Vì sao bóng đá Hà Lan điêu tàn?

Kinh Thi
Từ 15:37 ngày 26-03-2021
Người ta đang bàn kế hoạch sáp nhập hai giải VĐQG Bỉ và Hà Lan. Chỉ bấy nhiêu thôi là cũng đã đủ để hình dung một điều: giải Eredivisie của Hà Lan chưa đủ bản lĩnh để có thể tự lực tự cường, dù đấy là giải đấu có đến 3 nhà vô địch cúp C1/Champions League. Giải VĐQG thế nào, thì nền bóng đá thế ấy.

Ngày xưa, người ta chia lịch sử bóng đá Hà Lan thành ba giai đoạn: “không có gì” trước khi Johan Cruyff xuất hiện, là cường quốc bóng đá hàng đầu thế giới trong những năm có Cruyff, rồi lại “trở về mo” sau khi thế hệ Cruyff lụi tàn. Sang kỷ nguyên hiện đại, bóng đá Hà Lan lại phất lên nhờ một sự kiện chính trị - xã hội. Thuộc địa cũ Surinam được trao chủ quyền, làm kích hoạt cả một làn sóng di dân mà kết quả là từ nửa sau thập niên 1980, cầu thủ gốc Surinam tràn ngập sân cỏ Hà Lan. “Chất thép” được bổ sung vào phẩm chất kỹ thuật và giá trị nghệ thuật, làm cho Hà Lan lại trở thành nền bóng đá siêu việt lần nữa.

Đấy cũng là những thời kỳ mà bản sắc riêng của các trường phái bóng đá luôn được phân biệt rõ ràng. Không những vậy, sự phân hóa, đối lập, tương sinh tương khắc, giữa các trường phái khác hẳn nhau làm cho bóng đá trở nên cực kỳ hấp dẫn. Bây giờ mà bàn về những chi tiết tuyệt vời như vậy, có khi người ta còn bị quy chụp tội “phân biệt”. Xã hội bây giờ quá khác. Pháp hoặc Đức đều đã vô địch World Cup với những cầu thủ vốn không phải là người Pháp hoặc Đức. Hà Lan thì không như vậy. Hà Lan vừa không bao giờ muốn, vừa không bao giờ có thể, trở thành đất nước “kiểu mẫu” của châu Âu thời toàn cầu hóa. Giới hâm mộ từng sốt ruột chờ đợi cầu thủ người Bờ Biển Ngà Salomon Kalou gia nhập quốc tịch Hà Lan và kịp tham dự World Cup 2006 trong thành phần “Oranje”. Giới chức Hà Lan lạnh lùng: không thể phá luật chỉ để ĐTQG có thêm ngôi sao dự World Cup.

Không ham hố “theo trend”, lại cũng không thể chống đỡ những chỗ hiểm ác của thời đại “bóng đá không còn là bóng đá”, Hà Lan mà không sa sút trong bản đồ bóng đá châu Âu thì đấy mới là chuyện lạ. Hơn ai hết, Frank de Boer phải hiểu rất rõ: phán quyết Bosman đã làm tan nát nền bóng đá nổi tiếng về khả năng đào tạo tài năng trẻ này như thế nào (ông chính là người trong cuộc). Còn bây giờ, khi mà yếu tố kinh tế quyết định tất cả, bóng đá Hà Lan lại điêu đứng vì giới hạn không thể vượt qua: dân số thấp, thị trường nhỏ.

World Cup 2018 và Euro 2016 là lần đầu tiên kể từ giữa thập niên 1980, đội tuyển Hà Lan vắng mặt ở hai giải đấu lớn liên tiếp. Ronald Koeman xuất sắc vực dậy “Oranje”, lấy vé dự VCK EURO 2020. Đành rằng Koeman quá ham dẫn dắt CLB cũ Barcelona. Nhưng có lẽ chính Koeman cũng thấy đội tuyển Hà Lan thời nay khó làm nên chuyện, với vài ngôi sao trong đội hình. Ông ra đi để dẫn dắt Barcelona, để lại cho người kế nhiệm Frank de Boer một đội tuyển có vẻ rất “hữu danh vô thực”.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x