Dù từng ra mắt đội 1 Barca năm 2002 khi mới 18 tuổi, Andres Iniesta vẫn chỉ là một quân bài dự bị trong tay HLV Frank Rijkaard ở mùa 2005/06. Tiền vệ này chỉ đá chính 23 trong tổng số 49 trận, trong khi có tới 26 lần vào sân thay người. Và dù lối chơi khá tương đồng với Xavi, người mà Iniesta thế chỗ nhiều nhất ở mùa giải ấy lại là Edmilson với 4 lần, trong đó có trận chung kết Champions League mà Barca lội ngược dòng đánh bại Arsenal 2-1 tại Stade de France.
Giờ thì Keylor Navas đã có trong tay một bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ, với đỉnh cao là 3 chiếc cúp Champions League cùng Real Madrid. Nhưng trước khi được Los Blancos mua về sau những màn trình diễn ấn tượng tại World Cup 2014, thủ thành người Costa Rica từng chỉ là lựa chọn số 2 trước khung thành của Levante. Trong 2 mùa đầu khoác áo đội chủ sân Ciutat de Valencia sau khi chuyển đến từ Albacete, Navas chỉ được bắt có 10 trận. Và người bắt chính cho Levante khi ấy là Gustavo Munua.
Robert Lewandowski gia nhập Dortmund từ năm 2010 với giá 4,5 triệu euro, nhưng không được đá chính ở mùa ra mắt 2010/11. Thời điểm ấy, vị trí tiền đạo cắm của đội bóng vùng Ruhr vốn thuộc về Lucas Barrios. Phải 1 năm sau, nhờ cầu thủ người Paraguay dính chấn thương, Lewy mới bắt đầu thường xuyên góp mặt trong đội hình xuất phát của Dortmund. Để rồi sau khi ghi tới 30 bàn thắng trong 47 trận trên mọi đấu trường ở mùa 2011/12, không ai lấy được vị trí của chân sút người Ba Lan nữa.
Sau 2 năm lang bạt ở Salamanca và Osasuna, cuối cùng Carlos Vela cũng có giấy phép làm việc tại Anh để khoác áo Arsenal ở mùa 2008/09. Khi ấy, tiền đạo người Mexico được HLV Arsene Wenger coi là sự thay thế của Eduardo. Tuy nhiên, anh lại không cạnh tranh nổi một vị trí trên hàng công của The Gunners. Trong đó, không nói đến Robin van Persie và Emmanuel Adebayor, Vela thậm chí phải làm dự bị cho cả Nicklas Bendtner. Đó là lý do anh tiếp tục tới West Brom và Sociedad theo dạng cho mượn.
Ít ai biết là trước khi trở thành huyền thoại của Milan, Frank Rijkaard từng là cầu thủ dự bị tại Zaragoza. Câu chuyện diễn ra ở mùa 1987/88, khi tiền vệ này nổi loạn và tuyên bố không bao giờ làm việc với HLV Johan Cruyff nữa, để rồi bị tống tới Zaragoza theo hợp đồng cho mượn. Nhưng ngay cả ở đó, anh cũng không được thi đấu thường xuyên mà phải dự bị cho Jose Maria Lumbreras. Sau mùa giải thảm họa ấy, Rijkaard mới gia nhập Milan và trở thành tượng đài của sân San Siro.
Đầu mùa 2006/07, Zaragoza gõ cửa Old Trafford để hỏi mượn Gerard Pique và Man United lập tức đồng ý. Đơn giản vì khi ấy, trung vệ trẻ người Tây Ban Nha không thể chen chân vào đội 1 của Quỷ đỏ. Nhưng trong những ngày đầu trở lại Tây Ban Nha, Pique cũng không được đá chính. Một suất cứng đã thuộc về Gabriel Milito, và anh phải dự bị cho người đá cặp với cầu thủ người Argentina là Sergio Fernandez. Một điều thú vị là sau này, Pique và Milito lại trở thành đồng đội ở Barca.
Dù trở thành bản hợp đồng đắt nhất lịch sử Atletico khi được mua về từ Independiente năm 2006 với cái giá 20 triệu euro, mùa đầu tiên của Sergio Aguero ở châu Âu đã trôi qua khá lặng lẽ. Nguyên nhân là ngoài vị trí bất khả xâm phạm của Fernando Torres, HLV Javier Aguirre cũng thích dùng Mista hơn là tiền đạo trẻ người Argentina. Phải đến khi Torres chia tay Atletico, El Kun mới có được vị trí chính thức và lập tức bùng nổ với 27 bàn thắng sau 50 trận đấu ở mùa giải 2007/08.
Chuyến phiêu lưu đầu tiên ở nước ngoài của Jan Oblak thực ra không mấy hứa hẹn. Rời quê hương Slovenia, thủ thành này đến Benfica để rồi liên tục bị đem cho Beira Mar, Olhanense, Uniao de Leiria và Rio Ave mượn. Nhưng đến mùa 2013/14, cơ hội cuối cùng cũng đến với Oblak. Thủ môn số 1 của Benfica khi ấy, Artur Moraes liên tục mắc sai lầm nên HLV Jorge Jesus quyết định giao lại khung thành cho Oblak, người sau đó ẵm giải thủ môn xuất sắc nhất giải VĐQG Bồ Đào Nha vào cuối mùa.
Zaragoza có vẻ không phải là vùng đất “hợp phong thủy” với những tên tuổi lớn. Vì không chỉ có Frank Rijkaard, cả Cafu cũng từng thất bại ở sân La Romareda. Đội bóng xứ Aragon chính là điểm đến đầu tiên ở châu Âu mà hậu vệ phải lừng danh này lựa chọn sau khi rời Sao Paulo năm 1995. Nhưng dù cùng Zaragoza giành Cúp C2 ở mùa 1994/95, Cafu chỉ có 17 lần ra sân và thường xuyên phải ngồi dự bị cho Alberto Belsue. Kết quả là cuối mùa, anh trở lại Brazil khoác áo Palmeiras.
Federico Valverde chính là một trong những phát hiện lớn nhất của La Liga mùa này. Cùng với Ferland Mendy, tiền vệ người Uruguay đã ghi dấu ấn đậm nét vào màn hồi sinh của Real Madrid. Nhưng 2 mùa trước, anh chỉ là tiền vệ dự bị tại Deportivo. Khi đó, Valverde được Los Blancos đem cho đội bóng xứ Galicia mượn để tích lũy kinh nghiệm và ở sân Riazor, anh là dự bị của Guilherme. Hai năm sau, tiền vệ người Brazil giờ đã đến Hy Lạp chơi cho Olympiakos còn Valverde đang tỏa sáng ở Bernabeu.
XEM THÊM
Liverpool, M.U, Chelsea không được dự cúp châu Âu nếu Premier League hủy mùa giải