Tại sao World Cup 2022 ở Qatar gây tranh cãi?  

KHÔI NGUYÊN
Từ 17:36 ngày 11-11-2022
World Cup 2022 càng đến gần, càng xuất hiện những ánh nhìn soi xét tập trung vào quốc gia chủ nhà.  

Ở thời điểm còn cách vòng chung kết World Cup bảy tháng, Joe White vẫn chưa quyết định anh cùng với những người bạn của mình có nên đến Qatar để theo dõi hành trình chinh phục vinh quang bóng đá mới nhất của đội tuyển Anh hay không.  

Những nghi ngờ vẫn đang tồn tại. White, người đồng sáng lập Three Lions Pride, nhóm những người ủng hộ LGBT + của Anh, hiện có khoảng 200 thành viên hoạt động mạnh mẽ, cho biết: “Tôi đang nghiêng nhiều hơn về phương án không tham gia. Chúng tôi có thể hỗ trợ nhóm của mình ở bất cứ đâu họ đi và không cần lo lắng cho sự an toàn của chúng tôi. Thật không may, đó không phải là trường hợp ở Qatar”.  

Sự kiện đếm ngược đến World Cup 2022 được bắt đầu một cách nghiêm túc vào thứ 6 khi những cầu thủ nổi tiếng và các ngôi sao quốc tế tập trung tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Doha. Đây hứa hẹn sẽ là một sự kiện đình đám khi các bảng đấu được bốc thăm và lịch thi đấu được công bố với khán giả đang theo dõi trên toàn thế giới, nhưng không dễ dàng để dập tắt những tranh cãi xung quanh kỳ World Cup được tổ chức tại Qatar.  

Đằng sau những hình ảnh đẹp đẽ, tiến bộ được các nhà tổ chức đưa ra trong tuần này là những lo ngại sâu sắc rằng Qatar không phải là quốc gia xứng đáng nhận được vinh dự lớn nhất của FIFA. Các nhà vận động nhân quyền vẫn chỉ trích Qatar về những rắc rối của họ trong việc xây dựng các SVĐ, nơi sẽ diễn ra lễ hội bóng đá hoành tráng trong mùa đông năm nay và luật chống đồng tính luyến ai là rào cản ngăn một số người hâm mộ như White tham dự.  

Qatar khẳng định không có lý do gì để lo sợ. Việc duy trì những lời chỉ trích là không công bằng. “Mọi người đều được chào đón ở đây và mọi người sẽ cảm thấy an toàn khi ở đây,” Nasser Al-Khater, giám đốc điều hành của ban tổ chức giải đấu, cho biết vào năm ngoái. Tuy nhiên, không phải tất cả đều cảm thấy yên tâm với những lời hứa rằng những lá cờ cầu vồng sẽ được phép bay công khai.  

BTC World Cup 2022 hứa hẹn rằng lá cớ 7 màu của giới LGBT vẫn sẽ bay ở Qatar

Người hâm mộ LGBT có sự dè dặt và rõ ràng về việc đi du lịch đến một quốc gia mà người đồng tính luyến ái có thể bị phạt tới ba năm tù. "Trong 18 tháng đến hai năm qua, chúng tôi đã có các cuộc trò chuyện với FIFA và Qatar, và nhận thấy rằng thực tế khác xa so với các tuyên bố của họ và không có bất kỳ chi tiết nào về vấn đề an toàn”. White, người đã theo dõi đội tuyển Anh vào bán kết World Cup bốn năm trước ở Nga cho biết. 

Đây là một ĐT Anh rất có cơ hội. Họ chơi thứ bóng đá thú vị và đã làm nên những điều tuyệt vời tại Euro. Thực tế là chúng tôi đang rơi vào một tình huống rất khó khăn khi các thành viên cảm thấy không thể tham dự World Cup vì sự an toàn của bạn thân và có khả năng bỏ lỡ một chặng hành trình dài của đội tuyển Anh ở giải đấu”.  

“Tôi có thích đi đến đó không? Có thể. Nhưng tôi biết nó sẽ gây ra tổn hại với chúng tôi. Khi ở Nga, cứ vài giờ tôi lại nhắn tin cho bạn bè để nói rằng tôi vẫn an toàn. Điều đó sẽ còn lặp lại nhiều lần hơn nữa nếu chúng tôi tới Qatar. Không chỉ bản thân chúng tôi, những người bạn và gia đình cũng sẽ lo lắng rất nhiều theo lẽ tự nhiên.”  

HLV Gareth Southgate đã được biết thông tin và ông cảm thấy rất buồn. “Chúng tôi ủng hộ sự hòa nhập như một đội - đó là động lực lớn của rất nhiều quan điểm mà chúng tôi đã thực hiện trong vài năm qua - và sẽ thật kinh khủng khi nghĩ rằng một số NHM của chúng tôi cảm thấy họ không thể dự World Cup” - Southgate cho biết vào đầu tháng này.  

Có những người khác cảm thấy khó chịu hơn là sợ hãi khi đến thăm Qatar, quốc gia đã gây tranh cãi khi được chọn làm chủ nhà của giải đấu này vào năm 2010. Đan Mạch, một trong những đội sớm nhất vượt qua vòng loại World Cup đầu tiên được tổ chức ở Trung Đông, dự kiến số lượng CĐV trực tiếp tới cổ vũ họ sẽ giảm ở kỳ World Cup lần này.  

Tuy nhiên, giới LGBT vẫn có sự dè dặt về việc đến một quốc gia mà người đồng tính luyến ái có thể bị phạt tới ba năm tù

Danske Fodbold Fans, một nhóm CĐV hàng đầu tại Đan Mạch, đã kêu gọi các thành viên của mình tẩy chay Qatar 2022 vào năm ngoái. “Không dễ gì quay lưng lại với sự kiện lớn nhất của môn thể thao này. Nhưng bóng đá đã bị bắt làm con tin bởi những nhà cầm quyền độc tài, những kẻ giàu tham lam, những nhà lãnh đạo hám tiền và thiếu năng lực”.  

Mặc dù vậy, dự kiến vẫn sẽ có hơn một triệu NHM từ khắp nơi trên thế giới đến thăm quốc gia có diện tích gần bằng xứ Wales, nơi có tám địa điểm tổ chức 64 trận đấu vào tháng 11 và tháng 12. Với khoảng cách rất gần giữa các SVĐ, NHM thậm chí có thể đến xem nhiều hơn một trận đấu mỗi ngày.  

Vé đã được bán và FIFA cho biết đã có 1,2 triệu vé được đặt trong 24h mở bán vào tháng Giêng. Ngày hội bóng đá vẫn tiếp tục - nhưng những ồn ào xung quanh sẽ không biến mất. World Cup 2022 càng đến gần, càng xuất hiện những ánh nhìn soi xét tập trung vào quốc gia chủ nhà.  

Một số CĐV của các ĐTQG bao gồm Đức, Hà Lan và Đan Mạch đã làm nóng bầu không khí trong 6 tháng qua khi mặc những chiếc áo phông kêu gọi Qatar giải quyết vấn đề nhân quyền. “Bóng đá ủng hộ sự thay đổi”, đó là thông điệp được in trên những chiếc áo của CĐV Đan Mạch và Hà Lan. Trong khi đó, CĐV Na Uy thậm chí đã thảo luận về việc tẩy chay hoàn toàn giải đấu trước khi hành trình của đội tuyển nước này tại World Cup bắt đầu.  

Và những điều như vậy sẽ còn tiếp tục. Vào tuần trước, các cầu thủ Anh đã nêu ra quan điểm của họ về các vấn đề nhân quyền ở Qatar. Tiền vệ Jordan Henderson, một trong những nhân vật có tiếng nói của Tam Sư cho biết: “Chúng tôi cảm thấy khá sốc và thất vọng. Thực sự kinh khủng khi nghe nói về một số vấn đề đang xảy ra ở đó. Đó là một chủ đề rất quan trọng và chúng tôi cần phải làm điều đúng đắn với tư cách một đội.”  

Vấn đề nhân quyền cũng là lý do khiến nhiều ĐTQG như Na Uy, Đan Mạch kêu gọi tẩy chay World Cup 2022

Các ĐTQG, HLV và cầu thủ ngày càng thể hiện được tiếng nói của họ, nhưng có lẽ không ai tỏ thái độ “gắt” bằng HLV Louis van Gal của Hà Lan. “Thật nực cười khi chúng tôi sẽ thi đấu ở một quốc gia như thế - FIFA nói gì? Để phát triển bóng đá ở đó? Thật là nhảm nhí. Nhưng điều đó không quan trọng - đó là vấn đề tiền bạc, lợi ích thương mại. Đó là động cơ chính của FIFA”.  

Không có gì mới mẻ về những lo ngại xung quanh khả năng đăng cai giải đấu của Qatar. Các nhà vận động đã nêu bật các vụ vi phạm nhân quyền được cho là đã diễn ra ở quốc gia dầu mỏ này trong suốt một thập kỷ sau khi họ tiếp bước Nga đảm nhận vai trò nước chủ nhà. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã thẳng thừng gọi đây là “World Cup của sự xấu hổ”.  

“Rõ ràng vấn đề nhân quyền của World Cup lần này sẽ tệ, trừ khi có một số biện pháp bảo vệ hoặc các điều kiện áp đặt đối với Qatar để họ phải đáp ứng tốt hơn điều kiện lao động,” May Romanos, một nhà nghiên cứu khu vực vùng Vịnh của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói.  

“Điều này không phải giờ mới xảy ra, lẽ ra những vi phạm nhân quyền đã có thể tránh được. Không có gì thay đổi trong 7 hoặc 8 năm cho đến khi Qatar cuối cùng cũng phải cam kết cải cách luật lao động. Đã có một số thay đổi quan trọng. Chính phủ đã đưa ra các cải cách và bảo vệ tốt hơn quyền của người lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn yếu và rời rạc, đồng nghĩa với tình trạng lạm dụng vẫn còn tiếp diễn”.  

Việc xây dựng 8 SVĐ mới, tất cả đều cách nhau không quá 50 dặm khiến Qatar phải huy động một đội quân lao động nhập cư, những người cũng đã đóng góp vào quá trình mở rộng hạ tầng của Qatar để tổ chức World Cup. Một hệ thống đường sắt tàu điện ngầm mới được xây dựng với chi phí ước tính khoảng 36 tỷ bảng Anh hiện đã kết nối được hầu hết các địa điểm, cũng như các khách sạn, đường xá và các địa điểm nghỉ dưỡng khác cũng đã được hoàn thiện.  

Cái giá phải trả cho ấn tượng về sự chuyển mình của quốc gia dầu mỏ này là không hề rẻ, và đều xoay quanh hai từ “nhân quyền”. Người  lao động nhập cư từ các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka đã bị bóc lột sức lao động, bị thương và trong trường hợp xấu nhất là mất mạng.  

Những con số chính xác sẽ không bao giờ được tiết lộ. Vào năm ngoái, theo Tổ chức Lao động Quốc tế của LHQ (ILO), Qatar đã điều tra không đầy đủ, thiếu báo cáo về cái chết của các công nhân và không thường xuyên thực hiện khám nghiệm tử thi.

Lực lượng xây dựng 8 SVĐ tổ chức World Cup 2022 đều là người lao động nhập cư

Isobel Archer, giám đốc chương trình vùng Vịnh tại Trung tâm Nguồn nhân quyền & Kinh doanh cho biết: “Chúng tôi biết rằng người lao động phải trải qua các cuộc đánh giá y tế khi đến và khi rời khỏi Qatar, nhưng đã có rất nhiều, rất nhiều trường hợp tử vong là những nam thanh niên trước đây hoàn toàn khỏe mạnh, một điều đáng kinh ngạc nếu được đặt vào bất kỳ bối cảnh nào khác”.  

Ủy ban tối cao về di sản của Qatar, được giao nhiệm vụ tổ chức World Cup, đã phản đối ý kiến cho rằng hàng nghìn người đã thiệt mạng, gọi những ước tính như vậy là "cực kỳ sai lầm" và khẳng định dữ liệu thực "ngang bằng với nhân khẩu học rộng hơn trên toàn cầu". Họ cũng chỉ ra những cải cách trong luật lao động địa phương.  

Việc bãi bỏ hệ thống Kafala, một chương trình tài trợ có thể làm phát sinh tình trạng lao động cưỡng bức đối với những người di cư, được coi là thước đo cho sự tiến bộ của Qatar về nhân quyền, cũng như việc đưa ra mức lương tối thiểu hàng tháng cho người lao động là 275 đô la Mỹ.  

“Những gì Qatar đã làm được thực sự mang tính đột phá,” Chủ tịch FIFA Gianno Infantino nói với hãng tin AP trong tuần này. “Tất nhiên đó không phải là thiên đường, tất nhiên nó không hoàn hảo, tất nhiên là vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta cần khuyến khích sự thay đổi vì không phải ai cũng muốn thay đổi. Nhưng lãnh đạo (ở Qatar) muốn thay đổi và điều này khiến tôi cảm thấy tích cực”.  

“World Cup, cũng như tất cả các sự kiện trên toàn cầu thực sự mang đến cơ hội thay đổi”, Archer - thành viên của Trung tâm Nhân quyền & Kinh doanh phản biện. “Không chỉ là sự thay đổi bề ngoài trong suốt giải đấu mà là một sự thay đổi mang tính hệ thống ở nơi mà những điều kiện về nhân quyền là quá kém cỏi”.  

“Những cải cách trong vài năm qua rất đáng được khen ngợi. Đã có những thay đổi đối với luật lao động. Ví dụ, người lao động có thể chuyển việc và rời khỏi đất nước mà không cần phải xin phép người sử dụng lao động. Đó là một thay đổi cơ bản. Nhưng nó mới chỉ nằm trên giấy tờ mà thôi. Những gì chúng tôi thực sự thấy về vấn đề đó là nó không được triển khai trên diện rộng.  

Chúng tôi đã thấy sự phản kháng từ khu vực tư nhân. Hàng nghìn công nhân đã thay đổi công việc thành công nhưng còn những công nhân không nộp đơn vì họ cho rằng nó là bất khả thi thì sao? Họ lo sợ điều gì? Liệu họ có bị trục xuất nếu yêu cầu chuyển việc làm không? Trên thực tế, vẫn còn những rào cản trong việc tạo điều kiện cho người lao động tự do thay đổi công việc và tiếp cận các quyền lao động.  

Điều thực sự đáng lo ngại là chỉ còn hơn nửa tháng nữa giải đấu sẽ bắt đầu và vẫn còn rất nhiều vấn đề. Cơ hội đang ở trước mắt nhưng việc triển khai kém hoặc triển khai không nhất quán đã kìm hãm sự thay đổi mang tính hệ thống đối với người lao động”.  

Một thập kỷ qua, Qatar những nhối với những câu chuyện về việc người lao động không được trả lương, công nhân bị lạm dụng, bị giữ hộ chiếu và điều kiện làm việc tồi tệ, trong khi quốc gia này vẫn tự tin rằng họ đã sẵn sàng cung cấp một “trải nghiệm độc đáo” cho NHM.  

Đây thực sự là một kỳ World Cúp không bình thường vì quá nhiều vấn đề và sự phản đối

Nhận thức không tốt về Qatar cũng kéo theo sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Tháng 3/2021, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã báo cáo rằng phụ nữ vẫn phải đối mặt với những thách thức ở Qatar, bao gồm việc phải xin phép người giám hộ nam để rời khỏi đất nước nếu chưa kết hôn và dưới 25 tuổi.  

Qatar một lần nữa chỉ ra sự tiến bộ của họ. ĐTQG nữ được thành lập vào năm 2010 và các quan chức chính phủ nói rằng họ cam kết phát triển một phương pháp tiếp cận tiến bộ để giải quyết bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, cơ chế PR cũng gặp phải vấn đề.  

Abdullah Ibhais, cựu giám đốc truyền thông Ủy ban kế hoạch tối cao World Cup của Qatar, đã bị bỏ tù vào tháng 12 trong ba năm vì tội tham nhũng. Ibhais nói rằng ông ta bị trừng phạt vì đã chỉ trích việc ủy ban ủy ban xử lý cuộc đình công của công nhân vì không được trả lương vào năm 2019 và ông bị ép phải ký vào bản thú tội.

Các nhà vận động nhân quyền đã thúc giục FIFA can thiệp nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào từ Liên đoàn này. Bản thân FIFA ngay từ đầu đã phải đối mặt với những câu hỏi về tính hợp pháp của một quy trình đấu thầu đã kết thúc với việc Qatar được trao quyền đăng cai kỳ World Cup lần này. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đều được coi là ứng cử viên nặng ký cho vai trò nước chủ nhà năm 2022, và trước đó không lâu, đã có những cáo buộc mua phiếu và hối lộ.  

Cách đây 12 năm, 15 trong số 22 thành viên ủy ban điều hành FIFA đã chọn Qatar làm chủ nhà. Kể từ đó nhiều quan chức FIFA, bao gồm cả cựu chủ tịch Sepp Blatter đã phải đối mặt với cáo buộc hình sự hoặc bị cấm hoạt động bởi cơ quan quản lý bóng đá thế giới, bao gồm cả cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter, nhưng ban tổ chức luôn khẳng định họ “100% tự tin về chất lượng và tính toàn vẹn” của hồ sơ dự thầu.  

Qatar - và FIFA - sẽ gặp khó khăn trong những ngày tới khi chỉ toàn nêu ra những điều tích cực. Họ sẽ rêu rao về các cơ sở vật chất tuyệt đẹp, với sự giúp đỡ của đại sứ được trả thù lao hậu hĩnh David Beckham, và quảng bá tất cả những gì đặc biệt về một kỳ World Cup. Hãy chờ đợi những hình ảnh về đường chân trời của Doha và Sân vận động Lusail có sức chứa 80.000, nơi sẽ tổ chức trận chung kết World Cup 7 ngày trước Giáng sinh.  

Qatar muốn thu hút sự chú ý của khán giả toàn thế giới nhưng sẽ không thể tránh khỏi những trường hợp ngoại lệ. Hậu vệ cánh người Úc Josh Cavallo,tính đến thời điểm hiện tại là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên công khai là người đồng tính, đã nói rằng anh ấy lo lắng về việc đến Qatar bởi giới tính của mình.  

White of Three Lions Pride nói: “Chúng tôi phải sớm quyết định một cách hợp lý về những lời khuyên mà chúng tôi đưa ra cho các thành viên. Bất kể chúng tôi có khuyến cáo mọi người đi hay không, chúng tôi sẽ tiếp tục trò chuyện để đảm bảo an toàn cho những người hâm mộ LGBT. Nhiều người vẫn sẽ đến Qatar.  

Đó là lựa chọn của cá nhân. Nhưng những gì chúng tôi có thể làm là hỗ trợ họ và đảm bảo họ an toàn nhất có thể. Tôi nghĩ bạn sẽ thoải mái khi đến sân vận động, nhưng chúng tôi thì không cảm thấy như vậy ở kỳ World Cup này.”

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x