Messi và Thập Đại Công Phu

Đã hơn một thập kỷ kể từ khi Lionel Messi lần đầu tiên được công nhận là Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Đối với nhiều người, anh đã đứng vững trên đỉnh cao đó từ lâu, mặc dù, điều đó không có nghĩa Messi chỉ đứng yên ở một trạng thái.

Ấn lên hình của Messi hoặc các quả bóng để đọc nội dung

Xem tiếp >
< Quay lại

Messi đã liên tục phát triển năng lực qua từng mùa giải, đến mức, ngay cả chính anh lúc này - ở tuổi 33 - cũng không thể nhớ nổi thứ bóng đá mà mình đã chơi ở giai đoạn ra mắt Barca, vào tháng 10 năm 2004. Đó không phải là cậu thiếu niên có mái tóc loăn xoăn, thường cúi đầu xuống và lừa bóng qua gần như toàn bộ cầu thủ của Getafe để ghi bàn vào năm 2006.

Đó cũng không phải là cầu thủ chơi như một số "9 ảo", người đã xuất hiện trong vòng cấm đúng lúc để đánh đầu giúp Barca đánh bại Man United trong trận chung kết Champions League 2009 và rồi sau đó đoạt Quả Bóng Vàng đầu tiên.

Cũng không phải là cầu thủ tay chân đã chằng chịt hình xăm, râu ria tỉa tót ra dáng "manly" ở vài mùa giải trước, để rồi nâng cao Quả Bóng Vàng thứ 6 vào tháng 12 năm 2019 - một kỳ tích độc nhất vô nhị, không biết bao giờ mới có người sánh kịp.

Những cầu thủ đã đạt đến đỉnh cao, ví dụ điển hình như Cristiano Ronaldo, có xu hướng làm việc cực kỳ chăm chỉ ở từng chi tiết nhỏ để đảm bảo rằng họ chắt chiu được hết từng giọt thành tích cuối cùng từ ngân quỹ tài năng của mình.

Những cầu thủ khác lại xuất hiện với phong độ hoàn hảo, ví dụ như số 10 huyền thoại, tiền bối của Messi, Diego Maradona, lại không thực sự cảm thấy mình cần phải thay đổi quá nhiều và hầu như chỉ chơi ở cùng một vị trí trong suốt sự nghiệp của họ.

Sự phát triển của Messi trên sân cỏ đã biến đổi rất nhiều. Không phải do anh lười biếng hay không biết nghĩ đến cách sử dụng tài năng của mình một cách tốt nhất. Anh đã thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau và các yêu cầu thay đổi khác nhau ở từng mùa.

Messi luôn muốn làm mới bản thân và vai trò của mình trong đội bóng. Các HLV thay nhau đến và đi. Những cộng sự xung quanh Messi cũng thế. Trong suốt thời gian đó, Messi vẫn ở nguyên vị trí của mình nhưng bản chất không bao giờ hoàn nguyên, bất biến.

Mục đích cuối cùng của tất cả những thay đổi này dường như không phải là để bản thân mình trở thành người giỏi nhất, mà là mang lại cho CLB mà Messi phụng sự cơ hội lớn nhất để giành chiến thắng trong mỗi trận đấu và ở mọi đấu trường.

Việc so sánh Messi với Cristiano Ronaldo và Diego Maradona như ở trên chắc chắn đã thúc đẩy anh tiến lên, nhưng cách Messi làm chủ các mặt trận, vai diễn khác nhau trên sân cỏ đã được hình thành bởi nhu cầu thực của đội bóng trong từng thời điểm cụ thể.

Bằng việc sử dụng dữ liệu lấy từ 2 nguồn là StatsBomb và Tiểu sử dữ liệu Lionel Messi, trải dài từ mùa giải đầu tiên cho đến mùa 2019/20 vừa qua, chúng ta sẽ chứng kiến 10 vai trò, thành tựu trên sân cỏ mà Messi đã thể hiện xuất sắc qua các thời điểm khác nhau trong sự nghiệp, cho thấy khả năng thích nghi tuyệt vời cũng như dải phổ tài năng đa dạng của anh.

Việc tất cả những khả năng này có thể tồn tại bên trong một con người nhỏ bé khiến Messi càng trở nên kỳ lạ hơn với tư cách là một cầu thủ và một con người. Nhưng nó làm nên huyền thoại Messi đúng như những gì chúng ta đã và đang chứng kiến.

"Messi luôn làm tốt mọi thứ. Nếu Messi quyết định rê bóng qua người thì sẽ như rê bóng qua cột gỗ. Nếu Messi muốn chuyền thì đó sẽ là quả chuyền chất lượng nhất thế giới. Nếu Messi muốn đá phạt, bóng sẽ bay vào góc thủ môn không thể cản phá. Nếu Messi muốn lấy bóng từ chân đối thủ, đối thủ sẽ tự nguyện hiến dâng. Nếu để Messi đá trung vệ, anh ấy sẽ là trung vệ hay nhất thế giới", người đồng đội lâu năm Xavi ca ngợi Messi trên tờ La Nacion vào năm 2018 như thế.

Về cơ bản, Messi là một chuyên gia rê bóng thượng thừa. Chúng ta đều đã xem những clip về Messi hồi bé trên YouTube, khi anh còn là cầu thủ nhỏ nhất trên sân nhưng thường giành trái bóng, rồi luồn lách như một cơn gió len qua đồng đội và mọi đối thủ, rồi solo ghi bàn thắng vô cùng xuất sắc.

Lối chơi đó đó rất đặc trưng ở Argentina, quê hương chôn nhau cắt rốn của Messi. Huyền thoại xứ Tango Jorge Valdano từng giải thích: "Trong bóng đá Argentina, việc biết cách rê bóng được coi là quan trọng hơn, có giá trị hơn việc biết cách chuyền bóng".

Sau khi đến Barcelona, ​​Messi được các HLV trẻ ở lò La Masia khuyến khích lối chơi đập nhả 1-2, nhưng ông bố Jorge - người thường theo dõi từ bên ngoài sân - luôn khuyến khích cậu con trai thi đấu leo lối chơi truyền thống của bóng đá Argentina.

"Cậu ta thật đáng kinh ngạc. Messi cầm bóng và bắt đầu lừa bóng qua tất cả mọi người. Đó là cách cậu ta thể hiện ở mỗi buổi tập: lừa bóng qua tất cả và ghi bàn vào lưới trống. Chúng tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì như vậy trước đây vì chúng tôi thiên về chuyền bóng, nhưng Messi chỉ nhận bóng và lao đi", người đồng đội ở La Masia là ​​Victor Vazquez nhớ lại.

Sự toàn năng của Messi đã phát triển mạnh khi anh tiến bộ qua các cấp bậc đào tạo ở La Masia. Tuy nhiên, anh vẫn là một chuyên gia rê bóng vào thời điểm anh xuất hiện trong đội một của Barca vào năm 2003. Messi có thể lừa bóng theo hai cách khác nhau: Sử dụng tốc độ của mình để đưa bóng vào không gian trống trải; hoặc ngoạn mục hơn là bằng cách đánh lừa, hạ gục đối thủ bằng bộ kỹ năng chân và đảo thân.

"Tôi cố gắng đánh lừa hậu vệ và tìm khoảng trống để thoát khỏi sự đeo bám của anh ta. Phải làm anh ta mất thăng bằng rồi sau đó di chuyển sang một bên. Khi anh ta mất thăng bằng, đó là cơ hội để tôi và trái bóng thoát đi", Messi giải thích.

Chúng ta sẽ có một thống kê khá đầy đủ về khả năng rê bóng của Messi: trong 452 trận được phân tích về mục này, Messi đã thực hiện động tác rê bóng trong 444 trận. Khả năng đối đầu 1 đấu 1 của Messi với hậu vệ đối phương luôn chiếm một phần quan trọng trong lối chơi của Messi.

Trong hình bên dưới, kỹ năng lừa bóng của Messi dù có suy giảm trong những mùa giải gần đây, nhưng nó vẫn cứ là sự suy giảm của một bậc thần tiên bởi những con số vẫn cho thấy lúc Messi kém nhất vẫn hay hơn nhiều đám rê bóng người trần mắt thịt.

Cụ thể, mùa 2017/18 xuất hiện chỉ số rê bóng thành công của Messi ở mức thấp nhất (Messi chỉ thi đấu 92 phút ở mùa 2004/05 nên có thể bỏ qua mùa này) với 7,3 lần/90 phút, nhưng chỉ số này vẫn cao thứ ba trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, chỉ sau Felipe Anderson (khi đó ở Lazio) và Neymar (PSG).

Thành tích rê bóng tồi nhất của Messi vẫn giữ anh ở vị trí thứ ba tại châu Âu là một cách nói nhẹ nhàng về sự siêu đẳng của cầu thủ này. Mùa giải chứng kiến khả năng rê bóng siêu đẳng của Messi là mùa 2007/08, với con số không tưởng 11,8 lần/90 phút.

Đó là mùa cuối Messi làm việc dưới quyền HLV Frank Rijkaard và chuẩn bị gặp gỡ HLV tri kỷ Pep Guardiola. Bản thân anh chỉ ghi được 6 bàn thắng từ bóng sống trong 28 trận ở mùa đó (không có penalty). Nhưng anh hoàn toàn khiến tất cả kinh ngạc ở chỉ số rê bóng.

Chỉ số trung bình của Messi là 8,6 lần/90 phút, với tỉ lệ thành công trong các pha rê bóng là 73%. Tỉ lệ rê bóng thành công cao nhất của Messi là mùa 2005/06 chứng kiến hiệu suất đỉnh cao của Messi với 76%.

Số lượng và hiệu quả của các pha lừa bóng là một chuyện, nhưng biểu đồ dưới đây lại cho thấy Messi đã tiến hoá mạnh mẽ, dựa trên vị trí khác nhau mà anh rê bóng trên sân. Vùng màu vàng thể hiện tỉ lệ diễn ra cao hơn vùng màu đỏ.

Mùa giải 2007/08 là thời điểm Messi chơi lệch biên. Nhưng từ các mùa giải sau, càng lúc anh càng tiến gần hơn về phía vòng 16m50 của đối phương. Đấy mới là vấn đề cần bàn đến.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều chuyên gia rê bóng trẻ như Allan Saint- Maximin hoặc Adama Traore, những người có số lượng rê bóng khá cao trong mỗi trận đấu, nhưng sau khi thành công, họ không thể biến thành một đường bóng tấn công nguy hiểm.

Messi lại khác, sau khi thực hiện xong pha lừa bóng, anh thường chế biến nó thành một siêu phẩm, ví dụ như một đường chuyền vượt tuyến đến đúng chân người cần bóng hoặc một một đường căng ngang chính xác hoặc một pha làm bàn, như trận gặp Napoli.

Những mùa giải tốt nhất của Messi trong việc biến những pha rê bóng thành cơ hội ghi bàn là ở mùa 2011/12 và 2012/13, hai mùa giải mà anh ghi được lần lượt 50 và 46 bàn tại La Liga. Ở quãng thời gian đó, Messi kiếm được 21 bàn thắng và 5 pha kiến tạo thành bàn sau những pha lừa bóng.

Ở phong độ chuẩn mực, Messi thực hiện chuỗi hành động nhanh như điện xẹt, từ lúc có bóng, rê qua những đối thủ ở rìa vòng 16m50 và sâu hơn, rồi ghi bàn. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng vài giây.

Trong toàn bộ số các bàn thắng của Messi sau một pha lừa bóng ở 2 mùa giải trên, thời gian đi bóng tối đa của cầu thủ người Argentina này chỉ tối đa là 8 giây. Như sơ đồ mô tả một bàn thắng của Messi dưới đây, chúng ta sẽ thấy rõ tốc độ di chuyển và tốc độ nảy số của Messi trong khâu ghi bàn.

Ở các đội trẻ của Barcelona, ​​Messi đã chơi ở nhiều vị trí khác nhau. Mặc dù anh thích vai trò "số 10" - vị trí mà Messi cũng muốn đảm nhận ở ĐT Argentina - điều này không phải lúc nào cũng khả thi vì lò La Masia không phải lúc nào cũng sử dụng đúng đội hình.

Bên cạnh đó, sở thích rê bóng của Messi khiến các HLV có suy nghĩ rằng anh trở nên hữu ích hơn nếu được hoạt động trên phạm vi rộng. "Nói chung khi tôi chơi rộng, các hậu vệ áp sát và tôi có thể đang tìm kiếm được thời điểm họ lỏng chân và đánh bại họ", Messi giải thích.

Trong vài năm trước khi ra mắt đội một, Messi đã may mắn được theo dõi Ronaldinho thi đấu tại đây. Barca luôn có truyền thống, sơ đồ và hệ thống chiến thuật của đội Một là hình mẫu chuẩn cho toàn bộ các đội trẻ áp dụng. Do đó, Messi đã học được rất nhiều từ Ronaldinho.

Đội Một Barca khi đó thường sử dụng sơ đồ 4-3-3 với các cầu thủ chạy cánh đá lùi xuống và dạt ra hai biên, nhưng riêng với Ronaldinho, cầu thủ chạy cánh này thường được phép thâm nhập vào trung tâm và thể hiện được sự xuất sắc của mình.

Chẳng hạn, với việc Messi thuận chân trái, anh sẽ không bao giờ được sử dụng ở cánh trái - vị trí mà HV muốn có một cầu thủ giỏi rê bóng thuận chân trái đảm nhiệm, ví dụ như dưới thời HLV Louis van Gaal. Thay vào đó, Messi được bố trí bên cánh phải - tả biên.

Khi Messi được lên đội Một, về cơ bản, anh đã tái hiện đúng vai trò của số 10 Ronaldinho, người đã kiến tạo để Messi có bàn thắng đầu tiên cho Barca, trong khi Deco (Số 20) và Giovanni van Bronckhorst (Số 12) tham gia vào việc xây dựng pha tấn công.

Mùa giải đầu tiên của Messi (2005/06), đã kết thúc trong thất vọng. Anh bị rách cơ đùi trong trận tứ kết Champions League với Chelsea, và mặc dù các bác sĩ tin anh sẽ trở lại kịp thời cho trận chung kết với Arsenal, nhưng HLV Frank Rijkaard không đồng ý, và loại Messi khỏi đội hình chính.

Tuy nhiên, Messi vẫn nhận được một vài phiếu bầu cho danh hiệu Quả Bóng Vàng năm đó, ở tuổi 19. Những chân chạy cánh phải hiếm hoi xuất sắc hơn Messi khi đó là Franck Ribery - người thường hoạt động bên cánh trái của Marseille, nhưng lại đá bên cánh phải của ĐT Pháp ở World Cup 2006.

Và cả Ronaldo, lúc đó đang đá bên cánh phải của Man United. Thời điểm này, có thể nói, Messi đã tiến rất gần đến việc trở thành cầu thủ chạy cánh phải xuất sắc nhất thế giới. Trong một vài mùa giải tiếp theo, Messi đã thể hiện phong độ chói sáng không thể phủ nhận mặc dù cũng bị kìm hãm bởi các vấn đề chấn thương.

Tại cuộc đua QBV 2007, Messi được trao QBĐ, xuất sắc thứ ba thế giới sau QBV Kaka và QBB Ronaldo. Mùa sau, anh nhận QBB trong khi Ronaldo đoạt QBV.

Việc xác định thời điểm Messi trở thành cầu thủ chạy cánh phải xuất sắc nhất thế giới có mối liên hệ chặt chẽ với thời điểm Ronaldo ngừng đóng vai trò đó vào năm 2008. Càng ngày, Ronaldo càng được phép đá tự do tại Man United. Đến mùa 2009/10, Ronaldo chính thức là một tiền đạo cánh trái.

Vào đầu mùa 2008/09, trong năm đầu tiên của HLV Guardiola, dường như đây chính là thời điểm mà Messi trở thành cầu thủ chạy cánh phải xuất sắc nhất thế giới. Messi ở bên phải, Samuel Eto’o đá trung phong và Thierry Henry đá bên trái trong sơ đồ 4-3-3, với Xavi và Iniesta ở hàng tiền vệ.

Đội hình đó đã thi đấu rất xuất sắc, ví dụ như ở trận tứ kết Champions League lượt đi vào tháng 4/2009, đội chủ nhà Barca đã đánh bại Bayern Munich 4-0 và Messi có cú đúp, trong khi 2 bàn thắng còn lại là của Eto’o và Henry, nhưng đều có dấu giày của Messi.

Messi đã mở tỷ số sau khi nhận đường chuyền từ cánh phải của Eto’o và dứt điểm thành công trong vòng cấm. Ở bàn thắng thứ hai, Messi cầm bóng từ cánh phải xâm nhập vào khu vực 16m50, và chuyền ngược lại cho Eto’o ghi bàn.

Cú đúp của Messi hoàn tất khi anh xuất hiện đúng lúc để đón quả tạt từ cánh trái của Henry, rồi đệm bóng vào lưới từ khoảng cách gần. Còn ở bàn thắng thứ tư, Messi rê bóng từ cánh phải, phối hợp đập nhả 1-2 với với Eto’o. Mark van Bommel của Bayern đã can thiệp nhưng lại đưa bóng đến chân Henry và bàn thắng xuất hiện.

Mũi đinh ba này lại tái xuất trong trận chung kết Champions League mùa đó với Man United. Barca đã vô địch với chiến thắng 2-0. Tuy nhiên, ở trận đấu này, Messi lại được chuyển sang một vai trò mới.

HLV Guardiola đã nhanh chóng sử dụng Messi như một số 9 sai ngay từ đầu triều đại của mình, trước khi cầu thủ người Argentina trở lại cánh phải trong phần lớn mùa giải 2008/09. Đó là một vũ khí bí mật của Pep trong những trận đấu thực sự quan trọng.

Vũ khí này đã được Pep sử dụng xuất sắc trong chiến thắng 6-2 của Barca trước Real Madrid tại châu Âu và trong trận chung kết Champions League mùa đó với Man United.

"100% đó là quyết định của Pep. Tôi vẫn nhớ ngày hôm đó khi chúng tôi phân tích đối thủ Real. Pep đã quyết định dùng Messi như một số 9 sai. Ông giải thích với các cầu thủ rằng, nếu trung vệ của Real tiếp cận Messi thì Eto’o bên phải và Henry bên trái sẽ có cơ hội đột phá vào trong.

Nếu các trung vệ không làm như thế, Messi sẽ phối hợp với hàng tiền vệ gồm Xavi và Iniesta tạo thành thế trận 4 đấu 3 ở tuyến giữa, nhờ đó có thể lùi thủ, tiến công dễ dàng linh hoạt", trợ lý của Pep vào thời điểm đó là Domenec Torrent kể lại.

Đó là điều khiến Messi trở nên thú vị khi trở thành một số chín sai. Anh có khả năng kiểm soát bóng ở sâu khu vực giữa sân hoặc lao vào vòng cấm. Lúc lùi xuống, Messi là số 9 sai, nhưng khi lao lên, anh lại là một số 9 đúng nghĩa.

Sau đó, điều bất ngờ là Pep quyết định bỏ hệ thống đó vào cuối mùa 2008/09. Ông đã chấp nhận để Eto’o ra đi bằng thoả thuận hoán đổi Zlatan Ibrahimovic, một trung phong đích thực. Do đó, Messi không cần tiếp tục thi đấu như số 9 sai nữa.

Nhưng mối quan hệ của Ibra và Pep không tốt khiến tiền đạo này không phải lúc nào cũng được dùng trong các trận đấu quan trọng. Đến mùa giải 2010/11, Ibra ra đi và David Villa đến Lúc này, vị trí mặc định của Messi lại là số 9 sai.

Khi Messi thể hiện phong độ chói sáng ở vị trí số 9 sai trong mùa giải 2008/09, nhưng cũng chỉ trong vài trận. Mùa 2009/10, sự xuất sắc đó được thể hiện ở khoảng hơn 10 trận. Đến mùa 2010/11, Messi thường xuyên thi đấu ở vị trí tiền đạo trung tâm, với Villa và Pedro ở hai bên cánh. Khi đó, vị trí số 9 sai trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Torrent nói: "Với Leo ở trung lộ, cậu ta không phải gây sức ép quá nhiều. Khi Barca chơi pressing, Messi chỉ phải di chuyển và chạm bóng nhiều hơn". Nhưng thay đổi quan trọng nhất là việc giờ đây Messi đã tiến gần hơn đến khung thành đối phương.

Có thể quá tuyệt khi nhận định rằng mùa giải chứng kiến 50 bàn thắng của Messi là đỉnh cao của cầu thủ này ở La Liga (mùa 2011/12). Nhưng chưa đâu, mùa giải tiếp theo mới là tuyệt vời nhất dù số bàn thắng của Messi "chỉ" là 46. Điều gì khiến chúng ta nghĩ thế? Đó là các tình huống penalty.

Tỉ lệ chuyển đổi penalty thành bàn thường ở mức 75%. Vì vậy, cứ mỗi 4 quả penalty xuất hiện, sẽ lại có 3 bàn thắng. Việc cản phá những bàn thắng ở tình huống bóng sống trong cự ly rất gần có thể khó hơn việc cản những pha sút penalty.

Nhưng rõ ràng, để ghi bàn từ bóng sống khó hơn rất nhiều tình huống sút từ chấm 11m. Vì vậy, penalty thường được loại bỏ khỏi số liệu thống kê từng mùa của cầu thủ để thể hiện chân thực hơn về khả năng ghi bàn của họ. Messi cũng thế.

Sự nghiệp của Messi tại La Liga đã thống kê 58 bàn thắng đến từ 69 quả penalty, tương đương với tỷ lệ ghi bàn là 84%, tức vẫn cao trên mức trung bình. Vì vậy, khi loại bỏ các quả phạt đền, các mùa giải ghi bàn của Messi (bao gồm cả mùa 2019/20) sẽ như thế này.

Trong 50 bàn thắng của Messi ở mùa giải 2011/12 có 10 bàn thắng đến từ chấm 11m sau 3.270 phút thi đấu. Số phút này chỉ kém một mùa giải trọn vẹn 150 phút, và nhiều hơn 620 phút so với mùa giải 2012/13.

Mùa 2012/13 chứng kiến ​​Messi ghi 42 bàn thắng với số phút thi đấu tương đương 29 trận trọn vẹn. Hiệu suất 1,37 bàn/90 phút (bao gồm cả thời gian bù giờ) của Messi là điều chưa từng thấy ngay cả ở một giải đầu nhiều bàn thắng như Premier League kể từ mùa 206/07 trở lại đây.

Cầu thủ Premier League đến gần nhất với thành tích của Messi (chỉ tính những người thi đấu từ 1.000 phút trở lên) là Papiss Cisse tại Premier League 2011/12. Cisse đã ghi 13 bàn sau 1.113 phút cho Newcastle United, với số phút tương đương hơn 12 trận, đạt hiệu suất 1,05 bàn/90 phút. Tức vẫn kém xa Messi.

Có lẽ, một sự so sánh mới hơn là mùa giải đầu tiên của Mohamed Salah tại Liverpool (Premier League 2017/18). Salah đã chơi 2.921 phút và ghi 31 bàn. Thành tích của tiền đạo người Ai Cập vẫn kém Messi rất nhiều. Bởi tỉ lệ chỉ là 0,96 bàn/90 phút.

Các bàn thắng trong mùa giải 2012/13 cũng minh hoạ cho kỹ năng dứt điểm cốt lõi của Messi. Đó là những pha lốp bóng, những cú sút từ bên trái cầu môn, những quả đá phạt trực tiếp và một thứ mà anh thường sử dụng thường xuyên nhất là di chuyển trong vòng cấm, kiếm những quả bóng lỗi của hàng thủ đối phương để ghi bàn.

Cả 2 bàn thắng trong trận ra quân La Liga 2012/13 đều là những nỗ lực "ăn cắp trứng gà" như thế, tạo ra chiến thắng 5-1 trước đội khách Real Sociedad. Sau đó, Messi có tiếp 2 bàn thắng từ chấm đá phạt trực tiếp tầm xa vào lưới Real và 1 bàn nhờ đánh đầu vào lưới Spartak Moscow, một pha solo trước Athletic Bilbao và nhiều bàn thắng có từ những pha dứt điểm bằng chân trái vào góc thấp.

Những pha xử lý điêu luyện, gọn gàng ở không gian hẹp và cự ly gần của Messi, sút bóng về phía chân trụ của thủ môn, biến họ và các hậu vệ thành những con rối bị xâu kim đã trở thành đặc sản của tiền đạo này.

Anh liên tục ghi bàn cùng một kiểu trước Levante, Atletico Madrid và Deportivo ở La Liga. Rồi lại thêm 2 bàn thắng trong vòng cấm AC Milan giúp Barca xoay chuyển thế cờ tại trận tứ kết Champions League lượt đi. Tất cả đều in đậm tài năng và nỗ lực của Messi.

Mặc dù luôn bị các hậu vệ bao vây kín mít nhưng bằng cách nào đó, Messi vẫn len qua và sút bóng vào lưới. Messi đã ghi tất cả các thể loại bàn thắng và biến công việc ghi bàn thành thứ tiêu khiển dễ dàng và nhàn nhã. Ít nhất, Messi khiến người khác nghĩ thế.

Nhìn chung, 2012/13 là một mùa giải hoàn hảo của Messi ở khâu ghi bàn. Anh có được tỉ lệ ghi bàn cao và số lượng các pha dứt điểm chất lượng lớn, biến đây thành sân khấu của những cơn mưa bàn thắng của riêng mình.

Sau khi ghi bàn trong 19 trận liên tiếp ở La Liga, giúp cuộc đua vô địch ngã ngũ vào tháng Ba, Messi đã bị chấn thương đùi vào đầu tháng Tư. Mặc dù trở lại sân cỏ ở trận bán kết Champions League lượt đi với Bayern Munich, anh đã không thể tạo ra đột biến nào trong thất bại 4-0 đó.

Nói chung, Messi chỉ cần ghi càng nhiều bàn thắng càng tốt là đủ để Barca vô địch La Liga và để anh đảm bảo các giải thưởng cá nhân như 4 QBV liên tiếp từ năm 2009 đến 2012. Nhưng cần nhiều hơn nữa để Barca có thể quay lại thống trị châu Âu.

Messi đã ghi bàn trong suốt sự nghiệp của mình nhưng anh còn là mối đe dọa kép nhờ khả năng kiến tạo. Trên thực tế, kể từ mùa giải chứng kiến khả năng kiến tạo đột phá của anh (2007/08) với 12 pha kiến tạo, Messi chỉ 1 lần thất bại trong việc gấp đôi kỷ lục kiến tạo đó ở mùa 2016/17 (chỉ có 9 lần).

Messi đang ở đỉnh cao kiến ​​tạo tại mùa này, với tổng cộng 21 pha kiến tạo, đạt tỉ lệ 0,62 kiến tạo/90 phút. Đó là thành tích kiến tạo cao nhất tại 1 mùa giải trong 5 giải đấu hàng đâu châu Âu trong thế kỷ này.

Thành tích trên của Messi đã phá kỷ lục 20 lần kiến tạo của Thierry Henry tại Premier League 2002/03, với tỉ lệ 0,55kiến tạo/90 phút. Kevin De Bruyne cũng từng có 20 pha kiến tạo trong một mùa cho Man City, đạt tỉ lệ 0,64 kiến tạo/90 phút.

Tháng 2/2020, Messi không thể ghi bàn trong 4 trận liên tiếp tại La Liga bởi chấn thương và thể lực sa sút, và đó là thành tích tồi tệ nhất của anh kể từ mùa 2013/14. Tuy nhiên, anh đã kiến tạo 6 trong 7 bàn thắng ở 4 trận đó cho đồng đội.

Ngay cả khi không thể tự mình ghi bàn, Messi đã tìm ra nhiều cách khác nhau để giúp đồng đội ghi bàn như thu hút hậu vệ và chuyền những đường bóng chất lượng. Và những người được hưởng lợi gồm Ansu Fati, Sergio Busquets, Clement Lenglet, Frenkie de Jong và Antoine Griezmann.

Tuy nhiên, việc Messi biến thành chuyên gia dọn cỗ không đến nhanh. Cuối mùa giải 2006/07, sau khi đã chơi hơn 3.000 phút nhưng Messi mới chỉ có 3 lần kiến tạo. Sang mùa 2007/08, anh đã đột biến với 7 pha kiến tạo cho Eto’o (4) và Henry (3).

Điều đó đã khởi đầu cho việc Messi trở thành chuyên gia kiến tạo. Từ mùa giải 2004/05 đến mùa 2019/20, Messi đã có tổng cộng 179 pha kiến tạo ở riêng La Liga.

Trước mùa giải này, tỉ lệ kiến tạo trên mỗi 90 phút tốt nhất của Messi là ở mùa 2010/11, khi anh kiến tạo cho Bojan (3), Pique (1), Pedro (4), Thiago (2) và Villa (8). Thú vị ở chỗ, những người được hưởng lợi đều là cầu thủ người Tây Ban Nha.

Cũng ở mùa giải này, trong trận El Clasico đầu tiên, Messi đã cho cả thế giới biết một điều là anh hoàn toàn có thể điều khiển và kiểm soát trận đấu mà không cần ghi bàn. Anh đặt dấu giày ở 4 bàn trong chiến thắng 5-0 của Barca trước Real - Mourinho, trong đó có 2 pha kiến tạo cho Villa.

8 bàn thắng của Villa do Messi kiến ​​tạo tạị mùa giải này là thành tích hỗ trợ ấn tượng nhất của Messi dành cho 1 đồng đội. Tương tự, Messi cũng giúp Neymar ở mùa 2014/15 và Suarez ở mùa 2015/16 có 8 bàn như Villa.

Một điểm nổi bất khác là trong thập kỷ vừa qua, số lượng cầu thủ được Messi kiến tạo bàn thắng khá lớn. Mỗi đồng đội có một đặc điểm khác nhau nên Messi phải tìm cách điều chỉnh để dọn cỗ cho họ. Vị trí Suarez được Messi kiến tạo hoàn toàn khác vị trí của Neymar, Fabregas hay Pique.

Một trong những vũ khí lợi hại nhất của Messi là khả năng phối hợp bật nhả cùng đồng đội, thứ giúp anh kiểm soát không gian và thời gian để thoát ra khỏi những tình huống ngặt nghèo hoặc điều chuyển bóng khi bị sức ép của đối phương.

Giống như một võ sĩ đai đen Karate thực thụ, Messi sử dụng động lực của các hậu vệ đối phương để chống lại họ, di chuyển bóng khi họ mất thăng bằng nhất và trôi vào đúng khoảng không mà đối phương vừa để hổng.

Ví dụ, như trong trận gặp Malaga ở mùa 2010/11, Messi đã cho thấy chính xác cách anh thực hiện điều này. Đầu tiên, anh ấy nhận bóng ở giữa sân từ Sergio Busquets. Ngay lập tức, Messi nhìn qua vai để tìm vị trí tiếp theo nên đưa bóng đến.

Khi đó, Ignacio Camacho của Malaga đang ập vào nhưng Messi đã kịp chuyền bóng cho Xavi ở nhịp 1, và tiếp tục di chuyển lên. Rồi Xavi chuyền bóng lại cho Messi, ở vị trí đã vượt qua Camacho. Đến lúc này, Camacho đã bị loại hoàn toàn, còn Messi ở vị trí trống trải nên đi bóng về khu vực 16m50 của Malaga.

Chỉ với những phối hợp đập nhả như thế, Messi đã có bóng ở vị trí mà không đối thủ nào thích. Sự phối hợp như thế rất dễ nhìn nếu xem trên TV, nhưng có có thể trích xuất từ kho dữ liệu trận đấu. Chúng ta cần lưu ý rằng, Messi chỉ cần tối đa 2 giây để nhận bóng từ đồng đội sau khi chuyền cho cầu thủ đó.

Mùa giải 2010/11 cũng là năm mà Barca chơi tuyệt hay, khi vô địch cả La Liga lẫn Champions League. Vũ khí tiqui-taca với các màn đập nhả 1-2 đều như máy khâu đã được Messi và đồng đội sử dụng nhiều hơn bất cứ mùa giải nào.

Kỹ năng phối hợp này không chỉ để tạo ra khoảng trống kỳ lạ trước hàng công của Barca, mà còn giúp Messi ghi bàn. Ở mùa đó, Messi đã có 4 bàn thắng và 2 pha kiến tạo xuất phát từ màn phối hợp bật nhả. Đấy đều là đỉnh cao trong sự nghiệp của anh.

Mùa giải 2010/11, khi Messi bắt đầu chơi ở trung lộ nhiều hơn, sự phối hợp của anh cũng diễn ra nhiều hơn. Ban đầu, Messi liên kết với các cầu thủ chạy cánh, như Ronaldinho hay Eto’o. Đến mùa 2008/09, Dani Alves xuất hiện và cánh phải của Barca với Messi - Alves được coi là hay nhất châu Âu.

Messi và Alves thành lập quan hệ đối tác hiệu quả và lâu dài ở Barca. Mùa 2012/13, từ những pha bật nhả này, Messi đã ghi 9 bàn thắng và kiến tạo 3 bàn. Đây là thành tích tốt nhất mà Messi tạo được từ những tình huống phối hợp kiểu này.

Không giống như khả năng rê dắt bóng bẩm sinh, việc luồn lách qua hàng phòng ngự đối phương là điều mà Messi đã học được trong quá trình thi đấu. Trên thực tế, cú chọc khe thành công đầu tiên của Messi đến khá muộn, vào mùa giải 2005/06 khi Barca gặp Espanyol.

Ở điểm phạt góc của Espanyol, Messi có bóng. Anh vượt qua một hậu vệ đối phương đang lao vào và chọc khe cho Juliano Belletti, người thường đá hậu vệ phải. Dù cầu thủ người Brazil không thể chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng, nhưng đây là bằng chứng đầu tiên về khả năng chọc khe của Messi.

Kể từ thời điểm đó trở đi, Messi ngày càng thoải mái hơn khi thực hiện những pha chọc khe, với đỉnh cao xuất hiện ở mùa 2015/16, khi anh cùng Suarez và Neymar ghi 131 bàn trên mọi đấu trường, trong đó có 90 bàn tại La Liga.

Khi đó, Messi có trung bình 3,4 pha chọc khe/90 phút, một con số đáng kinh ngạc khi so sánh với vua chọc khe ở Premier League là Philippe Coutinho. Ở mùa 2017/18 trong màu áo Liverpool, tiền vệ người Brazil với 1,4 lần chọc khe/90 phút.

Xu hướng sử dụng các đường chuyển chọc khe của Messi đang tăng lên. Ngoài mùa 2017/18 bất thường ra, càng ngày chúng ta càng thấy Messi chọc khe nhiều. Có thể, ở tuổi 33, khi thể lực suy giảm, anh sẽ ưu tiên chọc khe để đảm bảo chất lượng đường chuyền.

Mùa 2015/16 cũng chứng kiến ​​những đỉnh cao trong sự nghiệp của Messi về số lần chọc khe chính xác lẫn chọc khe kiến tạo. 27 trong số 52 đường chọc khe chính xác của Messi dẫn đến một cú sút, và tạo ra 11 bàn thắng. Suarez và Neymar là những người hưởng lợi chính từ các đường chọc khe này.

Đến giai đoạn này, "cây đinh ba" MNS đã quá hiểu nhau lối chơi, ý đồ của nhau. Khi Messi có bóng ở phía dưới, Suarez sẽ tìm cách lôi kéo 1 hoặc 2 trung vệ đối phương ra khỏi vị trí, tạo khoảng trống cho Neymar băng vào đón đường chọc khe.

Trong chiến thắng 6-0 trước Getafe ở La Liga tại Nou Camp vào tháng 3 năm 2016, Messi đã có một màn trình diễn ngoạn mục, bao gồm hai đường chọc khe chuẩn xác xuyên thủng hàng thủ đội khách giúp Neymar ghi bàn nhàn nhã.

Trận chung kết Cúp Nhà Vua 2016 cũng chứng kiến ​​Messi tung 2 đường chọc khe hoàn hảo, vừa khít để Jordi Alba và Neymar đem về chiến thắng 2- 0 trước Sevilla. Đó không chỉ là vũ khí để Messi kiến tạo, mà còn để xé nát mọi hàng thủ.

Sự nghiệp cấp đội tuyển của Messi giống như một câu chuyện phụ trong suốt quá trình phát triển của anh trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong rất nhiều hạng mục.

Theo nguyên tắc chung, quá trình phát triển sự nghiệp quốc tế của Messi có xu hướng chậm hơn vài năm so với quá trình phát triển ở cấp CLB, nơi anh đã được thi đấu cho các đội của Barca khá sớm. Mọi người hay đặt câu hỏi tại sao Messi không thể thành công cùng ĐT Argentina như với Barca.

Tuy nhiên, xét về việc Messi trở thành "số 10" xuất sắc có gì đó không đúng. Bởi ban đầu, Messi được coi là một cầu thủ chạy cánh phải ở Barcelona, ​​và việc anh phát triển thành một tiền đạo trung tâm là một động thái gây bất ngờ cho nhiều người.

Nhưng ở quê nhà, Messi luôn được coi là số 10 cổ điển của Argentina. Messi đôi khi phải chơi với thế thân thứ hai của mình quá sớm ở cấp độ ĐTQG so với cấp độ CLB.

Tại World Cup 2010, khi ĐT Argentina được Diego Maradona dẫn dắt, Messi được xếp đá sau 2 tiền đạo trong sơ đồ 4-3-1-2. Messi phần lớn đã chơi tốt trong vai trò đó, mặc dù không ghi được bàn thắng nào.

Sau khoảng thời gian chơi như một số "9 ảo" và tiền đạo cánh phải, Messi đã được bố trí như một số 10 trong sơ đồ 4-2-3-1 cho World Cup 2014, đá dưới Gonzalo Higuain. Ở vị trí đó, anh đã giành được QBV World Cup sau khi có những bàn thắng đẹp mắt và một số đường kiến tạo tuyệt hảo.

Ở cấp CLB, phải đến mùa giải 2017/18, Messi mới bắt đầu đá như số 10. HLV Luis Enrique đã trả lại Messi về cánh phải bởi Neymar đã sang PSG. Sau đó, HLV Ernesto Valverde chuyển sang sơ đồ 4-4-1-1, với Messi đá sau Suarez.

Mặc dù về mặt lý thuyết, Messi đã chơi ở những khu vực tương tự như khi đá ở vị trí số 9 ảo. Nhưng bây giờ, Messi đã có một trung phong phù hợp đứng trên mình, thu hút các trung vệ đối phương và tạo ra khoảng trống.

"Tôi có thể tự do chơi lùi sâu hơn, bắt đầu cầm bóng từ phía dưới nhưng vẫn được thoải mái áp sát khung thành. Đó là điều tôi ưa thích", Messi nói.

Đây có lẽ là thời kỳ mà Barca phụ thuộc nhiều nhất vào Messi. Đội bóng không còn kết cấu chặt chẽ và sự tinh kỳ như trước đây, cũng như bị thu hẹp khả năng ghi bàn từ cánh. Họ cần một số 10 để làm cầu nối giữa hàng tiền vệ và Suarez.

Đôi khi, tầm quan trọng của Messi gần như trở thành thứ sống còn của Barca. Trong chiến thắng 1-0 trước Real Valladolid vào tháng 2/2019, Barca đã tung 20 cú sút về phía đối phương. 12 cú sút là của Messi, trong khi 8 cú sút còn lại là cho anh tạo ra.

Số 10 là vai trò mà Messi luôn muốn chơi - ở trung tâm, với tiền đạo phía trước. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong 15 năm. Cuối cùng, Messi đã thể hiện được sự ổn định với tư cách là số 10 của Barca. ​Xét về vai trò của anh, nó không chỉ đơn thuần là số áo. Tất nhiên, Messi cũng là số 10 giỏi nhất thế giới.

Số phút thi đấu được cho là chỉ số đơn giản nhất trong bóng đá, nhưng thật kỳ lạ, tầm quan trọng của nó thường bị coi nhẹ. Số phút thi đấu thể hiện chính xác những gì liên quan đến cầu thủ, để xem anh ta có phù hợp với đội bóng, có sẵn sàng thi đấu thường xuyên không? Và có thường được chọn không?

Số phút đã chơi của một cầu thủ trong một khoảng thời gian dài thường cung cấp một bức tranh khá rõ ràng về các ngôi sao của giải đấu. Ví dụ, ở 10 mùa giải La Liga gần nhất, từ 2009/10 đến 2019/20, Top 10 về số phút thi đấu có mặt các trung vệ xuất sắc nhất La Liga như: Godin, Ramos và Pique; tiền vệ trụ hay nhất Busquets; và các tiền đạo giỏi nhất: Griezmann, Ronaldo và Messi.

Messi, xứng đáng với vị trí số 1, luôn có số phút thi đấu tương đương 15,5 trận đầy đủ, nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào. Đối với một tiền đạo, vốn là vị trí căng thẳng, tốn hao sức lực, dễ chấn thương nhất, đó là một thành tích đáng nể.

Trong mùa giải Barca giành cú ăn ba dưới thời HLV Luis Enrique, Messi đã đạt đỉnh cao về số phút thi đấu. Anh đã thi đấu tới 99% số phút thi đấu của Barca ở La Liga. Cũng cần nói thêm, Messi chính là ngoại binh thi đấu nhiều nhất trong lịch sử La Liga.

Sự thay đổi chế độ ăn uống của Messi trong mùa giải đầu tiên dưới trướng Pep Guardiola có nhiều tác dụng. Pep đã thuyết phục Messi giảm bớt dùng thịt đỏ, đồ uống có ga, pizza, bỏng ngô. Chế độ ăn của Messi thậm chí còn nghiêm ngặt hơn trong những năm gần đây, khi giảm thiểu đường, tăng cường ăn các loại hạt.

"Không thể ăn uống như hồi 25 tuổi nữa. Các biến đổi cơ thể và tuổi tác buộc tôi phải cẩn trọng hơn. Để thích ứng được, đòi hỏi một quá trình chuẩn bị kỹ càng cho việc tập luyện, thi đấu, dinh dưỡng và nghỉ ngơi", Messi nói với tờ Marca hồi đầu mùa giải này.

Một yếu tố khác khiến số phút thi đấu của Messi vượt trội là bởi anh luôn muốn được thi đấu, không thích bị thay ra sớm hay ngồi ngoài ở những trận đấu mềm. Các HLV Luis Enrique và Ernesto Valverde đều đã học được cách chấp nhận để Messi tự quyết định xem có cần nghỉ ngơi hay không.

Messi cũng đã thay đổi phong cách thi đấu. Trước đây, anh lĩnh xướng lối chơi pressing của Barcelona, liên tục chạy nước rút để hạ gục đối thủ. Bây giờ, anh thường nhàn nhã di chuyển không bóng, chỉ chạy nước rút khi cần và có cơ hội. Như thế là hợp lý.

Messi đã không thực hiện một quả đá phạt nào cho đến mùa giải thứ ba của anh tại Barcelona, bởi khi đó, ​​Ronaldinho là người thực hiện hầu hết các tình huống đá phạt. Tỉ lệ ghi bàn từ đá phạt của Ronaldinho khá thất thường, nhưng anh vẫn là chân đá phạt tuyệt vời.

Nhìn chung, Ronaldinho đã ghi được 9 bàn thắng từ tổng số 97 lần thực hiện các quả đá phạt từ mùa 2004/05 đến 2007/08. Theo thống kê, cứ 9 lần đá phạt, Ronaldinho mới có 1 bàn thắng, trong khi đó, tỉ lệ trung bình là 4,4%. Quỹ đạo phát triển kỹ năng đá phạt của Messi ở Barca có nhiều điểm tương đồng với Ronaldinho: chậm, không nhiều thành tựu ở thời gian đầu thực hiện. Messi đã thực hiện tổng cộng 36 quả đá phạt trong 5 mùa, từ 2006/07 đến 2010/11, có được 3 bàn thắng.

Tỉ lệ 1 bàn thắng sau mỗi 12 quả đá phạt là khá tốt, với Messi, mức bàn thắng kỳ vọng là khoảng 8%. Đây chỉ là may mắn hay là dấu hiệu của điều gì sắp xảy ra? Mặc dù Ronaldinho ra đi vào mùa 2008/09, Messi phải đợi đến mùa 2010/11 mới trở thành chân sút phạt thường xuyên của Barca.

Từ mùa 2011/12, số lượng các quả đá phạt của Messi đã tăng vọt. Anh ấy đã trở thành chân sút phạt chính trên thực tế của Barca. Điều này cho thấy nỗ ​​lực của Messi trong việc cải thiện khả năng ghi bàn từ những tình huống bóng chết.

Cũng từ mùa này, càng ngày, Messi thực hiện càng nhiều cú sút phạt, đạt tỉ lệ 1,35 lần/90 phút. Đầu những năm 2010, chúng ta chứng kiến ​​Messi thực hiện nhiều quả đá phạt hơn so với giai đoạn đầu sự nghiệp của mình, song hiệu quả lại giảm.

Tổng cộng, anh có 16 bàn thắng từ 212 tình huống đá phạt, đạt tỉ lệ 7,5%, trong khi tỉ lệ trung bình là 6%. Messi đã ghi 12 bàn từ các quả đá phạt ở mùa 2017/18 và 2018/19, và cũng có 5 bàn ở mùa này. Có lẽ, đây chính thời điểm Messi đá phạt tốt nhất.

Vào tháng 12/2018, Messi thậm chí đã ghi được 2 bàn từ 2 quả đá phạt trong cùng một trận đấu, trong bầu không khí nóng bỏng của trận derby với Espanyol. Bàn thắng đầu tiên xuất phát từ vị trí đá phạt cách khung thành 25 mét, bóng chạm hàng rào và bay vào góc cao khung thành, khiến thủ môn Diego Lopez bó tay.

Tình huống thứ hai là một đá phạt bằng chân trái, ở góc sút không thuận lợi. Nhưng Messi vẫn lái bóng đi qua hàng rào rồi găm vào góc cao bên trái của khung thành, trong sự bất lực của thủ môn.

Messi càng luyện tập nhiều món đá phạt. Và nó đã giúp anh có nhiều bàn thắng quan trọng. Những tuần cuối cùng của mùa 2019/20 thậm chí còn chứng kiến ​​cảnh các đội tìm cách áp dụng các phương pháp khác nhau để chống đỡ các cú đá phạt của Messi.

Trong những mùa giải khác, Messi rê bóng nhiều hơn, ghi nhiều bàn hơn và chơi nhiều phút hơn, nhưng chưa bao giờ anh ấy trở thành nhân vật thống trị toàn năng và tuyệt đối như vậy, ở cả CLB Barcelona nói riêng và bóng đá TBN nói chung.

Điều mới mẻ nhất của mùa 2019/20 là Messi giờ đã trở thành thủ lĩnh có tiếng nói nhất CLB ở trong và ngoài sân cỏ. Anh đang phát triển về tầm vóc để làm lu mờ tất cả mọi nhân vật khác ở Nou Camp, và sẵn sàng sử dụng sức mạnh đó.

Đồng đội cũ của Messi và hiện là giám đốc thể thao Eric Abidal, và thậm chí là chủ tịch Josep Maria Bartomeu cũng không thể có được vị trí uy quyền như Messi. Sau khi bóng đá trở lại, Messi với dáng vẻ gọn gàng và cái đầu trọc, tiếp tục vai trò thủ lĩnh tối cao của mình.

"Messi là một cầu thủ thông minh và anh ấy luôn tìm kiếm những vị trí có lợi nhất trên sân. Trước đây, anh ấy nhanh như điện, luôn áp chế và đánh bại được đối thủ, và luôn ghi những bàn thắng quyết định.

Giờ đây, khi phong cách của Barca đang thay đổi, Messi thiên về kiến ​​tạo nhiều hơn, chạy chỗ nhiều hơn. Tất cả mọi thứ đều thông qua Messi. Barca phụ thuộc vào Messi nhiều hơn bao giờ hết", chuyên gia phân tích La Liga, Albert Ferrer nói.

Tháng 6/2020, Messi đã ghi bàn thắng thứ 700 trong sự nghiệp. Anh cũng đã bước sang tuổi 33. Chúng ta hãy tận hưởng Messi trong khi còn có thể!

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x