Thật ra, nói Tottenham “chưa” mua có lẽ đúng hơn là họ “không” mua. Mùa trước, đội bóng của HLV Mauricio Pochettino chi khoảng 70 triệu bảng nâng cấp lực lượng. Trước nữa, Tottenham chi khoảng 50 triệu bảng cho mùa 2015/16. Đấy cũng chính là các mùa bóng hiếm hoi Tottenham được cho là thành công (có suất dự Champions League).
Rút cuộc, vẫn phải quay lại điểm chung: hầu như không thể thành công ở Premier League mà không tốn tiền mua cầu thủ. Vấn đề chỉ là mua sao cho hay. Hồi Leicester bất ngờ vô địch Premier League 2015/16, N’Golo Kante tỏa sáng như một hiện tượng. Đấy chính là bản hợp đồng mang tính quyết định (Leicester mua cầu thủ này từ Caen với giá 5,6 triệu bảng).
Tuy là đội bóng “nhỏ”, chỉ mong trụ hạng, Leicester cũng đã chi ra gần 30 triệu bảng trong mùa bóng ấy. Khi bước vào chiến dịch bảo vệ ngôi cao, Leicester chi gần 80 triệu bảng để mua cầu thủ mới, nhưng họ lại thất bại đến mức suýt rớt hạng. Nguyên nhân chính: Leicester không khắc phục được lỗ hổng nơi hàng tiền vệ, khi họ bán Kante sang Chelsea với giá 32 triệu bảng.
Vâng, chuyển nhượng là một nghệ thuật. Hoặc ít ra, đấy là một phần việc vô cùng quan trọng, có thể chi phối mức độ thành - bại trong cả mùa bóng. Hãy trở lại với hiện tượng “giẫm chân tại chỗ” của Tottenham.
Họ đang tỏ ra chậm chạp, hay họ quá bình tĩnh so với các đối thủ giàu mạnh xung quanh? Giới chuyên môn từng đúc kết và rút ra một kinh nghiệm quan trọng trong làng bóng nhà nghề: trong đa số trường hợp, mua sắm càng nhanh thì càng có lợi. Nguyên nhân dễ hiểu: đội bóng sớm ổn định lực lượng, từ đó dẫn đến sự ổn định về các kế hoạch chuyên môn.
Chi tiết hơn, có thể nhìn vào M.U. Kế hoạch chuyển nhượng của HLV Jose Mourinho đã được đề trình khá sớm (từ giữa mùa trước), nhưng cuối cùng ông phải gấp rút điều chỉnh kế hoạch vì Zlatan Ibrahimovic chấn thương. Hệ quả là M.U phải gấp rút lao vào những phương án khác nhau mang tên Alvaro Morata, Antoine Griezmann, Romelu Lukaku.
Nếu không sẵn có Wayne Rooney để tạo thuận lợi trên bàn đàm phán với Everton, M.U cũng không dễ gì mua được Lukaku, do sức cạnh tranh từ phía Chelsea rất mạnh.
Làm sao để phải gấp rút thay đổi kế hoạch thì đấy là việc của Mourinho. Bàn tiếp, có thể chúng ta sẽ đi rất xa. Bản thân Mourinho cũng đâu biết chắc ông có tiếp tục dẫn dắt M.U! Đấy rõ ràng là một vấn đề khác.
Nhưng với riêng Tottenham, có thể họ không mua mà cũng không bán vì đấy chính là điều tuyệt vời nhất HLV Pochettino muốn có. Giữ nguyên lực lượng “ngon lành” hiện có đã là điều nan giải rồi. Suy cho cùng, người ta mua sắm lực lượng không phải chỉ để tăng cường sức mạnh ở những vị trí không được ưng ý trong đội hình. Mua sắm còn để khỏa lấp chỗ trống do các hảo thủ ra đi nữa.
Bài học từ Leicester: Kante mà đã ra đi thì cả hệ thống sụp đổ. Tiền bạc là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong bóng đá đỉnh cao. Nhưng tiền bạc lại không bao giờ đảm bảo kéo theo thành công - đấy chính là chỗ tuyệt vời của môn bóng đá, trong kỷ nguyên đầy tiền bạc này.
Cái hay của các đội bóng giàu sụ ở Premier League là họ chi tiền rất mạnh tay và quyết đoán (mà không hề có nguy cơ phá sản như thiên hạ vẫn hay lo “giúp”). Tuy nhiên, có chi đúng chỗ hay không lại là chuyện khác. Rất có thể, người ta mua vì... phải mua, thế thôi. Chỉ có thời gian mới trả lời được: trong cơn mua sắm ồ ạt hiện thời, đâu là những bản hợp đồng xuất sắc.