Người ta từng ví rằng chơi bóng dưới quyền Bielsa giống như học nghiên cứu sinh vậy. Bielsa là người bị ám ảnh bởi bóng đá và đòi hỏi rất cao. Ông có thể bắt các cầu thủ học 29 sơ đồ khác nhau, nhưng chắc chắn sẽ khiến họ trở nên giỏi hơn và chơi bóng khôn ngoan hơn. Bielsa cũng ảnh hưởng đến khá nhiều HLV, từ Pep Guardiola, Mauricio Pochettino, Diego Simeone, Tata Martino cho đến Santiago Solari. Nhưng trong sự nghiệp, HLV vừa đưa Leeds trở lại Premier League mới giành được 5 danh hiệu.
Zeman là kẻ ham xê dịch, đã trải qua 16 CLB trong hơn 4 thập kỷ cầm quân. Chiến lược gia này cũng là tín đồ của lối chơi tấn công, từng khiến ông trở thành hiện tượng tại Italia thời tất cả còn tôn thờ Catenaccio. Vì thích tấn công mà trong 11 mùa làm việc ở Serie A, các đội bóng của ông đã có 8 lần nằm trong Top 3 đội ghi bàn nhiều nhất. Nhưng chính vì chỉ coi trọng tấn công, thành tích tốt nhất của Zeman chỉ là hai lần vô địch... Serie B.
Dù mang vẻ ngoài cũ kỹ, Allardyce lại không thuộc tuýp HLV cổ điển. Và khác với sự bảo thủ của nhiều chiến lược gia xuất thân từ cầu thủ, ông sẵn sàng “tiến hóa” để bắt kịp thời đại. Big Sam luôn biết cách tận dụng lợi thế ở các đội bóng nào mình từng làm việc. Thời còn dẫn dắt Bolton, ông là một trong những người đầu tiên phân tích cầu thủ dựa trên số liệu thống kê. Và dưới bàn tay của Allardyce, Bolton cũng trở thành đối thủ cực kỳ khó chịu tại Premier League.
Nhiều người có thể sẽ ngạc nhiên nếu thấy tên của Bilardo xuất hiện trong danh sách này. Bởi chiến lược gia 82 tuổi này chính là người đã dẫn dắt đội tuyển Argentina đến chức vô địch World Cup 1986. Nhưng cái gì cũng có lý do của nó. Dù đã vô địch thế giới, và còn là một trong những người đầu tiên sử dụng hàng thủ 3 người để tận dụng dàn tiền vệ tài năng mà Albiceleste từng sở hữu, thành tích ở CLB của Bilardo lại khá khiêm tốn với... 1 chức VĐQG cùng Estudiantes.
Đức đang sở hữu một nền bóng đá giàu sáng tạo. Nhưng 30 năm trước, đây từng là một thành lũy vì trong khi thế giới bắt đầu thử nghiệm nhiều sơ đồ khác nhau, họ vẫn sử dụng libero. Tất cả chỉ thay đổi cùng sự xuất hiện của một dàn HLV mà Rangnick là một trong số đó. HLV từng được cây bút Jonathan Harding của ESPN ví như “Steve Jobs của bóng đá Đức” đã đem lại luồng gió mới trong giai đoạn dẫn dắt Stuttgart và Schalke. Nhưng trong sự nghiệp, ông chỉ có 3 chiếc cúp.
Lobanovskyi chịu ảnh hưởng từ thứ bóng đá tổng lực của Rinus Michels. Với ông, bóng đá là một môn khoa học và đội bóng là một cỗ máy. Các đội bóng của Lobanovskyi luôn tìm cách mở ra khoảng trống khi tấn công, thu hẹp kẽ hở trong phòng ngự và gây sức ép liên tục dựa trên thể lực sung mãn, khiến đối thủ luôn có cảm giác phải đối mặt với 13-14 cầu thủ. Lobanovskyi cũng sưu tập được khá nhiều danh hiệu, nhưng danh tiếng của ông bị hạn chế khá nhiều trong biên giới Ukraine.
Tính cách mềm mỏng và vẻ ngoài dễ mến khiến Claudio Ranieri luôn có vẻ yếm thế trước các đồng nghiệp. Truyền thông Anh thậm chí từng dè bỉu chiến lược gia người Italia bằng biệt danh “The Tinkerman” (Gã thợ hàn) vì sở thích quay vòng của ông. Ranieri hiếm khi có được sự thừa nhận ở những nơi ông từng làm việc, từ Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Anh cho đến Hy Lạp. Nhưng chính “Gã thợ hàn” khiêm tốn ấy đã tạo nên điều kỳ diệu khi đưa Leicester đến chức vô địch Premier League mùa 2015/16.
Nếu phải kể tên những HLV huyền thoại trong lịch sử Liverpool, người ta sẽ nhắc đến Bill Shankly và Bob Paisley. Nhưng các CĐV gạo cội sẽ không quên cái tên Joe Fagan. Dù chỉ có 2 mùa dẫn dắt The Kop, ông đã đem về phòng truyền thống của Anfield tới 3 chiếc cúp gồm chức vô địch Anh, Cúp Liên đoàn và đặc biệt là chiếc Cúp C1 đều trong mùa giải 1983/84. Fagan còn là người sáng tạo ra “The boot room”, nơi các HLV của Liverpool ngồi uống trà và thảo luận về chiến thuật.
Ernesto Valverde giống như phiên bản Tây Ban Nha của Claudio Ranieri. Cũng là một HLV trầm tính, cũng thích xê dịch và không có được sự thừa nhận xứng đáng. Không kể các giai đoạn nắm Villarreal và Valencia, Valverde đã giành được danh hiệu ở hầu hết các đội bóng mà mình từng dẫn dắt. Chiến lược gia 56 tuổi thực tế đã làm rất tốt kể từ khi được bổ nhiệm thay thế Luis Enrique ở Barcelona, với 4 chiếc cúp trong gần 3 mùa gắn bó. Chỉ có điều, thế là chưa đủ với các cule.
Có lẽ CĐV nào cũng biết Pep Guardiola. Nhưng không phải ai cũng từng nghe tới cái tên Juanma Lillo, và số người biết rằng chiến lược gia 54 tuổi từng là “người truyền đạo” để Pep đi theo nghiệp HLV lại càng ít. Họ gặp nhau lần đầu năm 1996 và đã duy trì tình bạn suốt nhiều năm. Lillo cũng chính là người sáng tạo ra sơ đồ 4-2-3-1, nhằm gây sức ép tầm cao trong khi vẫn duy trì được sự cân bằng công-thủ. Nhưng ông lại chưa từng giành danh hiệu lớn nào trong sự nghiệp.
XEM THÊM
ĐT Việt Nam & chặng đường đến World Cup 2022
Đường tới World Cup 2022 của ĐT Việt Nam: Vẫn còn lắm gian truân