1. Một đoạn trong bài báo viết: “Julian Nagelsmann hiểu điều đó. ‘Điều đó’ có nghĩa là bóng đá quốc tế có sự khác biệt về mặt chiến thuật so với bóng đá cấp câu lạc bộ. Huấn luyện cấp độ ĐTQG khó thực thi những ý tưởng phức tạp và hệ thống đa dạng. Các huấn luyện viên phải tạo ra phong cách phù hợp với cầu thủ (tốt nhất), chứ không phải ngược lại, và vai trò và chiến thuật của đội phải phản ánh thật giống điều mà cầu thủ hay làm ở câu lạc bộ của họ. Càng giống càng tốt”.
Đội Đức trong tay Nagelsmann chơi khá đa dạng về mặt phong cách, xoay vòng hai sơ đồ 4-4-2 và 4-2-3-1. Họ chủ yếu chơi bóng ngắn và phối hợp trung lộ, nhưng khi cần cũng tấn công biên mạnh mẽ, hay sử dụng nhiều quả tạt sớm, hay các cú sút xa. Ngoài tấn công bằng các bài phối hợp, Đức cũng sử dụng nhiều mũi nhọn mạnh về một đấu một (điển hình là Musiala) để làm rối loạn hệ thống của đối phương.
Nói cách khác, đội Đức của Nagelsmann đã giải quyết được sự bế tắc của đội Đức trong nửa thập kỷ trở lại: quá tuân thủ hệ thống, đá theo bài bản. Giờ đây, họ có thể khai thác trận đấu theo nhiều cách khác nhau.
Đêm qua, chúng ta thấy một phiên bản tương tự ở đội tuyển Tây Ban Nha: họ gần như đã từ bỏ lối chơi cầm bóng quá nhiều, để tập trung vào hiệu quả, và khai thác thói quen của các cầu thủ khi đá ở CLB.
Nico Williams, người đá hay nhất trận gặp Ý, không có nhiều ‘đất diễn’ trong hệ thống của HLV Luis Enrique trước đây. Anh chỉ là ‘kép phụ’ khi đội bóng cần một người đi bóng quấy rối.
Nhưng HLV Luis de la Fuente đã trao cho anh vai trò nòng cốt trên hàng công, và khuyến khích anh chơi đúng với phong cách của mình ở CLB: cầm bóng nhiều và tích cực xuyên phá. Ở biên phải, cầu thủ 16 tuổi Lamine Yamal cũng được thoải mái phát huy khả năng cá nhân giống Williams.
Phía sau họ, Pedri và Fabian Ruiz là những chuyên gia giữ nhịp và chuyền bóng, nhưng cũng được phép xử lý tình huống theo sở trường của họ, như đi bóng (điểm mạnh của Pedri) và sút xa (điểm mạnh của Ruiz).
Sự đa dạng này khiến Ý, một đội tuyển cực kỳ ăn ý và đã định hình phong cách rất rõ ràng, trở nên bối rối. Trong hơn một thập niên, kể từ EURO 2012 dưới thời HLV Cesare Prandelli, Ý đã thay đổi hoàn toàn, từ một đội tuyển có bản sắc phòng ngự chắc chắn chuyển sang phong cách cầm bóng chủ động và phối hợp tổ chức tấn công bài bản.
2. Phong cách này đi kèm với một sự thay đổi bài bản từ giải Serie A lẫn định hướng đào tạo trẻ từ Liên đoàn bóng đá Ý: các cầu thủ chơi chủ động, linh hoạt, và hướng đến tập thể nhiều hơn. Kết quả là vào đầu năm 2023, Ý là quốc gia có số đại diện vào tứ kết Champions League đông nhất, với 3 đội (Inter Milan, AC Milan và Napoli).
Nhưng mọi thứ đã trở nên khó khăn vào đêm qua: ngay cả một đội tuyển được thống nhất về mặt phong cách cũng không thể chống lại một TBN có con người tốt hơn và đặc biệt là được tối ưu mạnh mẽ hơn, dù TBN hiện tại không còn cố gắng giữ một bản sắc quá đậm màu như trước.
Một bài học khác là đội tuyển Anh, với hai ngôi sao tấn công Phil Foden và Bukayo Saka. Họ chơi cho Man City và Arsenal, hai đội có phong cách tập thể rõ ràng và đặc biệt bậc nhất thế giới. Thế nhưng khi chơi cho tuyển Anh, họ cũng trở nên bối rối, và trong một số thời điểm, chúng ta có cảm tưởng cả hai đều hoang mang với các quyết định của mình trên sân.
Bóng đá cấp độ đội tuyển có lẽ sẽ luôn vật vã với một câu hỏi lớn: xây dựng phong cách rồi buộc các cầu thủ làm theo hay cố gắng tối ưu phong cách để phù hợp với các cầu thủ tốt nhất đang có?
EURO 2024 đang cho thấy sự thắng thế của ý thứ hai. Nếu là HLV ĐTQG, bạn phải ưu tiên tối ưu tiềm năng của các cầu thủ sẵn có, không bị ám ảnh quá nhiều bởi phong cách.
3. Đấy cũng có thể là một gợi ý cho quá trình tái thiết ĐTQG ở bất cứ đâu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thời kỳ HLV Phillippe Troussier cầm quân đã đi vào ngõ cụt vì chúng ta cố làm thứ bất khả thi: gò ép về mặt phong cách với những người chưa hề sẵn sàng.
Để tiến hành sự thay đổi về mặt phong cách ở đỉnh tháp là ĐTQG cần một sự chung tay từ Liên đoàn bóng đá, các lò đào tạo trẻ, các CLB liên tục trong quãng thời gian tính bằng thập niên. Một ông HLV không thể giải quyết được vấn đề gì, thậm chí trong một nhiệm kỳ 4 năm.
Nhưng nếu chưa sẵn sàng để thay đổi toàn diện về phong cách, thì lựa chọn của rất nhiều đội tuyển lớn ở EURO 2024 có thể là một gợi ý: hãy tìm những HLV phù hợp, người có khả năng tối ưu những con người tốt nhất, theo thói quen và sở trường của CLB, làm những điều họ vẫn đang làm thường xuyên.
Cá nhân tôi nghĩ rằng ở EURO năm nay, một đội bóng tối ưu như thế sẽ lên ngôi, chứ không phải một đội tuyển nổi tiếng nhờ phong cách. Chu kỳ đó, với sự nổi trội của TBN giai đoạn 2008-2012 và Đức 2010-2014, có vẻ đã qua.