ĐT Anh: Có chơi, có chịu!

Kinh Thi Kinh Thi
10:22 ngày 09-07-2021
Bóng đá có thể là trò chơi chính trị đầy những dối trá, bịp bợm. Bóng đá là thương mại nữa. Là tất tần tật. Với ĐT Anh, đây không phải là chuyện chém gió suông.

Tòa án công lý châu Âu định nghĩa bóng đá như vậy, và đấy là cơ sở để tòa án này buộc giới bóng đá phải tuân thủ các hiệp định về lao động, về công bằng cạnh tranh, về kinh tế của châu Âu, trong vụ kiện Bosman lịch sử, làm cho bộ mặt của bóng đá châu Âu thay đổi hoàn toàn từ giữa thập niên 1990.

Sự thật rành rành như vậy. Thế mà mỗi khi đụng chuyện, người ta cứ hay rao giảng: chỉ là trò chơi thôi mà! Cứ phải như thế thì mới ra vẻ rộng lượng, khoan dung. Ý là: chơi thôi, xin đừng cay cú làm gì. Quan trọng nhất là cứ tận hưởng. Ai thích xem môn bóng đá tuyệt vời, hãy cứ xem để tận hưởng nghệ thuật. Ai thích chơi bóng, hãy cứ chơi cho thỏa thích. Xin đừng nặng tính hơn thua, cay cú, so đo, chửi bới lẫn nhau. Đại khái như vậy!

Mới đây, có vẻ như đánh hơi được cái “nguy cơ” làm nên lịch sử của đội tuyển Anh, đây đó đã xuất hiện cách viết “tồi bại”, mà thoạt nghe thì rất ư là trí thức, đạo đức sáng ngời: “Hãy xin lỗi thầy trò Gareth Southgate!” Ý là những ai từng chỉ trích, chê bai ĐT Anh, thì chuẩn bị xin lỗi là vừa. Thậm chí là chưa cần lên ngôi vô địch, ĐT Anh cũng đã xứng đáng được nghe những xin lỗi rồi – từ phía những ai đã chê bai, không tin họ sẽ vào nổi chung kết EURO.

Đấy là ý tưởng cũ rích. Một tờ báo Pháp từng “xin lỗi Aime Jacquet”, khi ông này bị chỉ trích trước khi dẫn dắt Les Bleus vô địch World Cup 1998. “Một tờ báo” thôi, không phải tất cả. Và ngay khi ấy, tờ khác đáp trả, đại khái là khi bạn hay thì chúng tôi khen, khi bạn kém thì chúng tôi chê. Mỗi người mỗi việc. Và đấy là cái logic mà đáng lẽ con nít cũng phải hiểu. Không dám chấp nhận những sự chỉ trích, dè bỉu, thì “chơi” làm gì. Có chơi, có chịu chứ!

Và đấy là chỉ mới nói trên tinh thần “bóng đá là một trò chơi”. Bóng đá mà là kinh tế, chính trị, công việc, thì biết bao nhiêu người phải chịu ảnh hưởng từ một pha bóng vô trách nhiệm, một cú sút kém cỏi. Muốn không “ăn chửi” khi đá kém, đá ẩu, thế nào được!

Mọi khả năng đều có thể xảy ra trong trận chung kết EURO 2020. Người Ý thì quá quen rồi. Con nít vẽ hình Roberto Baggio ở vỉa hè, ghi tên anh, rồi đạp và phun nước bọt vào đấy, sau khi anh sút hỏng quả 11m luân lưu trong trận chung kết World Cup 1994. Người Brazil thì khinh miệt “vĩnh viễn” thủ môn Barbosa, chỉ vì ông là thủ môn và phải vào lưới nhặt bóng 2 lần, khi Brazil mất ngôi vô địch World Cup 1950 về tay Uruguay (chưa chắc Barbosa có lỗi trong các bàn thua). Thế còn người Anh?

Trận chung kết lịch sử chưa phải là tất cả. Vào được chung kết mà lại không thể lên ngôi vô địch, thì đấy cũng là một “tội” (bỏ lỡ thời cơ). Chỉ nói thế thôi…

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x