Nhưng trước và sau khi trở thành thành viên trong chính phủ mới ở Georgia, Kakha Kaladze đều bị tố cáo là có quan hệ với các băng đảng mafia. Trớ trêu ở chỗ, gia đình Kaladze từng là nạn nhân của bọn tội phạm. Em ruột của anh đã bị thủ tiêu. Điều đó cũng phần nào cho thấy, mafia và các loại tội phạm nói chung là những khái niệm phổ biến trong làng bóng đá Georgia như thế nào.
VỤ BẮT CÓC 600.000 USD
Ngày 23/5/2001, như thường lệ, chàng sinh viên y khoa Levan Kaladze đi bằng taxi đến bệnh viện Tbilisi Railways, nơi anh đang thực tập để trở thành bác sĩ tương lai. Ở một đất nước mà thu nhập bình quân trên đầu người chỉ khoảng 50 USD/tháng và khoảng 54% dân số sống ở mức độ nghèo khó, thì bác sĩ tương lai hẳn phải được xem là "con nhà giàu". Cũng chẳng phải suy luận nhiều.
Đấy chính là lúc mà người anh ruột nổi tiếng của Levan là Kakha Kaladze vừa gia nhập CLB AC Milan tại Serie A và trở thành cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Georgia. Levan Kaladze mà trở thành "miếng mồi ngon" cho các băng đảng tội phạm, âu cũng là chuyện bình thường.
Trong lúc đi bộ từ chiếc taxi đến bệnh viện, Levan Kaladze bị chặn và vây quanh bởi 3 người vạm vỡ trong trang phục cảnh sát. Họ nói những điều gì đấy rất nhanh, rồi Levan lập tức bị kéo lên chiếc Niva vừa trờ tới. Không mất quá nhiều thời gian để cảnh sát... thật phát hiện tình huống bắt cóc và đuổi theo. Nhưng đến thị trấn Mtskheta ở phía Tây Bắc thủ đô Tbilisi thì chiếc Niva màu trắng mất hút. Đấy là lần cuối cùng người ta trông thấy sinh viên Levan Kaladze bằng xương bằng thịt.
Tối hôm ấy, gia đình Kaladze nhận được hướng dẫn qua điện thoại để đi đến một nơi được giấu sẵn bức thư có nét chữ của Levan Kaladze. Nội dung là anh sẽ được trả tự do nếu gia đình nộp 600.000 USD tiền chuộc. Bộ nội vụ Georgia tin chắc rằng Levan đã bị đưa đến Pankisi Georg, một vùng đất "ngoài vòng pháp luật" ở phía Đông Bắc Tbilisi.
Đây là nơi mà Nga xem là lãnh địa của các phiến quân Chechnya, còn Mỹ nhận định là một trong những sào huyệt của al-Qaeda. Ít nhất đã có 3 tình nguyện viên của hội Chữ Thập Đỏ quốc tế và 2 doanh nhân Tây Ban Nha bị bắt làm con tin rồi đưa đến đấy trong những sự kiện khác nhau hồi năm 2000. Tất cả đều không bao giờ gặp lại người thân hoặc bạn bè nữa.
NHỮNG HY VỌNG MONG MANH
Trong vụ bắt cóc tống tiền nhằm vào gia đình Kaladze, câu chuyện chỉ khá hơn ở chỗ ít nhất người ta cũng có đôi chút tin tức về Levan trong vài năm đầu. Đã có nhiều cuộc điện thoại và thư nặc danh để bọn tội phạm liên hệ với gia đình nạn nhân. Có hẳn một cuốn băng video cho thấy hình ảnh Levan bị bịt mắt và cầu cứu.
Cuối cùng, ông bố Karlo Kaladze cũng thỏa thuận được với bọn tội phạm về việc trả 65.000 USD "tiền tươi" trong một khu rừng gần thành phố Khobi ở miền Tây Georgia. Đấy cũng là một thành phố phức tạp, tràn ngập người tị nạn đến từ Abkhazia, nơi luôn vang lên tiếng súng của các nhóm ly khai.
Karlo đến điểm hẹn vào đúng nửa đêm, nhưng khi ông đòi gặp con trai thì những kẻ tội phạm bỗng trở nên hoảng hốt và nhanh chóng tan biến. Chúng cho rằng cảnh sát có thể đang bao vây khu rừng. Karlo Kaladze buồn bã kể lại: "Bọn chúng đã nhận định sai, và đấy thật sự là một chi tiết định mệnh đối với Levan".
Tội cho Levan ở chỗ, Kakha Kaladze sẵn sàng chi tiền vì thương em, nhưng đấy lại là "án điểm". Tổng thống Eduard Shevardnadze của Georgia tuyên bố chính quyền sẽ làm mọi cách để tìm ra Levan Kaladze và trừng trị bọn tội phạm, dù trên thực tế thì rút cuộc chẳng có cách nào cứu nổi em trai của ngôi sao bóng đá Kakha Kaladze. Lời nói và nỗ lực của các lực lượng hữu trách khác nhau hoàn toàn.
Khi AC Milan lên ngôi vô địch Champions League 2003, báo chí phát hiện hậu vệ Kakha Kaladze lẳng lặng quay lưng đi tìm một chỗ riêng tư tại "thánh đường" Old Trafford. Ngôi sao Milan làm gì trong khoảnh khắc vinh quang ấy? Anh chỉ âm thầm cầu nguyện cho người em ruột Levan Kaladze "vẫn còn tồn tại trên cõi đời này".
Đây cũng là giai đoạn mà Kaladze quẫn trí đến mức anh đã tuyên bố sẽ từ bỏ quốc tịch Georgia, thà trở thành công dân Ukraine (Kaladze chơi cho Dynamo Kiev trước khi gia nhập Milan). Anh nói: "Làm sao có thể chịu được, khi thủ tướng Silvio Berlusconi của Italia lại còn tỏ ra quan tâm đến mạng sống của Levan nhiều hơn là giới hữu trách ngay tại Georgia"!
KẾT THÚC NGHIỆT NGÃ
Thả người thì dứt khoát là không rồi, nhưng bọn tội phạm cũng sợ bị "gài" nên những cuộc dàn xếp liên tục tan vỡ. Nếu được chọn một điều ước, chắc chắn là ông Karlo Kaladze sẽ ước gì cảnh sát và chính quyền Georgia khi ấy đừng tuyên bố ầm ĩ về quyết tâm "tiêu diệt tội phạm".
Trong lần đàm phán cuối cùng, gia đình Kaladze chấp nhận trả 200.000 USD, và thêm 100.000 USD nữa nếu như Levan được thả trong vòng 3 tuần. Phần đầu đã được thanh toán, nhưng rút cuộc Levan vẫn cứ bặt vô âm tín. Coi như gia đình Kaladze chấm dứt hy vọng từ đó.
Ngày 6/5/2005, tức gần 4 năm sau khi Levan Kaladze bị bắt cóc, cảnh sát Georgia tìm thấy 8 thi thể ở vùng Svaneti và nhận định rằng Levan có thể là một trong 8 số phận ấy. Ngày 21/2/2006, người ta chính thức xác nhận rằng Levan Kaladze đã chết, sau khi có kết quả phân tích ADN do các chuyên viên FBI tiến hành. Ngày ấy bây giờ được gia đình Kaladze xem là "ngày giỗ" của Levan.
Kakha Kaladze đặt tên cho con đầu lòng là Levan để tưởng nhớ em trai. Ít ra, chuyện cũng đến lúc rõ ràng. Kaladze kể lại suốt một giai đoạn dài trước đó: "Mỗi sáng thức dậy, tôi không thể nghĩ đến điều gì khác hơn là Levan còn sống hay đã qua đời". Bố anh, Karlo Kaladze, thì từng có lúc đòi tự thiêu trước trụ sở của một cơ quan hữu trách!
Với các phóng viên nước ngoài, phải đến Georgia tác nghiệp đôi khi là nỗi ám ảnh thật sự. Chính quyền Georgia càng cố chứng tỏ nỗ lực trấn áp tội phạm hoặc nói "không" với các thành phần ly khai, thì đấy càng là đất nước "đi dễ, khó về".
Tháng 3/2003, khi đến Tbilisi để theo dõi trận Georgia - Ireland ở vòng loại EURO, một nhóm phóng viên nước ngoài đã bị gí súng vào đầu ngay trong đêm đầu tiên cư trú ở khách sạn. Sau đó, họ bị tập hợp vào một nơi trong khách sạn ấy, đến tận ngày về. Không có thông tin gì sất!
Cũng có nhà báo kể lại một lần đến Georgia để đưa tin bóng đá. Khi vào một quán cafe internet mở cửa 24/24, ông ta hoảng hồn khi thấy chủ quán phải để khẩu súng bán tự động ngay trên quầy và luôn ở tư thế sẵn sàng nếu xảy ra chuyện. Cần nhớ: Tbilisi là thủ đô Georgia, chứ đâu phải là những vùng ven hoặc chốn biên giới!
(Còn tiếp)
Kakha Kaladze khi còn thi đấu là một cầu thủ nổi tiếng. Anh từng khoác áo CLB AC Milan trong 10 năm (từ 2001-2010) và cùng CLB Italia 2 lần vô địch Champions League. Kaladze từng 3 lần giành “Quả bóng Vàng” Georgia và luôn được xem là một trong những nhân vật được yêu thích nhất tại quốc gia 5 triệu dân này.