'Logo' của Cristiano Ronaldo

Phạm An
09:46 ngày 26-06-2021
Góc nghiêng EURO: Ba tháng trước, khi tập đoàn điện tử khổng lồ Xiaomi công bố nhận diện thương hiệu, quan khách của buổi ra mắt đã ngã ngửa khi nhìn thấy logo mới của họ. Trông chẳng khác gì logo cũ, chỉ đổi từ khung vuông sang tròn, và phải tinh mắt lắm mới nhận ra rằng đường cong của nét bên trong được làm mềm đi một chút.

Làm mà như không làm

Dư luận càng kinh ngạc hơn khi biết chi phí và thời gian được dùng cho thay đổi mà như chưa thay gì này: 300 ngàn USD, trong thời gian 3 năm! Sản phẩm cuối cùng giống như một thứ mà ai cũng có thể làm được, nếu có chút kỹ năng chỉnh sửa ảnh qua phần mềm Photoshop.

Sau khi hãng công bố, “logo Xiaomi” được tìm kiếm đến 100 triệu lần trên thanh tìm Google chỉ trong ba ngày, chưa kể hàng triệu các cuộc thảo luận trên mạng xã hội. Nếu coi đấy là một chiến dịch marketing để được nhắc đến, thì nó đã thành công rực rỡ. Cuối tháng Năm, Xiaomi công bố doanh thu và lợi nhuận quý I năm 2021 tăng trưởng rực rỡ, lần lượt đạt 54,7% và 163,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Không ai biết hiệu quả đến từ đâu, nhưng 300 ngàn USD cuối cùng lại quá rẻ so với hiệu quả mong đợi. 

Tác giả của logo mới là Kenya Hara, một nhà thiết kế đồ họa người Nhật rất có ảnh hưởng trong giới của mình. Ông là giám đốc đại diện của Nippon Design Center, giáo sư của Đại học mỹ thuật Musashino. Trong vai trò Giám đốc sáng tạo, ông được xem như một trong những nhân tố quyết định thành công của MUJI, thương hiệu bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản.

Kenya Hara là tác giả mẫu logo mới của Xiaomi

Đấy là một nhà tư tưởng hàng đầu của nghệ thuật thiết kế. Cuốn sách Thiết kế của Thiết kế do Kenya Hara chấp bút được xem như một trong những tư liệu quan trọng của thiết kế đồ họa đương đại. Nó viết về sự trống rỗng và “tính không” trong thị giác, cũng như các hình khối của việc ứng dụng thiết kế. Theo một chừng mực nào đó, logo mới của Xiaomi được tạo ra với tinh thần này. 

Giới thiết kế thì lại đánh giá logo này… rất cao, có lẽ vì cái tên Kenya Hara. Xiaomi trả 300 ngàn USD và sẵn sàng chấp nhận kết quả cuối cùng “như đùa” của quá trình thiết kế có lẽ cũng vì người thực hiện nó là Kenya Hara. Sự thay đổi tưởng như ai cũng có thể làm được bỗng trở nên đáng giá, bởi người thiết kế đã quyết định tạo ra nó bằng tất cả kinh nghiệm, tài năng và đã được chứng minh của ông. 

Giống như việc Pablo Picasso dù có nguệch ngoạc ra một bức tranh đi nữa, thì nó cũng có thể đạt giá hàng triệu đô. Riêng cái tên của ông đi kèm đã bảo chứng cho giá trị bức tranh ấy.

Giá trị của quả phạt đền

5 bàn thắng của Cristiano Ronaldo ở EURO lần này hầu hết đều đến sau các tình huống đơn giản: 3 quả penalty, 1 lần đệm bóng cận thành và 1 lần rê qua thủ môn. Hai bàn thắng từ chấm phạt đền ở trận gặp Pháp cũng biến anh thành cầu thủ châu Âu ghi bàn nhiều nhất ở các kỳ EURO lẫn World Cup với 20 lần “nổ súng”, vượt qua kỷ lục do Miroslav Klose (Đức) nắm giữ. Anh đã cân bằng luôn kỷ lục ghi bàn mọi thời cho ĐTQG do Ali Daei (Iran) nắm giữ, với 109 lần lập công.

Trong cả sự nghiệp, gần 20% số bàn thắng của Ronaldo đến từ các quả penalty. Các quả đệm bóng cận thành có lẽ cũng nhiều tương đương. Có vẻ như chẳng tốn mấy sức, và sự đơn giản này dường như không đúng lắm, với một chân sút vĩ đại bậc nhất mọi thời.

Nhưng các nhà chuyên môn và đạo diễn hình có lẽ hiểu rõ hơn về điều gì đã xảy ra. Máy quay trên cao đã bắt được cảnh Ronaldo nước rút 97 mét trong 17 giây để đón pha chuyền ngang của Diogo Jota trước khi đệm vào lưới đội tuyển Đức. Tốc độ đo được khi thực hiện màn nước rút ấy của Ronaldo là 32km/h.

Cristiano Ronaldo đệm bóng tung lưới ĐT Đức sau cú nước rút 97 mét trong vỏn vẹn 17 giây

Quá nhanh với một cầu thủ đã 36 tuổi. Tất cả nhìn vào kết quả của pha bóng dễ dàng ấy, nhưng quên đi quá trình diễn ra nó, và càng không biết được sự chuẩn bị cho quá trình ấy.

Hãy nhìn lại những quả penalty: chúng có vẻ rất đơn giản, nhưng đã chôn vùi sự nghiệp của rất nhiều siêu sao, như Roberto Baggio tại World Cup 1994 chẳng hạn. Áp lực của một quả phạt đền trong giây phút quan trọng đòi hỏi bản lĩnh thi đấu hơn người, điều thậm chí không thể rèn luyện theo cách thông thường.

Một bàn thắng đơn giản được ghi trên chấm phạt đền, trong một bối cảnh bình thường, ai cũng có thể thực hiện dễ dàng. Nhưng một quả 11 mét vào lúc cân não nhất, ở những đấu trường khắc nghiệt nhất và trước những thủ môn đẳng cấp cao nhất, thì người có thể đảm bảo tỉ lệ chính xác gần như 100% chỉ có thể là Ronaldo.

Giá trị của quả phạt đền nằm ở chính anh, cũng như giá trị cái logo sửa mà như không của Xiaomi. Quan trọng người thực hiện là ai.

Thiền, bí quyết của Ronaldo

Điều gì đã biến một cầu thủ tâm lý không vững và hay nổi nóng thành một tượng đài từng trải và không hề dao động trên chấm phạt đền? Ronaldo từng nói trên tờ France Football rằng anh phải nhìn xa hơn để duy trì đỉnh cao, và một trong số những bí quyết yêu thích là thiền. 

“Họ thường nói rằng tôi có cơ thể hoàn hảo, nhưng đó không chỉ là vấn đề luyện tập thể chất. Sự nghiệp của tôi hiện tại không phải là chuyện ngẫu nhiên, đơn giản là tôi đã làm mọi thứ tuần tự. Ở trên đỉnh cao trong 2-3 năm là bình thường, nhưng ở vị trí đó trong 16-17 năm… Bạn nghĩ mọi thứ chỉ là tài năng?” – Ronaldo nói.

“Tôi đã thử nó (thiền), trong 15 tới 20 phút hàng ngày, và nó thực sự hiệu quả. Nó làm tôi thanh thản, dễ chịu. Tôi thiền hầu như mỗi ngày, đặc biệt là tập thở”.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x