Theo luật, hễ bóng chạm tay trong pha ghi bàn hoặc đường chuyền thành bàn, bất kể vì nguyên nhân gì, thì bàn thắng đều không được công nhận. Nhưng Perez không phải là người ghi bàn hoặc chuyền đường cuối cùng (Youri Tielemans ghi bàn, Luke Thomas chuyền đường cuối cùng). Cũng chính vì vậy, tình huống Perez để bóng chạm tay không được VAR can thiệp.
Nhưng, Perez mới là đầu mối mở ra pha bóng dẫn đến bàn thắng duy nhất của Tielemans. Ở một khoảnh khắc quan trọng. Từ một vị trí quan trọng. Còn đường chuyền mang tính kiến tạo của Thomas thì chỉ là sự định nghĩa, trên lý thuyết. Vai trò của Perez trong pha bóng này còn quan trọng hơn cả Thomas.
Cách đây không lâu, trong trận Man City gặp Chelsea ở Premier League, cầu thủ Raheem Sterling lấy bóng từ chân… đồng đội Sergio Aguero, tung luôn cú dứt điểm và ghi bàn. Sterling hơi “láo”, theo một cách nói vui. Đấy không bao giờ là một pha kiến tạo của Aguero. Nhưng vì Aguero là cầu thủ chạm bóng cuối cùng trước khi Sterling ghi bàn, người ta lập tức ghi tên Aguero vào cột “kiến tạo”.
Trong cái thời buổi nhà nhà đua nhau thống kê này, có cả cái việc làm cực kỳ phản bóng đá mà nhiều người răm rắp nghe theo: thống kê… mức độ sẽ thành bàn. Người ta gọi đấy là xG (expected goal). Đại khái là mỗi pha dứt điểm đều được các “chuyên viên thống kê” cân đong đo đếm cứ như đúng rồi. Họ phán: cú sút nọ tương đương 0,09 bàn thắng, quả kia là 0,75 bàn thắng! Ôi chao! Cộng hết xG, hay “bàn thắng được chờ đợi” của đôi bên, thì thấy đáng lẽ Man City phải ghi bàn nhiều gấp… 60 lần đối thủ của họ trong trận chung kết Cúp Liên đoàn là Tottenham.
Không sao. Đấy là nhu cầu của người hâm mộ, ai thích thì xem. Cái kiểu tính ra xG hoặc quy cho Aguero đường chuyền thành bàn ấy mà. Đưa vào luật, lại là chuyện khác.
Luật quả… hơi dở, khi quy định một cách cứng nhắc đâu là tình huống liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến bàn thắng, bất kể tầm quan trọng trên thực tế của mỗi tình huống. Dù sao đi nữa, nền tảng luật lệ dẫn đến cái lẽ vì sao pha bóng chạm tay của Perez không được VAR can thiệp là quá rõ rồi, phải chấp nhận thôi. HLV Thomas Tuchel đã sai khi lặp đi lặp lại rằng đấy là pha bóng chạm tay quá rõ mà VAR phải can thiệp. Theo Tuchel, cứ kiểu thế này thì rút cuộc chính ông sẽ không biết, không hiểu gì về tình huống bóng chạm tay.
Cũng như HLV Zinedine Zidane của Real Madrid cứ nói bừa, rằng ông không hiểu vì sao cầu thủ của mình bị phạm lỗi trong khu cấm địa Sevilla, nhưng Sevilla lại được hưởng phạt đền sau khi VAR vào cuộc! Họ hiểu quá rõ đi chứ, nhưng họ nói bừa. Họ đáng được thông cảm trước những bàn thua quá “đau”. Nhưng HLV mà nói như thế thì không đáng được tôn trọng cho lắm.