Ruud Gullit thì ai cũng biết. Ông đã có Quả bóng vàng châu Âu, tức danh hiệu cá nhân cao quý nhất mà một cầu thủ nhà nghề có thể mơ ước. Ông mang băng thủ quân khi ĐT Hà Lan vô địch Euro 1988 - chức vô địch quan trọng duy nhất xưa nay của nền bóng đá nước này. Giới nghiên cứu lịch sử bóng đá còn phải nhấn mạnh vai trò của “thế hệ Surinam đầu tiên”, mà Gullit là đại diện tiêu biểu, để người ta hiểu rõ hơn vì sao Hà Lan có thể vô địch một giải đấu lớn. Trong màu áo AC Milan thì Gullit đã nhiều lần vô địch Serie A và Champions League.
Vậy mà bây giờ, đúng 25 năm sau khi gia nhập Chelsea ở độ tuổi sắp tròn 33, Gullit vẫn khẳng định đấy mới là nơi mà ông thật sự cảm thấy hạnh phúc. Đấy là thiên đường, kể cả khi rút cuộc thì Gullit cũng bị đẩy ra ngoài theo một cách làm ông phiền lòng.
Ngày ấy, tạp chí nổi tiếng World Soccer từng đăng hẳn chuyên đề lớn về một hiện tượng chưa từng thấy trên quê hương bóng đá: sự đổ bộ ồ ạt của các cầu thủ nước ngoài vào Premier League trong mùa hè 1995. Rất lạ, bởi nên nhớ là “phán quyết Bosman” chỉ xuất hiện vào cuối năm 1995 (và hệ lụy của nó thì còn sau nữa).
Trước mùa Hè 1995, rất ít cầu thủ nước ngoài chơi bóng tại Anh, càng hiếm thấy danh thủ nào. Cũng cần nói thêm: Eric Cantona bất quá chỉ là “đồ rác rưởi” trong mắt giới bóng đá Pháp, đã phải tuyên bố giải nghệ vì chẳng còn ai dung túng, được giới thiệu sang Anh để tìm chốn dung thân (còn sau này Cantona bất ngờ tỏa sáng thì đấy lại là chuyện khác).
Gullit nằm trong “làn sóng” ngôi sao kéo vào Premier League năm ấy. Không ai - có khi gồm cả chính ông - hiểu rõ vì sao ông đến Chelsea. Gullit và bóng đá Anh hầu như chưa biết về nhau. Ông bị thuyết phục bởi HLV Glenn Hoddle, và... chỉ có thế.
Ấn tượng đầu tiên của Gullit khi sang Anh là sự lạc hậu của sân bãi (thời ấy). Nhưng ngược lại, ông choáng ngợp bởi các cổ động viên Anh. Rồi khi vào sân thì Gullit lại trải nghiệm thứ bóng đá khốc liệt, mà trọng tài không phải bao giờ cũng ré còi khi cầu thủ ngã, như ở những nơi khác.
Một mặt, Gullit chuẩn bị rất kỹ (thuê sẵn một nơi ở Bồ Đào Nha để tập riêng trước khi gia nhập Chelsea), bởi ông đã hiểu quá rõ áp lực đòi hỏi thành công nơi một ngôi sao. Mặt khác, Gullit còn tự tin vì thấy được sự ưu việt của mình, khi ông nhìn vào khẩu phần của cầu thủ Anh thời ấy (còn thiên về sự... ngon miệng, hơn là khoa học).
Vốn đã chuyển xuống vai trò trung vệ, cách chơi đầy kỹ thuật của Gullit ban đầu không được hoan nghênh cho lắm (cầu thủ Anh thời ấy không thích nhận đường chuyền từ trung vệ). HLV Hoddle đưa ông lên đá tiền vệ, và Gullit lập tức tỏ rõ giá trị. “Máy chém” Vinnie Jones đã sẵn sàng “chào mừng Gullit đến làng bóng Anh”? Đấy là là thái độ ngây thơ pha lẫn thô kệch. Gullit khiến Jones bị đuổi ngay trong lần “gây hấn” đầu tiên (và hơi trớ trêu: ngay sau đó họ trở thành bạn nhau).
Tóm lại, Gullit hòa nhập một cách tuyệt vời, và ai còn nghi ngờ ông sang Premier League chỉ để dối già, đều sai. Hơn thế nữa, Gullit còn thành công cả trong một vai trò thú vị vốn là “đặc sản” của bóng đá Anh: cầu thủ kiêm HLV (bây giờ vai trò này đã gần như “tuyệt chủng”). Chính trong vai trò này, Gullit đã đem về cho Chelsea chiếc cúp FA, và mở đường cho thành tích đoạt Cúp C2 châu Âu ngay mùa kế tiếp (ông đã bị sa thải vài tháng trước khi Chelsea đoạt Cúp C2).
Ở mùa bóng trước khi Gullit xuất hiện, Chelsea đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng gồm 22 đội của Premier League, với đội vô địch mang tên Blackburn. Bảy năm trước đó, Chelsea là đội hạng Nhì. Chỉ hơn chục năm trước đó, Ken Bates vừa mua đội này với giá tượng trưng 1 bảng. Nói vậy để thấy Chelsea hồi đó là cả một thế giới khác hẳn với Chelsea bây giờ. Thành công của những người tiên phong như Gullit đã mở ra cả một kỷ nguyên mới mẻ cho Chelsea cũng như Premier League nói chung.
Thật đáng nhớ!
CỰU CHỦ TỊCH CHELSEA, KEN BATES: “Tôi chưa bao giờ ưa Gullit” Gullit thất bại sau khi chia tay Chelsea 1. Dưới sự dẫn dắt của Ruud Gullit (cầu thủ kiêm HLV), Chelsea giành được danh hiệu quan trọng đầu tiên sau 26 năm: Cúp FA năm 1997. Gullit cũng là HLV nước ngoài đầu tiên đoạt Cúp FA - giải đấu lâu đời nhất thế giới (ra đời vào năm 1871). |
XEM THÊM
Liverpool làm gì sau khi để mất Werner vào tay Chelsea?
Liverpool đã biết phải ăn mừng thế nào nếu vô địch Premier League