Bóng Đá Plus trên MXH

ĐT Việt Nam phải phòng ngự tốt trước Covid-19
08:59 ngày 29/07/2021
ĐT Việt Nam đang đối diện với một đối thủ khôn lường và nguy hiểm nhất từ trước đến nay, đó là Covid-19. Nếu không đánh bại được đối thủ này, chúng ta không thể nghĩ đến những đối thủ tiếp theo.

    Rất nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao ĐT Việt Nam lại tập trung sớm hơn dự kiến? Việc tập trung thời điểm này có thể khiến nhiều cầu thủ trong trước mắt gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc tìm đường ra Hà Nội trong bối cảnh nhiều địa phương giãn cách, thậm chí phong tỏa. Việc đi từ Bình Dương, TP.HCM ra Hà Nội lúc này có nhiều trở ngại. Tiếp đến, các cầu thủ sẽ phải tiến hành các thủ tục cách ly y tế khi đến từ vùng có dịch.

    Rất nhiều việc phải làm để ĐT Việt Nam hội quân tại Hà Nội lúc này. Thế nhưng, điều đó còn khiến các nhà quản lý an tâm hơn là việc để các tuyển thủ ở lại địa phương quá lâu. Đầu tiên là việc V.League đang tạm hoãn và chưa biết đến bao giờ mới thi đấu trở lại.

    Các CLB đã cho cầu thủ trở về nhà và không tiến hành tập luyện. Việc nghỉ ngơi quá lâu có thể ảnh hưởng đến thể lực các cầu thủ. Nếu không sớm có biện pháp, các cầu thủ khó lòng có được phong độ cao nhất cho vòng loại thứ 2 World Cup.

    Điều mà VFF và ban huấn luyện ĐT Việt Nam tâm tiếp theo chính là bảo vệ các cầu thủ khỏi sự tấn công của Covid-19. Hầu hết các địa phương đang phải đối diện với mối nguy cơ từ đại dịch. Đặc biệt, các tỉnh phía Nam tình hình dịch bệnh ngày càng leo thang. Bất cứ ai cũng có thể trở thành bệnh nhân trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.

    Vì thế, bảo vệ các tuyển thủ khỏi mối nguy cơ chính là bảo vệ sức mạnh của đội tuyển. Chúng ta không muốn mất bất cứ cầu thủ nào vì Covid-19 trong hành trình chuẩn bị cho vòng loại World Cup.

    Tập trung sớm, đưa các cầu thủ vào vòng tròn quản lý khép kín là cách tốt nhất để hoàn thành mục tiêu kép của đội tuyển. Ban huấn luyện vừa có thể bồi đắp thể lực, chuyên môn cho các tuyển thủ vừa bảo vệ họ khỏi sự tấn công của Covid-19. Sự linh hoạt và quyết liệt trong triển khai kế hoạch tập trung, tập luyện trong bối cảnh dịch bệnh leo thang là điều hết sức cần thiết lúc này.

    Chúng ta không thể ngồi chờ đại dịch thuyên giảm trong khi quỹ thời gian không còn nhiều. Kinh nghiệm từ vòng loại thứ 2 World Cup đã giúp các nhà quản lý thêm kinh nghiệm trong ứng phó với làn sóng dịch thứ 4. Trước đó, các cầu thủ đã được tập luyện sinh hoạt trong vành đai bảo vệ chặt chẽ.

    Họ sinh hoạt tại khách sạn, đến thẳng khu huấn luyện tại VFF và được yêu cầu tránh tiếp xúc với người bên ngoài. Cùng với việc các thành viên của đội được tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên khi sang UAE, trải qua thời gian dài thi đấu nhưng không có bất cứ cầu thủ nào gặp vấn đề về sức khỏe.

    Bảo vệ các cầu thủ khỏi những tác động tiêu cực từ đại dịch là yêu cầu sống còn với đội tuyển. Nó cũng là giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu của bóng đá Việt Nam trong chặng đường còn lại. Từ vòng loại World Cup, vòng loại U23 châu Á đến AFF Cup 2020 đều cần những bước đi chủ động, kiên quyết và linh hoạt trong phòng chống dịch.

    Nói cách khác, việc thành bại trong những mục tiêu trọng điểm năm 2021 phụ thuộc lớn vào khả năng thích ứng, chung sống vừa vượt qua đại dịch Covid-19 của những người làm bóng đá. 

    Bóng đá Việt Nam thành công trong thời gian qua nhờ chiến thuật phòng ngự phản công. Chúng ta xây chắc khả năng phòng ngự với phương châm, trước khi ghi bàn, đừng để thủng lưới. Lối chơi ấy được cho là phù hợp với bóng đá Việt Nam.

    Nhưng, trong bối cảnh đại dịch đang bùng nổ thì khái niệm phòng ngự cần được mở rộng nội dung. Không chỉ phòng ngự trước các đối thủ mà cần có được sự ứng biến với thời cuộc. Chúng ta đang ở lằn ranh mong manh về thắng-bại, thậm chí là sụp đổ mọi kế hoạch nếu không giữ được “trạng thái bình thường mới”.

    Thậm chí, những thành tựu trong chống dịch và phát triển của bóng đá sẽ đối diện với nguy cơ phá sản nếu trong thời gian tới đây, các nhà quản lý, những người làm bóng đá không tìm được tiếng nói chung và hành động chung.

    *Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

    Khắc Sơn • 08:59 ngày 29/07/2021

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay