10 năm đuổi bắt, Man City đã tiệm cận M.U

Lộc Trần
14:52 ngày 04-12-2015
Không còn nghi ngờ gì về sức mạnh của đồng tiền khi chỉ sau 10 năm, Man City từ một gã hàng xóm ồn ào đã vươn đến tầm vóc và danh tiếng của M.U.
10 năm đuổi bắt, Man City đã tiệm cận M.U
Việc Man City bán 13% cổ phần CFG cho một tập đoàn Trung Quốc đã giúp thu về số tiền 265 triệu bảng, qua đó đưa đội chủ sân Etihad vươn lên trở thành CLB giàu thứ 4 thế giới, ngay phía sau M.U. Đây là một bước tiến dài nằm trong kế hoạch chu toàn nhằm nâng tầm Man City, đưa họ từ một tập thể làng nhàng 10 năm trước vượt qua cái bóng khổng lồ của M.U.

Mùa 2005/06

Man City để mất ngôi sao sáng giá nhất trong đội hình là Shaun Wright-Phillips vào tay Chelsea với giá 21 triệu bảng. Theo chiều ngược lại, những lão tướng như Andy Cole hay Darius Vassell được đưa về. Chất lượng đội hình City thời ấy thấp đến mức một cầu thủ Trung Quốc như Sun Jihai cũng là một trụ cột. Cuối mùa, họ cán đích ở vị trí thứ 15.


Về phần M.U, Sir Alex Ferguson dù rất cố gắng nhưng vẫn bất lực nhìn tập thể của mình mùa thứ 3 liên tiếp không thể vô địch giải Ngoại hạng. Trong tâm trí những người ở Old Trafford lúc đó, Chelsea và Roman Abramovich mới là đối thủ chính, còn Man City chỉ là âm thanh vo ve không đáng quan tâm.

Đội hình nghèo nàn của Man City

Mùa 2006/07

M.U cuối cùng cũng chấm dứt cơn hạn hán danh hiệu giải quốc nội dài nhất trong lịch sử tham dự Premier League bằng sự xuất sắc của bộ đôi Wayne Rooney và Cristiano Ronaldo. Những tân binh được mang về trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2006 như Nemanja Vidic hay Patrice Evra đóng góp rất lớn trong việc gia cố hàng phòng ngự, điểm yếu lớn nhất của Quỷ đỏ thời đấy.


Về phần City, những nỗ lực không mệt mỏi của Joey Barton và các tân binh miễn phí như Ousmane Dabo, Emile Mpenza giúp họ cải thiện được… 1 bậc trên BXH vào cuối mùa.

Chức vô địch sau 3 năm của M.U

Mùa 2007/08

Phong độ cực cao của Ronaldo với 31 bàn thắng tiếp tục giúp M.U bay cao tại Premier League, thậm chí Quỷ đỏ còn giành luôn cả chức vô địch Champions League sau khi đánh bại Chelsea trên chấm penalty. Sự bổ sung của Owen Hargreaves, Anderson và Nani giúp Sir Alex tăng cường tuyến giữa và là bàn đạp cho sự bùng nổ của hàng công.


Man City có mùa giải mua sắm bận rộn đầu tiên sau khi tài chính được bổ sung nguồn tiền khổng lồ từ tân chủ tịch Thaksin Shinawatra. Nhà tài phiệt Thái Lan chỉ mất 81,6 triệu bảng để nắm quyền điều hành CLB và nhanh chóng đưa Sven-Goran Eriksson lên ghế huấn luyện. Sự tiến triển là điều không bàn cãi, City leo lên thứ 9 vào cuối mùa.

Những bản hợp đồng của Eriksson

Mùa 2008/09

Vì những rắc rối chính trị tại quê nhà, Thaksin buộc phải bán lại CLB cho tập đoàn Abu Dhabi. Ông chủ mới là Sheikh Mansour hứa hẹn sẽ xây dựng một đế chế màu xanh, đủ sức cạnh tranh ngôi vô địch trong tương lai gần. Tiền bạc được vung ra trên thị trường chuyển nhượng. Man City chào đón “bom tấn” đầu tiên mang tên Robinho từ Real Madrid. Tiếp sau đó, Shay Given, Nigel de Jong, Craig Bellamy, Pablo Zabaleta, Vincent Kompany lần lượt được đưa về.


Dẫu vậy, mọi chuyện không đi đúng như sự kỳ vọng của những nhà đầu tư Qatar khi City chỉ xếp thứ 10 chung cuộc. Còn với M.U, dù chỉ có đúng Dimitar Berbatov là tân binh nổi bật, nhưng Quỷ đỏ cũng đủ sức lần thứ 3 liên tiếp vô địch giải Ngoại hạng.

Robinho là bản hợp đồng kỷ lục của Man City

Mùa 2009/10

Sheikh Mansour tất nhiên không chịu dừng lại. Tiền tiếp tục được bỏ ra. Gây chấn động nhất là việc Man City chiêu mộ Carlos Tevez, tiền đạo mùa trước còn thuộc biên chế M.U. Joleon Lescott, Kolo Toure, Emmanuel Adebayor và Gareth Barry cũng được mang về, qua đó cải thiện vị trí đáng kể khi City xếp thứ 5 sau vòng 38.


Man City giờ đây đã thực sự ý thức được vị trí của mình và lớn tiếng thách thức M.U bằng biểu ngữ “Chào mừng tới Manchester” được in trên nền ảnh của Tevez. Sir Alex dần ái ngại và gọi City là gã “hàng xóm ồn ào”, kể từ đó cái tên này được gắn chặt với hình ảnh của đội chủ sân Etihad. Với riêng M.U, sau 3 mùa thành công, họ đánh mất chức vô địch vào tay Chelsea.

Tấm biển chào mừng nổi tiếng của Man City

Mùa 2010/11

Tiếp tục một mùa giải số tiền chuyển nhượng của Man City vượt qua mốc 100 triệu bảng. Thay vì số lượng như trước, giờ chất lượng là thứ được The Citizens ý thức. Yaya Toure, David Silva, Mario Balotelli, James Milner, Edin Dzeko… khiến Etihad thêm chật chội. City chứng minh họ quá ồn ào để bị phớt lờ khi lọt vào Top 3 chung cuộc.


Sir Alex đã có sự để tâm nhất định tới Man City nhưng vẫn làm rất tốt công việc chính của mình. Chỉ bỏ ra vỏn vẹn 28,1 triệu bảng trên TTCN, M.U vẫn giữ được bộ khung và lối chơi ổn định, qua đó có chức vô địch Premier League thứ 4 trong 5 năm.

Mancini và những tân binh đắt giá

Mùa 2011/12

Không còn là kẻ thách thức, City đã chính thức rũ bùn đứng dậy. Bàn thắng muộn của tân binh đắt giá Sergio Aguero mang về chức vô địch giải quốc nội lần đầu tiên sau 44 năm cho City, đánh dấu một trong những cuộc đua đường trường kịch tính nhất tại xứ sương mù từ trước tới nay.


Với M.U, họ đã tự đánh mất lợi thế khi đánh rơi quá nhiều điểm số trong chặng nước rút. Dẫu vậy, Sir Alex cũng không thể phủ nhận Man City đã có một mùa giải xuất sắc. Quan trọng nhất, vị thế độc tôn của Quỷ đỏ tại thành Manchester đã bị phá vỡ. Cái uy luôn là thứ M.U mang đi “dọa” mọi đối thủ trong nhiều năm qua nhưng việc bị nẫng tay trên cúp bạc vào phút cuối quả thật là một đòn đau đánh vào sự tự tôn của nhà cựu vô địch.

Chức vô địch kịch tính của Man City

Mùa 2012/13

Ngay đến trong địa bàn, M.U còn không thể đứng nhất thì lấy đâu ra thực lực lớn tiếng tại trời Âu. Sir Alex quá hiểu điều này và quyết tâm mang về siêu sao Robin van Persie bất chấp sự phản đối từ nhiều phía. “Máy sấy tóc” trao cho tiền đạo người Hà Lan số 20 và anh hoàn toàn không phụ kỳ vọng. 26 bàn tại Premier League của Van Persie mang về chức vô địch quốc nội thứ 20 trong lịch sử. Đáng nói hơn, M.U lao về đích một cách mạnh mẽ, bỏ xa chính City với khoảng cách 11 điểm. Đây cũng là cái kết đẹp dành cho Sir Alex, chiến lược gia đã nói lời chia tay sự nghiệp dẫn dắt trong niềm nuối tiếc từ người hâm mộ.


Một cú tát đau điếng vào cái tôi mới lớn của “thiếu gia” Man City. Họ nhận thức được vị trí thực của mình và bắt đầu suy nghĩ đến chuyện thay đổi. Roberto Mancini là người phải hy sinh để mở đầu cho cuộc tái thiết.

Chức vô địch cuối cùng của Sir Alex


Mùa 2013/14

Sir Alex nhường ngôi cho “Người được chọn” David Moyes. Nhưng đây là một trong những cuộc chuyển giao tồi tệ nhất lịch sử của M.U. Trong khi Man City giành lại được ngôi vô địch thì Quỷ đỏ xếp thứ 7 vào cuối mùa. Moyes bị sa thải vào tháng 4 và trở thành một trong những người bị ghét nhất Old Trafford. Mất đi “la bàn” Sir Alex, M.U cho thấy đội bóng này cũng bình thường như bao tập thể khác và văng ra khá xa khỏi quỹ đạo mặc định.


Man City không chỉ đón tin vui trên sân cỏ. Đội bóng lắm tiền này làm cả Premier League ngỡ ngàng khi khai trương tổ hợp tập luyện trị giá đến 200 triệu bảng. City bắt đầu đầu tư cho tương lai và xây dựng dần những giá trị cốt lõi. Nói về vị thế, lần đầu tiên trong kỷ nguyên Premier League nửa xanh thành Manchester được đánh giá cao hơn nửa đỏ.

Man City đòi lại thành công chức vô địch

Mùa 2014/15

Tại Old Trafford, Moyes đi và Van Gaal đến. Sau kỳ World Cup 2014 khá thành công cùng Hà Lan trên đất Brazil, “Tuylip thép” đến để gây dựng lại một đế chế đang trong thời kỳ khủng hoảng. Muốn tái thiết thì cần phải có tiền. Hơn 150 triệu đã được van Gaal ném vào kỳ chuyển nhượng để mang về Ander Herrera, Luke Shaw, Marcos Rojo, Daley Blind và đáng chú ý nhất là Angel Di Maria. Nhưng khởi đầu như mơ trong những chuyến du đấu không giúp ích được nhiều cho Van Gaal. Bối rối trong triết lý, mâu thuẫn với những cá nhân khiến tất cả những gì ông thầy người Hà Lan làm được chỉ là kéo M.U quay trở lại Champions League trong mùa sau với vị trí thứ 4.


Tại Etihad, Manuel Pellegrini cảm nhận sự khó khăn tại nước Anh khi tập thể của ông chỉ xếp thứ 2 chung cuộc. Vẫn với những cá nhân đấy, thậm chí bổ sung thêm Eliaquim Mangala, Bacary Sagna, Fernando… nhưng lối chơi của The Citizens không còn đáp ứng được hiệu quả cần thiết.

Van Gaal và tân binh Di Maria

Mùa 2015/16

Tròn 10 năm, Man City giờ vẫn đang đứng đầu tại Premier League. M.U dù có cơ hội nhưng vẫn đang ngậm ngùi ở vị trí thứ 3. Xét về vị thế, tiền bạc, thực lực, không còn ai dám nói Quỷ đỏ vượt trội người hàng xóm như trước nữa. Đúng một thập kỷ, Man City lột xác hoàn toàn và phủ lên mình vẻ bề ngoài hào nhoáng. Đáng buồn, nó lại rơi đúng vào thời kỳ quá độ của M.U, khi mà sự chuyển giao không cặn kẽ gây ra sự đứt đoạn trong sự điều hành của những người đứng đầu.


Mùa giải mới chỉ đi được chưa đến một nửa và còn rất nhiều điều đáng chờ đợi trước mắt. Với thành Manchester, cuộc đua giờ vẫn vẹn nguyên sự máu lửa, hận thù truyền thống nhưng bổ sung thêm cả những chất xúc tác kịch tính ngoại lai.  

Sterling và De Bruyne đã hòa nhập rất tốt

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
32
+44
73
2
32
+49
71
3
32
+41
71
4
33
+19
63
5
32
+16
60
6
32
+17
50
7
32
-1
50
8
33
-6
48
9
31
+9
47
10
32
+2
44
11
32
-5
43
12
33
-2
42
13
32
-10
42
14
33
-11
32
15
32
-18
31
16
33
-16
26
17
33
-24
25
18
32
-16
23
19
33
-35
20
20
32
-53
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x