20 vụ chuyển nhượng thành công nhất sau một World Cup tỏa sáng (phần 1)

Chiêu Văn
Từ 20:59 ngày 06-06-2014
Mùa hè này rất đáng chờ đợi với các CĐV bóng đá không chỉ vì một kỳ World Cup sôi động ở Brazil, mà còn bởi thị trường chuyển nhượng sẽ hấp dẫn và tấp nập hơn hẳn sau một giải đấu lớn như vậy.

Dưới đây là 20 thượng vụ thành công nhất với một cầu thủ ngay sau khi tỏa sáng ở World Cup, tính từ World Cup Mỹ 1994.

20. Philippe Albert, Bỉ
(World Cup 1994, từ Anderlecht tới Newcastle United)
Có thể không phải là một nhà vô địch World Cup hay một ngôi sao lớn, nhưng Philippe Albert đã là người hùng rất được yêu mến tại Newcastle United. Tuyển thủ Bỉ tới chơi ở Premier League sau một World Cup 1994 thành công. Hậu vệ này đá trọn 2 trận vòng bảng gặp Hà Lan và Saudi Arabia, ghi 1 bàn. Ở vòng 16 đội, Albert ghi thêm bàn nữa vào lưới Đức trong trận thua 2-3. Anh là mẫu trung vệ biết chơi bóng đi trước thời đại ở Premier League thời bấy giờ. Trong 96 trận ra sân tại giải Ngoại hạng cho Newcastle, Albert ghi 8 bàn, đáng nhớ nhất là bàn vào lưới Manchester United ngày 20/10/1996.

19. Marc-Vivien Foe, Cameroon (World Cup 1994, từ Canon Yaounde tới RSC Lens)
Không như Italia 1990, World Cup Mỹ 1994 là một kỷ niệm buồn với ĐT Cameroon. Không thắng nổi trận nào sau vòng bảng, thủng lưới 11 bàn và chỉ ghi được 3 bàn, đó là một giải đấu đáng chán với Những sư tử bất khuất. Tuy nhiên, một cầu thủ trong đội hình vẫn thu hút được sự chú ý từ nước ngoài: Marc-Vivien Foe. Anh chuyển sang Pháp từ CLB Canon Yaounde và giúp Lens giành chức VĐQG đầu tiên của họ trong 4 năm ở CLB. Sau đó Foe sang chơi cho West Ham United, rồi Lyon, nơi anh giành Cúp QG Pháp và Ligue 1 đầu tiên cho Lyon vào năm 2002. Được yêu mến ở mọi đội bóng mà anh khoác áo, Foe chơi theo dạng cho mượn ở Man City mùa 2002/03 trước thảm kịch mùa hè 2003 khi anh qua đời vì đột quỵ ở trận bán kết Confederations Cup giữa Cameroon và Colombia.


Marc-Vivien Foe

18. Dan Petrescu, Romania (World Cup 1994, từ Genoa tới Sheffield Wednesday)
Giống như đồng hương Gheorghe Hagi, Dan Petrescu đã giành rất nhiều danh hiệu trong nước với Romania cùng Steaua Bucharest trước khi tham dự World Cup Mỹ 1994. Với một đội hình có mặt Ilie Dumitrescu, Florin Raducioiu và Hagi, đó là một thời đại hoàng kim của bóng đá Romania, đội ghi được bàn duy nhất vào lưới chủ nhà Mỹ trong cả giải. Sau khi giành ngôi đầu bảng A, Romania đánh bại cả Argentina ở vòng 16 đội và chỉ dừng bước trước Thụy Điển ở tứ kết trên chấm phạt đền.

Petrescu là người đá hỏng quả 11 mét quyết định, nhưng phong cách và tài năng của anh đã thu hút được sự chú ý từ Sheffield Wednesday, khi đó đang chơi ở Premier League. Sau một mùa rưỡi chơi cho The Owls, Petrescu chuyển sang Chelsea với giá khoảng 2,3 triệu bảng. HLV The Blues khi đó Glenn Hoddle nói ông đã “cố gắng cả năm” để đưa về hậu vệ cánh người Romania. Petrescu giúp Chelsea giành Cúp FA, League Cup, Cúp C2 và Siêu Cúp châu Âu, trước khi trở thành cầu thủ nước ngoài đầu tiên đạt tới mốc 100 trận khoác áo đội chủ sân Stamford Bridge.

17. Gheorghe Hagi, Romania (World Cup 1994, từ Brescia tới Barcelona)
Sau khi trải qua nhiều thăng trầm ở Italia cùng Brescia, Hagi bước vào World Cup thứ 2 của anh ở đỉnh cao sự nghiệp. Sau một giải đấu xuất sắc mà anh ghi 3 bàn, bao gồm pha dứt điểm ngoạn mục vào lưới Colombia, Hagi gia nhập Barcelona, khi đó đang do Johan Cruyff dẫn dắt. Ở Mỹ năm 1994, Hagi được ghi nhận là một trong những số 10 vĩ đại nhất lịch sử bóng đá. Sau 2 năm tại Barcelona, anh tới chơi cho Galatasaray, nơi Hagi có rất nhiều danh hiệu và góp mặt ở một kỳ World Cup nữa trước khi treo giày vào năm 2001.


Gheorghe Hagi

16. Cafu, Brazil (World Cup 1994, từ Sao Paulo tới Real Zaragoza)
Cafu tới Mỹ 1994 với tư cách là một thành viên bình thường trong đội hình Brazil, nhưng trở về như một người hùng chiến thắng sau khi vào sân thay cho Jorginho ở trận chung kết gặp Italia ngày 17/7. Sau khi gây ấn tượng mạnh ở ĐTQG, hậu vệ cánh có lối chơi tấn công này chuyển từ CLB thời thơ ấu của anh Sao Paulo sang đội bóng La Liga, Real Zaragoza.

Cafu chỉ chơi một mùa ở TBN, nơi anh giành Cúp C2, trước khi trở lại Brazil với Juventude, rồi Palmeiras. Tới năm 1997, Cafu mới tới châu Âu lần nữa, lần này là Roma. Nhưng những năm tháng thành công nhất của anh là với AC Milan, nơi Cafu giành hàng loạt danh hiệu giai đoạn 2003-2008. Cafu chơi ở 3 kỳ World Cup cho Brazil và có 2 chức vô địch. Anh hiện vẫn được thừa nhận là một trong những hậu vệ cánh xuất sắc nhất mọi thời.

15. Hidetoshi Nakata, Nhật Bản (World Cup 1998, từ Bellmare Hiratsuka tới Perugia)
Một cầu thủ trẻ đầy tài năng với mái tóc nhọn nhuộm màu cam, Hidetoshi Nakata để lại nhiều dấu ấn ở Pháp 1998. Nhật Bản thua cả 3 trận của họ ở giải, trước Argentina, Croatia và Jamaica, nhưng Nakata, ra mắt World Cup, vẫn thể hiện rất tốt. Ngay sau giải anh chuyển tới Serie A khoác áo Perugia và thành công ngay lập tức, ghi 10 bàn sau 33 trận. Nakata đã mang theo hàng nghìn du khách Nhật Bản tới thành phố nhỏ bé ở vùng Umbria. Các trận đấu của Perugia được truyền trực tiếp và thu hút hàng triệu khán giả ở Nhật. Khoảng 50.000 chiếc áo đấu của họ cũng đã được bán sạch tại đất nước Viễn Đông xa xôi.


Hidetoshi Nakata

Sau một mùa rưỡi ở sân Renato Curi, Nakata chuyển sang Roma, nơi anh giành chức vô địch Serie A năm 2001, rồi Parma, nơi Nakata có Cúp QG Italia. Sau khi được cho mượn ở Bologna, Nakata gia nhập Fiorentina năm 2004 và kết thúc sự nghiệp tại Bolton Wanderers. Giờ đã giải nghệ, Nakata sẽ luôn được ghi nhận là một trong những cầu thủ Nhật Bản xuất sắc nhất mọi thời.

14. Marcelo Salas, Chile
(World Cup 1998, từ River Plate tới Lazio)
Marcelo Salas ra mắt World Cup 1998 với cú đúp trong trận hòa 2-2 của Chile với Italia. Anh tiếp tục ghi bàn ở trận gặp Áo ở bảng B và bàn danh dự cho Chile trong trận thua 1-4 dưới tay Brazil ở vòng 16 đội. Đó là một giải đấu ấn tượng với tiền đạo từng ghi rất nhiều bàn cho River Plate và trước đó, Universidad de Chile.

Sau khi chuyển sang Lazio ngày 1/7/1998, Salas có vai trò rất quan trọng giúp Biancocelesti giành Cúp C2 mùa 1998/99 và cú đúp vô địch Serie A-Cúp QG Italia mùa 1999/2000. Khi được bán cho Juventus năm 2001, Salas đã ghi 45 bàn trong 105 trận cho Lazio.

13. Dejan Stankovic, Nam Tư/Serbia (World Cup 1998, từ Red Star Belgrade tới Lazio)
Dejan Stankovic ra mắt World Cup ở Pháp 1998 khi mới 19 tuổi. Anh khoác áo ĐT Nam Tư, về nhì ở bảng A rồi bị Hà Lan loại ở vòng 16 đội. Chơi bên hàng công cạnh những tài năng lỗi lạc Savo Milosevic, Dejan Savicevic, Predrag Mijatovic và Darko Kovacevic, cầu thủ trẻ của Red Star Belgrade không hề tỏ ra e sợ.


Dejan Stankovic

Sau khi trở về từ World Cup, Stankovic gia nhập Lazio, đội bóng khi đó có trong đội hình những ngôi sao lớn như Diego Simeone, Pavel Nedved và Juan Sebastian Veron. Nhưng Stankovic vẫn giành được một suất trong đội hình xuất phát, ra sân 36 trận ở Serie A và Cúp C2. Ngoài chức vô địch Cúp C2, Stankovic còn giành Scudetto và Cúp QG Italia trong mùa thứ 2 ở sân Olimpico. Sau khi đá gần 200 trận cho Lazio, anh chuyển sang chơi một thời gian dài nữa cho Inter Milan giai đoạn 2004/2013.

12. Gilberto Silva, Brazil (World Cup 2002, từ Atletico Mineiro tới Arsenal)
Trận đầu tiên của Gilberto Silva ở World Cup là năm 2002, khi giải đấu được tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tiền vệ 25 tuổi này sau đó đã trở về Brazil với tư cách nhà vô địch thế giới, đá không sót phút nào trong hành trình chinh phục của đội bóng áo vàng-xanh. Ban đầu, HLV Luiz Felipe Scolari chỉ định mang theo Gilberto như một phương án dự phòng, nhưng khi đội trưởng Emerson vắng mặt vì chấn thương, tiền vệ của Atletico Mineiro trở thành nhân vật chính.

Tháng 7 năm đó, Gilberto chuyển tới Arsenal. Anh ngay lập tức tạo được ảnh hưởng, ghi bàn ấn định chiến thắng cho Pháo thủ ở trận tranh Community Shield. Trong 6 năm ở bắc London, Gilberto đã được trao băng đội phó, vô địch Premier League và 2 Cúp FA, đồng thời nắm kỷ lục cầu thủ ghi bàn sớm nhất trong một trận đấu Champions League. Anh còn là thành viên chủ chốt của đội hình Arsenal vô địch Anh bất bại. Sau hơn 200 trận cho đội bóng của HLV Arsene Wenger, Gilberto Silva chuyển sang Panathinaikos năm 2011, nơi anh lại giành chức VĐQG và Cúp QG Hy Lạp. Tháng 1/2013, anh trở lại với CLB quê nhà Atletico Mineiro.

11. Javier Mascherano, Argentina (World Cup 2006, từ Corinthians tới West Ham United)
West Ham đã khiến nhiều người kinh ngạc khi tuyên bố sở hữu 2 ngôi sáng giá của bóng đá Argentina ở World Cup 2006, Carlos Tevez và Javier Mascherano, ngay trước mũi những ông lớn của châu Âu. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra không như dự kiến và đội chủ sân Upton Park trải qua chuỗi 8 trận không thắng sau khi chào đón bộ đôi Nam Mỹ.


Javier Mascherano

Với riêng Mascherano, chuyển tới West Ham là một quyết định khôn ngoan vì nó mở đường cho anh tới khoác áo Liverpool. Ở Anfield, anh khẳng định mình là một trong những tiền vệ trụ hay nhất thế giới, có 2 năm rưỡi đáng nhớ trước khi chuyển tới Barcelona năm 2010 và bắt đầu được chất ngập những danh hiệu lớn.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x