Không quá khi nói Wolves đang bị/được “Bồ Đào Nha hóa”. Nhưng Wolves không phải trường hợp duy nhất. Cùng Bóng đá điểm mặt 10 đội bóng tiêu biểu của cả hiện tại lẫn quá khứ đã bị biến thành kiểu “hội đồng hương” của cầu thủ nước khác.
Như đã nói, Podence là cầu thủ người Bồ Đào Nha thứ 9 trong đội hình Wolves. Con số người Bồ sẽ còn lớn hơn nếu chúng ta tính cả HLV Nuno Santo và các trợ lý, cũng như những cầu thủ đang được cho mượn là Hélder Costa, Ivan Cavaleiro và Roderick. Việc người Bồ “xâm chiếm” Molineux là điều dễ giải thích, bởi “siêu cò” Jorge Mendes là người đứng sau tất cả các hoạt động chuyển nhượng của Wolves từ khi đội bóng này còn chơi ở Championship.
Sau Brazil và Argentina, Pháp là quốc gia xuất khẩu cầu thủ nhiều nhất thế giới. Và Arsenal chính là một trong những “đối tác” nhập khẩu ưa thích nhất, đặc biệt trong thời gian Arsene Wenger còn là HLV trưởng. Riêng trong mùa giải 2003/04, các cầu thủ người Pháp đã chiếm tới 7 suất trong đội hình Arsenal (Patrick Vieira, Robert Pires, Sylvain Wiltord, Thierry Henry, Pascal Cygan, Gael Clichy và Jưremie Aliadiere). Đó cũng là lần cuối Pháo thủ vô địch Premier League, thậm chí còn với thành tích bất bại.
Lyon, Porto, PSG hay Lazio của những năm 1930 từng ồ ạt nhập khẩu cầu thủ Brazil. Nhưng không có đội nào “nghiện” người Brazil hơn Shakhtar Donetsk. Trong đội hình đội bóng Ukraine hiện có tới 12 cầu thủ đến từ xứ Samba (tính cả Junior Moraes và Marlos, những người đã nhập quốc tịch Ukraine). Tất cả là “nhờ ơn” của Brandao. Tiền đạo sinh năm 1980 là người Brazil đầu tiên tới Shakhtar, và gắn bó với đội bóng này suốt 7 năm, từ 2002 tới 2009. Gọi Brandao là “Colombus của Brazil” cũng không có gì quá.
Điểm chung của Habib Diallo, Ibrahima Niane, Amadou Ndiaye, Pape Ndiaga Yade, Aboubacar Lô, và Opa Nguette là gì? Tất cả đều là người Senegal, và đều đang chơi cho Metz. Không tính Nguette, họ còn có một điểm chung nữa là đều tập luyện ở Generation Foot, một CLB của Senegal, trước khi dừng chân bên dòng Moselle, “bệ phóng” quan trọng để họ, nếu có khả năng, chinh phục châu Âu. Từ khi Generation Foot và Metz ký hợp tác thỏa thuận vào năm 2003, đó trở thành hành trình quen thuộc với không ít tài năng trẻ người Senegal.
Các cầu thủ người Serbia chỉ đứng thứ ba về số lượng trong lịch sử Benfica. Đứng đầu là Brazil, với 102 người, và sau đó là Argentina, 24; con số này với người Serbia chỉ là 13. Nhưng điểm đặc biệt là riêng mùa giải 2013/14 đã có tới 6 cầu thủ người Serbia trong đội hình Benfica, đáng chú ý nhất là Nemanja Matic. Điểm chung của các cầu thủ Serbia là khi bán rất được giá (Matic sang Chelsea, Markovic tới Liverpool…), nên chủ tịch Luís Filipe Vieira ưng lắm.
Catania cách Argentina tới gần 12.000 km. Nhưng cách biệt lớn lao về địa lý đó không thể ngăn các cầu thủ Nam Mỹ ồ ạt đổ bộ tới Sicily. Đặc biệt trong mùa giải 2010/11, dưới quyền HLV Diego Simeone, một người Argentina, có tới 13 cầu thủ người Argentina, trong đó nổi bật có những cái tên như Maxi Lopez, Papu Gomez, Matias Silvestre và Gonzalo Bergessio. Tiền đạo Papu kể rằng mùa đó, các cầu thủ Argentina ở Catania thường xuyên tụ tập tổ chức asado - tiệc nướng kiểu Argentina.
Kể từ ngày Johan Cruyff đặt chân xuống những thảm cỏ của sân Camp Nou, người Barcelona đã có một tình yêu đặc biệt với những người Hà Lan. Cá biệt có mùa giải 1999/2000. HLV Louis van Gaal khi đó đã “Hà Lan hóa” triệt để Barca, lần lượt mang về tới 8 người đồng hương (Ruud Hesp, Michael Reiziger, Ronald de Boer, Phillip Cocu, Patrick Kluivert, Winston Bogarde, Frank de Boer và Boudewijn Zenden). Tuy nhiên, đó là mùa giải thất bại của Barca khi họ chỉ về nhì ở La Liga, bị loại ở bán kết tại cả Champions League lẫn Cúp Nhà Vua.
Sau 7 năm làm việc ở Bờ Biển Ngà, HLV Jean-Marc Guillou quyết định trở lại châu Âu để thử vận may với đội bóng Bỉ, KSK Beveren. Tuy nhiên, ông vẫn không quên được những người Bờ Biển Ngà và quyết định dẫn theo một số người. Đúng hơn là rất nhiều người. Ở mùa giải 2003/04, Beveren có tới… 17 cầu thủ người Bờ Biển Ngà. Trong đó có những cái tên đáng chú ý như Boubacar Copa, Emmanuel Eboué, Romaric và Yaya Touré. Có trận, Guillou tung ra tới 10 cầu thủ Bờ Biển Ngà trong đội hình xuất phát.
Chất lượng cầu thủ Qatar rõ ràng chưa đủ tốt để họ có thể xuất khẩu ồ ạt. Nhưng trong đội hình của Eupen ở mùa giải 2017/18 vẫn có tới 5 cầu thủ người Qatar. Sao lại có sự lạ này? Câu trả lời rất dễ hiểu: Giới chủ Học viện Aspire, được lập ra để đào tạo cầu thủ Qatar, đã mua lại CLB Bỉ và “gửi” một số cầu thủ hay nhất của Aspire ở đó. Trong số này, nổi bật có cái tên Akram Afif, người cùng Qatar đăng quang Asian Cup 2019 sau khi đánh bại Nhật Bản ở trận chung kết.
Bỉ và Đức là những quốc gia láng giềng chung đường biên giới với Hà Lan, nhưng Đan Mạch mới là nước đóng góp nhiều cầu thủ nhất cho đội bóng nổi tiếng nhất của họ, Ajax Amsterdam. Dennis Rommedahl hay anh em nhà Laudrup đều từng khoác áo Ajax. Nhưng mùa giải “cực thịnh” của người Đan Mạch ở Ajax phải là mùa 2012/13, khi có tới 6 “chú lính chì” trong đội hình của đội bóng Hà Lan. Nổi bật trong đó là những cái tên đã hoặc sẽ trở thành ngôi sao lớn, là Christian Eriksen, Lasse Schone và Christian Poulsen.
XEM THÊM
Cuộc phiêu lưu trong mơ của Bruno Fernandes