Nỗi khổ 'đầu tiên' của các tay vợt Tennis

Điệp Anh
09:16 ngày 13-04-2021
Với các tay vợt Tennis bây giờ, nếu họ không phải Roger Federer, Rafael Nadal hay Novak Djokovic thì riêng chuyện xoay xở sao cho có đủ thu bù chi trong thời buổi tiền thưởng teo tóp vì Covid-19 đã đủ là bài toán nan giải rồi.
Nỗi khổ 'đầu tiên' của các tay vợt Tennis

Khó khăn chồng chất

Bắt đầu từ trường hợp của Lloyd Harris làm ví dụ tiêu biểu. Tay vợt 24 tuổi người Nam Phi này đang xếp hạng 50 thế giới. Thành tích thi đấu gần đây của Harris khá ấn tượng. Anh đã vào đến vòng 3 giải Australian Open 2021 và vào đến chung kết giải Dubai Tennis Championships 2021. Nhiều người vẫn đinh ninh rằng cuộc sống của một tay vợt trong Top 50 thế giới lại có kết quả thi đấu lên tay trông thấy như Harris hẳn khá rủng rỉnh. Thực tế không phải như vậy. 
Harris vừa lên tiếng than vãn: “Từ năm ngoái, chúng tôi đã rất khó khăn rồi. Đại dịch Covid-19 quá khủng khiếp. Năm nay, giải thưởng ở các giải đấu cũng đều bị cắt giảm đáng kể nên mọi chuyện càng khó khăn”.

Harris không quá lời chút nào. Anh vừa góp mặt vào giải Miami Open. Năm nay, tổng giải thưởng của Miami Open là 6,7 triệu USD. So với mức 16,7 triệu USD của năm 2019, tiền thưởng của Miami Open đã bị cắt giảm tới 60%.

Covid-19 khiến các giải đấu không thể đón lượng khán giả đông đảo như thường lệ. Những hợp đồng tài trợ cho các giải đấu cũng “ngót” hẳn đi. Việc tiền thưởng bị cắt giảm nhiều là thực tế không thể đảo ngược. Với những tay vợt chủ yếu chỉ trông vào tiền thưởng kiếm được từ các giải đấu, bài toán tài chính rất khó giải. Mà số tay vợt có thể sống ngon lành dựa vào các hợp đồng tài trợ chứ không cần quan tâm lắm đến số tiền thưởng từ các giải đấu lại không nhiều. Thường muốn vào diện này phải có chân trong Top 30 thế giới. Những tay vợt trong khoảng từ 40 đến 70 thế giới như Harris thì chỉ cần một vài tháng thi đấu sa sút là đau đầu chuyện tiền nong ngay. Những tay vợt xếp hạng từ 80 thế giới trở xuống, nhất là nằm ngoài Top 100 thì càng bấp bênh hơn.

Chi phí để nuôi sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của một tay vợt tennis giờ rất tốn kém, nhất là trong thời buổi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Họ tốn tiền thuê HLV, thuê người đánh tập cùng, thuê chuyên gia vật lý trị liệu, thuê HLV thể lực. Việc di chuyển và ăn ở với các giải đấu khác nhau cũng phức tạp và tốn kém hơn hẳn trước đây do những quy định khắt khe để phòng chống Covid-19. 

Nếu tay vợt nào bị loại sớm khỏi giải đấu nào đó, việc thu không đủ chi là thực tế hiển hiện chứ không còn dừng ở nguy cơ cảnh báo nữa. Mà số bị loại sớm, buồn thay, bao giờ cũng đông hơn số đi sâu rất nhiều.

 Với những tay vợt ít nổi tiếng như Harris, bài toán “đầu tiên” rất đau đầu

Giải pháp nào?

Nỗi lo “đầu tiên” của các tay vợt là thực trạng các cơ quan điều hành tennis cũng như ban tổ chức các giải đấu tennis đều ý thức rõ. Họ đã rất nỗ lực trong việc giúp các tay vợt giải bài toán này. Các tổ chức tennis nỗ lực chia cho những giải đấu nhỏ thêm phần tiền từ bản quyền truyền hình. Trong mỗi giải đấu, BTC cố gắng thu hẹp mức chênh lệch về số tiền thưởng cho mỗi vòng đấu. Chủ yếu làm sao để những tay vợt lỡ có bị loại sớm cũng đỡ cạn tiền. Chẳng hạn ở giải Miami Open 2021, tay vợt nào lọt đến vòng 2 là được thưởng 16.000 USD. Con số ấy chỉ bằng hơn nửa mức 30.000 USD của Miami Open 2019 (lần gần nhất Miami Open được tổ chức). Dù vậy, mức giảm ấy vẫn còn đỡ hơn so với số tiền cho nhà vô địch. Tay vợt vô địch Miami Open 2021 “chỉ” nhận được 300.000 USD tiền thưởng, giảm gần 80% so với năm 2019.

Bản thân các tay vợt cũng phải tích cực tự thân vận động, cắt giảm chi tiêu tối đa. Chẳng hạn tay vợt nữ xếp hạng 40 thế giới người Mỹ, Danielle Collins tạm thời không thuê HLV nữa, không thuê người đánh tập cùng nữa và cũng không thuê chuyên gia vật lý trị liệu nữa. Giờ Collins chỉ tập cùng bạn trai Tom Couch mà thôi. Couch kiêm luôn vai trò HLV thể lực của Collins.

Các tay vợt cũng phải tính toán khâu di chuyển sao cho hợp lý. Giờ họ chỉ cốt sao di chuyển giữa các giải đấu thôi. Còn thì với những tay vợt ở châu Phi như Harris hay ở châu Mỹ như Collins thì nếu đã đến mùa giải thi đấu ở châu Âu thì không còn chuyện thỉnh thoảng bay về quê nhà nữa. Vừa đỡ phức tạp trong thời buổi Covid-19, vừa tiết kiệm.

Ê kíp phục vụ tay vợt tốn kém thế nào?
Tờ New York Times tiết lộ phí thuê một HLV cho mỗi tay vợt dao động trong khoảng 50.000 – 100.000 USD/năm. Ngoài ra, chi phí đi lại ăn ở của HLV đều do tay vợt trả. Trong mùa giải kéo dài khoảng 11 tháng mỗi năm, mỗi tay vợt còn tốn thêm hàng chục nghìn USD cho HLV thể lực và chuyên gia vật lý trị liệu nữa.

“Tennis khắc nghiệt hơn bóng đá”
Nói về nỗi khổ của các tay vợt tennis hiện nay, Danielle Collins (ảnh) chia sẻ: “Dân cầm vợt chúng tôi khổ hơn những VĐV của các môn thi đấu đồng đội như bóng đá rất nhiều. Với các cầu thủ bóng đá chẳng hạn, chi phí thuê HLV, thuê chuyên gia vật lý trị liệu hay chuyên gia dinh dưỡng đã có đội lo. Đằng này các tay vợt chúng tôi khoản gì cũng phải tự mình gánh vác hết. 100% luôn. Trong thời buổi tiền thưởng bị cắt giảm nhiều và mọi thứ bấp bênh vì Covid-19, việc phải tự gánh quá nhiều khoản phí thực sự là gánh nặng quá lớn với mỗi tay vợt chúng tôi”.

 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
33
+48
76
3
34
+41
74
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
33
-2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x