Đây là chuyên mục trào phúng của Anh Hùng Bàn Phiếm, các dữ kiện trong bài có thể là sự thật hoặc cũng có thể là sự tưởng tượng trong phút cao hứng của người viết. |
Không mấy người hiểu rõ nghĩa của từ “Đểu Cáng”. Khi nói tới từ này, các fan của anh Si hình dung ra ngay cái nhếch mép của anh Rô, còn các fan của anh Rô thì nghĩ ngay đến cái biệt hiệu Penaldo do fan anh Si phát minh ra.
Đểu Cáng là một từ ghép. Đểu là khiêng, cáng là gánh, như vậy đểu cáng có nghĩa đen là nghề khiêng gánh hàng hóa, hay gọi một cách văn hoa là nghề cửu vạn bốc vác vận chuyển. Nói theo ngôn từ hiện đại thì là cánh shipper thời kỳ 0.0 tối tăm lạc hậu.
Sở dĩ Đểu Cáng thành đểu cáng là vì hồi xưa nước ta “đường chỉ rộng thênh thang 1 thước” chỉ để trâu bò và người đi bộ tham gia giao thông. Chưa hết, mặt đường lại nham nhở, lồi lõm toàn u bướu như ở viện K trung ương vậy. Thế nên, để vận chuyển hàng hóa, hay người có tiền thì phải thuê cửu vạn “đểu - gánh” hàng hoặc “cáng - khiêng” người.
Đám shipper này lại có tính tốt gia truyền mà hiện giờ vẫn đang lừng danh bên xứ Nhật Bản - đặc biệt là các siêu thị - là tắt mắt, ăn cắp hàng hóa. Nhiều khi giao cho shipper 1000 cái bánh đa, nhưng khi nhận hàng chỉ còn 900 cái vì 100 cái mất do “em không biết, chắc là nóng quá nên bánh ngót”.
Thế nên, Đểu Cáng thành đểu cáng, thành tính từ chỉ cách mà anh Ro nhếch mép khoác Cúp trên vai gửi về anh Si đang loay hoay tại Copa America đầy mịt mùng. Thật là đểu cáng, ai lại đi chế nhạo người bị tật nguyền năng lực tại đội tuyển quốc gia cơ chứ. Giỏi thì lấy Juventus đấu với Barcelona xem.

Nhưng cơ sự này cũng bởi anh Messi không phải quân đểu cáng, không biết nghề cửu vạn là gì. Giá như vào những ngày Hè rỗi rãi, anh đừng dắt vợ con đi tắm biển, phơi nắng mà chịu khó sang Việt Nam, ra chợ người Giảng Võ, ven sông Tô Lịch hay cầu Mai Động… để làm cửu vạn thì đã chẳng khốn khổ vì đểu cáng.
Làm cửu vạn là nấc thang công danh sự nghiệp thấp nhất trong xã hội, là sự lựa chọn bất đắc dĩ của các cử nhân đại học, thạc sĩ hay tiến sĩ thất nghiệp ở nước ta. Nhưng mấy ai biết được đạo lý: biển thấp nhất nên trăm sông đổ nước về biển; bông lúa thấp nhất là bông lúa trĩu bông, nhiều hạt nhất.
Messi ở Barcelona không bao giờ phải làm cửu vạn hay đá ở vị trí thấp nhất là Ter Stegen. Anh luôn là ngôi sao, được cả hệ thống gồm 25 cầu thủ, 100 thành viên BHL, BLĐ, y tế, nấu ăn, dọn vệ sinh, gác cổng soát vé và 8 vạn Cule ở Camp Nou phục vụ. Anh chỉ việc ghi bàn và tận hưởng vinh quang. Sướng đâu mà sướng thế!
Nhưng khi anh về đội tuyển Á Căn Đình, anh chỉ là con số 10 bình thường trong muôn nghìn con số mà Vietlott rao bán mỗi ngày. Anh Si vẫn được tôn trọng nhưng là sự tôn trọng dành cho thằng bé xa quê thành danh nơi xứ người chứ không phải một thần tượng nội địa hóa 100% như Maradona.

Lạc lối giữa ĐTQG - Biếm họa của Just Toon It
Thế nên, anh Si bị lạc lõng giữa một đội hình mà mối liên kết giữa anh với các tiền đạo, tiền vệ khác ở tình trạng “thấp không thông, cao không với tới”. Và điều dễ hiểu, mỗi lần anh về thăm quê là mỗi lần người ta hồi hộp chờ xem hoặc là bi kịch hoặc là hài kịch.
Đá World Cup hỏng World Cup, đá Copa hỏng Copa. Năm nay, Copa America không có cả Neymar, Ronaldo lẫn Công Phượng nhưng anh Si vẫn chưa thể thăng hoa. Bởi anh vẫn nghĩ mình là ngôi sao sáng nhất chứ không phải một tay cửu vạn tầm thường, luôn phải gánh team như cánh Đểu Cáng.
Messi hãy học làm cửu vạn, hãy chấp nhận thân phận cửu vạn của mình khi ở tại ĐTQG. Có như thế may ra mới thành công để anh Rô hết nhếch mép cười đểu cáng với chiếc cúp hàng chợ Nations League trên vai!