Về lý thuyết, quang nghỉ vào thời điểm này là rất tốt đối với các đội đang ngụp lặn ở đáy BXH như SLNA hay SHB.ĐN. Đó là dịp để các cầu thủ có cơ hội thư giãn, tìm lại sự cân bằng tâm lý sau khi phải căng thẳng chiến đấu nhưng thành tích èo uột. Đó là dịp để cho các HLV như Phan Như Thuật hay Trương Việt Hoàng khắc phục những sai sót đã lộ ra trước đó. Đó cũng là cơ hội để các cầu thủ bị chấn thương bình phục, qua đó, giúp cho các đội có được lực lượng mạnh nhất khi V.League 2024/25 trở lại.
Ở mùa giải này, số suất xuống hạng vẫn là 1,5 như ở mùa bóng trước, nghĩa là 1 đội xuống hạng trực tiếp và 1 đội đá play-off. Sau 9 vòng đấu, đối tượng có nguy cơ phải nhận 2 tấm vé ấy dường như đã được định hình. Không phải những đội bóng non nớt hay ít bề dày truyền thống thống, hai 2 đội đang chia nhau 2 vị trí cuối bảng SLNA và SHB.ĐN có bề dày lịch sử và đáng tự hào bậc nhất V.League. Cả 2 đội đã 3 lần lên ngôi V.League kể từ khi bóng đá Viêt Nam xây dựng mô hình chuyên nghiệp. Quá khứ lẫy lừng ấy nhưng thành tích yếu kém đến thế nên dễ hiểu cho cảm giác não nề của khán giả SLNA và SHB.ĐN. Cũng vì thế mà khán đài ngày càng thưa thớt. Cần biết rằng đây không phải là lần đầu tiên, 2 đội bóng miền Trung thi đấu tệ hại đến thế. Ở mùa trước, SLNA cũng oằn mình trong cuộc chiến trụ hạng và phải đến trận cuối cùng mới thoát hiểm. SHB.ĐN còn tệ hơn bởi phải chơi ở hạng Nhất ở mùa bóng 2023/24 sau khi rớt hạng ở V.League 2023.
Vấn đề của SLNA hay SHB.ĐN không hẳn do phong độ của các cầu thủ. Nội bộ của 2 đội này cũng được đánh giá là đoàn kết, chứ không có chuyện cầu thủ “đình công để đá ghế” qua đó, tự làm suy yếu mình. Trên các phương tiện truyền thông, các nhà chuyên môn của SLNA đã chỉ thẳng sự yếu thế về chất lượng đội hình của SLNA khi nhiều cầu thủ nội yếu về năng lực, thiếu về kinh nghiệm và bản lĩnh trận mạc trong lúc khâu tuyển chọn ngoại binh có vấn đề nên chất lượng vẫn yếu kém như cũ. Tương tự, SHB.ĐN cũng không tạo được sự đột biến về chất lượng đội hình ở nội binh so với hạng Nhất 2023/24 trong lúc, ngoại binh lại quá tệ, không đủ sức để “gánh đội” như Hà Tĩnh. Những con số thống kê nghèo nàn khi không có lấy 1 chiến thắng, ghi bàn ít nhấp (5 bàn thắng) và thủng lưới nhiều nhất (SLNA thủng 16 bàn còn SHB.ĐN thủng lưới 17 bàn) là minh chứng. Khi áp lực của hàng công không đủ mạnh để đẩy lùi sức tấn công của đối phương thì hệ thống phòng ngự của SLNA hay SHB.ĐN vốn không xuất sắc lại phải chịu áp lực ngược lại, dẫn đến mắc sai sót và thua triền miên cũng là điều dễ hiểu.
Như đã nhận định, chất lượng đội hình mới là yếu tố quyết định đẩy SLNA và SHB.ĐN lùi sâu trên BXH. Vì thế, rất khó để trông đợi 2 đội bóng này “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” khi V.League 2024/25 quay trở lại vào giữa tháng 1 năm sau, trừ khi HLV Phan Như Thuật hay ông Trương Việt Hoàng có… phép màu. Để không phải đánh vật với số phận đến cuối mùa giải, cả SLNA và SHB.ĐN cần phải tính đến chuyện bổ sung lực lượng giữa mùa theo hướng tăng mạnh về chất lượng, đặc biệt là ngoại binh ở cả 3 tuyến. Chỉ khi có lực lượng có năng lực chuyên môn cao hơn thì 2 đội bóng miền Trung này mới có hy vọng thoát hiểm vào cuối mùa.