Cùng thời gian này 14 năm trước, T&T Hà Nội - tiền thân của Hà Nội FC - được thành lập. Đội bóng này đi từ hạng Ba lên V.League trong 3 năm. Đây là kỷ lục có một không hai của bóng đá Việt Nam.
Thăng tiến thần kỳ, nhưng từ năm 2009, khi T&T Hà Nội lên chơi chuyên nghiệp, họ đã trải qua chặng đường dài đáng nhớ. T&T Hà Nội thách thức mọi đối thủ, thành công bằng những công thức đặc biệt.
Đó cũng là giai đoạn đội bóng Thủ đô thể hiện sự kiên định trong hành trình xây dựng tính biểu tượng. Từ chỗ phải chiêu hiền đãi sỹ, họ đã xây dựng những chân giá trị mới cho mình, cho bóng Việt Nam. Phải nhấn mạnh, nếu không kiên định thì có thể nhiều người đã buông xuôi.
Nhiều người cho rằng, Hà Nội FC đi từ con số âm để bây giờ trở thành đội bóng hoàn hảo ở V.League. Hành trình ấy mất nhiều thời gian, tiền bạc và tâm huyết của người trong cuộc. Nhưng cũng trong thời gian ấy, một biểu tượng đã cho thấy sự trồi sụt.
Đó chính là SLNA, đội bóng mà tất cả phải ghi nhận luôn có những điều kiện tuyệt vời để thống trị bóng đá Việt Nam. Từ khán giả đến yếu tố con người, những tiềm năng về tài chính đều có ở Nghệ An. Thế nhưng, trong hành trình ấy, bóng đá Nghệ An lại rơi vào vòng xoáy của cơ chế thị trường. Họ hụt hơi và đánh mất vị thế của một biểu tượng.
Bóng đá là địa vực mà ở từng thời điểm, người trong cuộc có thể thay đổi tương quan, thế đứng. Nói vậy để thấy, SLNA có thể thua một hành trình nhưng rất biết cách chứng tỏ vai trò ở một trận đấu. Vậy nên, những trận cầu then chốt như với Hà Nội FC lại là cơ hội để họ thể hiện giá trị, quyền lực.
Đó không phải là hành động níu kéo thời gian, kỷ niệm mà là cách để những cái tên cá tính cho thấy lòng tự tôn. Và bóng đá hấp dẫn cũng chính vì sự đột biến ở những hoàn cảnh điển hình.
XEM THÊM
Hà Nội FC xác nhận Heerenveen chưa muốn gia hạn với Văn Hậu