Bóng Đá Plus trên MXH

Mặt tối sau ánh hào quang của các game thủ

13:48 ngày 03/10/2019
Ai cũng nghĩ làm game thủ chuyên nghiệp là niềm hạnh phúc, chỉ chơi thôi cũng có tiền. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không đúng chút nào. Giống như các VĐV thể thao chuyên nghiệp khác, game thủ cũng phải chống chọi với những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.

    Biết mù lòa vẫn chơi

    Tháng 9 năm nay, các game thủ trên toàn thế giới đổ dồn đến Thượng Hải tham dự giải DOTA 2 quốc tế. Chiến thắng chung cuộc thuộc về 5 thành viên của một đội có tên OG team. Mỗi người trong số họ nhận khoản tiền thưởng lên tới 3 triệu USD. Ngay cả những nhà vô địch Grand Slam ở môn quần vợt cũng không được cầm số tiền thưởng lớn như thế.

    Đâu là lý do để các đơn vị tổ chức eSports hào phóng trả tiền thưởng sộp cho các game thủ đến vậy? Đầu tiên, đây là ngành công nghiệp mới nổi đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Trong năm nay, doanh thu từ esports được kỳ vọng vượt qua con số 1 tỷ USD và có 545 triệu người theo dõi thường xuyên. Lý do thứ hai nằm ở những nhà phát hành game.

    Tiền thưởng cho game thủ càng lớn, các nhà phát hành càng kích thích người chơi cống nạp tiền cho họ. Cơ hội trở thành game thủ chuyên nghiệp còn thấp hơn cả trúng xổ số độc đắc, và người hưởng lợi nhiều nhất dĩ nhiên là các nhà phát hành. Bất chấp những cảnh báo cho thấy chơi game nhiều có hại cho sức khỏe, các game thủ lao vào cày thâu đêm suốt sáng để mơ trở thành nhà vô địch.

    Để bước lên đỉnh vinh quang, các game thủ đã phải trả giá khá đắt cho chính sức khỏe và mạng sống của mình
    Để bước lên đỉnh vinh quang, các game thủ đã phải trả giá khá đắt cho chính sức khỏe và mạng sống của mình

    Trong giải DOTA 2 quốc tế, một game thủ 24 tuổi từ Kyrgyzstan là Evgeniy “Blizzy” Ree tiết lộ, thị lực của anh suy giảm nghiêm trọng vì cày game. Tại bệnh viện, bác sĩ nhãn khoa khuyên Ree nên đeo kính khi chơi game, nhưng tốt nhất là tạm ngừng chơi nửa năm để mắt được thư giãn. Ông cảnh báo nếu phớt lờ, Ree có thể sớm gặp nguy cơ bị mù lòa.

    “Tôi biết bác sĩ khuyên đúng, nhưng cuối cùng tôi vẫn phớt lờ. Tôi còn trẻ, và cảm thấy mắt mình vẫn còn đủ tinh anh để theo đuổi eSports. Tôi không thích đeo kính, vì làm thế rất bất tiện. Nghỉ chơi game nửa năm ư? Càng không thể. Tôi cần chơi tiếp để kiếm tiền, thật nhiều tiền”, Ree chia sẻ trên Telegraph. Và thế là, Ree vẫn chơi game 12 tiếng một ngày dù biết rõ tác hại.

    Đi ngược lại xã hội

    Thể thao hiện đại ngày càng chú trọng vai trò của khoa học để giúp nâng cao thành tích thi đấu. Từ chế độ ăn uống, tập luyện, thậm chí cả giấc ngủ cũng có những chuyên gia hàng đầu tư vấn cho VĐV. Nhưng điều đó hoàn toàn không có ở eSports. Chẳng có HLV nào đi tư vấn dinh dưỡng hay sức khỏe cho game thủ cả, bởi giờ giấc sinh hoạt của họ vốn đã cực kỳ phản khoa học rồi.

    Mỗi ngày, một game thủ bỏ ra nhiều giờ đồng hồ ngồi trước màn hình máy tính. Đôi mắt thâm quầng, con ngươi như dại đi vì phải trừng mắt nhìn quá nhiều, hai tay khua chuột và bàn phím liên tục. Dĩ nhiên là chẳng có mấy game thủ tập thể dục, bởi họ chỉ biết ngồi lỳ bên bàn máy tính. Chuyện ăn uống của họ cũng vô tổ chức, với bữa ăn luôn là ngũ cốc chế biến sẵn cùng nước ngọt có ga.


    Nhiều người như Ree có thể tiếp tục phớt lờ lời khuyên từ các bác sĩ, nhưng mặt trái eSports mang lại là không thể chối cãi. Vài năm trước, làng eSports từng trầm trồ thán phục về tài năng của Lâm Du Hải, một game thủ người Mỹ gốc Việt trong trò chơi Liên Minh Huyền Thoại. Nhưng vào năm 2014, Hải suýt chết vì suy hô hấp khi chơi game. Lúc đó anh mới 22 tuổi.

    3 năm sau, Hải chính thức giải nghệ vì mắc thêm chứng thoái hóa khớp cổ tay. Tuy nhiên, Hải vẫn nằm trong số những người may mắn, vì anh có thể hoàn toàn dứt khỏi chuỗi ngày cày game thâu đêm suốt sáng. Một số game thủ khác còn có triệu chứng tâm thần, hoang tưởng vì chơi game quá nhiều.

    Không ai có thể can thiệp vào cuộc sống của các game thủ, vì chơi game không vi phạm pháp luật. Luật pháp không thể cấm một người tự hành xác ngày qua ngày. Điều đó khiến những game thủ trẻ có nguy cơ đi vào lối mòn của những bậc đàn anh như Lâm Du Hải mà không tìm được lối thoát ra.

    Tìm lại chính mình nhờ game
    Chơi game có nhiều tác hại. Nhưng chơi game cũng có thể mang lại những điều tích cực mà câu chuyện của Jake ‘Smeef’ Smith là minh chứng. Trong bài phỏng vấn với NY Times hồi tháng 4 năm ngoái, anh bộc bạch: “Hồi còn đi học, tôi cũng có chơi game nhưng ít lắm. Chủ yếu tôi chơi thể thao. Bóng bầu dục, bóng đá, bơi lội, môn nào tôi cũng giỏi. Nhưng rồi một ngày, các bác sĩ chẩn đoán tôi mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính. Tôi phải nghỉ học, cũng không được chơi thể thao nữa”.

    Chán nản trước cảnh ngồi nhà, Smith từng muốn buông xuôi và sống cuộc đời vô vị. Mọi thứ chỉ khác khi anh bắt đầu làm quen với game bắn súng Fortnite. Nhờ game, Smith có thêm bạn bè qua mạng, và có cả tiền nhờ chơi game giỏi. Anh vừa tham dự giải Fortnite World Cup và nhận số tiền thưởng 50.000 USD.

    Chơi game cũng có bán độ
    Ian Smith, Giám đốc Ủy ban Công bằng eSports ước tính thị trường cá độ game phi pháp có giá trị lên tới 2 tỷ USD. Chính những nhà cái chợ đen đẩy các game thủ tiến hành mua bán độ. Dàn xếp kết quả thi đấu trong những trận eSports rất phổ biến, nhưng lại rất khó phát hiện dấu hiệu phạm tội nên gần như không thể ngăn chặn.
    Cẩm Chi • 13:48 ngày 03/10/2019
    Tags: eSports game

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay