Bóng Đá Plus trên MXH

Đỗ Kim Phúc - 'Cậu bé vàng' của bóng đá nghệ thuật Việt Nam

08:43 ngày 19/03/2018
Đỗ Kim Phúc không phải cái tên xa lạ với những người yêu thích bóng đá nghệ thuật. Anh là nhà vô địch châu Á 2013, và là gương mặt đại điện quen thuộc trong các clip quảng cáo của nhiều nhãn hàng nổi tiếng.
    Có thể nói, Phúc là tượng đài của cộng đồng bóng đá nghệ thuật nước nhà dù mới bước qua tuổi 27. Nhưng không con đường nào chỉ trải đầy hoa hồng. Hôm nay, Kim Phúc sẽ kể cho chúng ta những góc khuất của cuộc đời mình, rằng hành trình đi tìm vinh quang nào cũng đầy rẫy trắc trở.

    THI LẠI ĐẠI HỌC VÌ… MÊ BÓNG ĐÁ, THÀNH TÀI TỪ HẦM GỬI XE SIÊU THỊ

    Giống nhiều “fan boy” yêu bóng đá, Kim Phúc bị ấn tượng mạnh mẽ bởi chương trình Pepsi World Challenge 2001, nơi cựu danh thủ Hồng Sơn tỷ thí tài nghệ với hàng loạt siêu sao đình đám trên thế giới như Beckham. Từ lớp 2, chàng trai sinh năm 1989 đã bắt chước động tác của thần tượng, tập tâng bóng và nhanh chóng bộc lộ tài năng, được bè bạn tán dương.

    Năm lớp 10, trong một lần ra quán net chơi game, Phúc được bạn giới thiệu đoạn Ronaldinho làm xiếc với trái bóng. Suy nghĩ  bấy lâu “Mình là kinh lắm rồi, là nhất thiên hạ” nhanh chóng biến mất. Phúc chợt nhận ra, mấy động tác “học mót” chẳng là gì so với phép thuật vừa tận mắt chứng kiến. Anh bắt đầu tu chí, tập tành nghiêm túc. 


    Nhưng chẳng bao lâu sau, kỳ thi đại học cập kề. Phúc luôn muốn học hành đến nơi chốn, và không muốn ám ảnh “suýt bị đúp năm lớp 7” ùa về. Tạm gác lại đam mê, Phúc vùi đầu vào sách vở. Năm 2007, anh trúng tuyển ĐH Bách Khoa với 25 điểm (khối A). 

    Tuy nhiên, lúc nhập học lại là thời điểm Phúc tham gia diễn đàn một diễn đàn bóng đá nghệ thuật, cái nôi của những thành viên cốt cán trong ATW – nhóm bóng đá nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam. 

    Ngặt nỗi, ngành kỹ thuật xưa nay vốn vất vả, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Hoàn thành chương trình học chứ chưa nói đến mục tiêu lấy bằng ưu đã chiếm toàn bộ thời gian, suy nghĩ kỹ vài ngày rồi Phúc quyết định: Xin bảo lưu, thi lại đại học, đăng ký vào khối kinh tế - ngân hàng cho “nhàn”. 3 tháng trước mùa thi 2008, Phúc nộp hồ sơ vào Học viện Ngân Hàng, lần thứ hai trở thành “tân sinh viên”.

    “Học thế cho nhẹ, còn có thời gian tập bóng chứ”, Phúc nhớ lại.


    SUÝT BỎ MẠNG Ở DUBAI 

    Hơn 3 năm kể từ ngày gia nhập ATW, Phúc miệt mài đạp xe từ nhà lên Big C, cùng 20 anh em chui xuống hầm để xe của siêu thị tập luyện ngày đêm. Phúc bảo rằng ngày xưa đi tập vô cùng cực khổ, người tập người đứng canh công an. “Nhiều lần bị lực lượng chức năng dọa thu xe, còn chuyện nộp phạt hành chính là thường xuyên”, Phúc chia sẻ. 

    Sau những ngày ở ẩn tu luyện, Phúc quyết định bước ra sân khấu… thế giới. Năm 2010, Phúc tham dự cuộc thi trên mạng của một nhãn hàng Pháp tổ chức. Các thi sinh trên khắp thế giới gửi video về hòm thư BTC, mỗi đoạn clip chỉ dài 15 giây nhưng phải lột tả được những gì tinh hoa nhất của động tác. Thế mà năm đó, Phúc vượt qua hàng trăm thí sinh và giành ngôi quán quân. 

    Gạt đi nỗi buồn không thể nâng cao vị thứ trên BXH thế giới, Đỗ Kim Phúc tập trung vào công việc đào tạo những dị nhân bóng đá nghệ thuật tương lai

    Phần thưởng không nhiều nhưng ý nghĩa nó mang lại lớn hơn giá trị vật chất gấp bội. Một năm sau, Phúc nhận lời mời tham dự Master of the Game – sâu khấu danh giá của giới freestyle tài trợ. 

    Phúc không khỏi hồi hộp trước chuyến xuất ngoại đầu tiên. Song kỷ niệm những tưởng đáng nhớ nhất hóa ra là ký ức… đáng sợ nhất trong nghiệp lưu diễn của Phúc. Năm đó, giải diễn ra ở Abu Dahbi, cách điểm dừng chân của chuyến bay tại Dubai 200 km. 

    Sang đến nơi là 3h sáng, Phúc mượn điện thoại của nhóm công nhân lao động xuất khẩu người Việt cùng bay gọi cho BTC. Nhưng bên kia đầu dây, không ai nhấc máy. Lần đầu ra nước ngoài, vốn tiếng Anh thì hạn chế, xung quanh toàn người đạo Hồi khăn che kín mặt, lại được cảnh báo ở đây rất hay xảy ra các vụ cưỡng bức đồng giới, Phúc đã tưởng tượng ra những kịch bản tồi tệ nhất. 

    Kim Phúc trong một lần thăm sân Bernabeu

    Những đồng hương mới quen ngỏ ý muốn giúp Phúc. Cả đoàn bắt xe về khu trọ của lao động Việt Nam tại Dubai, tọa giữa... sa mạc. Bất chợt, Phúc nghĩ hay là bị lừa ra nơi hẻo lánh trấn tiền vì chuyện này liên tục được báo chí phản ánh. 

    Thật may, những lo âu nhanh chóng tan biến. Ở khu trọ, nhiều người Việt không đủ tiền về quê ăn Tết nên ở lại, chuẩn bị chút đồ quê như bánh chưng, giò, đợi đồng nghiệp quay về Dubai và đón cái Tết muộn sum vầy. “Lúc đó là 6h sáng, vừa tắm rửa, lại được ăn no say, cảm giác vui mừng khôn xiết như vừa trở về từ địa ngục”, Phúc bồi hồi. 

    VÌ SAO CHUYỂN SANG NGHIỆP HUẤN LUYỆN? 

    Năm 2013, Phúc vô địch châu Á. Nhưng cũng trong năm thi đấu huy hoàng ấy, Phúc đã tịnh tiến sang nghiệp đào tạo, công tác xã hội thay vì xuất hiện trên sân khấu dưới vai trò VĐV.

    Vài tháng trước thềm giải toàn châu lục diễn ra ở Hà Nội, Phúc tham dự giải Việt Nam mở rộng do Liên đoàn bóng đá nghệ thuật châu Á tổ chức. Theo cách phân hạng hạt giống, vị trí càng cao sẽ gặp thứ hạng càng thấp. Năm đó, Phúc là hạt giống số 2, nhưng do sơ suất của BTC mà ngay từ vòng 1/8, anh đã đụng độ ngay hạt giống số 1. 

    Kim Phúc chụp ảnh kỷ niệm với Sergio Ramos

    Tâm lý căng cứng, và vận đen cũng chưa thôi theo bám Phúc. Trong phần thi của Phúc, trọng tài căn nhầm đồng hồ, tuýt còi hiệu lệnh sớm báo hiệu Phúc chỉ còn 10 giây. Anh vội vàng tung tuyệt chiêu cuối cùng, nhưng hết 10 giây chuông báo hiệu chưa vang lên. 

    Phúc luống cuống, đứng sững mất gần phút và bị xử thua 1-2. Lá phiếu tai hại và sai sót của trọng tài làm Phúc giậm chân ở vị trí thứ 7 trong BXH thế giới với 275 điểm. Phúc bảo, nếu năm đó không đen đủi, anh chắc chắn sẽ vào lọt vào Top 5, đồng nghĩa với suất tham dự hệ thống giải toàn cầu. 

    Dù sau đó, đăng quang ở giải toàn châu Á nhưng Phúc không xin được visa sang CH Czech dự giải vô địch thế giới. “Tại mình chủ quan, 1 tháng trước ngày tranh tài mới đến đại sứ quán mới biết có những người đợi vài tháng mà chưa được vào phỏng vấn, loay hoay đủ cách nhưng không kịp thay đổi tình thế”, Phúc tiếc nuối. 


    Vì BXH thế giới thay đổi rất nhanh do VĐV nước ngoài có trình độ vượt trội, lại mất đi cơ hội tích lũy lớn nhất nên Phúc tự cảm thấy mình đã chạm đến giới hạn. 

    “Giờ cũng không buồn nữa, vì mình được nhiều trung tâm mời đi dạy, làm giám khảo ở nhiều cuộc thi, lại được Nike ký hợp đồng quảng cáo nên sống khỏe. Thi thoảng lại vi vu khắp nơi, như tháng tới mình sẽ sang Anh cùng 3 bạn khác đại diện cho Việt Nam tranh tài ở Chevrolet Fan Cup”, Phúc nói.

    “Từ 2-3 năm nữa, Việt Nam sẽ có liên đoàn bóng đá nghệ thuật”

    Kim Phúc tiết lộ, nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, Liên đoàn bóng đá nghệ thuật sẽ ra đời, trở thành tổ chức chuyên nghiệp ở Đông Nam Á. Ý tưởng này của Phúc đã được Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh và lãnh đạo Tổng cục TDTT nhất trí.

    Việc duy nhất cần làm là đẩy mạnh phong trào. “Khi nào có khoảng 2.000 VĐV bán chuyên, giấc mơ sẽ thành sự thật”, Phúc bộc bạch. Hiện tại, Phúc đang điều hành CLB Legend Crew, dạy bóng đá nghệ thuật miễn phí cho hàng trăm học viên, gồm cả trẻ nhỏ, thanh niên và người lớn tuổi.

    Phúc còn nói thêm, khi đã xây dựng xong thương hiệu hình ảnh, anh sẽ mở quán cafe trang trí bằng các kỷ niệm chương, áo đấu có chữ ký của danh thủ anh sưu tầm sau gần 10 năm theo đuổi con đường này.
    THÀNH TRẦN • 08:43 ngày 19/03/2018

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay