Tại Olympic Paris 2024, bơi Việt Nam có 2 tuyển thủ góp mặt, nhưng chỉ Nguyễn Huy Hoàng giành vé chính thức, trong lúc tay bơi trẻ Võ Mỹ Tiên là suất đặc cách. Thực tế, phải từ Olympic 2012, bơi Việt Nam mới giành suất chính thức đầu tiên có mặt ở Thế vận hội , nhờ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Sau đó ở các kỳ Olympic năm 2016, 2020 và 2024, cũng chỉ có Ánh Viên và Huy Hoàng là 2 tuyển thủ bơi giành vé chính thức cho đoàn thể thao Việt Nam tham dự đại hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Đây cũng là 2 tuyển thủ bơi từng giành HCV đại hội Olympic trẻ, nhưng từ Olympic trẻ đến Olympic mùa hè là cả một vấn đề. Đồng thời, việc giành huy chương Olympic luôn là khát khao cháy bỏng của những tuyển thủ và những người công tác ở bộ môn bơi Việt Nam. Phải nhìn nhận, những năm qua bơi Việt Nam đã có những bước tiến lớn, nhưng thành tích của chúng ta so ra vẫn quá cách biệt so với những cường quốc trên thế giới.
Nói đâu xa, tại Olympic Tokyo 2020, Huy Hoàng từng đoạt hai chuẩn A ở hai nội dung, 800m và 1.500m bơi tự do. Thế nhưng tại Thế vận hội lần này, Hoàng chỉ giành chuẩn A nội dung 800m tự do với thành tích 7’51”44 ở Asian Games 2022 tại Hàng Châu (Trung Quốc) và giành chuẩn B nội dung 1.500m tự do (thành tích 15’05”49). Chưa kể những thông số này đều kém rất xa so với phong độ tốt nhất của Hoàng vào năm 2018, khi ấy thành tích 800m tự do của anh là 7’50”02 và 1.500m tự do là 15’01”63.
Thời gian qua, thành tích của Hoàng trượt dài khi anh luôn phải thi đấu dàn trải ở nhiều nội dung nhằm có thể mang về thành tích cho bơi Việt Nam ở đấu trường thấp hơn như SEA Games. Trong lúc những công nghệ kỹ thuật và giáo án huấn luyện tân tiến vẫn là giấc mơ xa vời của các VĐV đỉnh cao như Huy Hoàng. Vì thế để chạm tay vào chiếc huy chương Olympic vẫn là giấc mơ xa vời của chính Hoàng và những người làm bơi Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng đừng quên bơi Việt Nam từng khát khao HCV ở đấu trường SEA Games ra sao. Nói thế, bởi từ sau chiếc HCV của kình ngư Huỳnh Văn Hai (200m ếch) và Phan Hữu Dõng (100m bướm) ở kỳ đại hội diễn ra năm 1961 thì phải đến SEA Games 2005 tại Philippines, kình ngư Nguyễn Hữu Việt mới mang về HCV đầu tiên nội dung 100m ếch ở môn bơi cho thể thao Việt Nam. Vì thế, nên khi Ánh Viên và các đồng đội giành một loạt HCV cho bơi Việt Nam ở đấu trường SEA Games thì đấy không hề là chuyện dễ dàng và đơn giản.
Cũng như tại đấu trường Asian Games trước đây, bơi Việt Nam cũng chưa bao giờ mơ đến việc có huy chương, nhưng từ sau 2 chiếc HCĐ do Ánh Viên giành được tại Á vận hội 2014 đã mở đường cho các kình ngư Việt Nam mơ xa hơn ở đấu trường châu lục. Vì vậy, giấc mơ huy chương Olympic nếu có sự đầu tư tập trung và quyết liệt, bơi Việt Nam không phải là không thể…
Quay trở lại với Huy Hoàng tại Olympic Paris 2024, thực tế thành tích của Hoàng vẫn còn quá xa để có thể chạm tay vào chiếc huy chương, thậm chí nếu anh lọt vào 8 tay bơi có mặt ở chung kết đã là điều không tưởng. Tuy nhiên, sự có mặt của Huy Hoàng vẫn là sự cổ vũ rất lớn cho các kình ngư trẻ của Việt Nam trong tương lai, bởi chẳng phải dễ dàng để giành vé chính thức có mặt ở đại hội thể thao lớn nhất hành tinh, đặc biệt là bơi - một trong hai môn thể thao chính của Thế vận hội, cùng với điền kinh.
Các tuyển thủ Việt Nam thi đấu tại Olympic Paris 2024
16 tuyển thủ Việt Nam có mặt tại Olympic Paris 2024 gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (bơi), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Võ Thị Kim Ánh, Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh).