Bóng Đá Plus trên MXH

Hội chứng sùng bái cá nhân trong bóng đá: Ronaldo & Messi không phải là thần thánh!
15:08 ngày 01/12/2014
Ai có thể lớn hơn cả đội bóng? Câu trả lời chung là: Không một ai có thể đứng trên đội bóng. Song, thế giới sân cỏ hiện đang chứng kiến một vài siêu sao có tầm ảnh hưởng và sức hút còn lớn hơn đội bóng mà anh ta đang khoác áo. Đó chính là điển hình của hội chứng “sùng bái cá nhân” trong bóng đá.
    SỰ SÙNG BÁI CÁ NHÂN
    Lionel Messi đứng đó, đầu cúi gằm. Anh cố che giấu những giọt nước mắt, với đôi vai run bắn lên. Trong tay anh là Quả bóng Vàng World Cup. Messi không cần nó vào thời điểm này. Argentina của anh vừa thua trận Chung kết Cúp Thế giới, và cầm trên tay một giải thưởng cá nhân sau khi tiếng còi mãn cuộc cất lên giống như một thực tế tàn nhẫn. Đó là một giải thưởng vụng về của FIFA, trong ám ảnh về các giải thưởng cá nhân. Một ám ảnh cuồng loạn mà năm nào cũng bủa vây quanh Quả bóng Vàng như một thứ bệnh dịch hết thuốc chữa. Một phần, nó được tạo ra từ cuộc chiến bất tận giữa Real Madrid và Barcelona, hai đội bóng sở hữu Lionel Messi và Cristiano Ronaldo, những người thống trị Quả bóng Vàng 6 năm qua và có thể là nhiều năm tới.

    Nhưng một phần, nó nói lên bản chất truyền thông và bản chất của đám đông hiện đại. Các CĐV trung thành của 20-30 năm trước sẽ chỉ có một lựa chọn là đi xem các đội bóng địa phương thi đấu trên sân, và xem lại những diễn biến tóm tắt lẫn tin tức các trận khác qua truyền hình hay báo chí. 
    Về cơ bản, họ chỉ quan tâm đến những gì mình có thế chứng kiến tận mắt. Bây giờ, với sự bùng nổ của truyền hình trả tiền, thật dễ dàng để xem bất kỳ trận đấu trực tiếp nào ở bất cứ đầu trên Thế giới.


    Người hâm mộ bây giờ, vì thế, không còn quan tâm đến khía cạnh địa lý để kết nối cảm xúc nữa. Tình yêu bóng đá đã trở nên toàn cầu hóa, và cách CĐV quan tâm đến bóng đá cũng thay đổi rất nhiều: Họ không chú ý đặc biệt đến cách trận đấu vận hành, mà một cầu thủ đặc biệt dễ gây nhiều hứng thú hơn. 
    Với bóng đá hiện đại, “tiếp thị” một cá nhân bây giờ dễ dàng hơn nhiều so với một đội bóng. Cristiano Ronaldo, với vóc dáng khỏe khoắn, gương mặt điển trai và hàng lô bàn thắng, dễ được công chúng lưu tâm hơn là nắm bắt một cách mơ hồ truyền thống của một CLB và cố gắng phân biệt các cầu thủ làng nhàng trong đội với nhau.

    “Truyền thông và marketing đã làm mọi người có xu hướng cá nhân hóa mọi thứ trong bóng đá” - Tiền đạo ngôi sao Thierry Henry nhận xét: “Người ta ngừng nhấn mạnh về khía cạnh tập thể trong trận đấu, như một bàn thắng được tạo ra như thế nào, rồi chuyển trạng thái tấn công sang phòng ngự ra sao. Các trận đấu giờ tập trung vào các cá nhân. Các ngôi sao? Tốt thôi. Nhưng không thể tách họ khỏi tập thể được”.

    “Các bạn hẳn biết Michael Jordan, người đã ghi đến 60 điểm trong một trận đấu vào giai đoạn đầu sự nghiệp của anh ấy. Anh ấy ghi điểm ít đi khi Scottie Pippen và Horace Grant đến đội Chicago, nhưng đó mới là lúc anh ấy bắt đầu giành danh hiệu. Đó là sự thật. Anh ấy là ngôi sao trong một tập thể. Khi bạn không có phong độ tốt nhất, thì những người khác sẽ che giấu khuyết điểm của bạn”.

    KHÔNG THỂ GIÀNH CHIẾN THẮNG MỘT MÌNH
    HLV huyền thoại Arrigo Sacchi quan niệm rằng không có cách nào xây dựng đội bóng tốt hơn là “khiến các cầu thủ nói chung một thứ ngôn ngữ và có thể chơi bóng như một tập thể đích thực”, bởi “bạn không thể giành chiến quả một mình, và nếu có thể, thì điều đó cũng chẳng dài lâu”. 

    Khi dẫn dắt AC Milan thần thánh với một dàn sao khủng năm 1988, Sacchi thường sử dụng những bài tập rất đặc biệt để tăng cường khả năng gắn kết và giúp các cầu thủ nhận thức được rằng không ai có thể vượt lên trên cả tập thể.

    HLV huyền thoại Arrigo Sacchi

    Ông thường cho các học trò chơi những trận đấu ma, tức là đấu tập với nhau nhưng không có... bóng, để tăng cường tưởng tượng và sự giao tiếp về tư duy. Có một bài tập khác rất nổi tiếng của Sacchi cho thấy sự vô nghĩa của cá nhân trong bóng đá. 

    “Tôi đã thuyết phục được Ruud Gullit và Marco van Basten rằng 5 cầu thủ phòng ngự có tổ chức có thể đánh bại được một đám đông vô tổ chức”. Sacchi chọn ra một hàng phòng ngự 5 người với Giovanni Galli làm thủ môn, và bộ tứ vệ là Mauro Tassotti, Paolo Maldini, Alessandro Costacurta và Franco Baresi.
    Phe tấn công có 10 người, bao gồm những ngôi sao vĩ đại nhất của Milan bấy giờ, là Gullit, Van Basten, Paolo Virdis, Alberigo Evani, Carlo Ancelotti, Roberto Donadoni, Christian Lantignotti, Graziano Mannari và Frank Rijkaard. Luật chơi là phe tấn công có 15 phút để chọc thủng lưới phe phòng ngự, và nếu để mất bóng thì trận đấu sẽ bắt đầu lại từ vạch giữa sân.

    Kết quả? “Tôi đã thử nghiệm chuyện này nhiều lần và họ KHÔNG GHI NỔI lấy một bàn” - Sacchi xoa tay kết luận. Đó là một ‘thí nghiệm’ cho thấy rõ sự vô nghĩa của các cá nhân. Với một tập thể được tổ chức tốt, không điều gì là không thể.

    Sự ghê gớm của sức mạnh tập thể
    FIFA hẳn có dụng ý khi quy định trang phục ĐTQG cần phải rất đơn giản và các trận đấu luôn phải có hai màu áo sáng-tối phân biệt rất rõ ràng, nhưng môn bóng rổ không cần những sự “nhắc nhở” nhẹ nhàng kiểu ấy, mà tất cả dường như đều tự ý thức để tránh sự sùng bái cá nhân.

    Tháng 5/2009, nhà báo nổi tiếng Malcolm Gladwell (tác giả của cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” và nhiều quyển sách best-seller khác) có viết một bài trên tờ New Yorker kể lại câu chuyện thần kỳ của Viviek Ranadive, một người gần như không hề biết gì về bóng rổ trước khi nhận lời huấn luyện đội bóng Redwood City của cô con gái 12 tuổi.

    Với một chút hiểu biết về chiến thuật bóng đá, Ranadive đã dẫn dắt Redwood City, vốn được xem là một tập thể không ngôi sao và chẳng có hy vọng gì, vượt qua rất nhiều đối thủ sừng sỏ và vào đến vòng play-off, trước khi dừng bước vì trọng tài cho rằng lối chơi của họ phá luật quá nhiều và liên tục bắt lỗi.

    Sự kiện ấy đã tạo ra những tranh cãi trái chiều trong làng bóng rổ, và rõ ràng là thành công của một kẻ ngoại đạo rất khó được chấp nhận. Phòng thủ theo khu vực thậm chí còn bị cấm ở giải bóng rổ nhà nghề Mỹ trước khi mùa giải 2001/02 khởi tranh. Nhưng dù câu chuyện này đúng hay sai, thì nó cũng cho thấy sự ghê gớm của sức mạnh tập thể.

    Ronaldo được quan tâm hơn cả... Real Madrid
    Cristiano Ronaldo hiện nhận được hơn 102 triệu người ấn Follow (theo dõi) trên mạng xã hội Facebook, trong khi con số ấy của Lionel Messi là gần 77 triệu người. Bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng Ronaldo còn nhận được sự quan tâm nhiều hơn chính CLB Real Madrid, đội bóng chỉ có hơn 78 triệu người follow trên Facebook. Barcelona nhận được sự quan tâm cũng chỉ xấp xỉ Messi, với hơn 79 triệu người theo dõi. 


    Trên Twitter, lượng người ấn Follow tài khoản của Ronaldo thậm chí còn nhiều gần gấp ba lần lượng người theo dõi Twitter của CLB Real Madrid (31,5 triệu so với 13,1 triệu). Ngôi sao người BĐN chính là cầu thủ có lượng người theo dõi trên Twitter nhiều nhất, trong khi Messi, khá kỳ lạ, chỉ được 301 nghìn người theo dõi qua Twitter.
    An Ngọc Linh • 15:08 ngày 01/12/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay