Hiểu nôm na, mục tiêu của Perez là mua về các siêu sao, đồng thời trao cơ hội cho các cầu thủ tự đào tạo. Triết lý này được đặt theo tên của Zinedine Zidane, biểu tượng của kỷ nguyên mà Real Madrid năm nào cũng cho nổ “bom tấn” trên thị trường chuyển nhượng và Francisco Pavon, trung vệ trẻ tài năng được đôn lên từ đội Castilla.
Chỉ có điều, thực tế lại không diễn ra như mong muốn của Perez. “Những Pavon” đã không thể chen chân vào đội hình của “những Zidane”. Nhưng số phận của thế hệ mất tích ấy giờ ra sao?
Tuy không phải tất cả đều thất bại, nhưng hầu hết trong số họ đều trải qua một sự nghiệp đầy lận đận. Javier Portillo, chân sút từng phá kỷ lục ghi bàn của Raul ở các đội trẻ Real Madrid, được lên đội 1 khi mới 20 tuổi.
Tuy nhiên, việc phải cạnh tranh với những Ronaldo, Raul, Fernando Morientes hay Michael Owen đã khiến tiền đạo này chỉ được chơi tổng cộng 59 trận trong 4 mùa rồi phải bán xới tới chơi cho Gimnastic, Osasuna, Las Palmas rồi giải nghệ ở Hercules, đội bóng mà anh đang giữ cương vị GĐTT.

Francisco Pavon
Khá hơn một chút là Borja Fernandez, người được giao nhiệm vụ thay thế... Claude Makelele sau khi tiền vệ người Pháp ra đi. Nhưng tiền vệ này cũng chỉ trụ lại đội 1 của Real Madrid được 3 năm, dù điều an ủi là anh là người duy nhất trong số “Những Pavon” vẫn đang chơi đỉnh cao trong màu áo Valladolid.
Một cầu thủ hiếm hoi thuộc thế hệ này đang còn thi đấu nữa là trung vệ Cesar Navas thì thậm chí còn không lên được đội 1, và giờ khoác áo Rubin Kazan ở Nga. Cái tên còn lại vẫn đang chơi bóng là Alvaro Mejia thì lưu lạc tận... Qatar, trong màu áo CLB mới lên hạng Al-Shahaniya.
Trừ bộ ba nói trên, tất cả những thành viên khác của thế hệ Pavon đều đã giải nghệ. Tuy nhiên, số phận của họ cũng rẽ theo những hướng rất khác nhau. Trong đó, viên mãn nhất là hậu vệ đa năng Raul Bravo, người gắn bó lâu nhất với đội 1 Real Madrid (6 năm), từng có 14 lần khoác áo ĐTQG và sau khi rời Bernabeu, tiếp tục thành công trong màu áo Olympiakos.
Còn lại, tất cả đều trải qua một sự nghiệp chìm nổi. Sau khi chia tay Bernabeu, Pavon “xịn” dạt sang Zaragoza, đến Pháp chơi cho Arles-Avignon và sau khi treo giày, làm việc tại Hiệp hội các cầu thủ chuyên nghiệp Tây Ban Nha (AFE).

Ruben Gonzalez (phải)
Một trung vệ khác, Ruben Gonzalez cũng lang thang qua Albacete, Racing, Celta Vigo, Osasuna, Zaragoza, sang tận Đức, Azerbaijan và Ấn Độ thi đấu trước khi giải nghệ năm 2017 ở Coruxo, CLB thuộc Segunda B (hạng Ba).
Nhưng tính ra, Ruben còn may chán so với một “Pavon” khác là Oscar Minambres. Chấn thương liên miên đã hủy hoại sự nghiệp của cựu tiền vệ này, khiến anh phải treo giày ở tuổi 26 và giờ, đang quản lý một... cửa hàng thuốc lá.
Vậy mới nói, những gì mà các cầu thủ xuất thân từ lò La Fabrica sau này như Alvaro Morata, Lucas Vazquez, Casemiro, Dani Carvajal hay Nacho Fernandez đã hoặc vẫn đang trải qua đã là quá tuyệt vời so với thế hệ bị đánh mất ấy. Dù xét về tài năng, chưa chắc họ đã hơn được “Những Pavon”.
