Lột trần kế hoạch lừa dối cả thế giới của "ông trùm" Man City

 
 

Đêm thứ Sáu, 14/2/2020, châu Âu rúng động với án phạt mà UEFA dành cho Manchester City vì những hành vi vi phạm những quy tắc Công Bằng Tài Chính (FFP). Theo đó, trước mắt, Man City sẽ bị cấm tham dự Champions League hay Europa League trong 2 mùa giải tới. Chưa hết, họ còn đối phó với khả năng bị đánh tụt xuống hạng Tư nước Anh, bị tước chức vô địch Premier League mùa giải 2013/14.

Tất cả đều bắt nguồn từ việc những tài liệu mật bao gồm các e-mail nội bộ, các thông báo nội bộ giữa BLĐ Man City bị tung lên trang web Football Leaks và gửi đến tờ báo Der Spiegel của Đức. Và mạng lưới Cộng tác điều tra châu Âu (EIC) đã vào cuộc.

Trong nhiều năm nay, CLB bóng đá Manchester City đã kịch liệt phủ nhận cáo buộc rằng ông chủ Sheikh Mansour, đã phá vỡ các quy tắc tài chính. Nhưng những email nội bộ lại kể một câu chuyện khác, cung cấp bằng chứng về các hợp đồng bị chỉnh sửa, các khoản thanh toán tài trợ ảo và sự kiêu ngạo trong triết lý làm ăn: "Chúng ta có thể làm những gì mình muốn".

Quay trở lại năm 1880, khi Anna Connell, con gái của một cha xứ, thành lập một CLB bóng đá ở Manchester để tạo sân chơi nhằm tránh cho những giáo dân nhàn rỗi và lao động phổ thông tránh xa tệ nạn nghiện rượu, thì gia tộc Al Nahyan đã cai trị xứ Abu Dhabi giàu có (nay là thủ đô UAE).

Gia tộc của những người chăn lạc đà và thợ mò ngọc trai sống trong những ngôi nhà đắp bằng bùn bên dưới những tán cọ nào đâu có ý tưởng gì về việc sở hữu những cầu thủ bóng đá mặc áo màu xanh da trời. Điều đó hoàn toàn xa lạ như sức nóng sa mạc với cư dân thành phố Manchester vậy.

Nhưng 128 năm sau, vào tháng 9/2008, "Thủ đô phương Bắc" của vương quốc Anh và người của gia tộc Al Nahyan, giờ đã trở thành một triều đại của những tỉ phú hàng tỉ USD nhờ dầu mỏ, đã tìm thấy nhau. Và kết quả của cuộc gặp gỡ đó rất ấn tượng.

Một CLB tầm thường ở phía Đông Manchester hiện đang là đội bóng hay bậc nhất Premier League. Đó chính là một sản phẩm hào nhoáng đã trở thành món hàng quảng cáo tuyệt vời cho Abu Dhabi.

Các bộ não sân cỏ tinh tế như Kevin De Bruyne và Ilkay Guendogan đều đầu quân ở đó, cùng với một Leroy Sane nhanh như điện. Tất cả đều dưới sự lãnh đạo của HLV giỏi nhất thế giới Pep Guardiola. Đó là một câu chuyện thành công có một không hai.

Tuy nhiên, bây giờ, các tài liệu mật của Man City bị hack và bị phát tán trên website Football Leaks đã phơi bày những mánh khóe bẩn thỉu đằng sau câu chuyện thành công đó.

Các chủ sở hữu câu lạc bộ từ Abu Dhabi đã giới thiệu một kỷ nguyên mới của "chủ nghĩa tư bản Manchester". Ban đầu, thuật ngữ này dùng để đề cập đến thời kỳ cách mạng công nghiệp với các công ty tàn nhẫn bóc lột tài sản. Họ bấp chấp mọi luật lệ và giá trị đạo đức để tích luỹ tư bản.

Song giờ, thuật ngữ này cũng có thể được áp dụng cho thế giới bóng đá: Kể từ khi thuộc về những ông chủ quàng khăn trùm đầu, Man City đã tìm cách gian lận để lọt vào vị trí hàng đầu của bóng đá châu Âu và tạo ra một đế chế bóng đá toàn cầu, có lợi nhuận cao, vứt bỏ mọi quy định dọc đường tiến thân. Vinh quang mới của CLB đã bắt nguồn từ những lời nói dối.

Câu chuyện có thật về sự leo cao của Man City là câu chuyện "thành công" nhờ ảnh hưởng chính trị và một nền kinh tế vô lương tâm. Và nó tác động đến tất cả những ai muốn hiểu về việc kinh doanh trong bóng đá thời hiện đại.

"Aguueeerrooooooo!" Một tiếng thét ngân dài một cái tên. Một biểu tượng. Mọi người hâm mộ Man City đều quen thuộc với tiếng hét này, phát ra bởi phát thanh viên Martin Tyler vào ngày 13/5/2012.

Tất cả người hâm mộ đều biết họ đang ở đâu vào thời điểm chính xác đó, 93 phút và 20 giây sau khi trận đấu bắt đầu. Trận đấu ở vòng cuối cùng và hành động ở giây cuối cùng. Man City cần một chiến thắng để lần đầu tiên vô địch Premier League sau 44 năm.

Nhưng đối thủ của họ, đội sẽ xuống hạng, Queens Park Rangers, đã dẫn bàn. Có vẻ như mùa giải sẽ kết thúc như nhiều mùa trước đó, khi đối thủ cùng thành phố Man United một lần nữa giành chức vô địch. Sau đó, Edin Dzeko đánh đầu gỡ hoà vào phút 91 và 1 giây. Chỉ 2 phút sau, Aguero sút tung nóc lưới, mang lại cho Man City chức vô địch.

Thời gian bù giờ 126 giây đó là một phần của huyền thoại cho nguồn cảm xúc của CLB, một đội bóng thuộc sở hữu của những tín đồ Hồi giáo đến từ Abu Dhabi. Đội bóng đó, từ lâu nay, đã không còn coi việc vô địch Premier League là kỳ tích mà là điều thường xuyên.

Đối với fan hâm mộ Man City, chức vô địch là một phép màu bóng đá, nhưng đối với các nhà phê bình Man City, đó chỉ là vấn đề thời gian. Những kẻ gièm pha đó từ lâu đã cảm thấy rằng các khoản đầu tư của Mansour bin Zayed Al Nahyan vào CLB, và các hồ sơ chuyển nhượng đã bị nghiền thành bột, thể hiện sự méo mó của các nguyên tắc cạnh tranh.

Một quốc gia giàu có nhờ dầu mỏ đứng đằng sau một đội bóng, như cách mà những người ưa chỉ trích Man City thường nói, cùng với các hợp đồng tài trợ ma trở thành con đường lén lút để tiền của Abu Dhabi chảy vào CLB. Những giám đốc điều hành của Man City đã liên tục bác bỏ những cáo buộc như vậy.

Man City chơi trên sân Etihad và áo của đội cũng được Etihad tài trợ. Hãng hàng không của Abu Dhabi được điều hành bởi người anh em cùng cha khác mẹ của Mansour. Công ty viễn thông Abu Dhabi Etaluat và cơ quan du lịch Abu Dhabi cũng có hợp đồng quảng cáo với CLB. Công ty đầu tư Aabar của Abu Dhabi cũng sở hữu cổ phần trong UniCredit và Virgin Galactic.

Bóng đá Anh chưa bao giờ thấy một vụ đầu tư ở cỡ này. Và những con số thực sự trong một phân tích nội bộ được biên soạn bởi lãnh đạo CLB đã cho thấy sự bùng nổ. Chúng đến từ một tài liệu có tiêu đề "Tóm tắt về đầu tư của chủ sở hữu" ngày 10/5/2012 - 3 ngày trước bàn thắng quyết định của Sergio Aguero.

Đến thời điểm này, bộ máy quản lý do Mansour cài đặt đã gắn bó với CLB chỉ trong 3 năm và 8 tháng. Và họ tính toán rằng, chủ sở hữu từ Abu Dhabi đã đầu tư 1,1 tỷ bảng vào Man City. Một phần của tài liệu có tiêu đề: "Bổ sung cho các thỏa thuận hợp tác của Abu Dhabi".

Để giải thích điều đó là gì, chúng ta phải quay trở lại thời khắc "Aguueeerrooooooo", thời khắc tái sinh của CLB. Trên khán đài, những người đàn ông lớn tuổi, trung niên hay vẫn còn là thanh thiếu niên, nhoè trong nước mắt, trong khi các cầu thủ trên sân xếp thành một khối màu xanh da trời.

Bên đường biên dọc, một người đàn ông 47 tuổi trong bộ vest cũng đang ăn mừng với lá cờ Italia trên vai. Đó là HLV Roberto Mancini, người đã ba lần vô địch Scudetto, 4 lần vô địch Cúp QG Italia và đã giới thiệu 4 thương vụ trị giá hàng triệu bảng tại Man City. Một trong số đó là Aguero.

Mancini đã mang lại cho Man City danh hiệu đầu tiên sau gần nửa thế kỷ. Nhưng ông sẽ sớm trở thành nạn nhân của tham vọng của ông chủ: Chỉ một năm sau, Mancini bị sa thải vì đã chứng minh sự kém cỏi trong mắt ông chủ khi không thể bảo vệ danh hiệu Premier League.

Đó rõ ràng là logic được chủ sở hữu CLB tuân thủ: Nếu nó không hoạt động, nó phải được thay thế. Nhưng lúc đó cũng có một vấn đề mới: các quy tắc Công Bằng Tài Chính (FFP) vừa được UEFA thiết lập, một bộ gồm các đạo luật ngân sách có hiệu lực chỉ vài tuần sau khi Mancini bị sa thải.

Đầu tiên và quan trọng nhất, UEFA muốn đảm bảo các CLB không nhận quá nhiều nợ và trượt vào phá sản. Thứ hai, UEFA quan tâm đến việc cạnh tranh ở các giải bóng đá châu Âu. Họ muốn cấm các CLB chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được.

Man City có nguy cơ vi phạm chính xác quy định đó. "Chúng ta sẽ thiếu hụt 9,9 triệu bảng để tuân thủ FFP của UEFA mùa này. Sự thâm hụt là do khoản đền bù cho RM, tức Roberto Mancini. Tôi nghĩ rằng giải pháp duy nhất còn lại sẽ là một khoản bổ sung tài trợ từ AD, tức Abu Dhabi", Giám đốc tài chính của Man City, ông Jorge Chumillas viết trong một email nội bộ.

Trong email đó, Chumillas, về cơ bản, đã tiết lộ rằng Man City kinh doanh hơi khác so với các CLB bóng đá thông thường.

Thông thường, hoạt động kinh doanh của bóng đá sẽ như thế này: Các cầu thủ thi đấu tốt, và đem về danh hiệu. Nhờ đó thu hút lượng khán giả ngày càng tăng. Các trận đấu được truyền hình trực tiếp và các nhà tài trợ tiềm năng quan tâm.

Những nhà tài trợ này ký hợp đồng với CLB và phải trả một khoản tiền cố định để có được độc quyền quảng cáo. Số tiền này trở thành một phần trong ngân sách của đội bóng cho mùa giải và có thể được sử dụng để ký hợp đồng với các cầu thủ, trả phí môi giới hoặc duy trì sân bãi.

Khi kế hoạch hoạt động của đội bóng bị trục trặc hoặc đột nhiên phải chi nhiều hơn thu, CLB sẽ bị thua lỗ vào cuối mùa giải và cắt giảm chi phí cho mùa sau.

Nhưng Man City không phải là CLB bình thường. Chi phí và nợ nần ư? Không có vấn đề gì. Và nếu một sự thiếu hụt xuất hiện, các nhà tài trợ từ Trung Đông chỉ cần gửi nhiều tiền hơn. Chỉ những kẻ bị phát hiện mới bị trừng phạt, do đó, để tránh các lệnh trừng phạt của UEFA, BLĐ Man City đã đưa ra một vài đề xuất sáng tạo.

"Chúng ta có thể thực hiện một thỏa thuận chỉnh sửa thời gian trong 2 năm tới với (xxxx tiền) được trả trước", GĐĐH Simon Pearce gợi ý. Còn CEO Ferran Soriano đề nghị các nhà tài trợ trả cho đội bóng phần thưởng giành việc đoạt Cúp FA như trong hợp đồng đã ký - mặc dù Man City đã không giành chiến thắng.

10 ngày sau khi kết thúc mùa giải, Chumillas đã trình bày kết quả của các cuộc thảo luận và tuyên bố rằng các chi tiết của hợp đồng tài trợ "sẽ được điều chỉnh cho mùa giải vừa kết thúc"! Hãng hàng không Etihad đã bất ngờ trả thêm 1,5 triệu bảng, Aabar thêm 0,5 triệu và cơ quan du lịch hào phóng nộp 5,5 triệu bảng. Và tất cả họ đều phải hành động như thể đó là thỏa thuận đã được bàn thảo vào đầu mùa giải.

CLB và các nhà tài trợ đã bắt đầu thao túng hợp đồng của chính họ. Khi Chumillas hỏi đồng nghiệp Simon Pearce rằng họ có thể thay đổi ngày thanh toán cho các nhà tài trợ từ Abu Dhabi hay không, Pearce trả lời theo tinh thần chung của các GĐĐH tại Man City: "Tất nhiên, chúng ta có thể làm những gì mình muốn".

Những hoạt động này vào mùa Xuân năm 2013 làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu các công ty có trụ sở tại Abu Dhabi có thực sự là nhà tài trợ độc lập mà đại diện của Man City đã liên tục khẳng định như thế hay không. Đầu tháng 4/2010, khi Pearce đàm phán hợp đồng tài trợ với Aabar, ông ta đã viết một email thông báo cho lãnh đạo của công ty.

Theo hợp đồng, công ty đầu tư đã trả cho CLB 15 triệu bảng mỗi năm. Nhưng đó rõ ràng không phải là câu chuyện đầy đủ. "Như chúng ta đã thảo luận, nghĩa vụ trực tiếp hàng năm đối với Aabar là 3 triệu bảng. 12 triệu bảng còn lại sẽ đến từ các nguồn thay thế được cung cấp bởi Hoàng thân", Pearce viết.

Chỉ với một câu duy nhất, Pearce đã xác nhận những lời cáo buộc mà CLB này đã nhiều lần phẫn nộ phủ định: Ông chủ của ông ta, Hoàng thân Sheikh Mansour, đã tự trả một phần tiền tài trợ cho chính đội bóng của mình.

Điều đó có tầm quan trọng sống còn khi nói đến các quy tắc FFP của UEFA. Nếu CLB đi mua sắm bằng tiền của người A Rập, những khoản chi tiêu đó phải được khai báo, điều này sẽ nhanh chóng đưa bảng cân đối vào màu đỏ (chỉ khoản nợ hoặc khoản chi).

Tuy nhiên, nếu số tiền đó có thể được ngụy trang thành tiền tài trợ, hay các nguồn tiền có vẻ như các khoản thu thì Man City có thể chi trả các khoản chi lớn hơn mà không sợ các lệnh trừng phạt của UEFA.

Báo cáo tài chính của Man City là một mạng lưới dối trá khiến họ có thể giẫm đạp lên FFP. Etihad Airways, một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới, cũng tham gia lừa dối.

"Đóng góp trực tiếp của Etihad Airways luôn luôn ở mức 8 triệu bảng", Simon Pearce đã viết thế vào trong một email gửi vào tháng 12/2013. Nhưng vào thời điểm ấy, hợp đồng tài trợ được công khai của Etihad chỉ là 35 triệu bảng. Vậy 27 triệu bảng kia ở đâu ra?

Làm thế nào nó hoạt động trong thực tế? Rõ ràng, các công ty như Etihad ở Abu Dhabi đang chờ Tập đoàn Abu Dhabi United (ADUG), công ty cổ phần thuộc về Sheikh Mansour và cũng sở hữu Man City, để chuyển tiền cho họ. Những khoản tiền này sau đó được "chuyển qua các đối tác và rồi họ chuyển tiếp cho chúng ta", Giám đốc Tài chính Andrew Widdowson viết trong một email nội bộ khác.

Đấy là cách mọi thứ đã được thực hiện trong năm 2015. Vào thời điểm đó, thỏa thuận với Etihad đã mang lại 67,5 triệu bảng mỗi năm. Nhưng Giám đốc Tài chính Chumillas nhấn mạnh trong email gửi tới Pearce: "Xin lưu ý rằng, trong số 67,5 triệu bảng đó, 8 triệu bảng nên do Etihad gửi trực tiếp và 59,5 triệu bảng do ADUG gửi".

Khi được liên lạc để trả lời, Etihad cho biết các nghĩa vụ tài chính liên quan đến quan hệ đối tác với CLB luôn luôn là "trách nhiệm và nghĩa vụ duy nhất của hãng hàng không". Hãng hàng không nói rằng họ tự hào là nhà tài trợ chính của Man City kể từ tháng 5/2009. Aabar và hãng du lịch Abu Dhabi đã không trả lời các câu hỏi cụ thể của các nhà báo thuộc mạng lưới EIC.

Đó là "những bổ sung cho các thỏa thuận hợp tác của Abu Dhabi", được trả bởi Hoàng thân Sheikh và "các nguồn thay thế" của ông ta, được thiết kế công khai và thảo luận trong nội bộ, nhưng bị từ chối công khai và phủ nhận kịch liệt trước mọi cáo buộc.

Đây chính xác là những gì mà chủ tịch của Bayern Munich, ông Uli Hoeness đã đề cập khi ông châm biếm rằng, Abu Dhabi chỉ phải mở các vòi dầu để có thể mua được những cầu thủ đắt giá.

"Gần như có sự nhân cách hóa của CLB với các giá trị mà chúng tôi nắm giữ như Abu Dhabi, như Sheikh Mansour", Khaldoon Al Mubarak nói tại một thời điểm sau khi có được CLB. Họ quyết chơi trò gian lận cho đến khi bị vỡ lở?

Mạng lưới điều tra châu Âu EIC đã yêu cầu Man City cho ý kiến về những vấn đề này. Nhưng CLB tuyên bố rằng họ sẽ không trả lời các câu hỏi. "Nỗ lực nhằm gây tổn hại cho danh tiếng của CLB là có tổ chức và rõ ràng", một phát ngôn viên của Man City nói.

Vào lúc Martin Tyler hét lên "Aguueeerrooooooo!" vào micro vào tháng 5/2012, các tính toán nội bộ của Man City cho thấy rằng, 127,5 triệu bảng đã được bơm vào để bổ sung cho các thỏa thuận hợp tác của Abu Dhabi. Đó là một lợi thế cạnh tranh mà không có CLB nào trên thế giới có thể theo kịp, ngoại trừ PSG, CLB được tài trợ bởi Qatar - đại gia khí đốt của thế giới.

Cả PSG và Man City đã đàm phán các điều khoản hợp tác với UEFA vào năm 2014 để tránh khả năng bị loại khỏi Champions League do vi phạm quy tắc. Những hoạt động tài chính gian dối như vậy cần bị xử phạt bởi nhờ nó mà các CLB đã ung dung hoạt động nhờ các khoản tiền tăng vọt kỳ lạ chảy từ các nhà tài trợ được chính quyền chống lưng kiểm soát.

Nhưng điều đó đã cho thấy 2 điều. Thứ nhất, UEFA cuối cùng đã chịu thua trước liên minh tài chính ma quỷ giữa CLB và các nhà tài trợ có liên quan đến yếu tố chính quyền. Thứ hai, UEFA thậm chí còn không hoàn toàn nhận thức được mức độ mà mình bị lừa dối. Chẳng hạn, người ta không thể biết rằng Man City đã thiết lập một dự án bí mật nhằm che giấu chi phí.

Con đường dẫn đến sự bất tử của bóng đá đã có một khởi đầu khó khăn trong mùa giải này, vào một buổi tối tháng 9/2019 ở Đông Manchester lạnh lẽo, ẩm ướt.

Sân Etihad không được bán hết vé và nhiều lô VIP bị bỏ trống, một điều khá ngạc nhiên khi đây là trận đấu thuộc vòng bảng Champions League đầu tiên của Man City ở mùa giải này. Họ tiếp đón Lyon và một kết quả gây sốc xuất hiện: đội chủ nhà thua 1-2. NHM bắt đầu ra về ở phút thứ 80.

Mùa trước, HLV ngôi sao Pep Guardiola và Man City đã phá vỡ nhiều kỷ lục Premier League. Chưa bao giờ một đội ghi được nhiều bàn thắng, thu được nhiều điểm hoặc thắng nhiều trận như vậy. Nhưng tại Champions League 2017/18, đội bóng của Pep đã bị Liverpool loại khỏi giải đấu ở tứ kết.

Trên thực tế, Man City chưa bao giờ lọt vào trận chung kết Champions League và đó là danh hiệu cuối cùng mà CLB phải giành được để tiến đến đẳng cấp CLB bóng đá mạnh nhất thế giới. Hợp đồng của Guardiola thậm chí bao gồm mục tiền thưởng 2 triệu bảng nếu ông giúp CLB vô địch Champions League.

Khát khao được công nhận - và với số tiền thưởng lớn đi kèm - tất cả đều gắn liền với giải đấu đáng nguyền rủa này của UEFA. Nhưng Man City không phải đối tượng yêu thích của UEFA. Trong nhiều năm, NHM của Man City, nếu không im lặng thì là buông ra tiếng la ó mỗi khi khi bài thánh ca Champions League được chơi.

Họ cảm thấy rằng CLB của mình, và chính họ, là nạn nhân của UEFA. Cụ thể, hình phạt mà Man City phải thi hành trong năm 2014 do vi phạm các quy tắc FFP của UEFA bị fan của Man City đánh giá là không công bằng.

Tuy nhiên, các tài liệu mật do Football Leaks tung ra đã tiết lộ rằng, UEFA thực sự đã quá khoan dung với Man City. UEFA đã nhận thức được rằng họ đã để Man City thoát tội với một hình phạt thấp đến mức lố bịch, bất chấp sự lừa dối tinh vi của CLB.

Tuy nhiên, điều UEFA không biết là mức độ lừa dối kinh hoàng của Man City, thứ đã bắt đầu từ thời điểm năm 2008 khi Sheikh Mansour mua CLB. Khi các ông chủ mới từ Abu Dhabi mua lại đội vào năm 2008, Man City đang ở trong tình trạng tồi tệ. CLB không giành được một danh hiệu nào trong suốt hơn 40 năm và liên tục bị hạ nhục bởi những thành công vang đội của gã hàng xóm Man United.

Nhưng từ khi có chủ mới, họ đã bắt đầu thực hiện chiến lược của mình ngay lập tức: Bơm càng nhiều tiền vào CLB cho đến khi nó có thể cạnh tranh, hay đúng hơn, cho đến khi nó có thể áp đặt ý chí của mình lên đối thủ. Trong 2 năm đầu tiên, sau khi thay đổi chủ sở hữu, Man City đã chi hơn 300 triệu euro để mua cầu thủ.

Các nhà quản lý của Sheikh Mansour đã bắt đầu đưa đội bóng đến tầng lớp khác nhờ những tân binh chất lượng cao. Nhưng có một vấn đề: Các quy tắc FFP của UEFA, đã cấm các CLB chi nhiều tiền hơn số tiền họ kiếm được.

Trong trường hợp xấu nhất, các đội vi phạm các điều khoản FFP có thể bị cấm tham gia các giải đấu ở châu Âu, bao gồm cả Champions League. Chủ tịch UEFA khi đó là Michel Platini đã kiên quyết: "Nếu có CLB nào không tuân thủ các quy tắc FFP, chúng tôi sẽ không nhượng bộ."

Không có gì ngạc nhiên khi các GĐĐH của Man City bị bất ổn. Toàn bộ chiến lược của họ phụ thuộc vào việc bơm tiền mặt từ một người đàn ông sở hữu du thuyền trị giá 500 triệu euro có 2 chỗ đỗ máy bay trực thăng và sở hữu siêu xe nhanh nhất và đắt nhất thế giới, Bugatti Veyron. Không chỉ 1 mà tới 5 chiếc.

Theo tính toán bí mật của CLB, nhân vật này đã bơm khoảng 1,1 tỷ bảng vào đội bóng chỉ trong 4 năm đầu tiên sở hữu Man City. Ngay từ tháng 1/2010, các GĐĐH đã sớm nhận ra rằng, khi các quy tắc mới của FFP sẽ có hiệu lực vào năm 2013, nó sẽ làm hỏng kế hoạch kinh doanh của họ.

Rốt cuộc, họ đã lên kế hoạch để tiếp tục bơm máu tiền trong những năm tới. Họ đã có thể dùng những giải pháp đơn giản để đối phó với FFP như thiết lập các nguồn doanh thu mới không liên quan đến ông chủ Sheikh; cắt giảm chi phí; hạ thấp mục tiêu phát triển của dự án bóng đá này. Hoàn toàn minh bạch và hợp pháp.

Nhưng không, nếu bạn muốn mua vé cao tốc để đến thiên đường bóng đá nhanh nhất, bạn không thể để một vài quy tắc cản trở.

Vào mùa Hè năm 2010, Man City đã chi hơn 140 triệu euro cho các cầu thủ mới, với thêm 90 triệu được đầu tư vào năm tới. Trước khi đội bóng bán cho chủ sở hữu mới từ Abu Dhabi, các cầu thủ như Martin Petrov, Rolando Bianchi và Georgios Samaras đã có mặt trong đội hình. Nhưng họ sớm phải nhường chỗ cho Sergio Aguero, Mario Balotelli và Carlos Tevez.

Vào năm 2012, một năm trước khi FFP có hiệu lực, các nhân viên kế toán của Man City đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: "Không có doanh thu bổ sung đáng kể (…), việc tuân thủ FFP của UEFA sẽ KHÔNG đạt được" trong một bài thuyết trình nội bộ. Các biện pháp để lừa FFP "cần phải được theo đuổi mạnh mẽ".

BLĐ Man City bắt đầu tìm kiếm các đồng minh trong nỗ lực ngăn chặn thảm họa đang đến gần. CEO Ferran Soriano đã báo cáo lại với các giám đốc điều hành của CLB khác trong cuộc họp của Hiệp hội Câu lạc bộ châu Âu (ECA), một nhóm đại diện cho lợi ích của các đội bóng chuyên nghiệp ở châu Âu.

Và ông ta khó có thể che giấu sự khinh bỉ của mình đối với những người ủng hộ FFP: "Tất cả họ đang thúc đẩy FFP theo cách khiến bất cứ hiệp hội công nghiệp nào phải xấu hổ".

Ông ta cũng tiết lộ rằng một số CLB đã bí mật phản đối FFP, nhưng họ sợ nói công khai và sẽ bị gặp nhiều khó khăn từ UEFA: "Chúng ta sẽ cần phải chiến đấu với điều này và làm điều đó theo cách bí mật, hoặc chúng ta sẽ bị coi là kẻ thù của bóng đá toàn cầu", Soriano viết thế trong một email nội bộ.

Đằng sau cánh cửa đóng kín, Man City bắt đầu tìm kiếm "giải pháp sáng tạo" để phá vỡ các quy tắc, dẫn đến việc khởi động một dự án bí mật với cái tên khá quân sự "Dự Án Trường Cung".

Khi giải thích tên này, cố vấn pháp lý của CLB là Simon Cliff, đã lưu ý trong một email nội bộ rằng, trường cung là "vũ khí mà người Anh dùng để đánh bại người Pháp tại Crecy và Agincourt". Đối với Man City, kẻ thù rõ ràng là Michel Platini, chủ tịch của UEFA khi đó. FFP chính là đứa con tinh thần của cựu danh thủ người Pháp này.

Với các nhân viên của CLB, Dự Án Trường Cung sẽ trở thành sứ mệnh chung trong vài năm tới, với cuộc chiến chống lại FFP. Dưới sự lãnh đạo của Soriano, Man City đã thành lập "một mô hình trung tâm" cho phép "nhiều chi phí hoạt động được chuyển hoàn toàn hoặc một phần ra khỏi CLB".

Cách tiếp cận của Man City là thế này: mức chi phí và thua lỗ của Man City phải hoàn toàn vô hình trong mắt của UEFA. Để làm được như vậy, Man City đã thành lập những công ty con để "chăm sóc" phần chia và chi phí của một số hoạt động kinh doanh tiêu chuẩn.

Ví dụ, CLB đã chuyển quyền tiếp thị hình ảnh các cầu thủ của mình cho một công ty bên ngoài. Thông thường, các CLB chuyên nghiệp phải trả tiền cho cầu thủ để có quyền sử dụng hình ảnh trong các chiến dịch quảng cáo. Nhưng Man City đã bán bản quyền khai thác hình ảnh này cho một bên thứ ba. Đó là một kế hoạch tinh vi.

Đột nhiên, CLB không còn phải trả tiền hình ảnh cho cầu thủ, mà người mua - đối tác sẽ trả, dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu cho Man City. Hơn nữa, việc bán quyền tiếp thị đã tạo thêm doanh thu cho CLB để trình bày cho các nhà điều tra của UEFA: gần 30 triệu euro từ món này.

Công ty tiếp thị, với cái tên Fordham Sports Management, là "rất quan trọng cho Dự Án Trường Cung của chúng ta", Giám đốc tài chính Jorge Chumillas lưu ý trong nội bộ.

CLB đã kết nạp thêm 2 "cung thủ" sừng sỏ, cực thích hợp để xây dựng một đế chế dối trá là Jonathan Rowland và ông bố David. Rowland, một chuyên gia đầu tư có mối quan hệ chính trị cực tốt, nhờ hàng triệu bảng mà ông ta đã quyên góp cho Đảng Bảo thủ trước khi được bổ nhiệm làm thủ quỹ của đảng này.

Con người này không mấy khi xuất hiện trước công chúng, rất ít thông tin, nhưng chúng ta biết một điều lý thú rằng Rowland hầu như không phải trả bất kỳ khoản thuế nào ở Anh trong nhiều thập kỷ. Rowland vẫn được coi là một đồng minh thân cận của Hoàng thân vương quốc Abu Dhabi.

Hai cha con nhà Rowland cùng nhau tiếp quản những gì còn lại của Ngân hàng Kaupthing ở Iceland sau khi nó sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Kết quả là sự xuất hiện Banque Havilland và một danh sách các chi nhánh của nó - thứ đọc giống như tờ hướng dẫn du lịch cho các nhà đầu tư đang tìm cách tránh các câu hỏi phiền toái và nghĩa vụ đóng thuế: Luxembourg, Liechtenstein, Bahamas, Thụy Sĩ.

Chủ sở hữu của Fordham, công ty đã mua bản quyền tiếp thị cho các cầu thủ của Man City, cũng được giấu kín: Con đường đầu tiên dẫn đến một công ty ma của Anh, sau đó đến quần đảo Virgin thuộc Anh và cuối cùng là quỹ tín thác của gia đình Rowland.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao lại phải bí mật như vậy?

Các tài liệu nội bộ của Man City làm sáng tỏ bản chất thực sự của thỏa thuận. Một trang tài liệu cho thấy Fordham Sports Management chỉ là một yếu tố trong vòng thanh toán khép kín như sau: Công ty cổ phần của Tập đoàn Abu Mansour, Tập đoàn Abu Dhabi United, đã chuyển tiền cho Rowland để mua bản quyền hình ảnh và trả tiền bản quyền hình ảnh cho các cầu thủ của Man City ở các chiến dịch quảng cáo.

Việc chuyển tiền được điều phối bởi chính Man City. Fordham, nói cách khác, chỉ đơn thuần là một phương tiện cho việc bơm vốn ngầm từ Abu Dhabi.

Jonathan Rowland đã xác nhận về điều đó bằng đòi hỏi: "Chúng ta cần biết rằng AD hoàn toàn đứng sau tất cả, đây là điều quan trọng nhất". Ông ta viết mail vào ngày 4/4/2013, cho Simon Pearce, một trong những giám đốc điều hành CLB và là cố vấn cho gia tộc Abu Dhabi.

Đáp lại, Pearce đã tiết lộ các kế hoạch với Rowland: "Về chi phí hoạt động liên tục, mỗi năm chúng ta sẽ gửi trước số tiền mặt khoảng 11 triệu bảng". Đại từ nhân xưng "Chúng ta" trong trường hợp này là nhằm chỉ công ty cổ phần mà Sheikh Mansour đã sử dụng để mua Man City: Tập đoàn Abu Dhabi United (ADUG), nơi Pearce từng là DM (Director of Managing - Giám đốc quản lý).

Đó là một trò hề. Một giám đốc CLB đã kiểm soát chi tiêu của công ty cổ phần của CLB, và tiền sẽ đi khắp thế giới trước khi đổ vào kho bạc của Man City. Ông chủ của Simon Pearce, chủ tịch Khaldoon Al Mubarak của Man City, với mối liên hệ chặt chẽ với gia đình cầm quyền, đã bảo kê cho các khoản thanh toán.

Cả David và Jonathan Rowland đều không bình luận về thỏa thuận Fordham khi được các nhà báo liên hệ với mạng lưới Cộng tác điều tra châu Âu (EIC).

Trong năm đầu tiên FFP mới có hiệu lực, phòng điều tra của UEFA đã kiểm tra các con số của Man City. Khi các kiểm toán viên xem qua các tài liệu do CLB đệ trình, UEFA nhận thấy Man City đã vi phạm FFP. Man City đã trả lời với sự phẫn nộ và đe dọa sẽ kiện các kiểm toán viên và những người khác liên quan đến việc tìm kiếm lên UEFA.

Cuối cùng, CLB này đã xoay sở để có thỏa thuận với Tổng thư ký UEFA khi đó là Gianni Infantino, người đã đạt được một mục tiêu chính: tránh bất cứ điều gì có thể làm tổn thương Man City.

Nhưng các cuộc đàm phán giữa UEFA và Man City không đề cập đến Fordham. Thay vào đó, trọng tâm là giá trị của các hợp đồng tài trợ của đội bóng và các mảng tài chính được thuê ngoài. Nói cách khác, sự vi phạm các quy tắc của FFP là nghiêm trọng hơn nhiều so với suy nghĩ.

Chỉ đến năm sau, các kiểm toán viên của PricewaterhouseCoopers mới xem xét kỹ hơn về cái gọi là Fordham thay cho UEFA. "Đây là một thỏa thuận rất tốt cho MCFC", một nhà phân tích của PwC, sử dụng tên viết tắt của CLB bóng đá Manchester City, đã nhấn mạnh quan điểm này trong một cuộc họp qua video với các giám đốc điều hành của Man City.

Ông này cũng nói thêm rằng ông gặp khó khăn trong việc tìm ra "Fordham dự kiến ​​sẽ trả lại tiền như thế nào". Phản hồi từ Simon Cliff, luật sư của CLB, càng đem lại sự hoài nghi. Luật sư nói anh ta không biết, vì Fordham đã không trình Man City kế hoạch kinh doanh của mình.

Ở một điểm khác, một trong những đồng nghiệp của Cliff tuyên bố rằng Man City đã thỏa thuận với Fordham vì "giá cả phù hợp". Tất nhiên là thế rồi: CLB đã tự xác định giá của thoả thuận.

Mạng lưới điều tra EIC cũng đã liên lạc với Man City để hỏi bình luận. Các quan chức của CLB cho biết họ sẽ không trả lời các câu hỏi này vì "âm mưu phá huỷ Man City có hệ thống. Song rõ ràng, quân bài Fordham đã tiết lộ cách Man City phá vỡ các quy tắc do UEFA áp đặt.

Thêm vào đó, BLĐ của Man City đã tuân theo logic mơ hồ của thuyết "Siêu Giàu là bất khả xâm phạm". Thật vậy, cho đến nay, các nhân viên của Man City đã tìm cách cản trở các tổ chức nhân quyền và tìm cách kiểm soát báo chí. Tất cả để nhằm che đậy sự dối trá của họ.

Vào một ngày thứ Bảy của tháng 10/2018, Man City đã có trận đấu với Burnley, một đội bóng chiếu dưới đến từ một thành phố nhỏ ở miền bắc nước Anh. Đó là một trận đấu mà có thua thì cũng không ảnh hưởng đến quá trình tiến tới chức vô địch Premier League khác của Man City.

Nhưng ở phút 58, những tràng pháo tay nhẹ nhõm đã nổ ra trên sân Etihad, mặc dù đội chủ nhà đã dẫn trước 3-0. Kevin De Bruyne đã ra sân sau khi dính chấn thương và phải nghỉ thi đấu hai tháng. Pep Guardiola gọi cầu thủ người Bỉ là "một trong những cầu thủ hay nhất tôi từng thấy trong đời và có thể làm mọi thứ".

Trở lại tháng 2, khi Man City đang tiếp tục thống trị kỷ lục tại Premier League, tờ The Sun đã viết rằng, nếu không có những bàn thắng và những pha kiến tạo của De Bruyne, Man City sẽ có ít hơn 20 điểm. De Bruyne là một thủ lĩnh, người cầm trịch các trận đấu.

Năm 2015, anh đã giúp Wolfsburg giành Cúp QG Đức. Sau đó, đội bóng này không thể bảo vệ anh khỏi sự thèm khát của những CLB hàng đầu châu Âu. Trong nhiều tháng, những tin đồn chuyển nhượng xung quanh tiền vệ này đã thống trị tin tức bóng đá. Và như các tài liệu của Football Leaks, Man City sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để có De Bruyne.

"Mùa giải khởi đầu thật tuyệt vời, đội bóng đang có phong độ tốt", CEO Ferran Soriano viết thư gửi cho các giám đốc của Man City vào tháng 8/2015. CLB đã bắt đầu mùa giải với 3 chiến thắng và dương oai khắp chốn với hiệu số bàn thắng - bại là 8:0.

Nhưng Soriano vẫn không hài lòng. "Chúng ta vẫn sẽ đầu tư thêm 50 triệu để cải thiện tốt hơn", ông ta viết. Nhưng Soriano vẫn lưu ý rằng ông ta đã gặp khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận với Wolfsburg, một đội bóng có mối liên hệ phức tạp với VW, có trụ sở chính tại Manchester.

"Họ vẫn không muốn bán với giá 50 triệu bảng. Chúng ta đang gây áp lực rất lớn và hy vọng chúng tôi sẽ hoàn thành nó", Soriano viết trong mail. Nhưng trái với ý muốn của họ. Wolfsburg (thuộc tập đoàn xe hơi Volkswagen) nói rằng họ không muốn tiền.

Khi Man City quyết định họ muốn một cầu thủ cho dù giá cao thế nào, ngay cả một nhà sản xuất ô tô với doanh số 200 tỷ euro cũng sẽ bị mềm lòng. Cuối cùng, Wolfsburg đã nhận được khoản phí chuyển nhượng 75 triệu bảng - và do vắng mặt De Bruyne, họ đã trượt dốc nhanh trên BXH Bundesliga. Còn De Bruyne đã miệt mài với cuộc sống mới ở Man City kể từ tháng 9/2015.

Thành công bằng bất kỳ giá nào. Đúng thế, không có mô tả nào tốt hơn cho chiến lược mà các giám đốc của Man City theo đuổi. Bayern Munich, đội bóng giàu nhất nước Đức, không thể đưa ra lời đề nghị tốt hơn cho De Bruyne, cũng như họ thất bại trong thương vụ tranh Leroy Sane với Man City.

Khi tuyển thủ trẻ của ĐT Đức chuyển đến Manchester một năm sau De Bruyne, Man City đã hứa với anh: Nếu Sane kiếm được ít hơn 24,5 triệu bảng trong 3 năm đầu tiên với câu lạc bộ, City sẽ trao cho anh sự khác biệt.

Nói cách khác, Sane - một thanh niên 20 tuổi vào thời điểm đó - được đảm bảo mức lương tương đương 28 triệu euro trong 3 mùa. Nhà vô địch của Bundesliga không có cơ hội so đọ.

Man City được hưởng lợi từ việc các giám đốc điều hành có thể gia tăng và ký kết hợp đồng tài trợ với các công ty từ Abu Dhabi theo ý muốn. Và họ đã bỏ qua một cách có hệ thống các quy tắc của FFP mà không phải nhận bất kỳ hình phạt thực sự nào.

Đằng sau CLB này lại là gia đình cầm quyền đang cai trị Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Họ sử dụng khoản đầu tư bóng đá của mình như một chứng chỉ quốc tế để tạo nên danh tiếng và sức nặng trên trường quốc tế.

Nhưng các tiểu vương quốc này không chỉ bị đổ lỗi cho sự chia rẽ sâu sắc giữa những người có tiền và không có tiền trong thế giới bóng đá. Số tiền mà Premier League hiện nhận được từ việc bán bản quyền phát sóng đã thay đổi hoàn toàn nền bóng đá ở châu Âu.

Năm ngoái, Premier League đã chuyển số tiền tương đương 170 triệu euro cho Man City - một khoản tiền cao hơn 75% so với FC Bayern nhận được từ Bundesliga.

Theo các tài liệu của Football Leaks, các khoản thanh toán hào phóng như vậy đã giúp CLB trả cho ngôi sao Ilkay Guendogan mức lương gần 11 triệu euro và mức lương hơn 18 triệu của Aguero. Quỹ lương trả cho cầu thủ của Man City thuộc mức cao nhất tại Premier League.

Mặc dù chi tiêu rộng rãi, tuy nhiên, dự án bóng đá ở Manchester hiện đang có lãi, như một tài liệu nội bộ của Man City từ năm 2012 cho thấy rõ: "Ngành công nghiệp bóng đá bị phân mảnh rất nhiều và các CLB thường chỉ có lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi giá trị".

Các CLB phải mua bản quyền hình ảnh của cầu thủ, phải trả lương cho họ, cầu thủ càng tài năng thì hưởng lương càng cao. Các tổ chức bóng đá, các công ty truyền thông và các công ty bán hàng - cùng với các cầu thủ và cố vấn của họ - có cơ hội kiếm lợi nhuận cao hơn.

Tuy nhiên, để đảm bảo Man City có được miếng bánh xứng đáng, các giám đốc điều hành đã thiết kế một cấu trúc mà thế giới bóng đá chưa từng thấy trước đây: một đế chế toàn cầu. Nó không chỉ sở hữu 1 CLB. Một mạng lưới các công ty con toàn cầu giúp mang lại lợi nhuận dễ dàng hơn, và đó là bài học Man City đã nhận thức được từ năm 2009.

Năm đó, HLV người Ý Roberto Mancini đã ký 2 hợp đồng trong cùng một ngày: một là HLV của CLB Man City và một là cố vấn cho CLB văn hóa - thể thao Al Jazira ở Liên đoàn Vịnh Ả Rập. Sheikh Mansour đứng sau cả 2 CLB.

Và những con số trong 2 hợp đồng thật đáng kinh ngạc: Al Jazira đã cam kết trả cho Mancini, người hiện đang là HLV ĐT Italia mức lương cơ bản cao hơn Man City. Đội bóng Prremier League sẽ trả cho ông 1,45 triệu bảng trong khi ông cũng sẽ nhận được mức lương cơ bản 1,75 triệu từ CLB Abu Dhabi. Hàng năm!

"Chúng ta có một số khoản thanh toán cần phải được thực hiện bởi Al Jazira", một giám đốc điều hành của Man City đã viết thư vào tháng 9/2011 cho các đồng nghiệp của mình, giải thích rõ ràng những gì sẽ diễn ra: "Chúng ta sẽ cần gửi tiền cho ADUG và sau đó ADUG sẽ chuyển vào Al Jazira với hướng dẫn thanh toán".

ADUG là Tập đoàn Abu Dhabi United, công ty cổ phần sở hữu Man City. Giám đốc của nó là Sheikh Mansour và Mohamed Rashing Mubarak Salem Al Ketbi.

ADUG là trung tâm của tất cả các nỗ lực của Man City nhằm phá vỡ các quy tắc của FFP và bí mật trợ cấp các hợp đồng tài trợ mà Man City ký với các công ty ở Abu Dhabi.

Vào thời điểm này, nói cách khác, một phần tiền lương HLV của Roberto Mancini rõ ràng đã được chuyển qua Al Jazira. Hợp đồng "tư vấn" của ông với CLB Ả Rập dường như chỉ là một cái cớ. Vào năm 2011, ít nhất, số tiền dành cho Mancini đã đi từ Manchester đến Al Jazira và sau đó vào một công ty ngoài khơi ở đảo Mauritius có tên Sparkleglow Holdings.

Cả Al Jazira và Mancini đều không trả lời các câu hỏi được gửi bởi mạng lưới các nhà báo Hợp tác điều tra châu Âu (EIC). Còn Man City vẫn tuyên bố sẽ không trả lời các câu hỏi "đang nỗ lực phá huỷ danh tiếng của CLB một cách có hệ thống".

Nếu không có những hành động vi phạm quy tắc có hệ thống, những khoản thanh toán ẩn và những cú bơm tiền bí mật, câu chuyện thành công của Man City chắc chắn sẽ không thể xảy ra.

Từng là một CLB địa phương làng nhàng, giờ đây, Man City hiện là một thương hiệu toàn cầu, một trong số nhiều tổ chức của City Football Group (CFG). Điều này cũng giống như việc chúng ta có thể uống cùng một loại cà phê Starbucks trong các cốc giấy giống hệt nhau và với giá cắt cổ giống hệt nhau từ Seattle đến Singapore, các chi nhánh bóng đá của Man City cũng đã mọc lên trên tất cả các châu lục.

Manchester City, New York City và Melbourne City, ba lá cờ đầu của CFG. Các cầu thủ cùng chơi trong những chiếc áo màu xanh da trời và quảng cáo cho hãng hàng không Etihad của Abu Dhabi. Nhưng ngoài các đội bóng này, Man City còn sở hữu cổ phần trong các đội bóng ở Uruguay, Tây Ban Nha và Nhật Bản, và có thỏa thuận hợp tác với các CLB ở Scandinavia và với một học viện bóng trẻ trẻ ở châu Phi.

Một bài thuyết trình nội bộ từ năm 2016, phác thảo chiến lược của Man City là lấy ví dụ với cho đội bóng trang trại Torque ở thủ đô Montevideo của Uruguay: "Đây là một địa điểm hấp dẫn do có nhiều cầu thủ chất lượng cao, còn ngân sách của các CLB địa phương lại rất hạn chế", bài thuyết trình nêu ra.

Nói cách khác, CFG hy vọng sẽ chọn ra những tài năng tương đối rẻ và phát triển họ để sử dụng. Bài thuyết trình lưu ý là nguồn cầu thủ này "rất thích hợp cho MCFC", đặc biệt "chi phí mua lại cầu thủ rất rẻ". Một tài liệu phân tích cụ thể hơn là, theo các tài liệu đã thu thập, Man City không cần phải trả bất kỳ khoản thuế nào đối với lợi nhuận từ chuyển nhượng cầu thủ.

Khoản đầu tư vào CLB Girona của Tây Ban Nha cũng được giải thích trong tài liệu này: "Điều quan trọng đối với sự phát triển của các cầu thủ ở Học viện là được thi đấu cạnh tranh thực sự. Điều này khó có thể làm được ở Anh vì đội Một Man City quá mạnh. Có nghĩa, CFG cần phát triển các con đường khác để cung cấp cho các học viên cơ hội thi đấu thật, ví dụ như ở Girona chẳng hạn".

Các công ty bóng đá con kiểu này sẽ hoạt động cho hai mục đích: tạo sân chơi cho học viên đang đào tạo và thử nghiệm các tài năng mới. Mạng lưới kinh doanh toàn cầu là để đảm bảo rằng các HLV phát hiện ra những cầu thủ đầy triển vọng và sớm đưa họ vào hệ thống CFG để họ có thể kiểm soát hoàn toàn sự nghiệp của cầu thủ.

Chỉ một số ít diễn viên trong ngành kinh doanh bóng đá toàn cầu có thể theo kịp chiến lược mở rộng này. Sheikh Mansour và các nhà tài trợ từ Abu Dhabi đã đầu tư hơn 2 tỷ euro vào Man City trong vòng 10 năm. Họ hiện có lợi nhuận, nhưng thành công kinh tế này lại bắt nguồn từ vi phạm quy tắc.

Và ở mùa trước, tiền lãi của Man City chỉ là 10 triệu bảng - và đó rõ ràng không phải là khoản lãi lớn cho khoản đầu tư nhiều tỷ bảng, đặc biệt khi Mansour đang tiếp tục dốc két tiền của mình cho những tân binh chất lượng cao và đắt tiền.

Từ góc độ thể thao, dự án đã thành công. Trong mùa giải đầu tiên dưới sự lãnh đạo của CFG, việc Girona thăng hạng gần đây và hiện đang đứng giữa BXH giải hạng Nhì TBN; trong khi Torque ở Uruguay ngay lập tức giành được suất thăng hạng. Còn Melbourne City đã giành được danh hiệu đầu tiên ba năm sau khi được CFG tiếp quản.

Sheikh Mansour đã mua Man City vào năm 2008 với giá 100 triệu bảng. Năm 2015, ông trùm truyền thông Trung Quốc Li Ruigang đã đầu tư 265 triệu bảng vào CFG thông qua một công ty được đăng ký tại quần đảo Cayman, mang lại cho ông 13% cổ phần. Giá trị của Man City đã tăng thêm ít nhất gấp 10 lần trong 7 năm.

Chủ tịch CLB Man City, Khaldoon Al Mubarak đã mô tả sự liên quan của Hoàng thân như sau: "Sheikh Mansour là một doanh nhân sắc sảo, người tin rằng bạn có thể tạo ra một giá trị từ một nền bóng đá ngổn ngang".

Các nhà quản lý của ông ta đã không chỉ làm đảo lộn trật tự tại thành phố Manchester, mà còn làm tràn ngập thế giới bóng đá bằng tiền và xu hướng buộc nó phải toàn cầu hóa. Tập đoàn CFG chính là đại diện cho chủ nghĩa tư bản bóng đá ở dạng tinh khiết và thành công nhất.

Trong bóng đá, đó không chỉ là sự sống còn của kẻ mạnh nhất, mà còn là sự sống còn của kẻ giàu nhất.

Thực hiện

Nội dung: Hải An (theo Der Spiegel)

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x