại Na Uy. Khi ấy, ở tuổi 13, Comaneci đã đoạt chức vô địch toàn năng nữ châu Âu và chiếm luôn HCV trong mọi nội dung thi đấu, trừ bài diễn tự do trên sàn, nơi cố bé “chỉ” lấy được HCB.
Thế rồi, Comaneci nhanh chóng đi vào huyền thoại ở Olympic Montreal 1976 (Canada). Ở nội dung xà lệch, Comaneci trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử TDDC đạt được điểm 10 tuyệt đối trên đấu trường Olympic. Sự kiện này hy hữu đến nỗi bảng điểm thời ấy chỉ có 3 chữ số, không thể hiện được điểm số 10.00, nên điểm số của Comaneci trong thành tích lịch sử ngày 18/7/1976 tại Montreal bị ghi là 1.00.
Đây cũng chính là một trong những “tai nạn” thú vị hiếm hoi trong lịch sử Olympic. Sau một thoáng sững sờ không biết điều gì đã xảy ra, toàn thể khán giả trong nhà thi đấu chợt hiểu nguyên nhân của cái điểm số 1.00 và đứng bật dậy hoan hô dữ dội. Họ biết rằng mình vừa tận mắt chứng kiến một kỳ tích chưa từng xảy ra ở Olympic. Cũng tại Montreal 1976, Comaneci trở thành VĐV Romania đầu tiên trong lịch sử đoạt HCV Olympic ở nội dung toàn năng.
Cứ thế, vinh quang nối tiếp vinh quang. Comaneci tiếp tục gặt hái nhiều HCV tại Olympic Moscow 1980 và trở thành tượng đài chắc chắn không thể hạ bệ trong lịch sử TDDC. Bây giờ, một VĐV TDDC phải tròn 16 tuổi mới được tranh tài ở Olympic, nên kỷ lục vô địch toàn năng Olympic ở độ tuổi 14 của Comaneci là vĩnh cửu.
Nói chung, Comaneci đi vào huyền thoại không phải vì đã đoạt được bao nhiêu HCV ở Olympic hoặc giải VĐTG. Người ta luôn có ấn tượng sâu đậm về độ tuổi rất trẻ cũng như những hình ảnh tuyệt vời trong các chiến thắng của Comaneci.
Trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, Comaneci là một trong số ít những tượng đài thể thao được tôn vinh bởi 2 khối: Đông Âu và Tây Âu. Vào năm 1976, BBC trao giải “Nhân cách thể thao trong năm” cho Comaneci. AP thì trao giải “Nữ VĐV số 1 thế giới”, còn Romania thì trao huân chương “Anh hùng Lao động XHCN”. Comaneci là VĐV trẻ nhất, cũng là VĐV duy nhất xưa nay 2 lần được IOC tặng “Olympic Order” - Huân chương cao quý nhất của tổ chức này.
Sau 12 tháng vinh quang là liều thuốc tự tử
Nói về sự nghiệp TDDC hoành tráng của huyền thoại Comaneci, phải viết đến nhiều quyển sách chứ khó diễn đạt trong một trang báo. Trớ trêu thay, cuộc đời Comaneci lại không chỉ bao gồm những thành công rực rỡ trong lĩnh vực chuyên môn.
Bề ngoài, nhiều người đã đọc được những câu trả lời phỏng vấn gây xúc động mạnh của Comaneci tại Olympic Montreal 1976. Cô muốn gì, ngay giữa vinh quang? Comaneci nói ngay: “Tôi chỉ muốn về nhà”. Bao giờ cô sẽ giải nghệ? “Giải nghệ ư? Tôi chỉ mới 14 tuổi thôi mà”. Vâng, tuổi 14 là lúc các VĐV bây giờ còn phải tập thêm 2 năm trước khi đủ tư cách dự Olympic, làm sao có thể nói chuyện giải nghệ.
Liên kết 2 câu trả lời phỏng vấn nêu trên, chúng ta thấy ngay nỗi khổ của Comaneci. Chuyện ít ai biết: chỉ 1 năm sau khi lên đỉnh vinh quang tại Montreal, cô bé 15 tuổi Comaneci đã uống thuốc tẩy để tự tử. Ban đầu, đấy dĩ nhiên chỉ là tin đồn. Nhưng sau này, Comaneci đã xác nhận trên tạp chí Life số tháng 3/1990 rằng đấy là sự thật. Comaneci thoát chết sau 2 ngày cấp cứu và cảm thấy hạnh phúc trong những tuần lễ sau đó chỉ vì “không phải tập luyện”.
Mới đây, không ít người đã cảm thấy xót xa cho số phận của con người, khi nhìn tấm ảnh một cô bé Trung Quốc khóc ròng vì đau đớn do phải chịu đựng chế độ tập luyện quá hà khắc. Comaneci ngày xưa cũng chẳng khác gì. Huyền thoại thể thao được phát hiện năng khiếu khi mới 6 tuổi, được đưa đến “trường thực nghiệm thể dục” của HLV Bela Karoliy.
Và tuổi thơ của một cô bé coi như chấm dứt. Bạn đã hiểu vì sao ước mơ của Comaneci là “chỉ muốn về nhà”, và vì sao Comaneci rúng động khi được hỏi về kế hoạch giải nghệ? Còn bao lâu nữa mới đến cái ngày “giải nghệ” mà Comaneci mơ ước? Tại “trường thực nghiệm thể dục”, Comaneci nhanh chóng nhận ra: TDDC không phải là một trò giải trí như cô bé từng “tưởng bở” lúc xung phong tham gia cuộc tuyển chọn của HLV Bela Koralyi.
Bề ngoài, những động tác cực kỳ khó khăn mà Comaneci thể hiện khi thi đấu đã giúp cô thành huyền thoại. Nhưng đâu phải ai cũng có tài năng như Comaneci. Emilia Eberle - một đồng đội cũng rất nổi tiếng nhưng luôn phải sống dưới cái bóng của Comaneci - khẳng định: đấy là những động tác có thể làm cho người ta tàn tật suốt đời, chỉ với một sơ suất nhỏ trong tập luyện. Cũng theo Eberle, cô và đồng đội, gồm cả Comaneci, thường xuyên phải chịu những trận đòn khốc liệt của vợ chồng HLV Koralyi mỗi khi họ tập sai động tác.
Sau đỉnh cao vinh quang tại Olympic 1976, Comaneci trở thành “tài sản quốc gia” của Romania. Càng không còn chút hy vọng nào để cô bé chưa tròn 15 tuổi ấy có được một cuộc sống riêng hoặc những giây phút vui đùa với bạn bè cùng trang lứa. Nặng thì ăn đòn, nhẹ thì cũng bị công luận chỉ trích, mắng mỏ, nếu như Comaneci tăng cân một tí.
Mà trong cái “tuổi ăn, tuổi lớn” Comaneci không tăng cân, không phổng phao thành một thiếu nữ mới là chuyện lạ. Áp lực ngày càng nặng nề đã suýt cướp đi mạng sống của Nadia Comaneci, khi cô quyết định uống thuốc tẩy để vĩnh viễn kết thúc cái “kiếp anh hùng” vào năm 1977!
Khi còn ở đỉnh cao phong độ, động tác kỹ thuật của Comaneci không chỉ gọn gàng, chính xác, mà điều quan trọng là chúng luôn có tính sáng tạo và độ khó rất cao. Không ít động tác trong môn TDDC đã được đặt tên theo Comaneci và đến tận bây giờ động tác tiếp đất “Comaneci dismount” ở nội dung ngựa gỗ vẫn được chấm điểm cao trong thang điểm về độ khó.