Thời đại cầu thủ 'ngồi mát ăn bát vàng' để báo thù đội nhà

Hải An
14:03 ngày 06-08-2020
Gareth Bale đá ở vị trị dự bị của Real Madrid để nhận 15 triệu bảng một mùa; "dương cầm thủ" Alexis Sanchez chơi bài nào trên sân cũng dở vẫn hưởng 400.00 bảng mỗi tuần; còn Mesut Oezil là cơn đau đầu 18 triệu bảng của Arsenal trong một năm còn lại. Bóng đá liệu có thể làm gì với những triệu phú bị ruồng bỏ?

“BALE NÓI RỒI, CÒN LÂU BALE MỚI ĐI”

Người đại diện của Gareth Bale không có ý định ngồi lại với lãnh đạo của Real Madrid để thảo luận về tương lai của thân chủ của mình mặc dù ngôi sao người Xứ Wales chỉ thi đấu đúng 102 phút cho nhà tân vô địch La Liga trong 11 trận gần nhất (tổng hơn 990 phút).

Kệ, có sao đâu, miễn là tiền lương vẫn trả đầy đủ, đúng hạn, không một xu hơn, không một xu kém. Bale hài lòng với cuộc sống nhàn tản trên khán đài hoặc băng ghế dự bị, trong sự tức tối của HLV Zinedine Zidane và những người ở Real Madrid.

Sắp tới, Real Madrid và những đồng đội của Bale phải cuống cuồng lo cho trận tái đấu với Man City để hy vọng lật ngược thế cờ, giành được tấm vé vào tứ kết Champions League. Nhưng Bale chả việc gì phải xoắn xít, cứ tận hưởng kỳ nghỉ trời cho.

Anh tin rằng mình không có cơ hội để đứng trong đội hình chính nên chiêu trò đì đẹt và cách đối xử lạnh lùng của HLV Zidane không ảnh hưởng gì đến tâm tư của anh. Anh càng quyết tâm cố thủ tại một CLB không yêu mình, không muốn dùng mình và không thể bán mình. CLB còn phải trả cho anh một trong những mức lương lớn nhất trong thế giới bóng đá đến năm 2022.

Lần gia hạn hợp đồng cuối cùng của Gareth Bale là vào năm 2016. Điều này đã giúp anh nhận 15,3 triệu bảng ròng một mùa. Tiền thưởng được ghi trong thỏa thuận có nghĩa, chức vô địch La Liga vừa rồi sẽ giúp lương của Bale ở mùa giải tới tăng lên 17,1 triệu bảng.

Hôm mùng 8 tháng 4 vừa qua, dưới tác động của đại dịch COVID-19, các cầu thủ của Real Madrid đã cam kết cắt giảm 10% lương. Nếu mùa giải mới bắt đầu vào ngày 12 tháng 9 tới mà vẫn không có khán giả, các bên sẽ phải đàm phán để cắt giảm lương lần thứ hai.

Nhưng ngay cả sau khi phải giảm thêm, mức lương của Bale sẽ vẫn ở mức mà không ai khác có thể trả nổi. Vì vậy, việc gì mà Bale phải đi đâu? Cá tính mạnh mẽ của anh càng khiến cho hố ngăn giữa Bale và phần còn lại thêm sâu rộng, và điều này không phải mới xuất hiện.

Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, các HLV của Tottenham đã nhiều lần phải đầu hàng trước sự kiên định của Bale. Họ không thể ngăn cản Bale ra sân ngay cả khi cho rằng cầu thủ chạy cánh này không đạt 100% thể lực.

Có một ví dụ sâu sắc khác cho thấy việc Bale có da mặt dày như thế nào. Trong dịp ra mắt Real Madrid năm 2013, đơn vị đài truyền hình giữ bản quyền các trận đấu La Liga vào thời điểm đó đã mời một nhóm các nhà báo Anh đến SVĐ Madrigal của Villarreal để xem Bale đá trận ra mắt.

Bale đã ghi bàn trong trận hòa 2-2 đó và dự kiến sẽ trả lời phỏng vấn với truyền thông. Nhưng sau khi trận đấu kết thúc, anh ta đã rời khỏi sân, lướt qua khu vực họp báo sau trận đấu, khước từ tham gia trả lời báo chí và bước thẳng lên xe buýt chở đội.

Nếu Bale không muốn nói chuyện, anh ta sẽ không nói chuyện; nếu Bale cảm thấy mình không thể ra sân, anh ta không thi đấu; và nếu Bale không muốn vứt bỏ một hợp đồng béo bở, anh ta sẽ không bao giờ chịu nhả.

HLV Zidane của Madrid cũng có tính cách tương tự. Frederic Hermel là người chấp bút cuốn tự truyện mới xuất bản gần đây của Zidane. Ông đã theo dõi sự nghiệp của Zidane từ năm 2001 tới nay, kể từ khi tiền vệ này gia nhập Real Madrid.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Hermel đã nói về tính cách thật của Zidane như sau: “Ông là con người đứng đắn. Đây là mẫu người xây dựng tất cả mọi thứ dựa trên niềm tin. Nếu ai phụ bạc sự tin tưởng đó, Zidane sẽ đưa kẻ đó vào danh sách đen và không bao giờ tha thứ”.

Zidane không thích những bình luận của Bale sau trận chung kết Champions League 2018 rằng anh cần phải thi đấu thường xuyên mỗi tuần hoặc người đại diện của anh sẽ phải đàm phán lại với CLB để quyết định tương lai của mình. Đó là một sự thách thức với Zidane.

Ông không cần quan tâm đến cú đúp bàn thắng giúp Real đánh bại Liverpool trong trận chung kết Champions League 2018, và khiến ghế HLV của mình được đảm bảo. Ông đã quyết định ra đi khi đề nghị bán Gareth Bale không được CLB chấp thuận. Tiếp theo là sự ra đi của Cristiano Ronaldo.

Trong lần thứ hai dẫn dắt Real, HLV Zidane vẫn lạnh lùng yêu cầu: “Nếu Gareth Bale có thể ra đi vào ngày mai thì thật tuyệt vời”. Không chỉ trong nội bộ, ngay trong một cuộc họp báo của tour du đấu tiền mùa giải, Zidane đã công khai ước nguyện đó.

Sau đó, Zidane đã được thông báo rằng, việc Bale sang Trung Quốc thi đấu sắp xảy ra dưới sự đồng ý của toàn bộ BLĐ đội bóng. Bỗng dưng, Real Madrid bị Atletico Madrid đánh bại 3-7 trong trận giao hữu ở New Jersey và mọi thứ quay ngoắt 108 độ. Ghế của Zidane lung lay và Real không muốn Bale ra đi tự do sang CLB Jiangsu Suning.

Như Toni Kroos đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, Bale đã không quên cách mình bị CLB công khai công bố quyết định ra đi ngoài ý muốn sau đó lại bị chặn việc sang Trung Quốc. Nó khiến cho những tình cảm tốt đẹp cuối cùng chết hẳn.

Mối quan hệ của Zidane và Bale là “bên ngoài thơn thớt nói cười, bên trong nham hiểm giết người không dao”. Họ hầu như chẳng có mối dây liên hệ gì với nhau cả. HLV cho rằng ông chẳng thấy Bale có tố chất gì xứng đáng được đưa vào đội hình hơn các cầu thủ trẻ như Vinicius Junior và Rodrygo Goes.

Còn cầu thủ cảm thấy rằng, dù đã giúp CLB giành được 4 danh hiệu Champions League, đã ghi bàn trong 3 trận chung kết, điều mà Zidane cũng không thể làm được, thế mà anh lại bị đì đẹt như một kẻ ăn hại thì quả là không thể chấp nhận được. Anh từ chối tôn trọng HLV này.

Đến khi Real Madrid quay lại đề xuất chuyển nhượng tự do nhưng phía Trung Quốc lại làm cao, từ chối đám phán. Trong khi đó, chẳng CLB ở Premier League hay châu Âu nào sẵn sàng trả mức lương siêu khủng của Bale cả, thế nên, ai ở đâu vẫn ở đấy.

Do đó, bất cứ cuộc đàm phán nào có thể diễn ra vào mùa Hè này thì nó sẽ phải được CLB này khởi xướng 100% bởi vì Bale đang cố thủ để ở lại hơn bao giờ hết, nhất là khi anh cảm thấy mình đã đạt được mọi thứ một cầu thủ châu Âu có thể có, và một mức lương hiếm người có.

Thế nên, anh ta thích thú chứng kiến cơn thịnh nộ của một số quan chức CLB khi những bức ảnh bi hài của Bale như đùa giỡn trên khán đài, che mặt hoặc giả vờ xem trận đấu qua một ống nhòm làm bằng lõi cuộn giấy vệ sinh. Họ càng cay cú, Bale càng hả dạ.

Jorge Valdano, cựu cầu thủ và cựu HLV của Real nhận định: “Bale đang chơi trò cù nhầy nhưng Real Madrid không phải là sân chơi”. Song dù thế, Bale vẫn phớt lờ những lời chỉ trích như vậy. Anh sẽ đóng vai khán giả tại Etihad vào thứ Sáu tới, hưởng một chuyến du lịch do Zidane cung cấp.

Zidane sẽ không thế nào gạt bỏ được nhân tố nhạt nhòa và đắt đỏ này khỏi CLB của mình. 

ALEXIS SANCHEZ, TAY GIEO ĐIỆU NHẠC, TAY ĐẾM MỚ TIỀN

Bản hợp đồng tháng Giêng năm 2018 của Man United với Alexis Sanchez được đánh giá như một cuộc đảo chính thực sự. Quỷ Đỏ đánh bại Man City trong cuộc đua giành cầu thủ tấn công người Chile và tưởng thưởng cho quyết định sáng suốt của tiền đạo này bằng mức lương 400 nghìn bảng mỗi tuần. 

Chỉ để chơi bài “Glory, Glory Man United” bằng piano!

Thì Sanchez chỉ biết chơi nhạc, chứ không đóng góp gì cho Man United cả. Phong độ sa sút, chấn thương đã khiến Sanchez không thể hoà nhập với đội bóng mới, chỉ ghi được 5 bàn thắng sau 45 lần ra sân trước khi gia nhập Inter Milan theo dạng cho mượn hồi tháng 8/2019 mà Man United vẫn phải trả phần lớn tiền lương (75%, vào khoảng 14,5 triệu bảng một mùa). 

Mặc dù Man United có Sanchez mà không mất một khoản phí chuyển nhượng nào, nhưng họ phải đưa Henrikh Mkhitaryan cho Arsenal trong một vụ hoán đổi. Điều này cho thấy đây là một thoả thuận quá tốn kém của Man United. Tổng chi phí tiền lương của Sanchez, hiện ở mức 47,6 triệu bảng. Có nghĩa, với mỗi bàn thắng của Sanchez, Man United mất hơn 9 triệu bảng. 

“Tôi đã hoan nghênh việc Man United chiêu mộ Alexis Sanchez. Đây là một cầu thủ tài năng, kiên cường, luôn đi trước đối thủ một bước. Nhưng hoá ra, đây lại là một thảm hoạ tuyệt đối kinh khủng. Tôi không biết điều gì đã xảy ra với anh ta, nhưng Man United cần phải tống khứ gấp”, danh thủ Gary Neville nói với Sky Sports.

Có một câu hỏi trị giá 47,6 triệu bảng là tại sao thương vụ Man United và Sanchez lại thất bại bởi vì anh đã từng được coi là một trong những cầu thủ hay nhất thế giới tại Barcelona và Arsenal? 

Có thể, lỗi thuộc về cầu thủ khi anh ta đã đánh mất phong độ của mình trong mấy tháng cuối cùng còn ở Arsenal. NHM Man United cực kỳ bực tức với tần suất mất bóng của Sanchez, và cầu thủ này cũng không thể tìm thấy một vị trí ổn định ở bên trái hoặc vị trí số 10.

Tuy nhiên, khi đó Man United cũng đã sa sút nhiều. Mặc dù cán đích ở vị trí thứ 2 chung cuộc trong mùa giải Sanchez đến, HLV Mourinho vẫn chỉ trích phong độ của các cầu thủ và BLĐ đội bóng khi không mua được một trung vệ đúng yêu cầu. Ông đã bị sa thải vào cuối năm 2018 và Solskjaer đến.

Đến lúc này, chấn thương đang trở thành “người bạn thân” của Sanchez. Anh ta đã gặp vấn đề về gân khoeo và bắp đùi dưới thời HLV Mourinho. Sanchez còn không thể thi đấu trong 2 tháng đầu năm 2019 vì chấn thương đầu gối. Thế nên, HLV Solskjaer quyết định tống khứ để dọn chỗ cho cầu thủ khác.

Câu hỏi đặt ra là những gì tiếp theo sẽ xảy ra. Sanchez, hiện 31 tuổi, sẽ quay trở về Old Trafford sau khi hợp đồng cho mượn kết thúc. Anh ta có thể lại bị cho mượn hoặc tìm được người mua đứt, nhưng tất cả đều có những khó khăn cản trở.

Kể từ khi Sanchez đi an trí ở Inter, HLV Ole Gunnar Solskjaer của Man United đã biến đổi thành công văn hóa bóng đá tại Old Trafford. Quỷ Đỏ bây giờ dựa trên những cầu thủ trẻ, thèm khát vinh quang như Marcus Rashford, Bruno Fernandes và Mason Greenwood.

Mặc dù Sanchez cho thấy sự cải thiện phong độ muộn ở Serie A 2019/20 nhằm "cám dỗ" Inter mua đứt mình, nhưng vẫn có những khúc mắc lớn. Man United muốn 15 triệu bảng, trong khi Inter không muốn phải gồng gánh mức lương khủng khiếp của ngôi sao đã sắp hết thời này.

Người ta cũng tính đến khả năng Man United sẽ lại phải cho mượn Sanchez, nhưng đó vẫn cứ là một thiệt hại lớn với Quỷ Đỏ bởi họ vẫn phải hỗ trợ 75% lương giống như khi cho Inter mượn. Chỉ tiết kiệm được 25% lương và không phải nhìn mặt “kẻ đào mỏ”, chẳng thể là điều hợp lý trong bối cảnh này.

Cũng may cho Man United, cuối cùng nút thắt cũng có thể được gỡ. Mới đây, Sanchez đã chấp nhận phá vỡ hợp đồng với Man United, để toàn tâm toàn ý “nên duyên” với Inter, Á quân của Serie A mùa này. Anh sẽ chấp nhận mức lương của Inter, và nó chỉ bằng 1/4 những gì anh đang hưởng tại Man United (khoảng 6,3 triệu bảng ròng mỗi năm).

Nhưng bù lại, Man United sẽ phải gom góp một món “hồi môn” giá trị để có thể tống tiễn “dương cầm thủ” này sang chơi nhạc ở đội bóng mới. Nó sẽ không ít con số nhưng chắc chắn là tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc trả đủ 55 triệu bảng cho Sanchez trong phần còn lại của hợp đồng.

Kể cả nếu điều này có thể được thực hiện, Alexis Sanchez cũng chính là cầu thủ “sung sướng” nhất thế giới, khi có được vài năm không phải chịu sức ép công việc gì mà vẫn được hưởng 400.000 bảng mỗi tuần. Chỉ để đánh đàn piano cho đám chủ của Man United nghe.

CƠN ĐAU ĐẦU TRỊ GIÁ 18 TRIỆU BẢNG CỦA ARSENAL

Mesut Oezil chuẩn bị ngồi ngoài tất cả các trận đấu của Arsenal ở mùa giải tới nhưng vẫn ung dung nhận đãi ngộ với mức lương 350.000 bảng mỗi tuần. Nhà vô địch thế giới 2014 này không thấy lý do tại sao anh ấy nên chuyển đi nơi khác, mặc dù Pháo Thủ mong mỏi điều đó vô cùng.

Trong khi đó, HLV Mikel Arteta dường như đã từ bỏ hy vọng thắp lại ngọn lửa đam mê của tiền vệ kiến tạo người Đức gốc Thổ này. Ông cũng không để Oezil thi đấu phút nào kể từ khi bóng đá trở lại từ hồi tháng Sáu đến nay. Thậm chí, hôm thứ Bảy, trong khi Arsenal đá trận chung kết FA Cup với Chelsea, Oezil lại được phép bay sang Thổ Nhĩ Kỳ để nghỉ ngơi.

Cho dù có thế, Oezil và người đại diện vẫn nhất quyết không nhúc nhích centimet nào khỏi London, chẳng tìm kiếm những bến đỗ mới gì sất. Họ sẽ sát cánh với The Gunners trong mùa giải tới, dù chỉ ở băng ghế dự bị. Cũng có nghĩa rằng, Arsenal vẫn phải tốn khoản tiền chiếm 7% tổng số tiền lương tháng cho toàn đội cho một cầu thủ sẽ không bao giờ được thi đấu.

Tổng cộng, Oezil sẽ nhận khoảng 18 triệu bảng trong năm cuối cùng của hợp đồng giữa mình và Arsenal. Trong khi đó, hoá đơn tiền lương của toàn đội Arsenal năm 2019 chỉ là 234 triệu bảng. Rõ ràng, nếu không có ai rước Oezil đi, tân vương FA Cup sẽ bị thiệt hại lớn.

Những CLB lắm tiền ở giải bóng đá Trung Quốc đã không còn là phao cứu sinh cho Arsenal nữa. Họ đang đang chịu kiểm soát tài chính chặt chẽ. Thêm vào đó, Oezil là một trong số ít những cầu thủ bóng đá trên thế giới dám đề cập đến vấn đề bảo vệ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở phía tây bắc Trung Quốc, khiến chính phủ Trung Quốc nổi giận.

Mức lương của thánh đường tổ hưu MLS tại Mỹ chắc chắn thua xa những gì Oezil đang được hưởng. Tại đây, cầu thủ kiếm tiền giỏi nhất ở mùa trước chính là Zlatan Ibrahimovic với 7,2 triệu đô la một năm hoặc khoảng 110.000 bảng mỗi tuần, bằng 1/3 thu nhập của Oezil.

Basaksehir, một CLB ở thành phố Istanbul có mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Recep Erdogan và vừa vô địch giải VĐQG Thổ Nhĩ Kỳ, có lẽ là nơi duy nhất có thể tạo ra một hướng đi mới cho con đường bế tắc này.

Tổng thống Erdogan là người đã làm chủ hôn cho đám cưới của Oezil, và CLB Basaksehir được coi là đội bóng của tầng lớp cầm quyền, với chỉ khoảng 3.000 CĐV ruột nhưng có vô số nhà tài trợ lớn giàu tiền lắm của. Nhờ thế mà Basaksehir đã chiêu mộ được Robinho, Demba Ba và Gael Clichy để phá vỡ sự thống trị của Fenerbahce, Galatasaray và Besiktas.

Tuy nhiên, việc chiêu mộ Oezil sẽ là một thương vụ “đốt tiền” kiểu khác và chắc chắn, Basaksehir sẽ đòi hỏi Arsenal phải đóng góp đáng kể để trả lương cho Mesut Oezil. Dù thế nào, đây có thể là lối thoát duy nhất của Arsenal trong nỗ lực giũ bỏ cầu thủ mà họ đã chiêu mộ từ Real Madrid.

Song, vấn đề là, mặc dù Oezil gắn bó chặt chẽ với đất nước của ông bà anh và được đánh bạn với Tổng thống Erdogan, nhưng anh luôn nói rằng mình rất hạng phúc với cuộc sống ở phía bắc London, mặc dù đã bị cướp xe giữa ban ngày vào năm ngoái. Oezil khẳng định, mình chỉ đơn giản đang tập trung vào việc tập luyện trước mùa giải và sẵn sàng thi đấu nếu Arteta thay đổi ý định.

Vấn đề Oezil bắt nguồn từ cựu HLV Arsene Wenger. Trong kỳ chuyển nhượng cuối cùng của ông tại đội bóng này vào tháng 1 năm 2018, cựu giám đốc điều hành Ivan Gazidis đã giám sát các bản hợp đồng với HLV Wenger. Sau đó, HLV kỳ cựu này đã quyết định gia hạn hợp đồng với Oezil thay vì để anh ra đi tự do như lời khuyên của nhiều cố vấn. Với suy nghĩ lãng mạn, Wenger cho rằng, Oezil vẫn có khả năng gây đột biến, phá vỡ thế bế tắc trong các trận đấu cho Arsenal.

Dù sao, lúc đó Wenger đã bực bội với mức lương mới mà Oezil yêu cầu, nhưng ông đành chấp nhận. Bởi vì khi đó, HĐQT đang chịu ép lực tống Alexis Sanchez sang Man United và nhận về Henrikh Mkhirtaryan, nếu không phải ký hợp đồng mới với Sanchez trước mùa Hè năm đó.

Để rồi Wenger và Arsenal đã đồng ý tái ký hợp đồng với Oezil, đẩy Sanchez ra đi nhằm tránh tình cảnh mất hết các ngôi sao. Việc giữ chân Oezil thành công với mức lương 350 nghìn bảng mỗi tuần từng được đánh giá là thành công ở thời điểm đó.

Nhưng vấn đề là cả Wenger lẫn Gazidis đều cũng đã chia tay Arsenal, để lại Oezil trong tay những con người mới. Và cả 2 HLV kế nhiệm Wenger là Unai Emery lẫn Mikel Arteta đều nhanh chóng quyết định sẽ không dựa vào tiền vệ này trong lối chơi của đội bóng.

Và họ đã góp phần tạo nên một kẻ ăn không ngồi rồi đầy danh giá trong thế giới bóng đá, một nhà vô địch World Cup nhận lương 350 nghìn bảng mỗi tuần chỉ để ngồi không!

XEM THÊM

Sự kiện nóng trong ngày

France Football sẽ tạo ra 'sân chơi' khác cho Messi và Ronaldo thay Quả bóng Vàng 2020

Đội hình xuất sắc nhất mọi thời đại: Có Messi, Ronaldo dự bị

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
28
+46
64
2
28
+39
64
3
27
+34
60
4
29
+18
56
5
28
+17
53
6
28
0
47
7
29
-4
44
8
28
+6
42
9
28
-2
41
10
28
+11
40
11
27
+2
39
12
29
-1
38
13
28
-11
35
14
28
-16
27
15
28
-12
26
16
29
-18
22
17
28
-10
21
18
29
-16
21
19
29
-34
17
20
28
-49
15
  • Cuộc cách mạng của HLV De la Fuente ở ĐT Tây Ban Nha Cuộc cách mạng của HLV De la Fuente ở ĐT Tây Ban Nha

    Chỉ còn vài ngày nữa là HLV De la Fuente kỷ niệm 1 năm kể từ trận đấu đầu tiên cùng ĐT Tây Ban Nha. Hồi mới tiếp quản vị trí của người tiền nhiệm Luis Enrique, ông từng tuyên bố sẽ làm mới La Roja theo triết lý của riêng mình. Đến thời điểm này, quả thật diện mạo của ĐT Tây Ban Nha đã có sự khác biệt.

  • Real khởi kiện trọng tài vì 'dung túng' cho hành vi lăng mạ Vinicius Real khởi kiện trọng tài vì 'dung túng' cho hành vi lăng mạ Vinicius

    CLB Real Madrid xác nhận đã đệ đơn khiếu nại chính thức trọng tài Juan Martinez Munuera vì “tự nguyện và cố ý” phớt lờ những lời lăng mạ và phân biệt chủng tộc nhắm vào cầu thủ chạy cánh Vinicius Jr.

  • Công Phượng trở về Yokohama điều trị chấn thương Công Phượng trở về Yokohama điều trị chấn thương

    Tiền đạo Nguyễn Công Phượng sẽ trở về Yokohama FC điều trị chấn thương sau khi lỡ hẹn cùng ĐT Việt Nam đối đầu với Indonesia ở vòng loại World Cup 2026.

  • Nhận định bóng đá Georgia vs Luxembourg, 0h00 ngày 22/3: Viết tiếp giấc mơ 0h00 ngày 22/3: Georgia vs Luxembourg

    Nhận định bóng đá trận đấu giữa Georgia vs Luxembourg trong khuôn khổ vòng play-off Euro 2024 sẽ diễn ra vào lúc 0h00 ngày 22/3. Bongdaplus phân tích thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, soi kèo nhà cái, dự đoán tỉ số.

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x