Bóng Đá Plus trên MXH

Phạt góc Việt Nam vs Oman: Giải pháp nào ĐT Việt Nam chống lại quả đá phạt góc khù khoằm?

13:06 ngày 13/10/2021
17
Việc dồn 5 cầu thủ vào khu vực 5m50 của Oman khiến ĐT Việt Nam lúng túng trong trận Việt Nam vs Oman. Một trong những dàn xếp đá phạt góc như vậy đến từ đối phương đã khiến chúng ta thủng lưới ở đầu hiệp 2. Vậy, giải pháp nào cho Việt Nam hoá giải điều đó.

Vì sao Oman thành công trước Việt Nam nhưng thất bại trước Nhật Bản, Saudi Arabia?

Thực ra không phải chờ đến trận đấu với đội tuyển Việt Nam, Oman mới tổ chức đá phạt góc mà người ta vẫn nói là khù khoằm. Cụ thể, họ bố trí 5 cầu thủ bu đặc trong vòng 5m50 vốn là khu vực hoạt động của thủ môn. Cách đá phạt góc này đã được Oman thực hiện trước Australia và Saudi Arabia. Nhưng họ không thực hiện thành công. Không có dữ kiện nào nói rằng Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam chủ quan và bỏ qua màn phối hợp này của Oman. Nhưng thực tế chỉ ra rằng, Việt Nam rất bị động trước cách phối hợp đá phạt góc của đối thủ ở trận vừa rồi. Bàn thua của Việt Nam là một dẫn chứng tiêu biểu như thế.

Câu hỏi được đặt ra rằng, vì sao Oman không thành công khi đá phạt góc tương tự như thế khi gặp Nhật Bản hay Saudi Arabia? Thậm chí trong trận thua trước Australia, Oman không sử dụng? Câu trả lời nằm ở chính Australia. Đó là đội bóng có chiều cao tốt hơn nhiều so với Oman. Nút thắt câu chuyện nằm ở chính điểm này.

Các cầu thủ có chiều cao tốt của Việt Nam không có vị trí đứng thật sự tốt trong vòng 5m50 khi đấu với Oman

Các cầu thủ có chiều cao tốt của Việt Nam không có vị trí đứng thật sự tốt trong vòng 5m50 khi đấu với Oman

Một chuyên gia bóng đá nhiều năm dẫn dắt các đội trẻ của Việt Nam và là hậu vệ có kinh nghiệm trong quá khứ chia sẻ với Bongdaplus thế này: “Chiến thuật của Oman sẽ có giá trị khi đội Oman có chiều cao tốt hơn so với đối thủ và đương nhiên là không thành công nếu cầu thủ đội bạn cao hơn Oman. Những cầu thủ Việt Nam hôm qua khi gặp Oman bất lợi từ việc bố trí các cầu thủ có chiều cao trên 1m80 đứng sai vị trí và để đối phương đè trước mặt chúng ta. Điều đó dẫn đến hệ quả là thủ môn không đứng được ở một vị trí thuận lợi để tranh bóng.

Đáng ra, chúng ta phải bố trí 5 cầu thủ cao lớn, có chiều cao trên 1m80 vào trong vòng 5m50 cùng với Oman như Ngọc Hải, Tấn Tài, Tiến Linh, Hoàng Đức, Duy Mạnh. Trong đó, một huậ vệ cao lớn phải đứng chắn trước ở cột 1 (cột gần vị trí phạt góc). Ngoài ra, khi thấy thủ môn bị đối phương đè mặt như vậy, một hoặc hai hậu vệ Việt Nam phải liên tục đẩy, thúc người cầu thủ Oman. Đối phương đã có chiến thuật khôn ngoan như vậy thì mình phải sử dụng tiểu xảo liên tục.

Bởi chúng ta thấy ở bàn thua từ phạt góc, trọng tài không hề nhắc nhở gì cầu thủ Oman trong cầu môn. Khi đó, cầu thủ Việt Nam càng phải gây sức ép liên tục, đẩy, dồn cầu thủ Oman, không cho họ có thể đứng sát khung thành. Một mặt, điều đó giúp thủ môn Văn Toản có thêm khoảng trống để với tay. Mặt khác, hậu vệ Việt Nam làm như vậy sẽ dẫn đến ức chế cho đối thủ cộng thêm trọng tài phải ra mặt để dàn xếp lại. Tóm lại, giải pháp cho màn đá phạt góc này là cần bố trí các cầu thủ cao lớn đứng cùng với Oman. Thứ hai, cần bố trí một hậu vệ đứng chắn trước cột 1 và thứ ba cần tạo điều kiện để thủ môn rảnh tay hơn cứu thua”.

Ban huấn luyện và cầu thủ không nhạy bén

Cũng liên quan đến phương án chống quả đá phạt góc khù khoằm của Oman, cựu danh thủ Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ với Bongdaplus: “Oman có cách dàn xếp đá phạt góc rất khó chịu. Thậm chí ngay cả khi pha đá phạt góc không thành công thì rất có thể chúng ta cũng chịu phạt đền khi hậu vệ Việt Nam luôn phải áp sát và ôm lấy hậu vệ Oman trong tình thế rất đông người đứng trong khu vực 5m50.

Nhưng tôi muốn nói thêm ở câu chuyện tổ chức chống phạt góc, tôi cho rằng Việt Nam đã đọc tình huống không nhanh nhạy. Bởi bàn thắng từ quả đá phạt góc của Oman không phải là lần đầu tiên họ thực hiện khó chịu duy chỉ trong trận đấu với Việt Nam. Đáng ra chúng ta sau khi thấy tình huống đầu tiên, thứ hai rồi thì cần phải có sự thay đổi và đưa ra phương án kịp thời. Nếu như muốn hạn chế tình huống đó bớt nguy hiểm đi thì Ban huấn luyện phải chỉ đạo cầu thủ ra khu vực mà cầu thủ Oman đá phạt góc và gây sức ép.

Cầu thủ Việt Nam bị động trong chống phạt góc trước Oman

Cầu thủ Việt Nam bị động trong chống phạt góc trước Oman

Mục đích là để cầu thủ Oman mất tập trung và đá kém chính xác đi. Khi đối phương đứng trong vòng 5m50 nhiều như thế thì yêu cầu từ người đá phạt góc phải thực sự chính xác và phải đưa bóng cuộn vào trong cầu môn. Vì thế, chúng ta cần cắt cử một cầu thủ chạy ra góc để thu hẹp góc sút và gây sức chế cho họ”.

Văn Toản có bài học lớn

Trong tình huống đá phạt góc này, thủ môn Văn Toản bị cho là người đã mắc lỗi. Hay chính xác là anh cũng chưa có kinh nghiệm đối phó với kiểu đá phạt góc khó chịu này từ Oman. Một chuyên gia cho rằng Văn Toản đã đấm trượt trong tình huống mà đội bạn đánh đầu vào cầu môn: “Ở tình huống đó, thủ môn phải làm sao với tay đấm quá bóng ra đã. Đúng là ở tình huống đó bất lợi. Nhưng thủ môn hơn cầu thủ một cánh tay cơ mà. Như tôi đã nói bên trên, cũng một phần vì hậu vệ Việt Nam không đẩy được cầu thủ Oman để giúp Văn Toản có một vị trí hợp lý nữa”.

Cũng ở một góc độ nữa là Văn Toản chưa có đủ độ tinh ranh để xử lý tình huống. Bởi theo quan điểm của một nhà báo dày dạn, nếu là thủ thành lọc lõi, rất có thể họ sẽ chủ động ngã sau va chạm ở vùng 5,5 m đặc kín này vì đó là vùng đặc quyền của thủ môn. Khi ấy, chắc chắn trọng tài sẽ phải xem xét tình huống rất kỹ và nó dễ khiến ý đồ của Oman phá sản. Nhưng Văn Toản không có được độ tinh quái ấy ở bất kỳ một tình huống đá phạt nào của Oman. Cái này là bài học không chỉ cho Toản mà còn cho cả các thủ thành khác của tuyển Việt Nam vì không chắc sẽ một mình Oman dùng chiêu này và chúng ta cũng còn gặp lại họ lần nữa.

Cũng theo quan điểm của một nhà báo khác dựa trên trận đấu giữa Nhật Bản và Oman, đội tuyển Nhật Bản bố trí thủ môn áp sát cầu thủ Oman. Trung vệ Maya Yoshida chủ động đứng tách ra để để thủ môn tranh chấp với cầu thủ Oman. Lợi thế dĩ nhiên thuộc về thủ môn Nhật Bản. Chỉ cần ngã ra, trọng tài sẽ phạt lỗi cầu thủ Oman vì tranh chấp với thủ môn trong khu vực 5m50.

Trí Công • 13:06 ngày 13/10/2021

Bài viết hay? Ấn để tương tác

17
Bình luận
  • Tuan Vu 21:39 ngày 13/10/2021

    Tình huống phạt góc trên, mình đồng ý với Tác giả nhưng xin tóm lại mấy ý, theo tôi như sau: - "Chúng ta cần cắt cử một cầu thủ chạy ra góc để thu hẹp góc sút và gây sức chế" (trích) và làm phân tâm người sút. - Khu vực 5.50 là của thủ môn, Văn Toản cần đứng ngay vạch, ko nên bị đẩy vào trong như vừ rồi, cầu thủ của ta ko cho đối phương chèn Văn Toản, buộc TT phải có can thiệp. Đó là 2 ý chính của tôi.

  • nguyen tuan 14:26 ngày 13/10/2021

    kiểu phạt góc này thật sự chỉ để lòe gà. Do cầu thủ VN ko biết đứng chứ thật ra chỉ cần mỗi TM đứng cạnh gôn là đủ bóng bay tới thì cứ nhảy or lao ra đấm va chạm với CT Oman xong ngã ra là đc. Người ta ít dùng kiểu phạt góc này vì tỷ lệ thành công thấp mà dính phản công thì xác định ko chạy về nổi

  • Khánh Q 14:49 ngày 13/10/2021

    Anh ơi, nói thật là trận hôm qua các cầu thủ bị VAR làm tâm lý rất nặng. Tình huống đó người có quyền trong vòng cấm là thủ môn thì hơi non, còn cầu thủ ko dám đẩy vì sợ thổi penalty. Anh xem lại pha bóng thì thấy họ còn đẩy 2 cầu thủ của ta ở cột gần ngã sấp mặt, trọng tài vẫn ko nói gì. 1 trong những trận điều hành rất tệ của trọng tài, Oman thì thừa cơ gây sức ép khiến tâm lý cầu thủ chúng ta càng nặng.

  • huy quyền phan 15:19 ngày 13/10/2021

    Vấn đề ngoài lề một tý: Đó là chúng ta cần chấn chỉnh công tác trọng tài ở V-league, các trọng tài ở V-league quá dễ dãi với cầu thủ. Hệ quả là cầu thủ hình thành thói quen khi ra đấu trường châu lục thường xuyên bị thẻ vì lỗi phản ứng, và những pha vung tay như vừa rồi tôi chắc chắn rằng ở V-league sẽ không bao giờ bị thổi pen. Tóm lại công tác trọng tài ở VN cần phải theo kịp sự phát triển của BĐ khu vực và thế giới.

    • One Force 17:09 ngày 13/10/2021

      Nếu trọng tài làm nghiêm khắc thì CĐM sẽ chửi bới, và UB trọng tài vào cuộc và treo còi người ta. Thế nên tốt nhất bỏ qua nếu không có gì. Gặp trọng tài nc ngoài thì ăn thẻ vàng luôn, ở đấy mà cãi láo.

  • Fan VN 14:21 ngày 13/10/2021

    Văn toản ko có lỗi, chẳng qua em ấy quá thấp người, ko thể tì đè với tiền đạo đối phương, thủ môn phải có thể hình mới làm chủ vòng cấm các tình huống bóng bổng. Thêm phần non kinh nghiệm.

    • Đức Nghiêm 15:50 ngày 13/10/2021

      :O Văn Toản cao 1m86 mà thấp? so với tiền đạo Oman, Văn Toản không thua về thể hình. Có trách là em nó thua kinh nghiệm, và hậu vệ mình mỏng cơm quá, ko đè được đội bạn ra khỏi vùng đó

  • nghị quốc 16:44 ngày 13/10/2021

    Rất đơn giản. Tất cả cầu thủ vn tránh xa mấy ông Oman đứng gần Văn Toản. Chỉ cần bóng cuộn vào và thủ môn nhẩy lên hoặc chạy tới đấm bóng mà đụng cầu thủ đối phương thì trọng tài sẽ cắt còi. Chỉ cần kèm những người ko đứng gần Thủ môn và cắt 2 người ra đứng trước bóng thì coi như đối phương hết cơ hội

  • Munchen-MIA SAN MIA 15:23 ngày 13/10/2021

    đã vào đến vòng này thì ngoài yếu tố chuyên môn thì điều cần nhất là kinh nghiệm,sự già giơ của các cầu thủ.VN đá quá ngây thơ,ko hề có chút tiểu xảo nào.Hãy nhìn các cầu thủ Châu Âu họ đá,ngã cũng là 1 nghệ thuật,họ ngã hay ăn vạ mà cũng đáng để xem.Hôm qua thủ môn Vn quá non,dù bất luận ntn thì trong vòng 5m50 vị trí TM luôn bất khả xâm phạm,chỉ cần có va chạm nhẹ cũng có thể nằm ra sân và kiểu gì thì kiểu Trọng tài cũng phạt cầu thủ đội khách chứ ko phạt TM.Lỗi này đầu tiên phải là do HLV.

  • Hoàng Duy Song 15:59 ngày 13/10/2021

    ĐTVN của HLV Park đã thành công rực rỡ suốt 4 năm qua,làm nên lịch sử hiển hách cho BĐVN nhờ lối chơi PNPC,bởi có hàng THỦ là bức tường thành bất khả xâm phạm!?Nhưng khi ĐTVN đã và đang bơi ra biển lớn đầy phong ba bão táp,trước những siêu cường BĐ thì hàng thủ của ĐTVN đã không còn là TRÁI TIM khỏe mạnh của ĐT nữa!?Mong rằng tất cả chúng ta từ NHM đến ĐTVN cùng HLV Park không sao phải buồn,thừa nhận để chấp nhận,đứng dậy vươn mình mạnh mẽ như PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG !?TT cũng thôi THAN KHÓC đi !?

    • Lê chườn 07:40 ngày 14/10/2021

      Nói như bạn Hoàng Duy Song thế thì việt nam biết bao h mới bươn ra biển lớn đc, chúng ta đã vất vả bao nhiêu năm mới vượt qua đc cái ao làng và vươn ra đến hồ nay ta có cơ hội để ra biển lớn vì vậy ta phải chắt chiu cơ hội và tìm ra giải pháp để duy trì ở biển chứ

  • Chuột ABC 17:36 ngày 13/10/2021

    Bình thường các thủ môn sẽ đẩy mạnh đối thủ ra xa đến khi trọng tại nhắc nhở vì 5m50 là khu vực bất khả xâm phạm của thủ môn, do cầu thủ và thủ môn của mình kém thôi

  • Ngố Nhện 14:31 ngày 13/10/2021

    Họ nghiên cứu rất kĩ Việt Nam, vì họ muốn 3 điểm. Họ đánh thẳng vào điểm chí mạng, và họ thắng.

  • Tuti 19:22 ngày 13/10/2021

    Ng M Dũng đúng, nhưng chỉ ở ý BHL đã quá chậm không nhìn ra nguy cơ sau hai quả đầu tiên để điều chỉnh cách chống đỡ. Thủ môn VT và đội trưởng QNH lỗi trực tiếp vì không biết xử lý. Tác giả cũng có ý đúng nhưng chưa hẳn, có lẽ đây là cách tốt nhất: 1. Hồng Duy đứng chắn nếu phạt góc bên trái, QH chắn nếu bên phải, đứng hơi gần biên ngang để buộc cầu thủ đá cuộn ra ngoài về cột xa nhiều hơn. 2. Hàng thủ dàn hàng ngang dâng lên đứng trước đội bạn. 3. VT chủ động nhảy lên và va chạm! Phạt lên ngay!

  • Gao Auto 23:58 ngày 13/10/2021

    Đối với nền bóng đá phát triển thì . cái cách đá phạt góc này dễ dàng bị hoã giải . Cũng rất dễ bị phản công . việt nam quá non . không biết chơi tiểu xảo khiến cho đối phương phạm lỗi thôi . nhìn 2 cầu thủ dựa vào ngọc hải , ép vào trong thì thủ môn càng bất động .bị làm tượng chặn làm sao lao ra đc .cách Nhật Bản áp dụng và ả rập hoàn toàn khác vn . không thể trách thủ môn được . Hoàn toàn sai lầm toàn đội .

  • Hai Duc Nguyen 07:06 ngày 14/10/2021

    Khù khoằm là gì? Từ mới à?

  • Anh&Em 22:43 ngày 15/10/2021

    Chúng ta đã khiếu nại lên FIFA, và Uỷ ban trọng tài quốc tế ở đây, https://twitter.com/DoDongHaLe1/status/1448616996006891522 Tuy nhiên họ trả lời hay không thì phải chờ. Tôi nghĩ người hâm mộ nên gây sức ép để chúng ta có tiếng nói công bằng trong cuộc chơi. Còn cầu thủ thì phải khôn ngoan hơn, các tình huống trận Oman hầu như các cầu thủ đã bị lơ đãng, không để tâm và thiếu đi sự khôn ngoan cần thiết, Nhìn cả QNH lóng ngóng thì cũng đủ hiểu rồi.

Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6, Tòa nhà Licogi 13 Tower, 164 đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6, Tòa nhà Licogi 13 Tower, 164 đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay