“Tôi cần một cái bàn, một cái thôi, hình vuông và đủ to để 24 cầu thủ có thể ngồi chung. Hãy đặt 6 chiếc ghế ở mỗi cạnh bàn để tất cả có thể nhìn thấy nhau. Nếu họ không có một cái bàn đủ to, hoặc một căn phòng đủ rộng để chứa nó, chúng ta sẽ tìm khách sạn khác”. Đó là yêu cầu mà Simeone dành cho Tomas Renones, quản lý đội 1 của Atletico cùng giám đốc khách sạn Marriott ở Wolfsburg.
Và Atletico có mặt tại đây chỉ để đá một trận giao hữu, trong bối cảnh một nửa đội hình chính vẫn đang ở Tây Ban Nha. Nhiều người sẽ ngạc nhiên vì chuyện chiếc bàn. Nhưng như chính Simeone thường nói: “Không có gì là ngẫu nhiên cả, tất cả đều có nguyên nhân của nó”.
Ấn tượng đầu tiên của Simeone khi mới tiếp quản Atletico hồi tháng 12/2011 là các cầu thủ thường ngồi thành từng nhóm nhỏ rời rạc. Mà El Cholo thì hiểu quá rõ rằng ông cần sự đoàn kết tuyệt đối, để cạnh tranh chức vô địch ở một giải đấu có cả Real Madrid lẫn Barca, và để bù đắp cho cách biệt quá lớn về đội hình với hai gã khổng lồ này.
Không chỉ đoàn kết, Simeone còn đòi hỏi sự hy sinh. Như Luis Suarez từng tiết lộ là ở Atletico “điều quan trọng nhất là không cầu thủ nào nghĩ rằng mình giỏi hơn người khác”. Tiền đạo người Uruguay nói thêm: “Mọi cầu thủ ở đây đều tin tưởng tuyệt đối vào những đồng đội khác. Và đó chính là triết lý của El Cholo”.
Nhiều người cũng lầm tưởng rằng triết lý bóng đá của Simeone là phòng ngự phản công, và kiểm soát trận đấu dù không cầm nhiều bóng. Nhưng ngược lại, nó chỉ là một cách thể hiện của “tinh thần Cholista”.
Simeone phân tích: “Triết lý của chúng tôi không nằm ở lối chơi, mà ở cách chúng tôi chiến đấu trong từng trận đấu. Một tân binh chỉ thực sự hòa nhập với Atletico khi anh ta hiểu rằng chỉ tài năng là chưa đủ tạo ra sự khác biệt. Vì bên cạnh đó, bạn phải biết cống hiến và hy sinh”. Quan điểm ấy đã được ông chứng minh bằng chức vô địch La Liga mùa trước, khi Atletico lên ngôi bằng một lối chơi khác và một sơ đồ khác.
Tất nhiên, tuy đề cao giá trị tập thể, Atletico không phải là không có những ngôi sao. Nhưng trong khi Barca và Real Madrid thống trị La Liga và cả châu Âu nhờ những người ngoài hành tinh như Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo, thì nửa đỏ-trắng thành Madrid vẫn sống khỏe khi lần lượt chia tay Diego Costa, Thibaut Courtois hay Antoine Griezmann.
Nguyên nhân là bởi Simeone luôn biết cách tạo ra những ngôi sao. Đó là người biết cách phát huy tối đa khả năng của từng cầu thủ, khiến Filipe Luis và cả Costa phải tìm về Atletico khi không thể hiện được mình tại Chelsea. Đó cũng là người đã nâng tầm cho Griezmann, Koke, Saul Niguez, Marcos Llorente, Kieran Trippier và đang làm điều tương tự với Joao Felix.
Nhưng trên tất cả, vì bản thân Simeone cũng là một ngôi sao. Thậm chí, El Cholo là ngôi sao duy nhất tại sân Wanda Metropolitano. CEO Miguel Gil Marin của Atletico từng thừa nhận, mình đã mạo hiểm khi quyết định bổ nhiệm Simeone năm 2011. Ông kể lại: “Chủ tịch của River Plate đã nhận xét khá tệ về Simeone.
Ở Italia, người ta cũng gọi ông ấy là một thảm họa”. Tuy nhiên, Gil Marin vẫn tin vào lựa chọn của mình, khi nhớ lại phong cách chiến đấu hết mình của Simeone, và cả việc cựu đội trưởng Atletico luôn đòi hỏi điều tương tự từ những người đồng đội.
Không chỉ bổ nhiệm Simeone, Gil Marin còn trao cho El Cholo quyền lực và sự bảo vệ tuyệt đối. Vậy mới có chuyện từ những tài năng trẻ như Josuha Guilavogui cho đến những bản hợp đồng đắt giá như Jackson Martinez, hay Nicolas Gaitan đều nhanh chóng bị gạch tên chỉ vì không hiểu được “tinh thần Cholista”.
Tinh thần chiến đấu hết mình và hy sinh vì tập thể ấy được đúc kết bằng câu cửa miệng trong các buổi tập của HLV thể lực Oscar Ortega là “Chạy đi, chạy nữa đi. Vì chúng ta không phải là Barca”. Và nó cũng chính là khởi đầu cho những thành công rực rỡ của đội bóng.
Trong giai đoạn hoàng kim nhất của lịch sử ở thập niên 1960 và 1970, Atletico cũng chỉ có 4 chức vô địch La Liga và 5 chiếc Cúp Nhà Vua. Vậy mà chỉ trong một thập kỷ gắn bó với Simeone, họ đã có 8 danh hiệu, chưa kể 2 lần lọt vào trận chung kết Champions League.
Dù thua Real Madrid trong cả hai trận đấu ấy, thành công này đã giúp Atletico bước vào hàng ngũ “elite” của bóng đá châu Âu. Giờ, họ không còn là một kẻ thách thức nữa, mà một ứng cử viên thực sự ở cả La Liga lẫn cúp châu Âu.
Bằng chứng là nếu như Atletico từng là nạn nhân của cú nhảy tàu tập thể sau chức vô địch La Liga mùa 2013/14 thì sau khi đăng quang ở mùa vừa rồi, không có ai rời Wanda Metropolitano. Nói về điều này, Simeone lý giải rằng Los Rojiblancos giờ đã trở thành “một đội bóng lớn, một đội bóng có thể giành danh hiệu”.
Còn Luis Suarez thì không ngại ngần phát tín hiệu cảnh báo với Real Madrid và cả đội bóng cũ Barca là “đừng trượt chân, nếu không muốn Atletico lại lên ngôi vô địch”.
Simeone là Alex Ferguson của Atletico
Sau gần 10 năm gắn bó, Diego Simeone vẫn chưa hề có ý định rời Atletico. Dù từng nằm trong tầm ngắm của Tottenham, Chelsea và Man United, dù từng tuyên bố muốn dẫn dắt Inter và đội tuyển Argentina, nhưng El Cholo không ra đi vì không nơi đâu cho ông quyền lực tuyệt đối như Atletico. Như Filipe Luis từng nhận xét: “Các CLB khác sẽ thay HLV nếu không thắng 5-6 trận đấu. Ở đó, họ bảo vệ các cầu thủ. Còn tại Atletico, Simeone là người duy nhất được bảo vệ. Các cầu thủ phải thích nghi, hoặc ra đi”.