Những người trong nghề thường gọi bối cảnh trận đấu ấy bằng 2 từ dân dã là “soi gương”. Bởi lẽ, cả Việt Nam và Indonesia đều sử dụng sơ đồ chiến thuật 3-4-3. Đó là hệ thống mà nếu đặt trên sa bàn, thì từng vị trí của mỗi bên có một đối thủ có khu vực hoạt động tương ứng. Ba trung vệ với 3 tiền đạo, 2 cặp tiền vệ trung tâm và 2 cặp cầu thủ chạy cánh đối đầu nhau. Thế trận “soi gương” như thế có thể đưa hai đội vào một cuộc đấu nặng tính thể chất, nơi những tình huống tranh chấp diễn ra liên tục.
Indonesia trước kia đã nổi tiếng với phong cách bóng đá ấy, giờ lại càng tự tin hơn với chất lượng những cầu thủ nhập tịch mà họ có trong đội hình. Nói không quá, đội bóng được dẫn dắt bởi ông Shin Tae-yong từng nhiều lần thất bại trước Việt Nam của HLV Park Hang-seo bởi chất lượng nhân sự, nhưng giờ đã đủ mạnh mẽ để đương đầu với tập thể được dẫn dắt bởi HLV Philippe Troussier.
Trong lần hai bên chạm trán nhau tại Qatar hồi đầu năm vừa rồi, cặp tiền vệ tuổi đôi mươi Marselino Ferdinan và Ivar Jenner quá cơ động và giỏi tranh chấp, các trung vệ của Indonesia sẵn sàng đá quyết liệt khi phòng ngự trước mặt, còn tiền đạo gốc Hà Lan Rafael Struick chính là người khiến trung vệ Thanh Bình mắc lỗi trong pha bóng dẫn đến bàn thắng duy nhất của trận đấu.
Đứng ở góc độ tiếp cận trận đấu từ Indonesia vào lúc này, họ hẳn là rất hào hứng cho 2 lần tái đấu sắp tới. Nếu đôi bên cứ duy trì bối cảnh trận đấu theo kiểu “soi gương” ấy, đội bóng của Shin Tae-yong hẳn không ngại đại diện cùng khu vực. Đừng quên rằng, họ vẫn đang làm dày đội hình của mình bằng những cá nhân được nhập tịch trong thời gian qua.
Với ông Philippe Troussier, triết lý kiểm soát bóng của vị chiến lược gia người Pháp được xây dựng trên nền tảng của những đường chuyền. Phải thừa nhận rằng đó là xu hướng của bóng đá thế giới. Và cũng cần thừa nhận rằng ông Troussier cực kì tâm huyết với niềm tin của mình, từ những chi tiết nhỏ nhất trên sân tập.
Lý tưởng nhất, quả bóng luôn lăn nhanh hơn người di chuyển. Đó chính là điều ĐT Việt Nam hướng đến, tạo lợi thế quân số ở một khu vực, sử dụng chất lượng đường chuyền của các cá nhân ở tuyến dưới để mở ra khoảng trống cho các cầu thủ tấn công ở phía trước.
Thực tế là các học trò của ông Troussier đã có những thời điểm làm tốt những gì vị chiến lược gia người Pháp mong muốn. Tuy vậy, cảm giác bao trùm hơn vẫn là sự thiếu hoàn thiện của ĐT Việt Nam vào lúc này. Quả bóng đôi khi không đi với tốc độ đủ nhanh để loại bỏ đối phương, tính đồng bộ trong những pha di chuyển và phối hợp nhóm chưa thực sự được vận hành hợp lý nhất có thể.
Đứng ở góc độ tiếp cận trận đấu từ ĐT Việt Nam vào lúc này, chúng ta hẳn sẽ không muốn những gì đã diễn ra tại Asian Cup tái hiện. Nếu diễn biến trận đấu cứ phụ thuộc nhiều vào những cuộc chiến về thể chất, thể lực và cả tinh thần chơi như thế, các học trò của ông Troussier mới là những người bất lợi. Nên nhớ rằng, 2 đội sẽ đá trận lượt đi tại Gelora Bung Karno - sân vận động có sức chứa tới hơn 10 vạn người và sở hữu bầu không khí “khó thở” với bất kì đội khách nào.
Lựa chọn nào cho ông Troussier?
Sự trở lại của tiền đạo Nguyễn Tiến Linh và tiền vệ trung tâm Nguyễn Hoàng Đức có thể là một yếu tố quan trọng với ĐT Việt Nam lúc này. Tiến Linh rõ ràng chất lượng hơn Văn Tùng, trong khi Hoàng Đức giỏi hơn Tuấn Anh xét riêng ở bối cảnh trận đấu với cường độ cao trước Indonesia.
Như đã nói, ở những cuộc đấu 1-1 trên sân, ĐT Việt Nam đã có một trận đấu thua thiệt hoàn toàn. Thế nhưng, mọi chuyện sẽ hoàn toàn thay đổi nếu chúng ta sở hữu những con người có đủ khả năng loại bỏ sức ép của đối thủ bằng kĩ thuật cá nhân, đặc biệt là ở khu vực trung lộ. Định hướng gây áp lực của Indonesia sẽ là hoàn hảo nếu họ chiếm lợi thế ở tất cả các tình huống tranh chấp tay đôi, nhưng sẽ trở thành một điểm bất lợi với chính họ nếu một cá nhân trong đội hình để đối phương loại bỏ.
Lựa chọn kiên định với hệ thống 3-4-3 của ông Troussier sẽ cần những khoảnh khắc đột biến từ những cá nhân ở trục dọc như Hoàng Đức và Tiến Linh. Nhưng đương nhiên, sẽ không dễ để từng cá nhân của ĐT Việt Nam xoay trở trước áp lực, trong sự “soi gương” của 2 sơ đồ chiến thuật giống nhau. Đó vẫn sẽ là một bối cảnh trận đấu mang nặng tính thể chất như những gì đã diễn ra 2 tháng trước.
Xét trên góc nhìn ấy, 3-5-2 hoàn toàn có thể là một giải pháp đáng để cân nhắc. Có 2 điểm ưu việt của hệ thống chiến thuật 3-5-2 so với sơ đồ 3-4-3 với riêng ĐT Việt Nam khi đối đầu với Indonesia vào lúc này.
Thứ nhất, đó là lựa chọn giúp tuyến giữa có được lợi thế quân số so với đối thủ. Với 3 tiền vệ trung tâm, những cá nhân như Thái Sơn, Hùng Dũng hay Hoàng Đức hẳn sẽ dễ thở hơn trước sức ép liên tiếp của đối thủ, có nhiều thời gian hơn một chút để xử lý quả bóng, và cùng với đó có nhiều hơn những lựa chọn chuyền bóng ở cự ly gần. Trên thực tế, trong tay ông Troussier có những cá nhân đã thành thục với vị trí tiền vệ trụ như Thái Sơn hay Lê Phạm Thành Long, và những con người giỏi ở vai trò của những “số 8” như Hùng Dũng, Hoàng Đức hay cả Quang Hải.
Cần nhắc lại rằng, tại chính Asian Cup, sự xuất hiện một cầu thủ có sở trường chơi ở tuyến giữa như Đỗ Hùng Dũng, ngay cả khi tiền vệ của Hà Nội chơi trong vai trò tiền vệ tấn công đã giúp khả năng triển khai bóng của ĐT Việt Nam thanh thoát hơn trong 2 trận đấu trước Nhật Bản và Iraq.
Thứ hai, 3-5-2 là hệ thống hoàn toàn có thể giải quyết bài toán chất lượng của các trung phong hiện tại. Tiến Linh, Văn Tùng hay cả Nhâm Mạnh Dũng đều không thể hiện chất lượng quá vượt trội nếu phải chơi độc lập. Vì thế, đặt một cá nhân có thể gây rối loạn cho hàng phòng ngự đối phương kiểu như Đình Bắc hay Văn Toàn gần với những người chơi cao nhất trên hàng công có lẽ sẽ là một phương án không hề tồi.
Những cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Indonesia lúc này đã ở một bối cảnh rất khác. Chưa xét đến nền tảng kĩ, chiến thuật, đội bóng của HLV Shin Tae-yong ở thời điểm hiện tại chắc chắn là những người vượt trội hơn về sức mạnh thể chất. Đó sẽ là một thử thách cho HLV Philippe Troussier và các học trò.