Thực hiện Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về “Thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế”, một số công trình thể thao thuộc quản lý của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Công an Nhân dân đã liên kết với các đơn vị tư nhân khai thác hiệu quả, mang lại không chỉ giá trị kinh tế mà còn cả tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trong khu vực.
Một trong số những công trình thể thao khai thác hiệu quả đó là sân bóng trực thuộc Trung tâm nằm trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội). Sân bóng này được sử dụng để dành cho các vận động viên tập luyện và thi đấu. Từ 17h các ngày trong tuần, đơn vị tư nhân kết hợp để khai thác, tận dụng hiệu quả nhất có thể.
Trong những năm gần đây, phong trào thể dục thể thao ngoài trời, nhất là bộ môn bóng đá luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Không chỉ ở cấp độ chuyên nghiệp như ĐTQG, U23…, ngay cả với các giải vô địch của bóng đá phong trào trên sân cỏ nhân tạo cũng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người dân.
Từ năm 2019, khi đại dịch Covid-19 bùng phát làm chao đảo cả thế giới, nền kinh tế của tất cả các nước hầu hết đều rơi vào khủng khoảng từ nặng nề đến vô cùng nặng nề. Trong bức tranh với nhiều gam màu ảm đạm ấy, có những giai đoạn, các hoạt động thể thao, nổi bật là bộ môn bóng đá đã bị ngưng trệ hoàn toàn.
Khi dịch bớt đi, các đội bóng được thi đấu nhưng có lúc còn không được đón khán giả vào xem. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến thể thao, nhất là bóng đá – bộ môn cần nhất là sự cổ vũ náo nhiệt từ các hàng ghế khán giả trên các sân vận động.
Thời gian gần đây, khi Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam, các hoạt động thể dục - thể thao đã được phép hoạt động. Các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cuối tháng 6 tới đây mới chính thức thi đấu, nhưng ngay khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ thì ngay lập tức các hoạt động thể thao dành cho người dân đã “nóng” trở lại.
Việc được quay lại sân cỏ sau một thời gian dài khiến cho nhiều người cảm thấy hân hoan bởi khi được đá bóng sẽ giúp họ giải tỏa rất nhiều áp lực về mặt tinh thần sau những giờ làm việc và học tập căng thẳng.
Chia sẻ về việc được ra sân bóng, sinh viên Trần Nguyên Thìn (sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) vui mừng cho biết: “Khoa của tôi có đội bóng và sinh hoạt đều đặn hằng tuần. Sân bóng vừa là nơi các lớp trong khoa gặp gỡ, gắn kết tình cảm, vừa là nơi để rèn luyện sức khỏe, giải tỏa áp lực sau những giờ học căng thẳng.
Tuy nhiên, khoảng thời gian dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, chúng tôi không thể ra sân để chơi bóng khiến cho tinh thần cũng bí bách theo. May quá mà hiện nay cuộc sống đã bình thường mới. Được đi đá bóng, chúng tôi rất vui”.
Hay như anh Nguyễn Thanh Nam, giảng viên một trường đại học tại Hà Nội cũng cho biết: “Được ra sân chơi bóng đá là một thói quen từ khi còn trẻ. Giờ chúng tôi vẫn duy trì đá bóng mỗi tuần hai trận để nâng cao sức khỏe. Tôi thấy bây giờ các em sinh viên quá may mắn khi có nhiều sân cỏ tự nhiên để đá bóng, chứ thế hệ chúng tôi ngày xưa làm gì có đâu”.
Trong số các sân bóng tại Hà Nội, sân bóng tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Công an Nhân dân (396 Nguyễn Xiển) là mô hình sử dụng cơ sở vật chất của đơn vị công an để khai thác hiệu quả các dịch vụ tập luyện thể thao để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời góp phần nâng cao đời sống của các cán bộ, chiến sĩ.