Bóng đá Anh và chu kỳ mới ở Champions League: Hết thành công chứ chưa phải lụn bại

Cát Phương
07:46 ngày 29-03-2015
Có những nguyên nhân rõ rệt hơn, dẫn đến kết cục tất yếu là bóng đá Anh bị xóa sổ trước vòng tứ kết Champions League 2014/15 (và cả 2 cúp châu Âu nói chung)? Hay đấy đơn giản chỉ là vấn đề chu kỳ, là sự thăng trầm thuần túy mà bất cứ cường quốc nào cũng đã trải qua trên đấu trường các cúp châu Âu?
Bóng đá Anh và chu kỳ mới ở Champions League: Hết thành công chứ chưa phải lụn bại
MỘT CHU KỲ MỚI ĐÃ ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH!
Mỗi tờ báo Anh đều có cách trình bày riêng để thể hiện một cách khái quát thành tích của các đại diện Premier League trên đấu trường Champions League. Đồ họa nào trông cũng bắt mắt. Nhưng tóm lại, mùa bóng 2007/08 là đỉnh điểm của sự thành công. Premier League có 4 đội lọt vào tứ kết, 3 đội vào bán kết và 2 đội vào chung kết Champions League trong mùa bóng ấy. 

Ở 2 mùa bóng ngay trước và ngay sau đó (2006/07 và 2008/09), mùa nào Premier League cũng có 3 đội lọt vào bán kết, và dĩ nhiên hệ quả là có đại diện ở trận chung kết Champions League. Tổng quát hơn, Premier League luôn có đại diện đá trận chung kết Champions League ở giải đoạn 2005-2009, hoặc chỉ vắng mặt ở trận chung kết 1 lần trong giai đoạn 2005-2012. Chelsea lật đổ Barcelona ngay giữa lúc sự ngưỡng mộ Tiqui-Taca trên khắp thế giới lên đến tột đỉnh, rồi họ thắng luôn Bayern Munich ngay tại Allianz Arena để lần đầu đăng quang vô địch Champions League (2012).


Đội bóng... số 6 ở Premier League đã đủ sức xô ngã những chướng ngại vật lớn nhất trên đường tiến đến đỉnh cao ở Champions League, thiên hạ làm sao có thể cưỡng lại nhận định cho rằng Premier League thực sự thống trị châu Âu trong giai đoạn ấy?

Gần như không ai có thể tưởng tượng, đấy hóa ra lại là dấu chấm hết cho cả một giai đoạn rực rỡ. Ngay mùa kế tiếp, Premier League đã bị loại sạch trước vòng tứ kết Champions League. Một chút gắng gượng ở mùa bóng 2013/14 chẳng cứu vãn được bao nhiêu cho sự kiêu hãnh của Premier League. Và đến mùa này, các đại diện Premier League lại đồng loạt dừng bước trước ngưỡng cửa tứ kết. Thế nên, phải nói rằng chu kỳ mới đã được “khẳng định” - chứ không phải là “bắt đầu” - chu kỳ này đã bắt đầu cách đây 2 năm!

ĐẤY CÓ PHẢI LÀ CHU KỲ THẤT BẠI?
Bàn về vấn đề chu kỳ, chúng ta lại phải xem kỹ giai đoạn từ năm 2005 trở về trước. Chỉ có đúng một lần đại diện Premier League lọt được vào trận chung kết Champions League trước năm 2005 (M.U năm 1999 - kỷ nguyên Champions League bắt đầu từ mùa bóng 1992/93).

Một đại diện duy nhất được góp mặt ở trận chung kết trong suốt giai đoạn 1993-2004! Quay sang Europa League (gồm cả Cúp UEFA nếu tính từ mùa bóng 1992/93), chúng ta cũng chỉ thấy đại diện Premier League xuất hiện ở trận chung kết 2 lần.  Khác biệt như ngày và đêm so với thời kỳ hoàng kim 2005-2012 nêu trên. Trong thời kỳ này, thậm chí các đội xoàng xĩnh như Middlesbrough hoặc Fulham (họ đều chỉ đang thi đấu ở bảng hạng Nhì hiện thời) cũng đã vào tận chung kết Europa League, phụ họa cho sự bay bổng của các “đại gia” luôn tiến xa ở Champions League.
Quá rõ ràng: sự thăng trầm của bóng đá Anh trên đấu trường các cúp châu Âu mang tính chu kỳ. Nhưng ở đây, phải xác định rõ: các đại diện Premier League đã kết thúc chu kỳ thành công - hơn là họ đã bước vào chu kỳ thất bại. 


Thiên hạ đã làm ầm ĩ quá mức chuyện các đại diện Premier League vắng bóng trước vòng tứ kết Champions League 2014/15 và dường như quên rằng Champions League là đấu trường lớn mà quê hương bóng đá chỉ có vinh dự góp mặt ở trận chung kết đúng 1 lần trong suốt 12 mùa bóng đầu tiên (ở kỷ nguyên hiện đại). Đây là lúc các đội bóng Anh trở về với vị trí vốn có của họ, hơn là bóng đá Anh thất bại! Premier League vẫn yên tâm tận hưởng 4 suất dự Champions League trong khi Serie A chỉ có 3 suất, thất bại nỗi gì!

GIẢI NÀO CŨNG CÓ CHU KỲ
Nhìn vào toàn bộ lịch sử, đâu thể nói rằng Serie A thua sút Premier League đến nỗi đáng chịu thiệt thòi, chỉ được cử 3 đại diện dự Champions League. Kỳ thực, Serie A không thua bất cứ giải đấu nào ở châu Âu. Nhưng đây là giai đoạn mà Serie A lụn bại, với mỗi một Juventus lọt được vào vòng tứ kết Champions League.

“Bà đầm già” coi như đã bỏ túi ngôi vô địch Serie A mùa này, lần thứ 4 liên tiếp. Vô địch Serie A 4 lần liên tiếp là điều mà ngoài Juventus, chỉ có 2 đội khác từng làm được trong suốt lịch sử: Inter từ năm 2010 trở về trước, với những thuận lợi hiển nhiên mà ai cũng biết, và Torino ở những năm ngay sau khi kết thúc chiến tranh. 

Nói cách khác, ở Serie A thì Juventus không có đối thủ xứng đáng. Nhưng ở Champions League, đã hơn chục năm trôi qua mà Juventus chưa bao giờ tiến xa hơn vòng tứ kết. Nói vậy để thấy Serie A hiện thời yếu như thế nào. Đấy chính là chu kỳ thất bại.

Trước khi M.U trở thành đại diện Premier League đầu tiên được biết cảm giác đá trận chung kết Champions League, thì Serie A luôn có đại diện góp mặt trong trận đấu này. Tính cả thời kỳ C1, đại diện Serie A chỉ vắng mặt đúng 1 lần ở trận chung kết trong giai đoạn 1989-1998. Sau đó, họ vắng bóng 4 mùa liên tiếp; có 4 đại diện góp mặt ở 5 trận chung kết tiếp theo; rồi chỉ có 1 đại diện đá trận chung kết tính từ mùa bóng 2007/08 đến nay. Đấy mới là chu kỳ thất bại. Và nhìn chung, nền bóng đá nào cũng có chu kỳ thăng, trầm ở trận địa châu Âu.

Chính trị cũng làm chu kỳ bóng đá thay đổi
Ai cũng biết: tiền bạc không quyết định thành tích, nhưng có ảnh hưởng to lớn đến sức mạnh của các CLB trong làng bóng chuyên nghiệp. Monaco gần như không phải nộp thuế trong khi các đội bóng Pháp phải chịu mức thuế 75%. Đấy là khác biệt lớn ảnh hưởng đến cuộc cạnh tranh giữa Monaco với các CLB Pháp ở giải Ligue 1.

Một thời, TBN miễn giảm thuế cho lực lượng lao động đến từ nước ngoài, hòng thu hút tài năng đến TBN làm việc. Rất nhiều ngôi sao bóng đá đổ xô đến La Liga vì chính sách ấy. Bây giờ, chính sách ấy không còn nữa, vì chính quyền TBN... đã thay đổi. Cũng vậy, mức thuế 75% tại Pháp trước đây chưa có. Đấy là “sản phẩm” của chính quyền bây giờ.

Serie A ngày xưa vang danh thiên hạ nhờ sức mạnh của đồng lira trong tay họ. Bây giờ, các đại diện Serie A suy yếu trước tiên vì họ yếu về tài chính. Vì sao các đội ở Serie A yếu về tài chính thì đấy chưa chắc đã là chuyện riêng của giới bóng đá. Đấy là chuyện thời cuộc, là chính trị nữa. Như đã nêu trên: các CLB Pháp hoặc TBN có thể cười hoặc khóc ngay khi ghế Thủ tướng thay đổi, hoặc ngay sau những quyết định khác nhau của cùng một Thủ tướng.

Tất nhiên, còn phải bàn đến chính sách của giới lãnh đạo bóng đá từng nơi, có liên quan đến việc phát triển tài năng theo từng thế hệ. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi chu kỳ thành bại. Nhưng ở đây, hãy xin lưu ý: đừng bỏ qua chính trường châu Âu khi bàn về sự thăng, trầm theo chu kỳ của các nền bóng đá lớn.

Suy cho cùng, bóng đá hiện đại đâu còn là bóng đá thuần túy nữa. Đấy còn là kinh tế, là chính trị mà!
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

  • adizero F50 - Lịch sử “siêu vũ khí” của các tiền đạo adizero F50 - Lịch sử “siêu vũ khí” của các tiền đạo

    Đối với cầu thủ, ngoài tài năng thì việc sở hữu một đôi giày lý tưởng là yếu tố rất quan trọng để thăng hoa trên sân cỏ.

  • Thầy trò HLV Toshiya Miura và chiến dịch vòng loại U23 Châu Á - Mài ngọc đợi Sea Games Thầy trò HLV Toshiya Miura và chiến dịch vòng loại U23 Châu Á - Mài ngọc đợi Sea Games

    Điểm mạnh giúp HLV Miura vượt qua hàng loạt đồng nghiệp, trở thành thuyền trưởng của ĐT Việt Nam là khả năng phát hiện và nâng tầm các cầu thủ trẻ như Huy Hùng, Ngọc Hải, Huy Toàn… Người hâm mộ đang kỳ vọng từ vòng loại U23 châu Á, thuyền trưởng người Nhật Bản sẽ tiếp tục cho trình làng những gương mặt triển vọng, có thể tỏa sáng tại SEA Games 28.

  • Tiền vệ Hồ Ngọc Thắng: Bỏ lại chấn thương, mơ lập kỳ tích Tiền vệ Hồ Ngọc Thắng: Bỏ lại chấn thương, mơ lập kỳ tích

    Đang háo hức tập luyện, cạnh tranh sòng phẳng một suất dự vòng loại U23 châu Á, Hồ Ngọc Thắng lại dính chấn thương. Tiền vệ của SHB Đà Nẵng rơi vào cảnh hoang mang, lo sợ sẽ không thể tới Malaysia dự vòng loại U23 châu Á. Nhưng rồi nhờ nỗ lực không ngừng, Ngọc Thắng đã kịp bình phục để cùng toàn đội lên đường.

  • VL U23 Châu Á 2016: Nhật Bản quá mạnh, Việt Nam & Malaysia tranh ngôi nhì VL U23 Châu Á 2016: Nhật Bản quá mạnh, Việt Nam & Malaysia tranh ngôi nhì

    Dù trái bóng ở bảng I, vòng loại U23 châu Á 2016 vẫn chưa lăn, nhưng không ít nhận định cho rằng: Với đẳng cấp của mình, Olympic Nhật Bản sẽ dễ dàng giành ngôi đầu bảng. Trong khi đó, ngôi Nhì sẽ là cuộc tranh chấp giữa Olympic Việt Nam và Olympic Malaysia, chủ nhà đăng cai vòng loại diễn ra từ 23 đến 31/3/2015.

  • HLV chỉ để giơ đầu chịu báng? HLV chỉ để giơ đầu chịu báng?

    Có một ấn tượng sâu đậm trong giai đoạn 1998-2002, khi Real Madrid áp đảo trận địa Champions League với 3 chức vô địch trong 5 mùa bóng. Truyền hình đặc tả gương mặt đầy vẻ thư giãn của HLV Del Bosque. Ông cười hềnh hệch bên ngoài đường biên, như thể đang mải bốc phét với những người xung quanh, bất chấp các cầu thủ trong sân thi đấu thế nào.

  • Đôi bạn cùng tiến Đỗ Duy Mạnh - Phạm Đức Huy: Vũ khí lợi hại của HLV Miura Đôi bạn cùng tiến Đỗ Duy Mạnh - Phạm Đức Huy: Vũ khí lợi hại của HLV Miura

    Dường như sự nghiệp của hai tiền vệ Đỗ Duy Mạnh và Phạm Đức Huy có quá nhiều điểm giống nhau. Cùng trưởng thành từ lò đào tạo bóng đá Hà Nội rồi lên U19 Việt Nam, sang Nhật Bản “tu nghiệp” và bây giờ là Olympic Việt Nam. Họ đều có thể là những nhân tố quan trọng của HLV Toshiya Miura tại vòng loại U23 châu Á 2016.

  • Lối chơi trong bóng đá hiện đại: Thành bại ở con người, đâu chỉ bởi chiến thuật Lối chơi trong bóng đá hiện đại: Thành bại ở con người, đâu chỉ bởi chiến thuật

    Vì chiến thuật mà HLV Van Gaal áp dụng chưa được vận hành nhuần nhuyễn nên M.U hiện nay cứ mãi lao đao? Liệu quan điểm này có chính xác?

  • Lionel Messi: Đời tôi qua lời kể chính tôi Lionel Messi: Đời tôi qua lời kể chính tôi

    Cuộc sống của những cầu thủ như Lionel Messi luôn gây được sự tò mò thích thú nơi các độc giả. Nhưng vì Messi là một người kín tiếng và rất ít khi tiếp xúc báo giới nên những thông tin ta biết về anh thường chỉ là những tin đồn với độ xác thực không cao.

  • El Clasico có  bao nhiêu siêu sao? El Clasico có bao nhiêu siêu sao?

    Quá dễ. Người ta không cần nhìn vào danh sách hai đội để làm một cuộc điểm danh đơn giản, xem cặp đấu “nặng ký” nhất trong làng bóng đỉnh cao tầm CLB có đến bao nhiêu ngôi sao. Nhưng, không dễ nói trước: bao nhiêu ngôi sao sẽ thật sự tỏa sáng trong cuộc quyết đấu cuối tuần này.

  • Olympic Việt Nam: Điểm yếu chơi bóng bổng Olympic Việt Nam: Điểm yếu chơi bóng bổng

    Không còn có được những học trò to cao như tại ASIAD 17, HLV Miura lại phải đau đầu với bài toán bóng bổng. Mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn cho vị chiến lược gia người Nhật Bản khi cả 2 bàn thua trong 4 trận giao hữu vừa qua của Olympic Việt Nam đều đến từ các tình huống không chiến.

  • Điểm binh trước El Clasico: Họ mạnh, yếu ra sao? Điểm binh trước El Clasico: Họ mạnh, yếu ra sao?

    Chỉ có một trận Barcelona dẫn điểm nhưng không thắng ở La Liga mùa này. Trận ấy, trớ trêu thay, chính là trận thua 1-3 trên sân Real ở lượt đi.

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x