Gấp gáp như AFF Cup 2022
Ngay sau lễ bốc thăm chia bảng, lịch thi đấu AFF Cup 2022 cũng được công bố. Theo đó, đội tuyển Việt Nam sẽ đánh dấu trận ra quân bằng chuyến làm khách trên sân của Lào vào ngày 21/12. Đến tận ngày 27/12, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ có cuộc tiếp đón Malaysia. 3 ngày sau đó, Việt Nam di chuyển sang Singapore để thi đấu lượt thứ 3. Đến ngày 3/1/2023, Việt Nam trở lại sân nhà để gặp Myanmar ở lượt cuối vòng bảng. Đương nhiên, hành trình của thầy trò Park Hang Seo sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Bởi mục tiêu của Việt Nam đương nhiên là chức vô địch AFF Cup 2022. Muốn như vậy, Việt Nam sẽ cần đá thêm 4 trận đấu nữa, bao gồm 2 lượt đi và về của vòng bán kết, chung kết.
Theo lịch thi đấu, trong 2 ngày 6 hoặc 7/1/2023, Việt Nam sẽ thi đấu lượt đi bán kết. 3 ngày sau đó, trận bán kết lượt về sẽ diễn ra. Nếu tình hình suôn sẻ, 3 hoặc 4 ngày kế tiếp, Việt Nam sẽ đá trận chung kết lượt đi. Rồi đến ngày 16/1/2023, trận chung kết lượt về cũng đến.
Nhìn vào lộ trình của đội tuyển Việt Nam kể trên, không ít người sẽ nhận ra cụm từ “3 ngày sau đó” xuất hiện. Đó cũng là mật độ trung bình mà Việt Nam hay các ứng viên đua vô địch AFF Cup 2022 sẽ phải trải qua. Nên nhớ rằng, trong khoảng cách 3 ngày này, Việt Nam sẽ còn phải di chuyển qua lại giữa các nước khác nhau theo thể thức sân nhà và sân khách. Đương nhiên, điều đó khác khá nhiều so với mật độ cũng 3 ngày/trận mà U23 Việt Nam từng đối diện ở SEA Games 30 tại Philippines; hay đội tuyển Việt Nam trải qua ở quãng thời gian đá tập trung tại UAE, trong khuôn khổ 4 lượt cuối cùng vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
“Mật độ thi đấu ở AFF Cup 2022 quả thực dày đặc. Thêm vào đó, việc phải di chuyển sẽ ảnh hưởng đến thể lực của cầu thủ. Quá trình hồi phục cũng phải diễn ra trong tình trạng gấp gáp”, một trợ lý thể lực của cấp độ đội tuyển trẻ Việt Nam chia sẻ. “Thời gian 3 ngày còn bao gồm cả việc di chuyển liên tục giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Tôi cảm giác tần suất và độ bào mòn còn áp lực hơn cả mùa giải CLB châu Âu trong giai đoạn diễn ra hối hả trước World Cup 2022 vào cuối năm nay”, một chuyên gia về đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam tâm sự trên mạng xã hội.
Cần một sự chuẩn bị hợp lý
Dẫu sao, lịch thi đấu được công bố trước thời điểm diễn ra giải đấu gần 4 tháng. Vậy nên ngay từ hiện tại, HLV Park Hang Seo cùng các thành viên trong Ban huấn luyện sẽ phải tính toán trên phương diện chuẩn bị, chiều sâu lực lượng và lịch trình đối đầu các đối thủ tại bảng B AFF Cup 2022.
“Công tác chuẩn bị và hồi phục thể lực, cùng với việc tối ưu hóa khâu hậu cần di chuyển sẽ đóng vai trò bản lề quyết định thành bại của đội tuyển tại AFF Cup 2022”, một thành viên từng làm việc ở đội U19 Việt Nam đưa ra quan điểm. “Tôi cho rằng đội sẽ phải quan tâm tốt đến chế độ dinh dưỡng cùng với đó là cơ sở vật chất như hệ thống chườm lạnh, bể bơi cho cầu thủ…”, HLV thể lực của đội trẻ Việt Nam đóng góp thêm.
Việc di chuyển một cách thuận lợi, với các chuyến bay thẳng từ Việt Nam sang các nước trong khu vực có lẽ cũng là một yếu tố cộng hưởng cho việc giúp thầy trò Park Hang Seo tiết kiệm thời gian, thể lực để tập trung cho những trận đấu tại AFF Cup 2022. Bên cạnh đó về khía cạnh chuyên môn, đội tuyển Việt Nam cũng cần xoay tua lực lượng cho lộ trình gấp gáp tại AFF Cup 2022. Việc sớm giành vé vào bán kết hay có kết quả tốt ngay từ lượt đi cũng sẽ giúp thầy trò HLV Park Hang Seo “dễ thở” hơn khi đá lượt về.