Đường đến đỉnh vinh quang
Ngôi á quân tại giải hạng Nhất 2000 đã đưa Đà Nẵng lên chơi ở V.League, giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam. Không cam phận tân binh, đội bóng sông Hàn quyết định chơi lớn bằng cách “bứng” luôn bộ 3 người Uganda từng giúp SLNA lên ngôi ở giải VĐQG 1999 là Iddi Batambuze, Lulenti và Tamale. Khởi đầu ấy đã mở đường để rất nhiều ngoại binh đến đầu quân cho Đà Nẵng.
Hai năm sau đó, những cầu thủ Brazil ồ ạt đổ bộ sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội chơi bóng. Phần lớn trong số này đều xuất thân từ đường phố hoặc gắn bó với một đội bóng nghiệp dư nào đó. Rogerio cũng không phải ngoại lệ. Tay “cò” Mauro từng tiết lộ: “Ở Brazil, những cầu thủ như Rogerio Machado rất nhiều. Bởi trải dọc các bang có cả chục nghìn đội bóng lớn nhỏ khác nhau. Trước khi trở thành ngôi sao lớn, Juninho Pernambucano, Dani Alves, Dante hay Adriano… đều được sinh ra và lớn lên ở những nơi có điều kiện như vậy”.
Rogerio không có được diễm phúc như những đồng hương. Với tiền vệ người Brazil này, đến Việt Nam chơi bóng thực sự là may mắn và cũng là cơ hội đổi đời. Giai đoạn 2 V.League 2003, Đà Nẵng chỉ mất 4.000 USD tiền phí chuyển nhượng và trả mỗi tháng 1.700 USD để có được chữ ký của Rogerio. Cầu thủ sinh năm 1979 này còn nhận lương thấp hơn cả những đồng nghiệp người Uganda.
Người ta từng ví Rogerio là “gã lực điền”. Anh cần mẫn “cày cuốc” trên từng mét vuông sân cỏ. Chỉ vài năm sau đó, Rogerio cho thấy được sự tiến bộ đáng kinh ngạc với lối chơi mạnh mẽ, nhưng khi cần đôi chân cũng biết nhảy múa như những nghệ sỹ. Ông Lê Huỳnh Đức là người hiểu Rogerio hơn ai hết. Trước khi trở thành HLV trưởng của SHB Đà Nẵng (năm 2008), cựu tuyển thủ này từng là đồng đội của Rogerio trong 2 mùa bóng.
Có lẽ vì thế, khi Huỳnh Đức lên nắm sa bàn, Rogerio đã được nhập tịch và anh trở thành “át chủ” trong lối chơi của SHB.ĐN. Mùa giải 2009, Nguyễn Rogerio chơi tuyệt hay, giúp đội bóng sông Hàn lập cú đúp vô địch V.League và Cúp QG. Có thể nói ở vị trí tiền vệ trung tâm lúc ấy tại SHB.ĐN, Nguyễn Rogerio là số 2 thì chẳng ai là… số 1.
Khắc khoải một giấc mơ
Trên đỉnh cao sự nghiệp, có những lúc Nguyễn Rogerio chếnh choáng men say chiến thắng. Một năm sau ngày đăng quang V.League 2009, SHB.ĐN trở thành nhà cựu vô địch. HLV Huỳnh Đức phải bước vào công cuộc làm mới đội bóng để hướng tới những đỉnh cao. Thương vụ “bom tấn” được kích hoạt khi SHB.ĐN mang về tiền vệ Nguyễn Minh Phương từ Long An với giá 5 tỷ đồng. Đến lúc này, vị trí của Nguyễn Rogerio không còn bất khả xâm phạm. Anh cùng Thanh Hưng phải xoay tua đá cặp với Quả bóng vàng Việt Nam 2010.
Trong mỗi buổi tập, Nguyễn Rogerio thường bắt đầu bằng sự đố kỵ, dè bỉu với Minh Phương. Từ sự bằng mặt mà không bằng lòng, tiền vệ gốc Brazil đã chơi bài ngửa với HLV Huỳnh Đức. Đỉnh điểm là ở lượt về mùa giải 2011, Nguyễn Rogerio liên tục cáo ốm, báo chấn thương khiến đội bóng sông Hàn cũng “mệt” theo anh. Người ta nhầm tưởng, Nguyễn Rogerio “đau đầu” vì tấm băng đội trưởng mà HLV Huỳnh Đức giao cho Minh Phương.
Thật ra không phải như vậy. Cuối năm 2011, Nguyễn Rogerio đáo hạn hợp đồng với SHB.ĐN. Sau 8 năm cống hiến, tiền vệ này muốn SHB.ĐN trả anh 400.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng) cho 2 năm hợp đồng tiếp theo, nhưng lãnh đạo đội bóng đã không đồng ý. Đôi bên không tìm được tiếng nói chung trong những cuộc ngã giá và Nguyễn Rogerio phải ra đi theo kịch bản mà các CĐV sông Hàn không hề mong muốn.
Nguyễn Rogerio được thỏa mãn mọi thứ khi chuyển đến Xuân Thành Sài Gòn. Nhưng trong 2 năm tại đây, anh như một cung đàn lạc nhịp. Cuộc phiêu lưu cuối cùng tới Thanh Hóa vào năm 2014 cũng không mang lại nụ cười cho Nguyễn Rogerio. Rời mảnh đất hình chữ S sau 11 năm thi đấu, Nguyễn Rogerio vẫn khắc khoải trong lòng giấc mơ khoác áo ĐT Việt Nam như những đồng hương Phan Văn Santos hay Huỳnh Kesley.
Đúng là tiếc cho gã “đấu sĩ” mang trong mình trái tim nghệ sĩ. Nhưng với nhiều người, Nguyễn Rogerio luôn là một trong những ngoại binh đáng xem, trân trọng nhất trong lịch sử V.League.
Không mâu thuẫn với HLV Huỳnh Đức VÀI NÉT VỀ NGUYỄN ROGERIO |
XEM THÊM
Thầy trò ông Park ủng hộ chiến dịch 'Xin cảm ơn' đẩy lùi Covid-19