ĐT Iran là một đội bóng… bất ổn

Việt Hà
Từ 12:31 ngày 21-11-2022
ĐT Iran có một thủ môn... bất ổn và một bối cảnh bất ổn khi họ đến tham dự World Cup 2022. Nếu như cầu thủ Anh chỉ nghĩ làm sao để giành chiến thắng thì cầu thủ Iran còn phải nghĩ… có nên biểu tình tại Qatar hay không.

Câu chuyện của Alireza Beiranvand xứng đáng dựng thành phim Hollywood. Thủ môn số một của ĐT Iran từng phải đi chăn cừu, rửa xe, phục vụ cửa hàng bánh pizza, quét dọn đường phố. Ở thời điểm khốn cùng nhất, Beiranvand đã từng là người vô gia cư. Nhưng sau đó bóng đá đã cứu vớt cuộc đời của thủ môn sinh năm 1992.

Hồi nhỏ, Beiranvand thường chơi một trò có tên là Dal Paran, tức là thi với chúng bạn xem ai ném đá xa nhất. Chính trò chơi đó giúp Beiranvand có cú ném bóng xa nhất thế giới. Tháng 10/2016, Beiranvand lập kỷ lục Guinness trong trận đấu vòng loại World Cup với Hàn Quốc bằng cú ném xa lên tới 61 mét. Sải tay dài, cơ vai khỏe và thói quen chơi trò Dal Paran hồi nhỏ giúp Beiranvand có một vũ khí cực kỳ lợi hại. Những quả ném bóng quá nửa sân của thủ môn này luôn là một cơ hội tấn công cho ĐT Iran.

Hãy tạm gạt qua câu chuyện về thủ môn kỳ dị của ĐT Iran mà nói về “vấn đề” của thầy trò Carlos Queiroz trên đất Qatar. “Các cầu thủ có quyền biểu tình miễn là không vi phạm các quy tắc của FIFA. Họ có quyền tự do thể hiện bản thân”, vị HLV người Bồ Đào Nha trả lời phóng viên của Sky (Anh) khi được hỏi cầu thủ Iran có định biểu tình tại Qatar hay không.

Đó đang là những gì diễn ra tại Iran. Kể từ tháng 9, người dân trên khắp quốc gia hồi giáo này đã liên tiếp biểu tình sau cái chết của cô gái Mahsa Amini (22 tuổi) trong đồn cảnh sát. Những cuộc biểu tình lan rộng khắp các tỉnh thành đã buộc chính phủ phải ra tay trấn áp, dẫn tới hàng nghìn người bị thương và hơn 150 người chết. Tổng thống Ebrahim Raisi cũng đã ra lệnh điều tra cái chết của Mahsa Amini.

Trong tay Queiroz là một tập thể... bất ổn

Bóng đá Iran không tránh khỏi ảnh hưởng từ bất ổn xã hội. Huyền thoại Ali Daei đã từ chối tham dự World Cup 2022 theo lời mời của nước chủ nhà Qatar do tình hình bất ổn trong nước. Tiền đạo Sardar Azmoun gây tranh cãi với những tuyên ngôn ủng hộ người biểu tình nhưng sau đó đã rút lại và nói lời xin lỗi. Azmoun cuối cùng cũng được Carlos Queiroz điền vào danh sách tới Qatar.

Carlos Queiroz đã nổi cáu khi bị tay phóng viên người Anh xoáy mãi vào chuyện biểu tình: “Anh trả tôi bao nhiêu để tôi còn trả lời. Đừng có mà nhét chữ vào miệng tôi”. ĐT Iran tới Qatar trong một cái nhìn “đặc biệt” từ cộng đồng quốc tế. Các cầu thủ Iran nếu không toàn tâm toàn ý vào trái bóng thì cũng là lẽ thường. Có thể người thân của họ đang xuống đường trên các đường phố Iran.

Những khó khăn vẫn đang bủa vây bóng đá Iran. Đi lên từ cơ hàn như thủ thành Alireza Beiranvand không phải chuyện hiếm với các cầu thủ Iran. Và đá bóng trong bối cảnh bất ổn chính trị, xã hội cũng là điều mà họ không còn quá xa lạ. Các cầu thủ Anh triệu phú có lẽ khó mà hiểu được điều này.

Thế nên cho dù bóng chưa lăn, những chàng trai của Carlos Queiroz cũng xứng đáng nhận được sự cổ vũ vì họ đã có mặt ở Qatar, tham gia tranh tài với những đội bóng “hạnh phúc” khác trên thế giới.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x