Đan Mạch & tinh thần đấu tranh kiểu Nielsen

phạm an
08:50 ngày 12-06-2021
Năm 2006, khi LĐBĐ Đan Mạch mở Ngôi nhà danh vọng, tất nhiên là tập thể đã giúp đất nước này vô địch EURO 1992 được ghi danh, nhưng trừ một cái tên. Đấy là Richard Moeller Nielsen, người đã ngồi vào ghế HLV trưởng năm ấy một cách bất đắc dĩ.

“Người chữa cháy” bất đắc dĩ

Sau khi người tiền nhiệm rời ghế vào năm 1990, Nielsen đứng chót trong một danh sách 8 người và chỉ được chọn khi 7 người kia… từ chối. Chủ tịch LĐBĐ Đan Mạch khi ấy còn nói mỉa: “Đến bà tôi cũng huấn luyện được như Richard Moeller”.

Trước đó, Đan Mạch đã để lại vui buồn lẫn lộn ở World Cup 1986, với thế hệ vàng của Michael Laudrup, Allan Simonsen và Frank Arnesen. Họ đứng đầu bảng tử thần có Tây Đức góp mặt, với chiến thắng giòn giã 6-1 trước Uruguay, rồi lại vỡ vụn 1-5 khi gặp Tây Ban Nha ở vòng 1/8. 
Nhưng với những người Đan Mạch, chừng ấy đã là quá đủ: “Những chú lính chì” đã chơi một thứ bóng đá tấn công giàu tính giải trí, làm hài lòng các cổ động viên lẫn cánh báo chí. Quốc gia Bắc Âu nhỏ bé này trong nhiều năm đều nằm trong danh sách yên bình và hạnh phúc bậc nhất thế giới, thường không đặt tính cạnh tranh và kết quả lên danh sách ưu tiên.

Đấy là một phần văn hóa của họ. Đầu năm nay, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, Đan Mạch mở một trong những Bảo tàng Hạnh phúc đầu tiên trên thế giới, như để khẳng định rằng đất nước này vẫn có thể tìm thấy niềm vui, bất chấp ngoại cảnh đang khắc nghiệt đến thế nào. Trong tiếng Đan Mạch có một từ tiêu biểu là “hygge”, với nghĩa đại khái là cảm giác thoải mái và tâm trạng thư thái. 

Luật Jante (Janteloven), một bộ quy tắc ứng xử phổ biến tại Đan Mạch và các nước Bắc Âu nói chung, có thể giải thích được thái độ bình quân chủ nghĩa của đất nước này: nó nhấn mạnh rằng bạn đừng nên nghĩ rằng mình tốt hơn người khác, và những tham vọng cá nhân quá mức hay sự bất phục tùng đều là không phù hợp.

HLV Nielsen, về cơ bản, là tập hợp của những gì chống lại thứ văn hóa phẳng lặng này. Khi dẫn dắt CLB Odense Boldklub vô địch Đan Mạch vào năm 1977, ông vẫn bị chỉ trích vì lối chơi chặt chẽ đến buồn chán, và sự sắt đá khi quyết định cho ngôi sao giàu tính giải trí nhất đội là Alan Simonsen ngồi dự bị.

Khi dẫn dắt đội tuyển Đan Mạch, ông làm anh em nhà Laudrup bất mãn vì triết lý nặng về phòng ngự và kỷ luật của mình, đến mức tuyên bố chia tay đội tuyển (sau này Brian Laudrup đã bỏ qua mâu thuẫn này để dự EURO). Các cổ động viên cũng mạt sát Nielsen, sau khi đội nhà không thể vượt qua vòng loại EURO 1992. Ông phải chịu đựng, trong cô độc. 

Một chuyện cổ tích khác

Khi Đan Mạch bất ngờ được thay thế suất dự EURO 1992 của Nam Tư đang chìm trong nội chiến, Nielsen bốc máy triệu tập một đội hình mà đa số đã từng biết ông ở đội U21 Đan Mạch. Phần còn lại của câu chuyện, như chúng ta hay nói, đã trở thành lịch sử.

Nhưng người Đan Mạch vẫn không thừa nhận kỳ tích này. Cuối năm 1992, trong cuộc bầu chọn HLV xuất sắc nhất của bóng đá Đan Mạch, người chiến thắng là Ebbe Skovdahl của Brondby. Nielsen “chỉ” giành được danh hiệu HLV của năm do tạp chí World Soccer trao tặng. Mọi chuyện không đơn giản là bóng đá nữa. Nielsen đã thách thức thói quen chỉ ưu tiên hạnh phúc của đất nước này.

Nhưng đất nước này cũng có những câu chuyện cổ tích khác, mà đôi khi vận vào đời thực. Một trong số đó là Truyện đồng Silinh bạc của nhà văn chuyên kể truyện cổ Hans Christian Andersen, nói về một đồng silinh Anh bị đem ra khỏi quê hương của nó. Trên quãng đường lưu lạc, nó bị người đời “sỉ nhục” và coi như một đồng tiền giả, bị khoét một lỗ và bị khinh bỉ quăng đi. Chỉ khi về đến quê hương, mọi người mới thừa nhận giá trị của nó, cho dù đồng xu ấy đã bị thủng một lỗ. 

Không được may mắn đến thế, Nielsen không chờ được đến ngày chứng kiến giá trị do ông khởi xướng được thừa nhận: phải đến năm 2014, hai tuần sau khi qua đời, tên ông mới được xuất hiện trong Ngôi nhà danh vọng của bóng đá Đan Mạch. Cuộc khủng hoảng giá trị của chính Nielsen, nếu có, đã không được giải quyết ở kiếp này. 

Nhưng tinh thần này vẫn sống, với bất kỳ ai đã từng rơi vào sự hoang mang về giá trị bản thân. Như là Christian Eriksen, người đã gặp nhiều khó khăn sau khi chuyển từ Tottenham sang Inter Milan, thậm chí đã bị đưa vào danh sách chuyển nhượng tháng 1. Anh đã phải tranh đấu để trở lại, trước khi giành chức vô địch Serie A: “Tôi không bao giờ nghĩ nó sẽ dễ dàng. Tôi đã đảo ngược được tình thế”. 

Là Kasper Hjumand, HLV tuyển Đan Mạch hiện tại, người đã vò đầu bứt tai vì hai trận toàn thua đội Bỉ vào năm ngoái, trước khi kết luận rằng: “Khi chơi với những đội mạnh nhất, chúng ta phải thật sự nâng cấp bản thân”.

Và là tất cả những CĐV Đan Mạch vẫn còn chưa biết đến một khía cạnh khác của bóng đá lẫn cuộc sống này, ngoài việc tìm kiếm hạnh phúc: chịu đựng và đấu tranh. Bằng cả trái tim mình.

Triết gia tranh đấu
HLV hiện tại của tuyển Đan Mạch đã từng theo học triết học trước khi bước vào thế giới bóng đá. Chính trị, nghệ thuật và sách vở là các mối quan tâm khác của Kasper Hjulmand. Ông quyết định trở thành HLV sau khi sự nghiệp thi đấu kết thúc ở tuổi 26 vì chấn thương đầu gối. Bản sắc và tinh thần chiến đấu là những điều cực kỳ quan trọng trong triết lý của Hjulmand: ông đã từng dành nguyên năm để nghiên cứu xem những đội bóng thành công như tuyển Đức hay Liverpool đã làm thế nào. Ông nói với tờ Berlingske của Đan Mạch: “Nếu chúng ta phải tìm ra lợi thế cạnh tranh với tư cách một đất nước nhỏ thì mấu chốt là chúng ta phải hiểu rõ mình là ai”.  

 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x