Chuyên gia Phan Anh Tú: “ĐT Việt Nam cần giải quyết 3 câu hỏi: HLV, cầu thủ trụ cột và nhân tố mới”
“Cơ hội cho ĐT Việt Nam đúng là nhiều hơn. Lấy một con số tương đối làm ví dụ, giả sử chúng ta có 25% cơ hội ở những vòng loại World Cup trước đây thì với sự cởi mở của FIFA, ĐT Việt Nam cũng tăng lên khoảng 50% cơ hội.
Dẫu vậy, tôi cho rằng ĐT Việt Nam vẫn phải giải quyết 3 câu hỏi mang tính nội hàm. Đó là HLV, phong độ của các trụ cột hiện tại và nhân tố mới kế cận cho ĐT Việt Nam. Chúng ta cần biết rằng mỗi VCK World Cup là một chu kỳ kéo dài 4 năm. Ở đó, những thay đổi về nhân sự từ BHL đến các cầu thủ tại mỗi ĐTQG đều sẽ diễn ra. Tại vòng loại World Cup 2022, chúng ta đi đến vòng loại dành cho 12 đội châu Á mạnh nhất. Với HLV Park Hang Seo cùng thế hệ cầu thủ hay, bao hàm những nhân tố xuất thần, Việt Nam cũng đã có một thắng lợi trước Trung Quốc và một trận hòa với Nhật Bản. Điều đó như một sự khẳng định rằng Việt Nam không còn sợ các đối thủ lớn.
Nhưng trong thời gian tới, ĐT Việt Nam đương nhiên sẽ có những thay đổi. Câu hỏi đầu tiên mà chúng ta cần giải quyết là liệu rằng sau 4 năm, với một chu kỳ mới và vòng loại World Cup mới, các trụ cột đã chơi rất hay ở vòng loại vừa qua như Quang Hải, Hoàng Đức, Ngọc Hải, Văn Lâm… còn hiện diện hay có phong độ cao? Câu hỏi thứ hai mà tôi đặt ra là thế hệ kế cận cho lứa cầu thủ hiện tại là ai? Những nhân tố mới ở U19 và U23 Việt Nam đã đủ độc đáo, đặc sắc để thay thế hay sẵn sàng sát cánh ở chiến dịch mới? Quả thực lúc này, bóng đá Việt Nam vẫn chưa tìm được những cái tên đủ sức khiến người ta tin tưởng sẽ thay thế dần Công Phượng, Quang Hải trong tương lai.
Câu hỏi cuối cùng và cũng là quan trọng nhất mà tôi băn khoăn. Đó là liệu HLV Park Hang Seo có còn sát cánh cùng ĐT Việt Nam cho đến thời điểm đấy hay không? Có thể, ông ấy sẽ ở lại. Mà cũng có thể, ông ấy sẽ chia tay. Vậy khi không còn thầy Park, HLV nào sẽ thay thế dẫn dắt ĐT Việt Nam? Tất nhiên, chúng ta sẽ cố gắng tìm một HLV giỏi. Nhưng chúng ta cũng không dám chắc rằng người đó có phù hợp với ĐT Việt Nam hay không”.
Cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam: “Tiềm lực Việt Nam chưa thể đối đầu với các đội bóng Tây Á và Đông Á”
“Bóng đá Việt Nam đang có lứa cầu thủ rất hay, nhưng cố lắm vẫn chỉ ở Top 11-12 châu Á. Nhìn vậy thôi, để từ Top 12 xuống Top 8 không hề đơn giản. Tiềm lực bóng đá của chúng ta chưa lớn, khó có thể đối đầu các đội bóng ở Tây Á, vùng Vịnh, Đông Á… Chúng ta đầu tư 1 thì họ đầu tư 10. Tôi nghĩ, mục tiêu thiết thực nhất với Việt Nam là cạnh tranh ngôi vị số 1 Đông Nam Á với Thái Lan và thường xuyên có mặt ở vòng loại cuối World Cup để chứng minh, mình đã tiệm cận đẳng cấp châu lục. Lần này có mặt ỏ vòng loại cuối mà kỳ sau lại vắng, nhiều người sẽ xem đó là sự… ăn may”.
Cựu HLV Philippe Troussier: “Việt Nam có thể học hỏi Nhật Bản”
“Tôi rất vui với thành tích mà ĐT Việt Nam giành được trong vài năm qua. Việt Nam thắng những đối thủ cùng khu vực nhờ lối đá chặt chẽ và chờ đợi cơ hội phản công.
Việt Nam có thể học hỏi Nhật Bản trên một số khía cạnh phát triển bóng đá, dĩ nhiên là trong điều kiện cho phép phù hợp với tiềm lực. Ví dụ Nhật Bản có thể đem theo đầu bếp riêng, nhân viên làm móng hay nha sĩ với mục đích dự phòng cho mọi tình huống xấu nhất, nhưng nó cũng vô tình tạo ra môi trường quá hoàn hảo. Cầu thủ cần được trang bị điều kiện đủ tốt, nhưng cũng cần nếm trải sự gian khổ. Bằng không, họ khó lòng điều chỉnh và lập tức dao động khi khó khăn ập tới trong trận đấu”.
Nhà môi giới Jernej Kamensek: “Bóng đá Việt Nam cần các chuyên gia ở nhiều ngành”
“Với ĐT Việt Nam, tôi đánh giá các cầu thủ vẫn ở mức độ khá. Tôi nghĩ tổng thể bóng đá Việt Nam theo thời gian sẽ phát triển lên. Theo quan sát của tôi, Việt Nam có nhiều gương mặt trẻ tiềm năng. Tuy nhiên, một vấn đề ở đây là các bạn đang thiếu những HLV giỏi, thiếu các chuyên gia về dinh dưỡng, thể lực, khoa học, y tế… Nền bóng đá Việt Nam như một bệ phóng. Bệ phóng càng mạnh thì con tàu mang tên ĐT Việt Nam mới bay lên cao được ”.