Thể thức thi đấu của Super League
ECJ đã quyết định điều gì?
Tòa án Công lý châu Âu đã phán quyết rằng LĐBĐ thế giới (FIFA) và LĐBĐ châu Âu (UEFA) đã hành động "bất hợp pháp" khi ngăn chặn sự hình thành của Super League năm 2021. Tòa án cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết rằng FIFA và UEFA đã lạm dụng vị thế thống trị của họ bằng cách cấm hoàn toàn các CLB thi đấu ở Super League, song nói thêm giải đấu này có thể vẫn chưa được phê duyệt.
Trong phán quyết của mình, ECJ tuyên bố: "Các quy định của FIFA và UEFA về việc phê duyệt trước các giải đấu bóng đá liên CLB, chẳng hạn như Super League, là trái với luật pháp EU. Chúng trái với luật cạnh tranh và quyền tự do cung cấp dịch vụ. Các quy định của FIFA và UEFA khiến bất kỳ dự án bóng đá liên CLB mới nào phải được họ chấp thuận trước, chẳng hạn như Super League, và việc cấm các CLB và cầu thủ thi đấu trong các giải đấu đó là bất hợp pháp.
Không có khuôn khổ nào cho các quy định của FIFA và UEFA đảm bảo rằng chúng minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử và tương xứng. Tương tự là cách trao quyền cho FIFA và UEFA về quyền kiểm soát độc quyền khai thác thương mại liên quan đến các giải đấu phục vụ người hâm mộ".
A22 - công ty có trụ sở ở Madrid được thành lập để tổ chức Super League - tuyên bố các cơ quan quản lý giữ vị thế độc quyền, vi phạm Luật Cạnh tranh và Di chuyển Tự do của EU. Trên mạng xã hội, A22 viết: "Chúng tôi đã giành được quyền cạnh tranh. Sự độc quyền của UEFA đã kết thúc. Bóng đá là miễn phí. Các CLB hiện không bị đe dọa trừng phạt và tự do quyết định tương lai của chính mình".
Quyết định của ECJ có tính ràng buộc và không thể kháng cáo.
Điều đó có nghĩa là gì?
Phán quyết của ECJ mang đến ích lợi cho Super League, song nó không phải phán quyết về việc giải đấu này được tổ chức hay không. ECJ giải thích: "Điều này không có nghĩa là một giải đấu như dự án Super League nhất thiết phải được chấp thuận. Tòa án không đưa ra phán quyết về dự án cụ thể trong phán quyết của mình, sau khi được hỏi chung về các quy định của FIFA và UEFA".
Giờ đây, UEFA sẽ cần thay đổi và làm rõ các quy định về cấp phép cho các giải đấu mới nhằm tuân thủ luật pháp EU. Đây là điều UEFA đã làm việc trong 18 tháng qua để đề phòng phán quyết như vậy. Sau khi các quy định của UEFA được cập nhật, Super League vẫn cần phải xin phép để thành lập giải đấu của mình. Ngoại trừ Barcelona và Real Madrid, các CLB từ khắp châu Âu đã lên tiếng phản đối Super League, bao gồm MU, Bayern và Atletico.
Điều gì đã xảy ra với Super League năm 2021?
Tháng 4/2021, Super League được thành lập với 12 CLB "khai quốc công thần" gồm Real Madrid, Barcelona, Atletico, AC Milan, Arsenal, Chelsea, Inter Milan, Juventus, Liverpool, Man City, MU và Tottenham. Tuy nhiên, trước sức ép khủng khiếp từ dư luận lẫn người hâm mộ, dự án này nhanh chóng sụp đổ sau khi 6 CLB Premier League rút lui trong vòng 24 giờ. Chỉ có Barca và Real Madrid vẫn cam kết đồng hành với Super League cho đến nay.
Vì sao giờ Super League quay lại?
Sau thất bại "từ trứng nước" năm 2021, Super League đã trở lại với thể thức mới, quan trọng là loại bỏ thể thức "miễn nhiễm" mà tại đó, các CLB sáng lập sẽ không bị xuống hạng. A22 tuyên bố đã tham khảo ý kiến của gần 50 CLB châu Âu kể từ tháng 10 năm ngoái, và phát triển 10 nguyên tắc dựa trên sự tham vấn đó để củng cố kế hoạch cho một giải đấu mang diện mạo mới.
Cuối cùng, Real Madrid, Barca và Juventus lo ngại về khoảng cách tài chính quá lớn giữa họ và Premier League - giải đấu đã phát triển thành một siêu giải đấu theo đúng nghĩa của nó. Cả ba CLB này đều gặp một số khó khăn về tài chính, và tin rằng vấn đề của họ có thể được giải quyết bằng một trật tự mới, cho phép bản thân chơi các trận đấu mang về nguồn thu lớn với các CLB lớn nhất ở châu Âu thường xuyên hơn.